Trong lĩnh vực kinh tế học, đường cầu (tiếng Anh: demand curve) là biểu đồ thể hiện mối quan hệ giữa lượng cầu (số lượng hàng hóa mà người tiêu dùng sẵn sàng và có khả năng mua) với từng mức giá cụ thể. Đường cầu được xác định dựa trên bảng biểu cầu (demand schedule) - bảng liệt kê số lượng cầu tại các mức giá khác nhau. Đường cầu thị trường là tổng hợp của các đường cầu cá nhân (dựa trên bảng biểu cầu thị trường - tổng hợp của các bảng biểu cầu cá nhân).
Đường cầu giúp dự đoán hành vi trong các thị trường cạnh tranh hoàn hảo (nơi không ai có quyền quyết định giá thị trường) và thường được kết hợp với đường cung để xác định giá cân bằng (equilibrium price - hay còn gọi là giá thị trường), sản lượng cân bằng (equilibrium quantity - sản lượng tại đó lượng cung bằng lượng cầu, không có tình trạng dư thừa hay thiếu hụt) hay chính xác hơn là điểm cân bằng (giao điểm của đường cung và đường cầu). Đối với thị trường độc quyền, đường cầu của công ty độc quyền chính là đường cầu thị trường.
Đặc điểm
Theo quy ước, đường cầu được vẽ trên mặt phẳng với trục hoành là Q (quantity - lượng cầu) và trục tung là P (price - giá cả) theo hàm cầu có dạng: Q=aP + b (với a < 0).
Đường cầu là đường dốc xuống từ trái sang phải, phản ánh quy luật cầu 'Khi giá của hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài nguyên tăng, lượng cầu giảm và ngược lại.' Đường cầu liên quan đến đường thỏa dụng biên vì giá mà người tiêu dùng sẵn sàng trả dựa vào độ tiện ích của hàng hóa đó. Tuy nhiên, cầu của một cá nhân phụ thuộc trực tiếp vào thu nhập của họ, trong khi độ thỏa dụng thì không. Do đó, đường cầu có thể thay đổi không trực tiếp với sự biến động của cầu các hàng hóa khác (thay thế hoặc bổ sung).
Đường cầu tuyến tính
Đường cầu thường được biểu diễn dưới dạng một đường thẳng dốc xuống theo hàm cầu: Q=aP + b (Q là lượng cầu, P là giá, và a-b là các tham số với a < 0). Giá trị b cho thấy các yếu tố khác ảnh hưởng đến đường cầu ngoài giá cả. Chẳng hạn, nếu thu nhập tăng, b sẽ thay đổi và làm đường cầu dịch chuyển. Hằng số a cho biết độ dốc của đường cầu và ảnh hưởng của giá cả đến lượng cầu.
Hàm số cầu có thể chuyển đổi từ dạng theo biến P - Q(P) sang dạng theo biến Q - P(Q). Nếu hàm số theo biến P là Q = aP + b, thì hàm số theo biến Q sẽ là P = Q/a - b/a.
Theo cách đơn giản hơn với hàm số P = a - bQ; 'a' là điểm cắt trên trục Oy khi đường cầu tiếp cận trục này; 'b' là độ dốc của đường cầu, Q là lượng cầu và P là giá cả.
Di chuyển của đường cầu
Sự dịch chuyển của đường cầu xảy ra khi các yếu tố khác không thay đổi. Một thay đổi trong các yếu tố không nằm trên đồ thị cầu (khác với giá) sẽ tạo ra một đường cầu mới, dẫn đến sự dịch chuyển từ đường cầu cũ. Những yếu tố ngoài giá bao gồm thu nhập (hàng hóa thông thường và hàng hóa thứ cấp), giá các hàng hóa liên quan (hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung), kỳ vọng, thị hiếu và số lượng người tiêu dùng. Ví dụ, thời tiết có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về bia trong một trận đấu bóng chày dù giá bia không thay đổi.
Thu nhập
Nếu hàng hóa là một hàng hóa thông thường, khi thu nhập tăng, lượng cầu cho hàng hóa đó cũng tăng (và ngược lại), tuân theo quy luật đồng biến. Ví dụ về hàng hóa thông thường bao gồm quần áo, sản phẩm công nghệ, v.v.
Nếu hàng hóa là hàng hóa thứ cấp (inferior goods), khi thu nhập tăng, lượng cầu cho hàng hóa thứ cấp sẽ giảm (và ngược lại), theo quy luật nghịch biến. Ví dụ về hàng hóa thứ cấp có thể bao gồm bữa ăn cơm bụi, mì gói, v.v.
Giá của hàng hóa liên quan
Khi hai loại hàng hóa là hàng hóa thay thế (substitutes), sự giảm giá của một loại hàng sẽ dẫn đến sự giảm cầu của loại hàng còn lại (và ngược lại). Ví dụ, kem và sữa chua là hai loại hàng hóa thay thế; nếu giá kem giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng kem nhiều hơn, làm giảm cầu của sữa chua.
