1. Những dấu hiệu đặc trưng khi trẻ bị Viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi. Nó xảy ra khi niêm mạc ống dẫn khí bị viêm nhiễm, gây sưng và làm hẹp lối thông khí. Ngoài ra, viêm phế quản còn gây kích thích sản xuất đờm và chất nhầy, làm tắc nghẽn ống dẫn khí, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ và gây ra tình trạng thở khò khè.
Thở khò khè là dấu hiệu cho thấy đường hô hấp của trẻ đang gặp khó khăn
Ngoài bé thở khò khè vì viêm phế quản, trẻ mắc viêm phế quản cũng có các dấu hiệu nhận biết sau:
Sốt
Sốt là biểu hiện của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm. Trong viêm phế quản, sốt có thể từ nhẹ đến nặng.
Mệt mỏi
Sốt cao và ho nhiều khiến trẻ mệt mỏi, không muốn ăn uống, cơ thể yếu... Điều này cùng với khó thở và thở khò khè làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Ho
Ban đầu, trẻ có thể ho khô, sau đó là ho có đờm. Đờm có thể có màu trắng hoặc xanh, vàng. Đây là điều mà bậc phụ huynh nên chú ý.
Ho là một trong những dấu hiệu đặc trưng của viêm phế quản ở trẻ
Thở nhanh
Không chỉ thở khò khè, viêm phế quản còn làm giảm diện tích đường thở, khiến trẻ phải thở nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu oxy của phổi.
Rút lõm lồng ngực
Triệu chứng này được sử dụng để đánh giá mức độ khó thở của trẻ. Đây là biến chứng của suy hô hấp do viêm phế quản, biến chứng này rất nguy hiểm, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
2. Các biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm phế quản và thở khò khè
Đa số trường hợp trẻ mắc viêm phế quản và thở khò khè có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị sớm đúng cách.
Nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
Suy hô hấp
Khó thở và thở khò khè kéo dài, đặc biệt khi đờm tích tụ ngày càng nhiều làm cho việc thở trở nên khó khăn, không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết. Khi đó, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng như rút lõm lồng ngực, thở nhanh, cánh mũi phập phồng và các dấu hiệu của thiếu oxy.
Viêm phổi
Viêm phế quản có thể phát triển và lan rộng nhiễm trùng, đặc biệt là gây ra viêm phổi. Khi đó, phổi sẽ trở nên xơ hóa và tái cấu trúc, dẫn đến nguy cơ tái phát viêm nhiễm nhiều lần.
Nhiễm khuẩn huyết
Vi khuẩn xâm nhập vào máu dễ dàng tấn công vào nhiều cơ quan nội tạng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Viêm phế quản có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết
Nếu trẻ có các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay: thở nhanh, nhịp tim tăng cao, sốt cao không hạ được bằng thuốc, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tâm thần, đau bụng, rùng mình,...
3. Chăm sóc và điều trị bé bị viêm phế quản thở khò khè
3.1. Điều trị
Bệnh do virus thường được điều trị giảm triệu chứng như sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc làm loãng đờm và mở rộng đường thở giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, ngăn ngừa các biến chứng. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản do virus sẽ tự khỏi, việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Ngược lại, bệnh do vi khuẩn gây ra cần phải được điều trị bằng kháng sinh với liều lượng và tần suất sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh, cân nặng, độ tuổi và sức khỏe của trẻ. Bệnh do vi khuẩn thường gây ra các biến chứng nặng hơn so với bệnh do virus nên cần phải được theo dõi cẩn thận, và nếu nghiêm trọng có thể đưa trẻ nhập viện.
3.2. Chăm sóc
Bên cạnh việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản cũng vô cùng quan trọng, giúp trẻ phục hồi nhanh chóng hơn. Trong giai đoạn này, trẻ thường suy kiệt sức khỏe, dễ mất nước do sốt cao và sức đề kháng yếu, cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc
3.2.1. Thực phẩm cần bổ sung cho trẻ
Cung cấp cho trẻ bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn như tôm, cá, chất béo lành mạnh như chất béo thực vật và cá hồi, rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, trẻ cần uống đủ nước lọc để giảm sốt và tránh tình trạng mất nước. Đặc biệt đối với trẻ bị sốt cao và tiêu chảy, nên bổ sung oresol để điều chỉnh cân bằng điện giải.
3.2.2. Thực phẩm trẻ nên tránh
Các nhóm thực phẩm sau đây nên hạn chế cho trẻ ăn khi đang mắc bệnh:
-
Nước ngọt có gas có thể làm tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn, gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
-
Bánh kẹo và thực phẩm có nhiều đường.
-
Thức ăn giàu chất xơ khó tiêu hóa và ít dinh dưỡng, không chỉ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mà còn làm cho hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn.
3.2.3. Cách chế biến và lên menu bữa ăn cho trẻ
Trẻ khi mắc bệnh thường cảm thấy chán ăn, cơ thể mệt mỏi và khả năng hấp thu thức ăn kém, do đó cần chế biến các món ăn và thiết kế bữa ăn sao cho phù hợp:
-
Chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa trong ngày, với lượng thức ăn giảm để giúp trẻ dễ hấp thu hơn.
-
Chế biến thức ăn thành dạng cháo, nước, hoặc bột nhừ, dễ tiêu hóa và hấp thu.
Nên chế biến các món ăn thành dạng lỏng để trẻ dễ dàng ăn hơn
Trẻ bị viêm phế quản thở khò khè có thể hoàn toàn được điều trị mà không gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ có đầy đủ kiến thức, biết phát hiện bệnh sớm và đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả. Cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của bệnh, đặc biệt là khả năng thở của trẻ, và đưa trẻ đến bệnh viện nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nặng hơn hoặc không phản ứng với điều trị.