Gần đây mình gặp Trịnh Hoàng Triều, một bạn vừa tốt nghiệp và hiện là resident tại Google Brain, trung tâm nghiên cứu AI của Google. Google Brain Residency là một chương trình mơ ước cho những ai muốn nghiên cứu AI, với đầu vào cực kỳ khó khăn. Năm ngoái, có hơn 3000 ứng viên nhưng chỉ 30 người được chọn. Mình biết nhiều bạn học ở các trường danh tiếng như Stanford, Harvard, MIT cũng nộp đơn nhưng bị từ chối.
Khi gặp Triều, mình rất ngạc nhiên và vui mừng. Triều học đại học tại Việt Nam, chưa từng du học. Bạn là minh chứng sống động cho việc sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với sinh viên quốc tế để làm việc tại các công ty lớn ở Thung lũng Silicon hay bất kỳ đâu.
Mình đã hỏi Triều về bí quyết thành công, và được bạn chia sẻ như sau.
1. Hãy chủ động học hỏi về những gì bạn đam mê
Có rất nhiều khóa học về AI rất tốt và miễn phí (hoặc giá rẻ) trên mạng. Dưới đây là một vài trang web nơi bạn có thể học các khóa đó.
(Coursera) Neural Networks for Machine Learning, do Geoffrey Hinton – người phát minh backpropagation và được coi là cha đẻ của deep learning – giảng dạy.
(Coursera) Machine Learning, do Andrew Ng, người sáng lập Google Brain, cựu chief scientist của Baidu và giáo sư tại Stanford, giảng dạy.
(Udacity) Intro to Machine Learning, do Sebastian Thrun, người sáng lập Google X, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu xe tự lái của Google, sáng lập Udacity, và cũng là giáo sư tại Stanford, giảng dạy.
2. Hành động thực tế
Với kiến thức đã học, Triều bắt đầu nghiên cứu và thực hành. Bạn thử tái tạo các kết quả nghiên cứu từ những bài báo đã đọc. Bạn cũng phát triển một thư viện để nhận diện và phân loại vật thể thời gian thực. Các chương trình bạn viết được đăng lên GitHub và một trong số đó (darkflow) được nhiều người sử dụng. Triều chia sẻ, GitHub của bạn là điểm cộng lớn với các công ty lớn vì nó thể hiện sự đam mê và dám thực hiện.
3. Tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm
Trước khi nộp đơn vào Google, Triều đã gửi email làm quen và xin tư vấn từ một người Việt đang làm việc tại Google. Ấn tượng với đam mê và hồ sơ của Triều, người này đã viết thư giới thiệu cho bạn. Nếu bạn muốn biết cách viết email làm quen hiệu quả, có thể tham khảo bài “Kỹ năng chào hàng bản thân”.
4. Đi từng bước nhỏ
Rất khó để được nhận vào một chương trình tuyển chọn khắt khe của một công ty lớn ngay từ lần đầu. Trước khi nộp đơn vào Google, Triều đã thử sức ở các công ty nhỏ hơn, cả trong nước và quốc tế. Bạn đã giành được học bổng nghiên cứu của Japan Student Services Organization để sang Nhật thực tập và cũng từng nghiên cứu tại một trường đại học ở Canada.
5. Viết bằng tiếng Anh
Để làm việc tại các công ty nước ngoài, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là rất quan trọng. Trên blog của Triều, mình thấy nhiều bài phân tích bằng tiếng Anh từ năm 2013. Những bài viết này giúp Triều hiểu sâu hơn về chủ đề mình viết và cũng cho nhà tuyển dụng thấy được những gì bạn quan tâm. Nếu những chủ đề bạn viết trùng với lĩnh vực công ty đang quan tâm, đó sẽ là một điểm cộng lớn.
6. Tham gia các chương trình dành cho giới trẻ để phát triển bản thân
Điều này Triều không nhắc đến nhưng mình muốn thêm vào.
Các công ty lớn khi phỏng vấn không chỉ kiểm tra chuyên môn mà còn xem ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty không. Họ thường tìm những người chủ động, giao tiếp tốt, hoà đồng, kỷ luật và có tinh thần làm việc nhóm. Những kỹ năng này không thể chỉ học qua sách vở mà cần thực hành qua các hoạt động thực tế. Tham gia các chương trình dành cho giới trẻ trong nước và quốc tế là cơ hội tuyệt vời để phát triển các kỹ năng này.
Khi trò chuyện với một số bạn trẻ Việt Nam về việc thực tập hay làm việc ở nước ngoài, mình thấy họ thường lo lắng về khoảng cách địa lý. Xa xôi vậy thì nộp đơn thế nào? Hiện nay, việc nộp đơn đều được thực hiện qua mạng. Phỏng vấn có thể qua Google Hangouts, Skype, hoặc điện thoại. Phần lớn các công ty đều hỗ trợ chi phí di chuyển, bao gồm cả chi phí đi lại và chi phí chuyển đồ đạc (gọi chung là hỗ trợ tái định cư).
Bạn bè mình ở Đức, Anh, Ấn Độ nộp đơn sang Mỹ rất nhiều, và bạn bè ở Mỹ thì lại thích sang châu Âu, Nam Mỹ làm việc. Vậy tại sao các bạn trẻ Việt Nam không thể nộp đơn sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore? Mình thấy các bạn Việt Nam rất ham học và tiếp thu kiến thức mới rất nhanh. Nếu chịu khó tìm kiếm cơ hội và chủ động nộp đơn, mình tin sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với bạn bè quốc tế.
Một lo lắng khác là về việc xin visa. Các công ty lớn rất coi trọng nhân tài. Nếu họ đã chọn bạn, họ sẽ tạo mọi điều kiện để bạn có thể làm việc với họ. Các công ty lớn đều có khả năng tài trợ visa (nhưng xin được hay không còn phụ thuộc vào buổi phỏng vấn ở đại sứ quán).
Vậy nên nếu bạn còn ấp ủ ước mơ ra nước ngoài thực tập thì hãy mạnh dạn tiến lên nhé!