Tác dụng của thuốc Olexon S
Thuốc Olexon S được sản xuất dưới dạng dung dịch uống với thành phần chính là Terbutaline và Guaifenesin. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng ho liên quan tới bệnh lý ở phổi và đường hô hấp.
1. Olexon S là thuốc gì?
Mỗi 5ml dung dịch uống thuốc Olexon S có chứa 1,5mg Terbutaline và 66,5mg Guaifenesin.
Terbutaline được dùng để điều trị khó ho và khó thở, tình trạng thở khò khè do các vấn đề liên quan đến phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, khí phế thũng và viêm phế quản. Terbutaline được phân loại vào nhóm thuốc giãn phế quản, nó hoạt động bằng cách tác động mạnh đến thụ thể beta 2 trên hệ thần kinh giao cảm. Từ đó, thành phần này làm giãn mạch ngoại vi và giãn cơ phế quản, gây giãn các cơ xung quanh đường thở để chúng mở ra và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
Guaifenesin có thể giúp kiểm soát được các triệu chứng về bệnh liên quan đến đường hô hấp nhưng không điều trị được nguyên nhân hoặc làm tăng tốc độ phục hồi của bệnh nhân. Guaifenesin thuộc nhóm thuốc long đờm, hoạt động với nguyên lý làm loãng chất nhầy trong đường thở để giúp người bệnh dễ dàng ho ra chất nhầy và làm thông thoáng đường thở.
Chỉ định: Thuốc Olexon S được sử dụng trong điều trị các trường hợp khí phế thũng, ho do hen phế quản, viêm phế quản và các bệnh lý khác về phổi gây ra co thắt phế quản hay tăng tiết dịch khác.
Chống chỉ định:
- Người bệnh mẫn cảm với Guaifenesin hay Terbutaline sulfat hoặc bất cứ thành phần nào khác có trong thuốc;
- Bệnh nhân đang điều trị bằng các loại thuốc tương tự như thuốc tác động đến thần kinh giao cảm khác.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Olexon S
Cách dùng: Thuốc Olexon S được sử dụng bằng đường uống, nên uống sau bữa ăn với 1 cốc nước để thu được hiệu quả điều trị tốt. Người bệnh có thể lấy dung dịch thuốc Olexon S bằng cốc đong đi kèm hoặc sử dụng bơm xilanh để có thể lấy được lượng thuốc chính xác. Hãy lắc nhẹ một chút trước khi dùng.
Liều dùng: Nên sử dụng thuốc Olexon S theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn hoặc tham khảo như sau:
- Đối với trẻ em:
- Dưới 3 tuổi: Dùng 2,5ml/lần x 2 - 3 lần/ngày;
- Từ 3 - 6 tuổi: Dùng 2,5 - 5ml/lần x 2 - 3 lần/ngày;
- Từ 7 - 15 tuổi: Dùng 5 - 10ml/lần x 2 - 3 lần/ngày;
- Đối với trẻ em từ 15 tuổi trở lên và người lớn: Sử dụng 10 - 15ml/lần x 2 - 3 lần/ngày.
Quên liều: Khi quên liều thuốc Olexon S, người bệnh hãy bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu đã đến gần liều dùng kế tiếp thì bỏ qua liều quên và uống theo đúng dự định. Lưu ý, không nên tự ý sử dụng gấp đôi liều thuốc Olexon S để bù khi quên liều vì có thể gây ra nhiều triệu chứng không mong muốn.
Quá liều:
- Triệu chứng: Rối loạn nhịp tim, lo âu, nhức đầu, run, vọp bẻ, hồi hộp, thỉnh thoảng có hiện tượng hạ huyết áp, tăng đường huyết và nhiễm acid lactic máu;
- Xử trí:
- Trong trường hợp quá liều mức độ nhẹ đến trung bình: Giảm liều sau đó tăng liều từ từ nếu chưa đạt được hiệu quả chống co thắt;
- Trong trường hợp quá liều nặng: Đưa người bệnh tới cơ sở y tế ngay để thực hiện các biện pháp giải độc như rửa dạ dày và uống than hoạt tính. Kiểm tra cân bằng kiềm toan, điện giải và đường huyết, theo dõi huyết áp và tần số nhịp tim, cần điều chỉnh kịp thời các thay đổi về chuyển hóa.
