Công Viên Kỷ Jura-Jurassic Park là một trong những bộ phim về khủng long nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh. Bước tiến đột phá của phim là việc sử dụng công nghệ CGI để tạo ra các cảnh quay sống động, mở ra một trang mới trong thế giới điện ảnh.
Nội dung của phim có gì hấp dẫn khán giả?
Jurassic Park là một bộ phim phiêu lưu, viễn tưởng nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 1993 do Steven Spielberg đạo diễn. Phim kể về John Hammond, người đã lập nên Công Viên Kỷ Jura với hy vọng đưa hình ảnh của các loài khủng long đã tuyệt chủng đến với mọi người. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của ông gặp phải nhiều rắc rối khi một số sự cố không mong muốn xảy ra, dẫn đến những tình huống nguy hiểm và kịch tính cho đoàn khách tham quan.
Dàn diễn viên Công Viên Kỷ Jura chia sẻ nhân kỷ niệm 30 năm phim ra mắt
Nhân kỷ niệm 30 năm phát hành, nhà sản xuất đã chia sẻ video cảm ơn trên kênh Youtube của Jurassic World, trong đó dàn diễn viên kể lại những kỷ niệm và hậu trường thú vị trong quá trình sản xuất phim.
Sam Neill (vai Alan Grant) nhấn mạnh rằng, khủng long đã đặt dấu ấn đặc biệt trong trí tưởng tượng của khán giả.
Diễn viên Jeff Goldblum (vai Ian Malcolm) nhấn mạnh rằng bộ phim là bước đầu cho một kỷ nguyên mới của điện ảnh, làm cho khán giả tin rằng mọi điều tưởng chừng không thể trở thành hiện thực trên màn ảnh.
Bộ phim là tiên phong cho thành công của công nghệ CGI trong điện ảnh
Theo Variety, đạo diễn Spielberg đã thực sự làm sống lại những hình ảnh của các loài khủng long đã tuyệt chủng như Tyrannosaurus Rex và Brachiosaurus. Sau Jaws (1975) và Star Wars (1977), Hollywood đang muốn thực hiện những bộ phim mang tính viễn tưởng, khai thác các đề tài về sinh tồn và diệt vong trong một thế giới siêu thực.
Năm 1991, bộ phim Terminator 2: Judgment Day đã sử dụng công nghệ máy tính nhưng không thực sự tạo ra những hình ảnh chân thực đối với khán giả. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim lúng túng với việc sử dụng CGI vì họ không tin tưởng vào hiệu quả của nó. Tuy nhiên, vào năm 1993, Spielberg đã thành công với công nghệ này.
Cảnh ba nhân vật chính trong phim kinh ngạc khi nhìn thấy một con khủng long Brachiosaurus đứng hai chân ăn lá cây hoặc cảnh Tyrannosaurus Rex đuổi theo xe ô tô sống động đến khiến họ sửng sốt. Phim đã giành giải Oscar cho Hiệu ứng đặc biệt xuất sắc nhất năm 1994. Điều này đã tạo ra một 'cuộc cách mạng' trong ngành điện ảnh, đáp ứng kỳ vọng từ giới làm phim (theo The Atlantic).
Sau đó, nhiều tác phẩm điện ảnh áp dụng công nghệ CGI như Casper (1995) và trong giai đoạn 1996-1998, Dragonheart, Starship Troopers, Titanic và Godzilla đã sử dụng kỹ xảo CGI trong nhiều cảnh quay.
Công viên Kỷ Jura đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh khác trong ngành công nghiệp giải trí. Ví dụ như cách Tony Stark bay trong Iron Man, hay xe của Dominic Toretto thách thức luật lệ trong loạt phim Fast & Furious.
Khi Jurassic Park ra mắt vào năm 1993, đó là bộ phim đầu tiên có doanh thu hơn 50 triệu USD chỉ trong cuối tuần công chiếu (theo Variety). Phim đã thu về 914 triệu USD trên toàn thế giới trong lần ra mắt và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại thời điểm đó. 30 năm đã trôi qua và với 5 phần phim về khủng long liên tục ra mắt, thương hiệu Jurassic vẫn giữ vững sức hút với 6 tỷ USD doanh thu toàn cầu ( tính đến tháng 8/2002 theo Deadline).
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong những năm gần đây, công nghệ CGI không còn xa lạ. Các tín đồ điện ảnh có thể dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các bộ phim bom tấn hiện nay đều sử dụng công nghệ này. Mặc dù Jurassic Park của đạo diễn Spielberg không phải là tác phẩm sử dụng CGI xuất sắc nhất, nhưng vẫn là bước đầu tiên mở ra con đường thành công cho nghệ thuật điện ảnh trong tương lai.