Bao giờ bạn gặp một người sếp, đồng nghiệp hoặc thậm chí có bạn bè, thân thích kiểm soát người khác? Họ muốn kiểm soát mọi thứ từ việc lớn đến việc nhỏ, khiến môi trường xung quanh trở nên nặng nề. Những người như vậy được gọi là Control Freak. Họ có biểu hiện gì và làm thế nào để đối phó với họ? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Control Freak là thuật ngữ để mô tả người muốn kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống, không chỉ về bản thân mà còn về những người xung quanh và các tình huống hàng ngày.
Những người như vậy thường cảm thấy không thoải mái khi họ không kiểm soát được mọi thứ và thường áp đặt ý kiến, quyết định của họ lên người khác, dẫn đến mâu thuẫn và căng thẳng trong mối quan hệ.
Hành vi kiểm soát này thường có nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, khiến họ cảm thấy mất kiểm soát và lo lắng. Điều này thúc đẩy họ tìm cách kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống để tự bảo vệ.
Tiếp theo là sự thiếu tự tin. Những người thiếu tự tin thường cần phải kiểm soát mọi tình huống để cảm thấy an toàn và tự tin hơn, vì họ tin rằng việc kiểm soát mọi thứ sẽ giúp họ tránh được rủi ro.
Một yếu tố khác là nỗi sợ hãi về thất bại. Những người có tính kiểm soát quá mức có thể lo sợ mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn nếu họ không kiểm soát được mọi tình huống. Do đó, họ áp đặt ý kiến hoặc quyết định của mình lên người khác để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo ý muốn của họ.
Dù ở môi trường công sở, gia đình, bạn bè hay bất kỳ mối quan hệ nào, những người kiểm soát quá mức cũng có những biểu hiện sau:
– Quản Lý Đến Từng Chi Tiết: Những người có hành vi kiểm soát thường quản lý hoặc thậm chí săm soi kỹ lưỡng từng chi tiết. Họ khó tin tưởng người khác hoặc để mọi người tự làm theo cách của họ mà cảm thấy cần phải giám sát mọi hành động.
– Áp Đặt Quan Điểm: Không ngừng áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của mình lên người khác là dấu hiệu rõ ràng của người kiểm soát quá mức. Họ tin rằng mọi điều họ nói là cách đúng duy nhất nên đều phản đối tất cả phản biện từ người khác.
– Không Sẵn Sàng Chia Sẻ, Ủy Quyền: Hầu hết những người có tính cách này thường gặp khó khăn trong việc chia sẻ trách nhiệm hoặc ủy quyền. Họ thích toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh và không tin tưởng vào người khác.
– Cứng Nhắc Trong Hành Vi và Kỳ Vọng: Vì tính bảo thủ, không linh hoạt nên họ dễ trở nên kích động, thất vọng nếu mọi việc không diễn ra theo ý họ.
– Luôn Cần Được Trấn An: Vì cảm giác không an toàn nên họ thường tìm kiếm cách để trấn an bên ngoài như liên tục yêu cầu cập nhật, xác thực hoặc bày tỏ sự nghi ngờ ngay cả khi mọi thứ đang suôn sẻ.
Một trong những bước đầu tiên để đối phó với những người thích kiểm soát là nhận ra hành vi của họ không nhằm vào bạn. Họ hành động vì nhu cầu kiểm soát của riêng họ, điều này không liên quan nhiều đến năng lực hay giá trị của bạn. Hãy hiểu rằng việc họ cố gắng kiểm soát bạn là phản ánh sự bất an của chính họ và nỗi sợ bị tổn thương vì chỉ qua hành vi kiểm soát họ mới có được cảm giác an toàn.
Bằng cách nhận ra điều này, bạn có thể tách mình ra khỏi hành vi của họ về mặt cảm xúc, tránh bị tác động bởi họ cũng như duy trì ý thức về giá trị bản thân. Từ đó tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp để đối phó với xu hướng Kiểm Soát Quá Mức.