Perionyx excavatus | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Annelida |
Lớp (class) | Clitellata |
Phân lớp (subclass) | Oligochaeta |
Bộ (ordo) | Haplotaxida |
Họ (familia) | Megascolecidae |
Chi (genus) | Perionyx |
Loài (species) | P. excavatus |
Danh pháp hai phần | |
Perionyx excavatus |
Con sâu quế hay giun quế, giun đỏ (Perionyx excavatus) là một loài giun đất được sản xuất thương mại. Loài này được bán trên thị trường vì có khả năng tạo ra bột trùn mịn để làm phân bón một cách nhanh chóng. Gần đây nó đã trở nên phổ biến hơn ở Bắc Mỹ cho mục đích làm phân trộn.
Loài này thuộc chi Perionyx. Nó có thể có nguồn gốc từ dãy núi Himalaya. Loài này thích hợp làm phân trùn quế ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, trong tự nhiên ít tồn tại với phần thể lớn và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn địa phương sống trong đất.
Sinh học
Trùn quế là một trong những loài giun đã được nuôi nhân giống, nhập khẩu và phát triển công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Đây là loài giun sinh sản nhanh, phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới, dễ thu hoạch bằng tay, thuận tiện cho sản xuất. Chúng được sử dụng phổ biến để xử lý chất thải ở Philippines, Australia và nhiều quốc gia khác.
Trùn quế có kích thước khá nhỏ, dài từ 10 đến 15 cm, thân hình phẳng, chiều rộng của người trưởng thành có thể lên đến 0,1 - 0,2 cm, có màu sắc từ đỏ tới màu mận chín tùy theo tuổi đời, màu nhạt ở phần bụng, hai đầu hơi nhọn. Cơ thể của trùn quế dài và mảnh mai, nối các phân đốt lại với nhau qua các màng mỏng. Trùn quế hô hấp qua da, có khả năng hấp thụ O2 và tiết CO2 trong môi trường nước, giúp chúng có thể sống trong nước trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng.
Hệ thống tiết niệu bao gồm một cặp ở mỗi phân đốt. Các cơ quan này đảm bảo việc tiết ra các chất thải như Amoniac và Ure. Trùn quế ăn thức ăn bằng miệng tại lỗ miệng. Thức ăn sau khi trải qua quá trình tiêu hóa với nhiều vi sinh vật sống cộng sinh, chúng bị tiết ra bên ngoài, những vi sinh vật cộng sinh có ích trong quá trình này vẫn tiếp tục sinh sống ở màng tiêu hóa trong một thời gian dài.
Trùn quế rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, và sự thay đổi nhiệt độ lớn, độ mặn và điều kiện khô hanh. Nhiệt độ lý tưởng cho trùn quế là từ 20 - 27°C, độ ẩm phù hợp là 60 - 70%. Chúng thích sống trong môi trường ẩm ướt, có độ pH ổn định (từ 7 đến 7,5). Trùn quế có khả năng chịu được pH từ 4 đến 9, nếu pH quá thấp chúng sẽ rời đi.
Sinh sản
Giun quế sinh sản mạnh mẽ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Một cặp giun trong điều kiện sống thích hợp có thể sinh ra từ 1000 đến 1500 cá thể trong một năm.
Là động vật lưỡng tính, giun quế có đai sinh dục và lỗ sinh dục nằm ở phía đầu cơ thể, có khả năng giao phối chéo để hình thành kén trứng. Mỗi kén có thể mang từ 1 đến 20 trứng và sau khi hình thành, chúng rơi xuống đất để nở thành giun con.
Dinh dưỡng
Thành phần hóa học trong cơ thể giun quế bao gồm nước chiếm khoảng 80 - 85%, chất khô chiếm khoảng 15 - 20%. Hàm lượng các chất (tính trên trọng lượng chất khô) như sau:
- Protein: 68 - 70%
- Lipid: 7 - 8%
- Chất đường: 12 - 14%
- Tro: 11 - 12%
Nhờ có hàm lượng protein cao, trùn quế là nguồn dinh dưỡng quý giá cho gia súc, gia cầm, thủy sản... Ngoài ra, trùn quế còn được sử dụng trong y học và công nghệ chế biến thức ăn cho gia súc. Phân trùn là phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp cho nhiều loại cây trồng mà không gây tình trạng sốc phân, dễ bảo quản, đặc biệt thích hợp cho hoa kiểng và làm phân cho rau sạch.
- Phân trùn quế
Đọc thêm
- C. A. Edwards 7 J. Dominguez 7 E. F. Neuhauser (1997). Sự phát triển và sinh sản của Perionyx excavatus (Perr.) (Megascolecidae) là yếu tố trong quản lý chất thải hữu cơ. Springer-Verlag 1998.