Cung Trường Xuân (chữ Hán: 長春宮) là một cung điện nằm trong Tây lục cung của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Tên gọi 'Trường Xuân' mang ý nghĩa 'Thanh Xuân Vĩnh Cửu' (长久青春).
Lịch sử
Cung điện này được xây dựng dưới triều đại Minh. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), dưới triều Minh Thành Tổ Chu Đệ, cung điện này được hoàn tất với tên gọi [Trường Xuân cung]. Đến năm Gia Tĩnh thứ 14 (1535), tên cung đổi thành [Vĩnh Ninh cung; 永寧宮]. Đến năm Vạn Lịch thứ 43 (1615), tên gọi cũ [Trường Xuân cung] được khôi phục và giữ nguyên đến thời nhà Thanh. Trong thời Khang Hi thứ 22 (1683), cung điện được tu sửa và sau đó đã trải qua nhiều lần cải tạo. Vào triều Hàm Phong, năm thứ 9 (1859), Hàm Phong Đế đã lệnh dỡ bỏ Trường Xuân môn và biến hậu điện của Khải Tường cung thành điện chính của Trường Xuân cung. Từ đó, Trường Xuân cung và Khải Tường cung được kết hợp thành [Nam Bắc tứ viện lạc; 南北四进院落].
Thời Minh, Trường Xuân cung thường là nơi cư trú của các tần phi, như Lý Thành phi dưới triều Minh Hy Tông. Trong thời Thanh, cung thất cũng dành cho các hậu phi, nổi bật nhất là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Sau khi Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế đã biến Trường Xuân cung thành nơi tưởng niệm bà. Đến thời Đồng Trị và Quang Tự, Từ An Hoàng thái hậu và Từ Hi Hoàng thái hậu đều cư trú tại đây trong thời gian dài. Sách Vương thị Đông hoa tục lục (王氏东华续录) ghi chép rằng: [Hàm Phong thập nhất niên, Thượng phụng Mẫu hậu Hoàng thái hậu cư Trường Xuân cung Lý Tuy điện, Thánh mẫu Hoàng thái hậu cư Trường Xuân cung Bình An thất, mỗi nhật thân nghệ vấn an.; 咸丰十一年,上奉母后皇太后居长春宫履绥殿,圣母皇太后居长春宫平安室,每日亲诣问安。]. Sách Thanh thực lục cũng ghi lại việc Đồng Trị Đế thường xuyên thăm hỏi Từ An Hoàng thái hậu và Từ Hi Hoàng thái hậu tại Lý Tuy điện và Bình An thất trong Trường Xuân cung.
Sau khi Từ Hi Thái Hoàng thái hậu qua đời, Hiếu Định Cảnh hoàng hậu, khi còn là [Long Dụ Hoàng thái hậu], đã sinh sống tại đây. Trong thời kỳ Tuyên Thống, Trường Xuân cung trở thành nơi cư trú của Thục phi Văn Tú trước khi bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường trục xuất khỏi Tử Cấm Thành.
Kiến trúc
Trường Xuân cung nằm phía Nam giáp với Khải Tường cung, phía Bắc là Hàm Phúc cung, và phía Đông tiếp giáp với Dực Khôn cung.
- Chính điện Trường Xuân cung
- Tây Sao gian (西梢間): Gian cuối phía Tây, có [Lạc địa tráo kháng; 落地罩炕], là nơi nghỉ ngơi của chủ cung.
- Tây Thứ gian (西次間): Gian gần cuối phía Tây, có [Tọa khán; 坐炕] để ngồi, đối diện là bàn viết trong khung [Hoa tráo; 花罩]. Trên Tọa khán có [Kháng kỉ; 炕几] dùng tiếp khách.
- Minh gian (明間): Gian giữa của chính điện, có [Địa bình bảo tọa; 地屏宝座]. Trong Minh gian treo biển [Kính tu nội tắc; 敬修內則] do Càn Long Đế viết. Trong thời gian Từ Hi Thái hậu ở đây, bà cũng treo biển khác do Càn Long Đế viết là [Đức hiệp lục cung; 德洽六宮]. Hai bên sườn Tây và Đông của Minh gian có mành trướng.
- Đông Thứ gian (東次間): Hai bên có câu đối [Triệu khánh nhân thời hiệp tứ thủy, Khai thiều giao thái ứng tam dương; 肇慶因時協四始,開韶交泰應三陽] của Triệu Bỉnh Trùng (趙秉沖). Bày trí tương tự Tây Thứ gian.
- Đông Sao gian (東梢間): Bày trí tương tự Đông Thứ gian, cũng có Lạc địa tráo kháng làm phòng ngủ thứ hai.
- Tuy Thọ điện (綏壽殿): Điện thờ phụ ở tiền viện phía Đông của chính điện. Rộng ba gian, trước ra hành lang, bên cạnh thông với hành lang toàn cung điện. Hai bên vách hành lang vẽ 18 bức theo chủ đề của Hồng Lâu Mộng. Dưới mái hiên treo biển [Ưng Thiên Khánh; 膺天慶], câu đối hai bên là [Vạn tượng giai xuân điều phượng quản, Bát phương hướng hóa chuyển hồng quân; 万象皆春调凤琯,八方向化转鸿钧] do Khang Hi Đế viết.
- Thừa Hi điện (承禧殿): Điện thờ phụ ở tiền viện phía Tây của chính điện. Rộng ba gian, trước ra hành lang, bên cạnh thông với hành lang toàn cung điện. Hai bên vách hành lang vẽ 18 bức theo chủ đề của Hồng Lâu Mộng. Dưới mái hiên treo biển [Tuy Vạn Bang; 綏萬邦], câu đối hai bên là [Lân du phượng vũ trung thiên thụy, Nhật lãng phong hòa đại địa xuân; 麟游凤舞中天瑞,日朗风和大地春] cũng do Khang Hi Đế viết.
- Hí đài (戲台): Phía Nam của Trường Xuân cung, dùng để xem hí kịch.
- Bình môn (屏門): Cửa ngăn giữa hai phần của cung, trước đây là Trường Xuân môn. Trên cửa ghi đề [Cát khánh trường cửu; 吉慶長久].
- Di Thư Tình Sử (怡情書史): Nằm ở hậu viện, có năm gian, mái ngói lưu ly vàng kiểu Nghạnh Sơn đỉnh, dưới hiên có đấu củng. Hai bên sườn có các [Nhĩ phòng; 耳房], mỗi phòng ba gian.
- Ích Thọ trai (益壽齋): Điện thờ phụ của Di Thư Tình Sử hướng Đông, rộng ba gian.
- Nhạc Chí hiên (樂誌軒): Điện thờ phụ của Di Thư Tình Sử hướng Tây, rộng ba gian.
- Tỉnh đình (井亭): Hướng Đông Nam, một đình che miệng giếng.
- Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh
- Khu vực Tây lục cung
- Cung Trữ Tú
- Cung Dực Khôn