Điều đó rất tốt. Nhưng công ty cần nhân viên làm việc chuyên nghiệp, không chỉ là nơi học tập.
'Chào bạn Hảo, hôm nay tôi muốn chia sẻ với bạn vài suy nghĩ vì tôi cảm thấy mình đang rất mơ hồ. Tôi rất mong nhận được lời khuyên từ bạn, cảm ơn bạn nhiều.'
Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Marketing. Khi mới vào Đại học, tôi đặt ra nhiều mục tiêu cho mình như: năm 1 tập trung vào việc học, năm 2 bắt đầu tìm việc làm thêm, tham gia intern part-time để trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, năm 3 tham gia thực tập full-time và năm 4 có công việc chính thức.
Tuy nhiên, cuộc sống không như mơ, năm 2 và năm 3 của tôi bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid nên không có nhiều cơ hội trải nghiệm. Tôi bận rộn với việc học nên chủ yếu tham gia intern và làm việc part-time. Khi tốt nghiệp, tôi lại phải đối mặt với suy thoái kinh tế, các công ty cũng hạn chế tuyển dụng. Vì vậy, tôi đang phân vân liệu có nên tiếp tục công việc hiện tại mà tôi không hài lòng hay tôi nên mạnh mẽ chuyển sang điều mới, tiếp tục trải nghiệm để xem mình hợp với điều gì trong lĩnh vực MarCom này.
Tôi đã trải nghiệm làm Event, PR, Content và Account Planner. Tóm lại, tôi đã có cơ hội trải nghiệm nhiều công việc nhưng vẫn chưa tìm ra công việc phù hợp với mình. Hơn nữa, càng trải nghiệm, tôi càng thấy mình bị lạc vì lĩnh vực này quá rộng lớn trong khi bản thân tôi chỉ như một chú cá bé bơi giữa đại dương, không biết đi đến đâu. Bạn cho tôi xin ý kiến về tình hình hiện tại của tôi, vì tôi không biết mình nên làm gì tiếp theo.'
Đây là tin nhắn dài của một sinh viên mới ra trường gửi cho tôi. Khi đọc xong, tôi không cảm thấy lạ với tình trạng này. Một số bạn trẻ luôn cảm thấy hoang mang với định hướng, có người không rõ ràng từ đầu, có người ngại khó, ngại khổ. Tôi chỉ hỏi bạn một câu là biết ngay vấn đề của bạn ở đâu?
'NHỮNG CÔNG VIỆC BẠN KỂ TRÊN, BẠN LÀM MỖI CÔNG VIỆC ĐƯỢC BAO LÂU?'
Nguồn ảnh: unblast
Bạn trả lời rằng trung bình bạn làm từ 1-3 tháng. Lâu nhất là 6 tháng. Bạn cũng nói thêm, có công việc bạn làm 2 tháng đã nghỉ vì thấy môi trường làm việc không phù hợp, có nơi không hợp tính bạn, có nơi bạn làm rồi thấy không thích. Mới ra trường 1 năm nhưng đã chuyển 4-5 công ty.
Thật ra, không có đúng hay sai ở đây cả, trải nghiệm 3 tháng, 2 tháng hay 6 tháng. Tất cả không phải vấn đề, quan trọng là lý do bạn rời bỏ công việc của mình lại vô cùng MƠ HỒ: 'không hợp tính bạn', 'thấy không thích', 'công ty nhỏ quá', 'sếp không đủ giỏi', 'không có ai kèm cặp hướng dẫn' → Đây đều không đáng là nguyên nhân để bạn từ bỏ công việc đó, đặc biệt là khi bạn vẫn còn là sinh viên, khi mà trải nghiệm và va chạm thực tế còn quá ít.
Tiếp theo, tôi hỏi: 'NẾU NGHỈ VIỆC Ở CÔNG TY NÀY, BẠN ĐÃ CÓ KẾ HOẠCH GÌ TIẾP THEO CHƯA? BẠN NÓI SƠ QUA CHO MÌNH BIẾT CŨNG ĐƯỢC, KHÔNG CẦN KỸ LƯỠNG GÌ ĐÂU'
Với câu hỏi này, bạn không đưa được câu trả lời cho mình, bạn chỉ mơ hồ nói “Em định sẽ tiếp tục dành thời gian trải nghiệm coi điều gì phù hợp với bản thân nhưng em cũng chưa rõ mình sẽ trải nghiệm cái gì nữa ạ. Bởi thật sự, em thấy ngành MarCom quá rộng, em hoang mang quá trời luôn ấy chị.”
Khi đọc những dòng này, mình tự hỏi liệu bạn ấy sẽ định trải nghiệm đến bao giờ? Còn trẻ, dành thời gian để trải nghiệm thì tốt nhưng BIẾT CÁCH TRẢI NGHIỆM sẽ giúp bạn rút ngắn con đường chạm tay đến công việc như ý.
Cách trải nghiệm ở đây có thể là:
Thay vì thường xuyên đổi việc, thử việc vài chỗ trong thời gian ngắn, tại sao các bạn không thử 1 lần dốc hết sức, làm hết mình, tập trung thật sự cho công việc đó. Trước đó thì hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc trước bất kỳ cơ hội nghề nghiệp nào, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định.
→ Làm sao bạn biết được bản thân hợp với điều gì nếu không toàn tâm làm nó với trách nhiệm cao nhất. Đam mê, sự phù hợp đâu tự sinh ra, tất cả đến từ kết quả, làm cho đến khi có kết quả thì thôi (dù chỉ nho nhỏ như lời khen từ sếp chẳng hạn). Còn nếu cố gắng nhiều rồi mà không học được gì, không có kết quả gì thì chính xác là bạn không phù hợp rồi đó.
Bớt cảm tính, nhẫn nhịn nhiều hơn. Dù biết môi trường công sở là sự win-win, đôi bên cùng có lợi nhưng sự thật là không có nơi nào phù hợp 100% với bạn cả, trừ khi may mắn hoặc như kiểu “định mệnh”, “chân ái” của nhau. Bạn cần xác định rõ “không phù hợp” ở đây cụ thể là gì. Đó là định hướng, sếp, đồng nghiệp, v.v… hay còn điều gì khác?
Đồng thời, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định đổi việc, đổi môi trường. Nếu những sự “không phù hợp” đó có thể điều chỉnh được, có thể thay đổi được bằng sự rõ ràng, thẳng thắn từ hai bên, vậy thì bạn có thể tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến mà đúng không nào? Điều này vừa có lợi cho hành trình phát triển của chính bạn, vừa tiết kiệm công sức, thời gian đào tạo của Doanh nghiệp.
Nguồn ảnh: istockphoto
Nói chung, sau nhiều năm đi làm trong ngành MarCom, mình thấy các bạn trẻ thế hệ mới có nhiều ưu điểm như sáng tạo, năng động, thích nghi nhanh với sự thay đổi. Nhưng điểm yếu chí mạng của các bạn nằm ở 2 chữ KIÊN NHẪN. Bạn trẻ trên chính là minh chứng cho điều đó, những MƠ HỒ, nóng vội và thậm chí là cái tôi quá lớn, sự mong manh, nhạy cảm của những năm tháng đầu tiên đi làm đã khiến bạn tự lấy đi cơ hội của chính mình. Biết đâu, nếu tiếp tục làm việc ở những nơi cũ, biết đâu cố gắng nhẫn nhịn một xíu thôi thì bạn đã tìm ra công việc phù hợp với mình thì sao?
Vậy còn cách nào khác để người trẻ thế hệ mới, người mới đi làm trở nên cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn trong thế giới MarCom đầy chông gai này?