Theo các nghiên cứu, từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã bắt đầu có thói quen mút tay từ tuần thứ 32 của thai kỳ trở đi, thậm chí có thể sớm hơn. Việc thấy hình ảnh siêu âm của thai nhi mút ngón tay không còn là điều bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi chào đời, việc trẻ vẫn tiếp tục thói quen này đôi khi khiến phụ huynh lo lắng.
Vậy việc con cái mút tay có ảnh hưởng gì không? Có cần phải ngăn cản, không cho trẻ mút tay không? Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề này qua góc nhìn của bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo.
Lý do và ý nghĩa của việc trẻ thích mút tay
Mút tay giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc cả đêm. Ảnh: freepik
Mút là một phản xạ tự nhiên của trẻ, có từ trước khi bé sinh ra. Hành động mút ở trẻ sơ sinh không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống mà còn có ý nghĩa quan trọng khác.
Việc mút không yêu cầu dưỡng chất (như mút tay) không có nghĩa là bé đang trải qua stress, đói kém hoặc thiếu tình cảm. Mút không yêu cầu dưỡng chất là một hành vi gần như tự nhiên của trẻ, giúp bé cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng và một cách nào đó hỗ trợ phát triển tâm lý, tình cảm cũng như sự tự lập từ khi còn nhỏ.
Các bé thích mút tay thường dễ dàng vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn so với các bé không mút tay.
Bài viết liên quan:
Khi bé ngừng thói quen mút tay?
Hành vi mút tay thường phổ biến nhất ở bé từ 3 tháng tuổi và nếu không có sự can thiệp của ba mẹ, hành vi này sẽ tiếp tục đến khi bé được khoảng 7 tháng tuổi. Sau thời điểm này, bé thường sẽ tự ngừng và dừng mút tay.
Đến 1 tuổi, có 94% bé sẽ ngừng hoàn toàn thói quen mút tay. Ảnh: freepik
Bác sĩ T. Berry Brazelton (Mỹ) thực hiện một nghiên cứu quan sát về thói quen mút tay ở bé từ khi chào đời mà không có sự can thiệp của ba mẹ. Ông chỉ ra rằng, đến 1 tuổi, có 94% bé sẽ ngừng hoàn toàn thói quen mút tay và chỉ có 4% bé tiếp tục mút tay sau 2 tuổi.
Với những bé vẫn tiếp tục thói quen mút tay lâu dài, việc đi học và áp lực từ bạn bè sẽ giúp bé tự ngừng thói quen mút tay.
Có nên ngăn bé mút tay?
Ba mẹ đừng quá quan tâm đến việc bé mút tay, càng để ý nhiều sẽ càng không tốt. Ảnh: freepik
Một điều bất ngờ từ các nghiên cứu là bé sẽ tiếp tục thói quen mút tay càng lâu và nhiều hơn khi ba mẹ càng ngăn cản và để tâm đến. Điều này có nghĩa là khi bé bị can thiệp quá nhiều vào hành vi “tự thỏa mãn”, bản năng ban đầu có thể bị chuyển hướng. Từ đó, tạo ra hành vi tìm kiếm sự quan tâm từ người chăm sóc, khiến nó biến đổi và mất đi giá trị tự nhiên, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bé và người chăm sóc.
Vì thế, bác sĩ Huyên Thảo có lời khuyên dành cho ba mẹ là: đừng quá quan tâm đến việc bé mút tay, càng để ý nhiều sẽ càng không tốt.
Ba mẹ thường lo lắng rằng việc bé mút tay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé sau này. Tuy nhiên, hành vi mút tay chỉ thực sự ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn – thường khi bé chuẩn bị vào lớp 1.
Hội đồng Nhi khoa Mỹ khuyến nghị rằng chỉ cần can thiệp vào hành vi mút tay nếu sau 5 tuổi bé vẫn tiếp tục thói quen này.
Nếu bé thích thú và vui vẻ khi mút tay, ba mẹ hãy vui vẻ cùng bé. Đây là một hành vi tự nhiên, có ích cho bé, không nên coi đó là một hành vi gây phiền toái cần phải thay đổi. Đừng để ba mẹ và bé trở thành nạn nhân của sự quan tâm quá mức, chi tiết không đáng có từ phía ba mẹ.
Ngọc Hà tổng hợp từ sách 'Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng' của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo