Sau nhiều lần lên kế hoạch, đặt mục tiêu nhưng bỏ dở giữa chừng hoặc không đạt được kết quả, tôi đã nhận ra 3 tư duy khiến mình gặp khó khăn ngay từ giai đoạn “Bắt đầu” và một số cách giúp tôi vượt qua chúng:
1. Sợ bắt đầu, hoặc không biết bắt đầu từ đâu.
Tôi tin rằng đây là vấn đề phổ biến của nhiều người chứ không chỉ riêng bản thân tôi. Với nhiều mục tiêu trước đó, tôi thất bại đơn giản là vì chưa bắt đầu thực hiện chúng.
Tôi thường tự bào chữa rằng mục tiêu đó quá khó, phải tìm ra phương pháp hiệu quả trước khi bắt đầu. Nhưng việc mông lung và bị chi phối bởi quá nhiều thông tin khiến tôi mệt mỏi, rồi cuối cùng “yêu thương” bản thân bằng cách… từ bỏ.
Theo tôi, vấn đề tưởng chừng rất phức tạp này lại có cách giải quyết rất đơn giản, đó là câu khẩu hiệu vô cùng nổi tiếng của Nike:
Chỉ cần làm! (Cứ thế)
Hãy đơn giản làm đi. Hành động vào bất cứ điều gì mà bạn muốn (nhưng không phải điều xấu đấy). Hãy mơ lớn miễn là bạn dám bắt đầu.
Vì tôi nhận ra rằng nếu bắt đầu, có 50% cơ hội thành công và 50% cơ hội thất bại. Đối với những kế hoạch có khả năng thành công thấp, thậm chí chỉ 1%, vẫn là một cơ hội.
Nhưng nếu tôi không bắt đầu, thì chắc chắn sẽ thất bại.
2. Trì hoãn việc bắt đầu vì sợ không đủ giỏi hoặc mải mê tìm kiếm con đường “hoàn hảo”
Trì hoãn là thói quen xấu mà tôi luôn cố gắng vượt qua. Bởi nó ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và đã khiến tôi bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Tôi trở thành “chuyên gia” trong việc tìm hiểu và lưu trữ các phương pháp học Ngoại ngữ hiệu quả, nhưng về Tiếng Anh, tôi vẫn ở mức độ “người mới” (beginner).
May mắn thay, khi bước vào năm nhất Đại học, tôi nhận ra không thể trì hoãn việc học Tiếng Anh thêm nữa và nghiêm túc thử từng phương pháp tôi đã tìm hiểu cho đến khi tìm được lộ trình phù hợp cho mình.
Từ kinh nghiệm đạt 800+ Toeic hoàn toàn nhờ tự học và bắt đầu có thể trò chuyện với người nước ngoài, tôi nghĩ cách tốt nhất để vượt qua vấn đề trì hoãn là:
Đừng bao giờ chờ đến khi “đủ” mới bắt đầu, hãy bắt đầu để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.
Không có cách nào để bạn chuẩn bị đủ hoàn hảo. Sẽ rất khó để định lượng khi nào bạn đủ giỏi để bắt đầu. Và nếu bạn không bắt đầu sớm, hành trình đến mục tiêu mà bạn mong đợi sẽ càng ngày càng xa.
Vậy nên, đừng nghĩ quá nhiều, đừng chuẩn bị quá kỹ, mà hãy bắt đầu ngay thôi!
3. Đặt mong đợi quá cao khi bắt đầu
Vấn đề này mình mới nhận ra và học được cách khắc phục trong một buổi trò chuyện giá trị cùng anh Tấn Lê.
Người ta thường nói hãy mơ lớn, thế là mình cũng từng mạnh dạn đặt mong đợi rất cao cho những mục tiêu muốn thực hiện. Tiếc là khởi đầu nào cũng đầy khó khăn, những gì mình làm được chỉ là một phần nhỏ bé so với mong đợi, thế là vừa mới bắt đầu đã chán nản và bỏ ngang.
Biểu hiện của sự mong đợi quá cao thường xuất phát từ những việc rất đơn giản. Ví dụ, danh sách công việc một ngày của mình đã từng có quá nhiều việc cần làm và quá ít thời gian nghỉ ngơi.
Mình tự biết khả năng hoàn thành 100% các nhiệm vụ là không thể, nhưng vẫn tự an ủi bản thân rằng phải hoàn thành được. Kết quả là mình chỉ hoàn thành được 50%, và mất đi động lực trong vài ngày sau đó.
Đây là bài học mình học được từ anh Tấn Lê để khắc phục vấn đề này:
Hãy đặt mục tiêu tham vọng, thay vì mong đợi quá xa vời!
Mục tiêu tham vọng là những mục tiêu cụ thể, khó nhưng có thể đạt được nếu cố gắng hết mình. Hãy đặt những mục tiêu có thể đo lường được, có khả năng đạt được, thay vì những mục tiêu mơ hồ, không khả thi hoặc quá dễ dàng.
Khi đó bạn sẽ có nhiều động lực hơn, phải tư duy và nỗ lực nhiều hơn, nhưng thành quả đạt được sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra.
Đây là những suy nghĩ sai lầm mình từng gặp phải và đang cố gắng khắc phục hàng ngày.