

Cơ tam đầu cánh tayTriceps | |
---|---|
Cơ tam đầu cánh tay nhìn từ đằng sau. | |
Cơ tam đầu cánh tay nhìn từ đằng sau. 3 màu khác nhau tượng trưng cho 3 đầu của cơ. Đầu dài. Đầu ngoài. Đầu trong. | |
Chi tiết | |
Nguyên ủy | Đầu dài: củ dưới ổ chảo xương vai Đầu ngoài: trên rãnh thần kinh quay Đầu trong: dưới rãnh thần kinh quay |
Bám tận | Mỏm khuỷu của xương trụ |
Động mạch | Động mạch cánh tay sâu, động mạch mũ cánh tay trước (chỉ cấp máu cho đầu dài) |
Dây thần kinh | Thần kinh quay |
Hoạt động | duỗi cẳng tay, duỗi, khép cánh tay, duỗi vai, |
Cơ đối vận | Cơ tam đầu cánh tay |
Định danh | |
Latinh | Musculus triceps brachii |
TA | A04.6.02.019 |
FMA | 37688 |
Thuật ngữ giải phẫu của cơ [Chỉnh sửa cơ sở dữ liệu Wikidata] |
Cơ tam đầu cánh tay, thường được gọi tắt là cơ tam đầu (trong thể hình thường gọi là cơ bắp tay sau, tiếng Anh: triceps, triceps brachii, có nghĩa là 'cơ ba đầu' trong tiếng Latinh), là một cơ bắp lớn nằm ở mặt sau của cánh tay trên ở nhiều loài động vật có xương sống. Cơ này chủ yếu chịu trách nhiệm cho việc duỗi thẳng khuỷu tay (cánh tay).
Cấu trúc
Đầu dài bắt nguồn từ củ dưới ổ chảo của xương vai. Khi di chuyển về phía đầu xa của chi trên, đầu dài cơ tam đầu nằm phía trước cơ tròn bé và phía sau cơ tròn lớn.

Chú thích:
Triceps brachii muscle: Cơ tam đầu cánh tay
Radial nerve: Thần kinh quay
Humerus: Xương cánh tay
Biceps brachii: Cơ nhị đầu cánh tay
Coracobrachialis: Cơ quạ - cánh tay
Median nerve: Thần kinh giữa
Brachial artery: Động mạch cánh tay
Ulnar nerve: Thần kinh trụ
Basilic vein: Tĩnh mạch nền
Đầu trong bắt nguồn từ mặt sau của xương cánh tay, ngay dưới rãnh thần kinh quay; từ vách gian cơ trong và vách gian cơ ngoài. Đầu trong khó quan sát vì bị các đầu ngoài và đầu dài che khuất, chỉ có thể thấy ở đoạn đầu xa của xương cánh tay.
Đầu ngoài có nguyên ủy từ mặt sau của xương cánh tay, phía ngoài, gần rãnh thần kinh quay, từ củ lớn đến vùng vách gian cơ ngoài.
Mỗi đầu của cơ tam đầu có sợi cơ vận động riêng biệt, được xuất phát từ cột vận động của tủy sống. Đầu trong chủ yếu được tạo bởi các sợi cơ vân loại I, đầu ngoài hình thành từ sợi cơ vân loại IIb, trong khi đầu dài là sự kết hợp của cả hai loại sợi cơ vân. Một số ý kiến cho rằng mỗi đầu của cơ có thể được xem như một cơ độc lập với chức năng và vai trò riêng.
Các sợi cơ từ các đầu tập hợp lại thành một gân duy nhất bám vào mỏm khuỷu của xương trụ (mặc dù một số nghiên cứu cho rằng có thể có nhiều gân hơn) và vào mặt sau của bao khớp khuỷu, nơi có chứa túi hoạt dịch. Gân của cơ tam đầu cánh tay hòa vào mạc của cẳng tay, có thể bao phủ gần như toàn bộ cơ khuỷu.
Chi phối thần kinh
Cả ba đầu của cơ tam đầu đều được cho là do dây thần kinh quay điều khiển. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2004 cho thấy trong số 20 mẫu tử thi và 15 ca giải phẫu trên người tình nguyện, tất cả các trường hợp đều có đầu dài được chi phối bởi một nhánh của thần kinh nách.
Biến thể
Có nhiều trường hợp cho thấy cơ có nguồn gốc từ 'cung gân' (gân của cơ lưng rộng). Trong một số ít trường hợp, đầu dài có thể xuất phát từ bờ ngoài của xương vai và bao khớp vai.
Chức năng