Nếu hai loại hàng hóa là hàng hóa bổ sung (complements), việc giảm giá của một hàng hóa sẽ làm tăng lượng cầu của hàng hóa còn lại (và ngược lại). Ví dụ, kem và sô cô la lỏng là hai hàng hóa thường dùng chung; khi giá kem giảm, người tiêu dùng sẽ mua nhiều kem hơn và cùng với đó là sô cô la lỏng, dẫn đến việc tăng cầu cho sô cô la lỏng.
Thị hiếu
Yếu tố sở thích có ảnh hưởng rõ rệt đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Chẳng hạn, nếu một cá nhân và gia đình của họ yêu thích kem, họ sẽ có xu hướng mua nhiều kem hơn. Các nhà kinh tế học thường không giải thích sâu về sở thích của người tiêu dùng vì đó là lĩnh vực thuộc về văn hóa và tâm lý, mà họ chỉ tập trung vào việc phân tích ảnh hưởng của sở thích đối với đường cầu.
Kỳ vọng
Kỳ vọng có thể tác động đến sức mua và nhu cầu thị trường. Ví dụ, nếu một người dự đoán rằng lương tháng tới sẽ tăng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Ngược lại, nếu có dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế, sức mua sẽ giảm đáng kể.
Số lượng người mua
Ngoài những yếu tố đã đề cập, số lượng người mua cũng ảnh hưởng đến nhu cầu trên thị trường. Khi có nhiều người tham gia mua sắm hơn, nhu cầu thị trường sẽ tăng lên ở mọi mức giá.
Sự di chuyển dọc theo đường cầu
Sự di chuyển dọc theo đường cầu xảy ra khi sự thay đổi của giá cả dẫn đến thay đổi trong lượng cầu. Quan trọng là phải phân biệt sự di chuyển dọc theo đường cầu (do thay đổi giá) và sự dịch chuyển của đường cầu (do các yếu tố khác ngoài giá). Sự di chuyển dọc theo đường cầu chỉ xảy ra khi giá thay đổi làm thay đổi lượng cầu. Ngược lại, sự dịch chuyển đường cầu xảy ra khi các yếu tố khác ngoài giá làm thay đổi lượng cầu. Các yếu tố ngoài giá là phần của hàm cầu, gộp lại thành đoạn chắn trên đường cầu tuyến tính, do đó bất kỳ sự thay đổi nào ở các yếu tố khác giá đều làm đường cầu dịch chuyển dọc theo trục Ox.
Đơn vị
Trục giá (trục Oy) được đo bằng đơn vị tiền tệ (đô la, VND, nhân dân tệ,...) trong khi trục lượng (trục Ox) được đo bằng khối lượng (tấn, kg, tạ,...).
Độ co giãn của cầu theo giá
Độ co giãn của cầu theo giá (Price Elasticity of Demand) đo lường mức độ thay đổi của lượng cầu khi giá hàng hóa biến động. Ví dụ, nếu PED = -2, nghĩa là khi giá tăng 1%, lượng cầu sẽ giảm 2%. Độ co giãn của cầu theo giá có thể tính bằng hai phương pháp. Phương pháp truyền thống là PED = % thay đổi lượng cầu / % thay đổi giá. Phương pháp thứ hai là phương pháp trung điểm, với công thức PED = (Q2 - Q1) / [(Q1 + Q2) / 2] / (P2 - P1) / [(P2 + P1) / 2]. Độ co giãn của cầu theo giá thường được lấy giá trị tuyệt đối dù kết quả có thể âm.
Nếu PED nằm trong khoảng từ 0 đến 1, đường cầu gần như không co giãn. Khi PED = 1, đường cầu có tính co giãn tương đối và nếu PED > 1, đường cầu có tính co giãn mạnh mẽ. Khi PED = ∞, đường cầu được coi là hoàn toàn co giãn. Đường cầu co giãn ít cho thấy mức độ phản ứng của người tiêu dùng với sự thay đổi giá là chậm, lượng cầu hầu như không thay đổi khi giá tăng hoặc giảm. Ngược lại, đường cầu co giãn nhiều phản ánh sự phản ứng nhanh chóng của người tiêu dùng, sẵn sàng ngừng mua nếu giá tăng quá cao. PED có thể khác nhau tùy thuộc vào việc sản phẩm là thiết yếu hay xa xỉ, trong ngắn hạn hay dài hạn, hoặc theo định nghĩa thị trường về loại sản phẩm đó.
Thuế và trợ cấp
Việc áp dụng thuế lên sản phẩm không làm thay đổi trực tiếp đường cầu nếu giá hàng hóa đã bao gồm thuế. Tương tự, tiền trợ cấp cũng không trực tiếp làm thay đổi đường cầu nếu giá đã bao gồm trợ cấp.
Nếu giá hàng hóa chưa bao gồm thuế, đường cầu sẽ dịch chuyển sang phải khi có trợ cấp và dịch chuyển sang trái khi có thuế.
- Nhu cầu thị trường
- Nguyên lý nhu cầu
- Quan hệ giữa cầu và cung
- Ảnh hưởng của thuế và trợ cấp đối với nhu cầu