Chuyển dạ giả thường khiến các bà bầu lo lắng, nhầm lẫn với chuyển dạ thật. Vậy dấu hiệu của chuyển dạ giả là gì? Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này? Mẹ bầu hãy đọc ngay bài viết dưới đây.
Chuyển dạ giả là gì?
Chuyển dạ giả thường có nhiều điểm tương đồng với chuyển dạ thật
Chuyển dạ giả là khi bà bầu trải qua cơn chuyển dạ giống như chuyển dạ thật, nhưng không phải là dấu hiệu chuẩn bị sinh.
Bà bầu có thể gặp phải những cơn chuyển dạ giả này ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ. Đôi khi, chúng được coi là dấu hiệu cho giai đoạn chuyển dạ thật sắp diễn ra.
Dấu hiệu nhận biết chuyển dạ giả
Nhiều bà bầu nhầm lẫn giữa chuyển dạ giả và chuyển dạ thật. Để tránh lo lắng không cần thiết, chú ý đến những dấu hiệu đặc trưng của chuyển dạ giả.
- Cơn đau không đều
- Thời gian giữa các cơn đau thay đổi không đều, đôi khi ngắn hơn, chỉ cách nhau vài phút.
- Chỉ có cơn đau, không có dấu hiệu khác của quá trình sinh nở.
- Cơn đau có thể giống với đau kinh nguyệt, thắt bụng hoặc đau xương chậu.
- Cơn đau có thể giảm khi nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế cơ thể.
- Một số bà bầu cảm thấy giống như chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây ra chuyển dạ giả
Có nhiều nguyên nhân gây ra chuyển dạ giả
Nguyên nhân gây ra chuyển dạ giả bao gồm:
- Vị trí của thai nhi: mẹ bầu có thể dễ gặp chuyển dạ giả nếu thai nhi ở tư thế ngôi mông. Do tử cung cố gắng co thắt để di chuyển thai nhi và sau đó dừng lại nếu không hiệu quả.
- Yếu tố thể chất: khung chậu không bằng phẳng hoặc có bất thường ở tử cung cũng khiến xảy ra chuyển dạ giả.
- Cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi: những cảm xúc lo lắng của mẹ bầu về việc mang thai hoặc những vấn đề khác trong cuộc sống cũng có thể gây ra chuyển dạ giả.
- Tiền sử mang thai: chuyển dạ giả có thể liên quan đến việc tử cung thay đổi sau khi từng mang thai.
- Mất nước: cần uống đủ nước mỗi ngày, việc không uống đủ cũng có thể khiến những cơn chuyển dạ giả xuất hiện thường xuyên hơn.
- Hoạt động quá sức: có thể xuất hiện vào cuối ngày nếu phải đứng quá lâu hoặc vận động quá sức.
- Hoạt động tình dục: khi đạt cực khoái, cơ thể sẽ sản xuất hoocmon oxytocin. Hoocmon này làm cho tử cung co lại.
- Bàng quang đầy: tạo ra áp lực lên tử cung, gây ra những cơn co thắt tử cung hoặc chuột rút.
Phân biệt chuyển dạ giả và chuyển dạ thật
Mẹ bầu cần bình tĩnh nhận biết và phân biệt chuyển dạ giả và thật
Không phải mẹ bầu nào cũng có thể nhận biết được chuyển dạ thật và chuyển dạ giả. Để biết mình đang gặp những cơn gò bụng thông thường hay chuẩn bị sinh, mẹ bầu có thể phân biệt qua những dấu hiệu sau:
Tần suất cơn đau thắt
- Chuyển dạ giả: các cơn co thắt xảy ra không đều và thời gian kéo dài khác nhau.
- Chuyển dạ thật: các cơn co thắt diễn ra đều và kéo dài từ 30 giây đến 70 giây. Càng gần sinh, các cơn co thắt càng gần nhau và cường độ càng tăng lên.
Vị trí của cơn đau
- Chuyển dạ giả: mẹ bầu thường chỉ cảm thấy đau ở phía trước bụng hoặc xương chậu.
- Chuyển dạ thật: các cơn co thắt dữ dội có thể bắt đầu từ lưng dưới và lan đến phía trước bụng. Hoặc cơn đau có thể bắt đầu từ bên trong bụng và lan ra lưng.
Cơn đau khi di chuyển
- Chuyển dạ giả: các cơn co thắt có thể dừng lại khi mẹ bầu đi bộ, nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế cơ thể.
- Chuyển dạ thật: các cơn co thắt vẫn tiếp tục dù mẹ bầu di chuyển hoặc thay đổi vị trí, thậm chí khi cố gắng nghỉ ngơi.
Lợi ích của chuyển dạ giả
Những cơn chuyển dạ giả cũng có thể mang lại những lợi ích như sau:
- Những cơn đau này không khiến tử cung giãn ra mà giúp cơ tử cung săn chắc, đồng thời tăng lượng máu đến thai nhi.
- Hơn nữa, khi xảy ra các cơn chuyển dạ giả này, thai nhi cũng có cơ hội để đổi vị trí thai đến đúng chỗ.
- Đối với nhiều trường hợp, nhờ chuyển dạ giả mà phần đầu của thai nhi được đẩy xuống gần phần eo dưới của khung chậu, giúp quá trình sinh dễ dàng hơn rất nhiều.
Khắc phục triệu chứng chuyển dạ giả
Uống đủ nước cũng là một trong những biện pháp khắc phục cơn gò chuyển dạ giả
Sau khi xác nhận cơn gò chỉ là dấu hiệu của chuyển dạ giả, mẹ bầu có thể thư giãn và không cần áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào. Cụ thể, khi mẹ bầu đau chuyển dạ giả hãy thực hiện:
- Đi tiểu để bàng quang trống
- Uống 3 - 4 ly nước, có thể là nước lọc, sữa bầu, trà thảo mộc, nước trái cây…
- Thay đổi vị trí nằm hoặc ngồi, chẳng hạn di chuyển từ giường ra ghế dài hoặc từ sofa ra ghế tựa…
- Nằm nghiêng về phía bên trái để thúc đẩy lưu lượng máu đến tử cung, thận và nhau thai được tốt hơn.
- Tắm nước ấm và nghe nhạc nhẹ nhàng để giúp tâm trạng thoải mái.
- Massage giảm căng thẳng, giảm đau.
Khi nào cần thăm bác sĩ
Nếu mẹ bầu không chắc chắn về dấu hiệu hiện tại của mình là chuyển dạ giả hay chuyển dạ thật thì hãy đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, khi xuất hiện những trường hợp sau đây thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Máu âm đạo chảy không bình thường
- Nước ối bị vỡ hoặc rỉ ra liên tục.
- Cơn co thắt mạnh kéo dài hơn 5 phút trong mỗi giờ.
- Cơn co thắt gây đau mẹ bầu không thể chịu đựng.
- Em bé trong bụng có sự di chuyển bất thường.
- Bất kỳ triệu chứng co thắt nào trước 37 tuần thai
Tổng hợp các câu hỏi liên quan đến chuyển dạ giả
Chuyển dạ giả không gây nguy hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi
Cần bao lâu để thai sinh sau khi có dấu hiệu chuyển dạ giả?
Khó xác định chính xác sau chuyển dạ giả bao lâu em bé sẽ chào đời. Điều này không phải là dấu hiệu của việc sinh nở.
Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ tuần thứ 6, 7 đến tháng thứ 8, 9. Mẹ bầu cần phân biệt dấu hiệu chuyển dạ giả và thật để có cách xử trí phù hợp.
Chuyển dạ giả có nguy hiểm không?
Chuyển dạ giả hoàn toàn bình thường và không gây nguy hiểm. Do đó, mẹ bầu không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu không thể phân biệt được hai loại chuyển dạ, có thể đang trải qua chuyển dạ giả nhưng lại nghĩ là thật và ngược lại. Vì vậy, nếu mẹ bầu phát hiện các dấu hiệu sau, cần nhập viện ngay:
- Máu âm đạo chảy
- Màng ối vỡ
- Thai nhi cử động ít hơn 8 lần trong 2 giờ hoặc không cử động
- Đau lan ở lưng dưới và vùng bụng, đau ngày càng tăng
- Cơn gò càng mạnh và kéo dài
- Thay đổi tư thế nhưng không làm dịu cơn gò
- Khó thở hoặc đau ngực
Cách phòng ngừa chuyển dạ giả là gì?
Thực tế là không có cách ngừa tuyệt đối chuyển dạ giả. Mỗi mẹ bầu đều sẽ trải qua chuyển dạ giả ít nhất một vài lần. Nếu kiểm soát tốt, mẹ bầu có thể giảm bớt tần suất xuất hiện của các cơn gò chuyển dạ giả. Để làm điều này, mẹ bầu nên:
- Uống đủ nước: ít nhất 2L – 2,5L/ngày;
- Tránh vận động mạnh, không tập các bài thể dục cường độ cao. Chọn những môn thể thao có ích như yoga, bơi lội, đi bộ nhẹ nhàng… tránh đứng lâu trong ngày.
- Không nên nhịn tiểu để giảm áp lực cho bàng quang
- Trong những tháng cuối thai kỳ, hạn chế sinh hoạt tình dục
- Khám thai định kỳ theo lịch để theo dõi sức khỏe mẹ và bé, cũng như sớm phát hiện dấu hiệu bất thường trong thai kỳ.
Chuyển dạ giả giúp mẹ bầu quen dần với các cơn chuyển dạ thật, để chuẩn bị cho việc sinh con thuận lợi hơn và là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Mẹ bầu cần nắm vững nhận biết dấu hiệu chuyển dạ giả và thật để tránh lo lắng và xử trí đúng cách.
Lưu ý rằng các thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Để có thông tin chính xác nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia.
Ngọc Hà tóm tắt