3. Tác động phụ của Olexon S
Một số tác động phụ có thể xảy ra khi sử dụng Olexon S gồm:
- Liên quan đến Terbutaline:
- Thường gặp: Chóng mặt, run cơ, kích thích thần kinh, thay đổi huyết áp, nhịp tim tăng, cảm giác ngực trống;
- Ít gặp: Kali huyết giảm, không hấp thụ glucose, glucose huyết tăng, nôn mửa, buồn nôn, đau đầu, khó ngủ, lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi, nóng bừng mặt, phù phổi, đổ mồ hôi, co cơ, đau ngực, tiếng ù tai, ngứa da, phát ban;
- Hiếm gặp: Quá mẫn, viêm mạch, men gan tăng, co giật;
- Liên quan đến Guaifenesin thường ít xảy ra, bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, phát ban, tiêu chảy, ngứa da, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng; lạm dụng Olexon S có thể gây sỏi thận.
Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào khi sử dụng Olexon S, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng Olexon S
Một số điều cần chú ý trước và trong khi sử dụng Olexon S bao gồm:
- Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh tăng chức năng tuyến giáp, tiểu đường, co giật trong quá khứ, bệnh tim bao gồm rối loạn nhịp tim và thiếu máu cơ tim, huyết áp cao;
- Thận trọng khi dùng thuốc nếu người bệnh dễ bị kích thích bởi amin giao cảm như người bị tăng chức năng tuyến giáp chưa được điều trị đúng cách;
- Theo dõi đường huyết thêm cho người bị hen phế quản kết hợp với tiểu đường khi điều trị Olexon S vì nguy cơ tăng đường huyết từ các thuốc chủ vận beta;
- Olexon S có thể gây rối loạn nhịp tim nên cần thận trọng;
- Không sử dụng ở người bị phì đại cơ tim do thuốc chủ vận beta kích thích co bóp cơ tim;
- Có thể hạ kali huyết khi sử dụng thuốc chủ vận beta cùng với dẫn xuất xanthin, steroid, thuốc lợi tiểu hoặc thiếu oxy máu. Cần theo dõi kali máu trong trường hợp này;
- Không tự ý sử dụng Olexon S khi ho kéo dài hoặc tái phát nhiều lần;
- Thuốc có thể gây kết quả dương tính khi thực hiện xét nghiệm kiểm tra doping;
- Phụ nữ mang thai: Terbutaline dưới dạng uống, hít hoặc tiêm dưới da để điều trị hen phế quản không gây hại khi mang thai. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi sử dụng Olexon S ở phụ nữ mang thai;
- Khi cho con bú: Terbutaline trong Olexon S lọt vào sữa ít, không đủ gây hại cho bé. Tuy nhiên, cần cân nhắc lợi ích cho mẹ và hậu quả cho bé, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc;
- Không nên sử dụng Olexon S khi lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc có thể gây buồn ngủ, run cơ,...
5. Tương tác với Olexon S
Một số tương tác của Olexon S mà người dùng cần chú ý:
- Với Terbutaline:
- Không kết hợp Terbutaline với thuốc gây kích thích giao cảm vì có thể gây tai biến hệ tim mạch. Tuy nhiên, ở người dùng Olexon S uống kéo dài, có thể kết hợp với thuốc giãn phế quản dạng khí để giảm co thắt phế quản cấp;
- Kết hợp Terbutaline với dẫn xuất theophylin có thể tăng độc tính ở tim, gây rối loạn nhịp tim;
- Thuốc Olexon S kết hợp với thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế MAO có thể gây tác hại cho hệ tim mạch, cần thận trọng khi dùng;
- Terbutaline kết hợp với halothan trong can thiệp ngoại khoa có thể gây đổ tử cung và nguy cơ xuất huyết hoặc rối loạn nhịp thất nặng.
- Với Guaifenesin:
- Không kết hợp Guaifenesin với dextromethorphan khi dùng chung với thuốc ức chế MAO;
- Cần thận trọng khi kết hợp Guaifenesin với phenylpropanolamin ở người bệnh tiểu đường, bệnh tim, mạch ngoại vi, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt.
Bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng nếu được chỉ định sử dụng Olexon S để được hướng dẫn đúng chuẩn. Trong quá trình điều trị, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mytour để cập nhật thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng gọi HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyMytour để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn bất kỳ lúc, mọi nơi ngay trên ứng dụng.