Hơn mười năm trước, khi thị trường báo giấy bắt đầu suy thoái, tôi được tham gia một khóa học về báo điện tử. Ai cũng tin đây là tương lai: các trang web bùng nổ trên Internet, Google Analytics trở nên phổ biến và việc giật tít để thu hút người đọc trở thành yếu tố sống còn.
Vài năm sau, khi số lượng trang web báo điện tử nhiều đến mức độc giả (và cả tôi) hầu như không còn gõ trực tiếp tên miền của tờ báo lên trình duyệt (mà phải qua một trang trung gian nào đó), thì các công cụ tối ưu hóa tìm kiếm trên Google, gọi chung là “làm SEO”, trở thành xu hướng. Nhiều tờ báo phải hy sinh tiêu đề và nội dung để phục vụ SEO, nhằm tăng lượt đọc từ công cụ tìm kiếm.
Trong 5 năm gần đây, khi Facebook và Tiktok phát triển mạnh, việc sử dụng các công cụ mạng xã hội lại thành xu hướng. Người làm báo phải cập nhật các khóa học về mạng xã hội để kéo người đọc từ Facebook vào trang báo của mình.
Từ khi bắt đầu làm báo đến nay, tôi đã nhiều lần chứng kiến và trực tiếp tham gia vào các xu hướng này, với mục tiêu chung là tăng lượt đọc và thu hút quảng cáo.
Nhưng, trong hơn mười năm chạy theo các xu hướng không ngừng, tôi cũng chứng kiến nhiều tờ báo đóng cửa, trong đà suy thoái chung của báo chí trong và ngoài nước. Một trong những tờ báo lớn nhất nước giảm đến 9/10 số lượng phát hành trong hơn một thập kỷ. Hiện tại, rất hiếm tờ báo còn sống được bằng nội dung thuần túy.
Hiện tại, chúng ta lại bàn về việc báo chí thu phí, với một giọng điệu tương tự khi nói về các xu hướng trước đây: khi lượt đọc giảm và miếng bánh quảng cáo bị các ông lớn như Facebook và Google chiếm phần lớn, thì việc dựng tường thu phí là nỗ lực cứu vãn doanh thu của các tờ báo.
Sau hơn mười năm, chúng ta bước vào xu hướng này với nền tảng rỗng tuếch, giống như đã theo đuổi các xu hướng trước đây, với nội dung thiếu chiều sâu và quá nhiều chiêu trò câu view. Nhiều phóng viên học SEO, chia sẻ bài trên Facebook, giật tít... đến mức quên rằng họ cần khả năng và cảm xúc để tạo ra sản phẩm có độc giả trung thành.
Nếu nhìn báo chí như một thị trường đơn thuần, việc cập nhật xu hướng là không sai. Giống như các dây chuyền sản xuất phải cập nhật công nghệ để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Nhưng, nếu coi bài báo như một “tác phẩm” cá nhân, nơi độc giả cần góc nhìn và cách kể chuyện khác biệt, thì việc liên tục cập nhật này rõ ràng có vấn đề, khi ưu tiên phương thức thay vì nội dung.
Cuối cùng, nội dung tốt sẽ tồn tại trên mọi nền tảng, bất kể xu hướng thị trường. Những nhà báo giỏi mà tôi biết hơn mười năm qua đều dễ dàng thích nghi với số hóa chỉ bằng năng lực của họ, không cần đến các thủ thuật SEO hay Facebook.
Họ chọn các môi trường nội dung khác. Có người trở thành biên kịch phim, người dẫn dắt xu hướng trên mạng xã hội, người làm YouTube... Tất cả đều thành công. Khi báo chí trở thành cuộc chạy đua vô vọng và cố gắng thỏa mãn thị hiếu số đông, những nhà báo giỏi vẫn giữ được tiếng nói độc lập trên các nền tảng khác bằng chính cá tính của họ.
Tôi không phủ nhận những đóng góp của công nghệ trong việc định hình báo chí hôm nay, nhưng những câu chuyện hay nhất thường đến từ những người đã vượt qua các biến động thời cuộc, xu hướng công nghệ và chuyện tiền nong, để giữ lại thế giới quan cá nhân thay vì bị thị trường chi phối hoàn toàn.
Khi đặt tay lên phím, dù phải cân nhắc khi sản phẩm ra đời, trước mắt người viết vẫn là không gian riêng của họ. Kiếm tiền và chỉ đạo nội dung là việc của lãnh đạo báo chí, nhưng mỗi bài báo là lựa chọn cá nhân của nhà báo. Một bài báo khi hình thành ít bị thị trường can thiệp, nếu người viết biết tạm rời xa quỹ đạo đó.
Trong kỷ nguyên hậu sự thật, khi báo chí không chỉ là tin tức mà còn phải tự tạo giá trị bằng góc nhìn và cách diễn đạt mới, hãy để nhà báo sống và viết từ thế giới nội tâm của mình. Thị trường và xu hướng có thể thay đổi giao diện và nhân sự, nhưng quy luật cá nhân có thể đứng ngoài quy luật thị trường khi nhà báo bắt đầu viết.
Dù sau khi viết xong, những lo ngại về miếng cơm manh áo và lượt đọc để có nhuận bút tốt có thể ập đến, giống như ngoại cảnh cuộc sống vốn không dễ dàng. Nhưng, sống với lựa chọn này, với khoảnh khắc tạm bỏ qua vướng bận để viết, là cách tự diễn đạt mình một cách ý nghĩa. Báo chí là con đường không tồi để nghĩ về điều đó, ít nhất với tôi.