Cơ tam đầu có chức năng chính là duỗi khớp khuỷu tay và hoạt động như cơ đối kháng với cơ nhị đầu và cơ cánh tay. Nó giúp ổn định khớp khuỷu khi cánh tay và bàn tay di chuyển, chẳng hạn khi viết. Đầu dài được cho là có khả năng duy trì lực lâu dài hoặc kiểm soát các động tác phối hợp của vai, khuỷu tay, hoặc cả hai. Đầu ngoài thực hiện các chuyển động cần lực cao trong thời gian ngắn, trong khi đầu trong điều khiển các chuyển động chính xác hơn với lực ít hơn.
Vì đầu dài của cơ tam đầu bắt nguồn từ xương bả vai, nó cũng ảnh hưởng đến khớp vai và hỗ trợ động tác khép cánh tay. Cơ này giúp cố định khớp vai ở đầu gần của xương cánh tay.
Luyện tập cơ tam đầu

Cơ tam đầu được kích hoạt qua các bài tập duỗi thẳng khuỷu tay độc lập (isolation) hoặc phối hợp (compound), hoặc giữ cánh tay thẳng chống lại trọng lực của tạ.
Các bài tập độc lập cho cơ tam đầu bao gồm cable push-downs, lying triceps extensions và arm extensions. Các bài tập phối hợp để duỗi khuỷu tay gồm chống đẩy, bench press, close grip bench press (trên ghế phẳng hoặc nghiêng), military press và dips.
Các bài tập cơ tam đầu như pullover, straight-arm pulldown và bent-over lateral raise cũng được áp dụng để phát triển cơ delta và cơ lưng rộng.
Việc thực hiện đầy đủ biên độ co cơ tam đầu là rất quan trọng. Vì cơ này bám vào hai khớp (khuỷu tay và khớp vai), phương pháp luyện tập hiệu quả nhất là thực hiện các động tác duỗi thẳng hoàn toàn khuỷu tay với cánh tay ở phía sau cơ thể, giúp co gần như hoàn toàn đầu dài của cơ tam đầu.
Trường hợp rách cơ tam đầu rất hiếm gặp, thường chỉ xảy ra ở những người sử dụng steroid đồng hóa.
Ý nghĩa lâm sàng
Khi cơ tam đầu bị kích thích, phản xạ cơ tam đầu sẽ được kích hoạt. Phản xạ này thường được sử dụng để đánh giá chức năng của các sợi thần kinh ở cánh tay, đặc biệt là thần kinh sống C7, cùng với C6.
Lịch sử
Từ nguyên
Từ tiếng Latin: triceps brachii (trong đó tri có nghĩa là ba và ceps xuất phát từ
Động vật
Ở ngựa, tỷ lệ phân bổ của các đầu cơ tam đầu là 84% cho đầu dài, 15% cho đầu ngoài và 3% cho đầu trong.
Nhiều loài động vật có vú như chó, bò và lợn còn có một đầu phụ thứ tư nằm giữa đầu ngoài và đầu trong. Ở người, cơ khuỷu đôi khi được coi là 'đầu phụ của cơ tam đầu'.
Hình ảnh bổ sung




Các liên kết bên ngoài
- Mẫu:MuscleUWash
- Ảnh giải phẫu: 06:11-0100 từ Trung tâm Y tế ngoại ô SUNY
- Ảnh lưu trữ tại Wayback Machine từ Đại học Ithaca (2013-05-10)
- Sách tham khảo
- Frank H.Netter, MD (2017). Atlas Giải phẫu người, Phiên bản tiếng Việt (ấn bản lần thứ 6). Nhà xuất bản Y học, ELSEVIER. ISBN 978-604-66-1320-6.
- Frank H.Netter, MD (2017). Atlas of Human Anatomy (ấn bản lần thứ 7). ELSEVIER MASSON. ISBN 978-604-66-1320-6.
- Frank H.Netter, MD (2017). Atlas d'anatomie humaine (ấn bản lần thứ 5). ELSEVIER MASSON. ISBN 978-229-47-1297-5.
- Bài giảng Giải phẫu học, PGS Nguyễn Quang Quyền, tái bản lần thứ 15
- PGS.TS Nguyễn Quang Huy (2017). Giải phẫu người (ấn bản lần thứ 2). Nhà xuất bản Y học. ISBN 978-604-66-2933-7.
- Phiên bản trực tuyến của sách Gray's Anatomy — Giải phẫu cơ thể người, Gray, tái bản lần thứ 20 (1918).
- Gray's Anatomy, tái bản lần thứ nhất, năm 1858 (liên kết tới file PDF)
Cơ chi trên | |||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Vai |
| ||||||||||||||||
Cánh tay (Các ô mạc cánh tay) |
| ||||||||||||||||
Cẳng tay |
| ||||||||||||||||
Bàn tay |
|