Tác dụng của thuốc Atendex
Atendex chứa thành phần chủ yếu là Lincomycin - một loại kháng sinh chỉ được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng. Thường sử dụng trong các trường hợp người bệnh dị ứng với penicillin hoặc khi penicillin không phù hợp.
1. Tác dụng của thuốc Atendex là gì?
Thuốc Atendex có thành phần chủ yếu là Lincomycin Hydrochloride với hàm lượng 600mg/2ml. Atendex thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, kháng nấm, kháng virus và chống nhiễm khuẩn. Thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng do các chủng liên cầu, phế cầu và tụ cầu nhạy cảm ở những bệnh nhân dị ứng với penicilin hoặc khi sử dụng penicilin không hiệu quả.
Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng ở tai mũi họng
Cơ chế hoạt động:
Thành phần chính của thuốc Lincomycin là 1 loại kháng sinh Lincosamide có nguồn gốc như sản phẩm lên men tự nhiên từ Streptomyces lincolnensis. Giống như các thuốc thuộc nhóm Clindamycin, Lincomycin có hoạt tính hiệu quả chống lại trực khuẩn Gram dương cũng như cầu khuẩn Gram âm và một số sinh loại vi khuẩn khác như Haemophilus spp.
2. Liều lượng và cách sử dụng
Cách sử dụng: Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch hộp 10 ống x 2ml, sử dụng để tiêm.
Liều lượng:
Thuốc dùng để tiêm bắp
Đối với người lớn:
- Điều trị bệnh nhiễm trùng thông thường: Dùng liều 600 mg (2 mL) tiêm bắp mỗi 24 giờ. Nhiễm trùng nặng hơn, tiêm bắp 600 mg (2 mL) sau mỗi 12 giờ.
Đối với bệnh nhi trên 1 tháng tuổi:
- Nhiễm trùng thông thường: Dùng tiêm bắp 1 lần 10 mg/ kg (5mg/ lb) mỗi 24 giờ. Nhiễm trùng nặng hơn - tiêm bắp 1 lần 10mg/ kg (5mg / lb) mỗi 12 giờ.
Thuốc dùng để tiêm tĩnh mạch:
Người lớn:
- Liều tiêm tĩnh mạch sẽ được xác định dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng. Đối với các trường hợp nhiễm trùng thông thường sử dụng liều lượng từ 600 mg lincomycin đến 1 gam được tiêm sau mỗi 8 đến 12 giờ.
- Đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn, có thể phải tăng liều lượng thuốc. Trong các trường hợp bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, liều tiêm tĩnh mạch có thể dùng đến 8 gam.
Bệnh nhi trên 1 tháng tuổi:
- Sử dụng liều 10 đến 20mg/ kg/ ngày (5 đến 10 mg/ lb/ ngày) tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc được truyền chia làm nhiều lần sử dụng.
Bệnh nhân suy thận:
- Khi cần điều trị bằng thuốc Atendex ở người suy thận nặng, liều lượng thích hợp là 25 đến 30% liều khuyến cáo cho bệnh nhân có thận hoạt động bình thường.
3. Chống chỉ định
Thuốc Atendex không được sử dụng cho:
- Những người có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với thành phần Lincomycin hoặc Clindamycin.
- Người bị hen suyễn, viêm màng não
- Người bị nhiễm khuẩn kèm theo Candida albicans
4. Tác dụng phụ
Các phản ứng phụ sau đây đã được báo cáo khi sử dụng Atendex:
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, viêm lưỡi, viêm miệng, khó chịu ở bụng và ngứa hậu môn.
- Rối loạn da và mô dưới da: Hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, mụn mủ ngoại ban tổng quát cấp tính, viêm da bóng nước, viêm da tróc vảy, hồng ban đa dạng, phát ban, mày đay và ngứa.
- Nhiễm trùng và nhiễm độc: Nhiễm trùng âm đạo, viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng do Clostridioides difficile
- Rối loạn hệ thống bạch huyết và máu: Giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, ban xuất huyết và giảm tiểu cầu.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Phản ứng phản vệ, phù mạch và bệnh huyết thanh.
