Nhiều phụ huynh lo ngại rằng con cái có thể học theo các tình tiết giết người, bạo lực trong thế giới của Conan.
'Thám tử lừng danh Conan' là một bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản, thuộc thể loại trinh thám. Bộ truyện này được vẽ và minh họa bởi tác giả Aoyama Gosho.
Câu chuyện xoay quanh Kudo Shinichi, một thám tử học sinh, người bị biến thành một cậu bé lớp 1 vì bị lừa uống thuốc độc của Tổ chức Áo Đen khi đang điều tra một vụ án.
Sau đó, Shinichi mang tên giả là Edogawa Conan và tiếp tục phá án, săn lùng băng đảng Áo Đen dưới hình hài mới.
Truyện kể về hàng loạt vụ án giết người với những tình tiết kinh dị như cướp cổ, đốt xác, đầu độc, vạch trần tai nạn giao thông... Mỗi vụ án đều được thực hiện một cách tinh vi và cẩn thận.
Ở Việt Nam, 'Thám tử lừng danh Conan' là tác phẩm rất phổ biến và được hàng triệu độc giả yêu thích. Bạn có thể dễ dàng thấy hình ảnh trẻ nhỏ ngồi đọc truyện Conan ở thư viện hoặc cảnh phụ huynh dẫn con đi mua truyện Conan ở cửa hàng sách.
Tuy nhiên, có nhiều người đang phản đối mạnh mẽ và đòi tẩy chay bộ truyện này.
Vì những tình tiết về tội ác đáng sợ, Thám tử lừng danh Conan đã bị chỉ trích là 'cẩm nang giết người trắng trợn', 'bí kíp giết người', 'giáo trình tội ác'.
Nhiều người lo ngại rằng, trẻ em có thể bắt chước các hành vi tội ác trong truyện. Không ít phụ huynh đã ra lệnh cấm con em không được xem Conan.
Nhiều vụ án giết người xảy ra do bắt chước từ truyện tranh
Không chỉ với truyện Conan, nỗi lo của các phụ huynh còn lớn hơn nữa với nhiều vụ án đau lòng xảy ra do trẻ em học theo, bắt chước những tình tiết trong truyện tranh và hoạt hình.
Năm 2008, một nhóm trẻ em ở Seattle, Mỹ đã chôn sống bạn của họ dưới lớp đất, cát trong lúc chơi đùa ở ngoài sân.
Được biết, nguyên nhân của vụ việc là do những đứa trẻ này bị ảnh hưởng bởi nhân vật Gaara trong truyện tranh Naruto của Nhật Bản.
Nhân vật này có khả năng kiểm soát và sử dụng sức mạnh từ cát. Nhóm trẻ mang bạn của họ đi chôn và tưởng tượng rằng bạn của họ sẽ có sức mạnh từ cát như vậy.
Cậu bé bị tổn thương sau đó đã được đưa đến bệnh viện nhưng không thể cứu sống.
Năm 2013, một cậu bé 9 tuổi ở Trung Quốc đã bắt chước từ bộ phim hoạt hình 'Sói xám và cừu vui vẻ' và đốt cây, gây ra đám cháy tại nhà.
Một học sinh tại trường Trung học East Shelby County, Mỹ đã bị nhà trường điều tra sau khi phát hiện cuốn sổ được gắn nhãn 'Death Note'. Trong sổ này chứa danh sách tên của nhiều học sinh và giáo viên.
Đây là tình huống mô phỏng theo bộ truyện tranh Death Note nổi tiếng của Nhật Bản. Nhân vật chính Yagami sở hữu một cuốn sổ tử thần, có khả năng giết người bằng cách viết tên của họ vào trong sổ.
Nhà trường nghi ngờ rằng nam sinh này có thể gây hại cho những người có tên trong sổ. Mặc dù không công bố kỷ luật, nhiều phụ huynh đã yêu cầu chuyển lớp cho học sinh có tên trong sổ.
Trước đó, một học sinh lớp 5 ở trường Tiểu học Stewart ở Pittsburgh cũng bị phát hiện sở hữu một cuốn sổ Death Note, trong đó có kế hoạch giết người tưởng tượng bao gồm cảnh chết và những hành động trước khi chết của nạn nhân.
Không chỉ trẻ em, ngay cả thanh niên cũng có thể bị ảnh hưởng và bắt chước từ truyện tranh.
Năm 2017, cảnh sát thành phố Dunwoody, Mỹ nhận được báo cáo về một kẻ đột nhập vào một cửa hàng bán lẻ Target đã bị camera an ninh ghi lại. Ngay sau đó, tên thủ phạm đã bị bắt và đưa về trụ sở cảnh sát.
Atkins, kẻ đột nhập đã thú nhận với cảnh sát rằng, ý tưởng về việc đột nhập để trộm cắp đến từ việc đọc truyện tranh Naruto tập 5.
Trong những trang truyện này, hướng dẫn cách trở thành một ninja và cách tiếp cận khu vực được bảo vệ.
Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con khỏi truyện tranh bạo lực?
Ở tuổi nhỏ, trẻ chưa phát triển hoàn toàn về nhận thức nên dễ bị ảnh hưởng bởi các tình tiết bạo lực, cực đoan trong truyện tranh và phim hoạt hình. Họ có thể hiểu những điều này là 'thú vị và đáng ngưỡng mộ'.
Để bảo vệ con, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các thể loại truyện mà con đọc. Tốt nhất là cha mẹ nên đọc kỹ từng trang sách, truyện trước khi cho con xem.
Với những yếu tố phi logic, bạo lực hoặc không phù hợp với giáo dục truyền thống, cha mẹ cần giải thích kỹ lưỡng để trẻ không bị tác động tiêu cực.