Toyota đang phát triển công nghệ pin thể rắn mới, có thể đi được khoảng 1.200km khi đầy bình, và chỉ cần mất khoảng 10 phút mỗi lần sạc.
Cách đây ít ngày, Toyota đã cập nhật tiến triển về công nghệ pin thể rắn của hãng. Công nghệ này có tiềm năng lớn, có thể giúp xe điện di chuyển xa hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính an toàn.
Công nghệ pin thể rắn khác biệt với công nghệ pin hiện tại ở chất điện phân, sử dụng chất điện phân thể rắn thay vì dạng lỏng. Pin thể rắn ít bị quá nhiệt và gây cháy hơn, cũng có khả năng sạc nhanh hơn công nghệ pin hiện tại.
Về mật độ năng lượng, pin thể rắn có chỉ số cao hơn so với pin sử dụng chất điện phân dạng lỏng như công nghệ pin liti-ion. Pin thể rắn có khối lượng thấp hơn nhưng dung lượng năng lượng cao, phù hợp với các mẫu xe chú trọng đến hiệu năng như xe thể thao hoặc siêu xe.
Trong thông báo hôm thứ 3, Toyota thông báo đã có 'đột phá công nghệ', có thể vượt qua rào cản về độ bền mà đã khiến pin thể rắn chưa phù hợp để ứng dụng trên công nghệ ô tô. Điều này sẽ giúp Toyota tiến triển tích hợp trên các mẫu xe của hãng, đặc biệt là xe lai điện và xe điện.
Toyota cũng cho biết rằng họ đang phát triển phương thức sản xuất thương mại quy mô lớn cho pin thể rắn, nhắm tới mục tiêu thương mại hóa công nghệ vào năm 2027 hoặc năm 2028.
Ngoài việc tăng hiệu quả về khối lượng và tính khí động học, Toyota dự tính một chiếc xe điện sử dụng công nghệ pin thể rắn của họ có thể đi được khoảng 1.200km mỗi lần sạc. Họ cũng đang nghiên cứu để cải thiện công nghệ pin thể rắn để xe điện có thể đi được tới 1.500km mỗi lần sạc.
Toyota đang phát triển để pin có thể sạc từ 10% đến 80% trong 10 phút hoặc ít hơn với bộ sạc siêu nhanh dùng điện một chiều (DC), nhanh gấp đôi so với công nghệ sạc nhanh hiện tại.
Trong thời gian pin thể rắn phát triển, Toyota sẽ tiếp tục phát triển công nghệ pin hiện tại, dự kiến vào năm 2026 sẽ cho ra mắt một phiên bản có thể đi được 1000km mỗi lần sạc.