Đó là vào khoảng giữa những năm 1990 khi Gavriel Iddan đang ngồi trong một cuộc họp với một nhóm các nhà đầu tư triển vọng. Ý tưởng được đưa ra là một chiếc camera và một bộ phận phát sóng không dây nhỏ gọn gần như viên thuốc bổ (viên con nhộng) có thể 'đi dạo' trong ruột và cung cấp hình ảnh bên trong hệ tiêu hóa.
Ý tưởng đã từng bị chế nhạo và phải bỏ lại sau 10 năm
Các nhà đầu tư cười và hỏi: Ông đang nói đùa chứ? Ông thực sự tin rằng mình có thể nhìn thấy gì bằng chiếc camera này phải không? Ông cũng nên đưa thêm cả cây gạt nước đi kèm nữa.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ phải dùng máy nội soi để xem hình ảnh bên trong ruột kết và ruột non - một đoạn dài khoảng 4,6 mét kéo dài từ dạ dày đến ruột già.
Máy nội soi thường là một ống dài, mảnh, có một đầu được trang bị camera có độ phân giải cao. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ cung cấp hình ảnh của một phần ruột non, không thể hiển thị tổng thể của đoạn ruột. Hạn chế này thường là nguyên nhân của những ca phẫu thuật không cần thiết.
Tính riêng tại Hoa Kỳ, có gần 19 triệu người mắc các vấn đề về hệ tiêu hóa, nhưng khoảng 1/3 số trường hợp không thể phát hiện ra nguyên nhân thông qua việc sử dụng nội soi thông thường.
Idda nhận ra rằng ý tưởng của mình có thể cải thiện quá trình chẩn đoán loại bệnh này. Khi viên camera siêu nhỏ di chuyển trong ruột của bệnh nhân, nó sẽ chụp hàng nghìn bức ảnh, giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện và chi tiết hơn.
Tất cả bắt đầu từ một cuộc trò chuyện giữa Idda và hàng xóm của ông, bác sĩ tiêu hóa Eitan Scapa. Đó là vào năm 1981 khi Iddan đang sống ở Boston, Mỹ. Công việc của ông là phát triển các thiết bị chụp X-quang và đầu dò siêu âm. Trong một buổi gặp gỡ không chính thức, Scapa đã nói về nhược điểm của ống nội soi sợi quang và Idda đã đề xuất một giải pháp.
Sau đó, Iddan bắt đầu tìm hiểu về lịch sử của ống nội soi. Bên cạnh kinh nghiệm trong lĩnh vực X-quang và siêu âm, ông cũng có hiểu biết sâu sắc về công nghệ camera trong hệ thống tên lửa quân sự.
Ông đã tham gia vào việc phát triển dự án camera 'mắt tên lửa' cho nhà thầu quốc phòng Rafael ở Israel. Dự án này giúp tăng cường độ chính xác của tên lửa. Điều này đã gợi ý cho ông về việc tạo ra một thiết bị cảm biến hoạt động giống như 'mắt tên lửa' nhưng có kích thước nhỏ đủ để đặt vào cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, công nghệ vào đầu những năm 1980 chưa đủ phát triển để thực hiện ý tưởng này, do đó ông đã gác lại nó trong 10 năm.
Năm 1991, khi gặp lại bác sĩ Scapa, Iddan tiếp tục thảo luận về ý tưởng của mình. Cả hai đều nhận ra rằng vẫn còn nhiều thách thức lớn, trong đó phải kể đến thời lượng hoạt động của pin. Các loại pin thông thường có kích thước nhỏ nhưng chỉ hoạt động được khoảng mười phút, trong khi thiết bị của họ cần một nguồn pin ít nhất mười giờ.
Vào năm 1993, nhờ vào mối quan hệ trước đó với nhà thầu quân sự Rafael, ông được phép sử dụng phòng thí nghiệm của họ để tiến hành các thử nghiệm quan trọng. Kết hợp các công nghệ tiên tiến hiện đại, ông lắp đặt một máy phát tín hiệu cùng với một chiếc camera nhỏ hơn cỡ một đồng xu. Một năm sau đó, Iddan đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Israel và Mỹ.
Hình ảnh mô phỏng PillCam - Ảnh TTO
Những thử nghiệm liều lĩnh và cuộc cách mạng mới
Thiết bị nội soi con nhộng camera không thể chiếm lĩnh thị trường nếu thiếu sự hợp tác của hai người: Iddan – nhà phát minh và Meron – giám đốc kinh doanh. Meron, là CEO của công ty cung cấp máy camera ghi hình nội soi Applitec, mất một thời gian để bị thuyết phục bỏ công việc hiện tại và cùng Iddan thành lập công ty mới mang tên Given Imaging.
Nhưng mất vài năm, công ty của Meron và Iddan mới thu hút được vốn. Năm 1997, Given Imaging tiếp cận được tập đoàn Rafael Development Corporation và nhận được 600 nghìn USD đầu tư từ tập đoàn này, trao đổi lấy 10% cổ phần tại công ty khởi nghiệp trẻ.
Cả hai đã tìm đến một nhóm khoa học đặt trụ sở ở Anh, dẫn đầu bởi C. Paul Swain, một chuyên gia về giải phẫu học và đặc biệt là về ruột non. Vào mùa thu năm 1999, họ tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên con người. Dưới sự giám sát của bác sĩ Scapa, Swain nuốt viên nhộng.
Sau vài phút chờ đợi, trên màn hình bắt đầu hiển thị những hình ảnh mờ mờ. Điều này làm các nhà nghiên cứu cảm thấy bối rối. Iddan cầm ăng-ten trên tay để thu hình ảnh từ chiếc camera nhỏ liên tục di chuyển. Mặc dù màn hình vẫn hiển thị nhiễu nhưng Pillcam đã đi qua toàn bộ ruột non.
Lần này, bằng cách thay đổi vị trí ăng-ten, họ đã có thể thu được những hình ảnh với chất lượng cao hơn và cuối cùng đã nhìn thấy bên trong ruột non. Cuộc thử nghiệm được xem là thành công toàn diện.
Năm 2001, sau khi Given Imaging thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm, các cơ quan chức năng châu Âu và Mỹ đã chấp thuận cho phép bán thiết bị này ra thị trường. Given Imaging đã niêm yết trên sàn NASDAQ và huy động được hơn 60 triệu USD.
Kể từ đó, sáng chế PillCam của Iddan đã lan rộng khắp thế giới và giúp các bác sĩ quan sát được những hình ảnh chi tiết hơn. Đối với bệnh nhân, chi phí cũng giảm xuống, chỉ khoảng 500 USD so với 800 USD nếu sử dụng nội soi thông thường.
Hiện nay, PillCam vẫn giữ vững 90% thị phần thiết bị nội soi. Tính từ năm 1998, đã có hơn hai triệu bệnh nhân sử dụng PillCam và hơn 5 nghìn cơ sở y tế tại hơn 70 quốc gia đang áp dụng thiết bị này.