- Rối loạn gan mật: Vàng da, chức năng gan bất thường, transaminase tăng
- Rối loạn thận và tiết niệu: Suy thận, thiểu niệu, protein niệu, tăng ure huyết.
- Rối loạn tim mạch: Ngừng tim-hô hấp.
- Rối loạn mạch máu: Hạ huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch.
- Rối loạn Tai: Chóng mặt và ù tai.
- Rối loạn thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt và buồn ngủ.
- Rối loạn chung: Áp-xe vị trí tiêm vô trùng, cứng chỗ tiêm, đau chỗ tiêm và kích ứng chỗ tiêm.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Atendex và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Thận trọng
- Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngay khi nhận thấy thuốc có sự thay đổi về màu sắc dung dịch, cần ngừng sử dụng ngay.
- Để giảm sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc và duy trì hiệu quả của Atendex và các thuốc kháng khuẩn khác, chỉ nên sử dụng thuốc này để điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng trong trường hợp đã được chứng minh hoặc nghi ngờ là do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
- Thuốc không được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm trùng nhẹ do vi khuẩn hoặc nhiễm vi rút.
- Thuốc cần sử dụng thận trọng ở những người có tiền sử mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng.
- Thuốc cần sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử bị hen suyễn hoặc dị ứng nghiêm trọng.
- Việc sử dụng thuốc có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi khuẩn không nhạy cảm, đặc biệt là nấm men. Nếu xảy ra bội nhiễm hoặc bệnh nhân bị nhiễm nấm Candida từ trước, cần điều trị bằng Atendex kết hợp điều trị kháng nấm.
- Thời gian bán thải trong huyết thanh của Lincomycin có thể kéo dài ở bệnh nhân suy thận nặng so với bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Ở bệnh nhân suy gan, thời gian bán thải trong huyết thanh có thể dài hơn gấp 2 lần so với bệnh nhân có chức năng gan bình thường.
- Bệnh nhân suy thận nặng hoặc suy gan nên điều chỉnh liều lượng thuốc và theo dõi nồng độ lincomycin trong huyết thanh khi điều trị liều cao.
- Lincomycin nên được pha loãng trước khi truyền tĩnh mạch. Đối với truyền tĩnh mạch, truyền trong ít nhất 60 phút.
- Trong thời gian điều trị kéo dài với Atendex, người bệnh nên thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận và công thức máu định kỳ.
- Thai kỳ: Không có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát ở phụ nữ có thai, chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết.
- Phụ nữ cho con bú: Lincomycin có thể bài tiết trong sữa mẹ với nồng độ 0,5 đến 2,4 mcg/ mL. Do đó thuốc có nguy cơ gây ra các phản ứng có hại đến trẻ bú mẹ, vậy nên người bệnh nên ngừng cho con bú hoặc ngừng sử dụng thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
6. Tương tác thuốc
Thuốc Atendex có thể tương tác khi sử dụng cùng lúc với:
- Acenocoumarol: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của chảy máu có thể tăng lên khi Lincomycin được kết hợp với Acenocoumarol.
- Acetophenazine: Acetophenazine có thể làm tăng các hoạt động gây độc thần kinh của Lincomycin.
- Axit ascorbic: Hiệu quả điều trị của Lincomycin có thể giảm khi dùng kết hợp với acid Ascorbic
- Botulinum toxin type B: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của các tác dụng ngoại ý có thể tăng lên khi Lincomycin được kết hợp với Botulinum toxin loại B.
- Canxi ascorbate: Hiệu quả điều trị của Lincomycin có thể giảm khi dùng kết hợp với Canxi ascorbate.
- Capreomycin: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của phong tỏa thần kinh cơ có thể tăng lên khi Capreomycin được kết hợp với Lincomycin.
- Cisatracurium: Hiệu quả điều trị của Cisatracurium có thể tăng lên khi dùng kết hợp với Lincomycin
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Atendex, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Atendex là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.