1. Những đối tượng nào có thể mắc sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính được gây ra bởi virus Dengue và được truyền bởi muỗi vằn Aedes Aegypti. Muỗi cái sẽ hút máu từ người mang virus, sau đó nó sẽ chích vào người khác không mang virus, lây nhiễm virus cho người đó, khiến cho người đó mắc bệnh. Thậm chí, một con muỗi có thể lây bệnh cho nhiều người qua những vết chích của nó.
sốt xuất huyết có thể lây truyền cho cả người lớn và trẻ em với những dấu hiệu tương tự
Đối với những người mắc chứng béo phì hoặc các bệnh lý khác, biến chứng từ sốt xuất huyết có thể nghiêm trọng hơn. Virus này gây xuất huyết trong cơ thể, khiến cho những cơ quan nội tạng đã suy yếu bởi bệnh lý trước đó trở nên dễ bị tổn thương hơn, từ đó tăng nguy cơ biến chứng và di chứng sau khi bệnh khỏi.
2. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt thông thường
Để biết được con người có thể mắc sốt xuất huyết bao nhiêu lần trong cuộc đời, trước hết cần phải phân biệt sốt xuất huyết và sốt thông thường.
3 giai đoạn phát triển của sốt xuất huyết:
-
Trong 2 - 3 ngày đầu: Biểu hiện của sốt xuất huyết giống với các loại sốt virus khác như nhiệt độ cơ thể cao từ 39 - 40 độ liên tục, mệt mỏi, sốt li bì, đau đầu,... Một số người có thể chỉ sốt nhẹ hoặc không có triệu chứng. Cách tốt nhất để phát hiện sốt xuất huyết là đến cơ sở y tế để xét nghiệm.
-
Từ hết ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Triệu chứng bệnh sẽ nặng hơn: tiểu cầu hạ, cô đặc máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu đen. Các vết ban đỏ thành xuất huyết dưới da, chảy máu nội tạng, buồn nôn,... Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
-
Từ ngày thứ 7: Đây là giai đoạn hồi phục của bệnh, các triệu chứng sẽ giảm và biến mất, tuy nhiên các nốt mẩn phát ban trên da sẽ lưu lại trong một vài ngày.
Giai đoạn đầu mắc sốt xuất huyết có triệu chứng giống các loại sốt virus thông thường
Các loại sốt virus khác:
Khi nhiễm phải virus gây sốt, nhiệt độ của cơ thể bệnh nhân sẽ tăng cao, nhưng không phải là sốt liên tục mà thay vào đó, là từng cơn. Cùng với đó, sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau họng, ho kèm đàm, sổ mũi, và đau nhức toàn thân,...
Dựa vào những dấu hiệu đã nêu, có thể nhận biết được sốt do virus với những biểu hiện tương tự như giai đoạn đầu của sốt xuất huyết. Vì vậy, nếu không cẩn thận, nhiều người có thể không đi kiểm tra mà tự chữa trị tại nhà. Để đảm bảo, nếu nghi ngờ mình có thể bị sốt xuất huyết, người bệnh nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và thực hiện xét nghiệm. Khi kết quả xét nghiệm công thức máu của bệnh nhân cho thấy số lượng tiểu cầu và bạch cầu giảm, thì kết quả xét nghiệm kháng nguyên Test Dengue sẽ là dương tính (+), ngược lại, nếu số lượng tiểu cầu và bạch cầu không giảm, kết quả xét nghiệm sẽ là âm tính, chỉ là sốt do virus thông thường.
Xét nghiệm Dengue có thể giúp phát hiện người bệnh có mắc sốt xuất huyết hay không
Khác với các loại sốt virus khác, sốt xuất huyết sẽ tấn công cơ thể người bệnh khi biểu hiện sốt bắt đầu giảm dần, trong khi sốt thông thường, bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn khi dần hạ sốt. Đây là lý do tại sao, sốt xuất huyết được xem là kẻ thù nguy hiểm và lặng lẽ nhất.
3. Một người có thể bị sốt xuất huyết tối đa bao nhiêu lần trong đời?
Thường thì, khi cơ thể bị nhiễm virus gây bệnh, hệ miễn dịch sẽ phát triển kháng thể chống lại virus đó và cơ thể sẽ miễn dịch với nó vĩnh viễn, như trong trường hợp của thuỷ đậu và sởi. Vì vậy, có nhiều người bệnh thắc mắc liệu họ có thể bị sốt xuất huyết bao nhiêu lần trong đời? Hoặc nếu đã từng mắc bệnh thì có khả năng mắc lại không? Thực tế, trong trường hợp của sốt xuất huyết, virus Dengue là nguyên nhân chính gây bệnh và có 4 biến thể khác nhau, được gọi là 4 loại D1, D2, D3, D4. Khi nhiễm virus Dengue, có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1:
Có thể lần đầu tiên nhiễm bệnh chỉ là nhiễm phần nhẹ, khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết, nhưng bệnh nhân chỉ bị ở dạng nhẹ và sớm hồi phục. Lần tiếp theo, người bệnh vẫn có thể mắc lại sốt xuất huyết do cùng chủng virus trước đó gây ra, thậm chí, khi mắc lần thứ hai, bệnh có thể nặng hơn lần đầu.
Trường hợp 2:
Như đã phân tích ở trên, do virus Dengue có 4 loại D1, D2, D3, D4 nên mỗi lần mắc bệnh là do một loại virus khác nhau. Vì vậy, sau khi mắc sốt xuất huyết, nguy cơ mắc lại là rất cao, vì cơ thể chỉ mới sản sinh kháng thể chống lại (các) loại virus đã từng mắc và còn không quen thuộc với các loại còn lại. Do đó, khi mắc các loại virus khác nhau, cơ thể trở nên yếu đuối hơn do các đợt tấn công của loại virus sau thường mạnh mẽ hơn loại virus trước.
Virus Dengue gây bệnh chủ yếu được biết đến với 4 loại biến thể khác nhau gồm D1, D2, D3, D4
Sốt xuất huyết đang trở thành mối đe dọa ám ảnh với tính chất lặp lại theo chu kỳ hàng năm. Một người có thể mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời, nhưng hầu hết mọi người thường mắc từ 2 đến 3 lần, chỉ có rất ít người mắc lần thứ 4.
Theo một báo cáo nghiên cứu khoa học gần đây, virus Dengue đã biến chủng thành loại thứ 5 nhưng chưa có bằng chứng cho thấy muỗi Aedes vẫn làm vật trung gian truyền nhiễm mà thay vào đó là các loài khỉ. Hiện trên thế giới, ghi nhận rất ít các trường hợp nhiễm loại virus Dengue thứ 5, vì vậy cần thêm thời gian để nghiên cứu và đề xuất phương án điều trị hợp lý nếu loại virus thứ 5 có khả năng tham gia vào bộ tứ còn lại gây ra đại dịch sốt xuất huyết.