Công lao đưa thịt về cho bộ lạc đến từ cả hai giới tính.
Suốt nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu con người đã thu thập chứng cứ cho thấy phụ nữ hái lượm có khả năng săn bắt tinh xảo.
Trong những năm 80, phụ nữ Aeta ở Philippines đã làm ra cung cao cấp và sử dụng chúng trong việc săn lợn, săn hươu. Trong cùng thời kỳ, ở Nam Mỹ, người Mayoruna sống ở Amazon đã săn chuột paca bằng dao rựa. Những năm 90, tài liệu về cuộc sống ở Trung Phi cho thấy các cụ già Aka và cô bé chỉ 5 tuổi đều tham gia vào cuộc săn, có thể bẫy được cả linh dương và nhím mang về cho làng.
Trong một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên PLOS ONE, tất cả các báo cáo đã được tổng hợp lại để tạo ra một cái nhìn tổng quan về phụ nữ trong nghề săn bắn. Dựa trên một lượng lớn dữ liệu được thu thập từ cuối thế kỷ 19 đến nay, các nhà khoa học nhận thấy 80% các cuộc săn bắn có sự tham gia của phụ nữ.
Các dữ liệu này phủ nhận quan điểm rằng chỉ có đàn ông săn bắt và phụ nữ hái lượm, điều này đã tồn tại cùng với nhận thức hiện đại từ rất lâu.
Một thợ săn người Awá sống ở Brazil.
“Chúng tôi thu được rất nhiều báo cáo riêng về hoạt động săn bắt của phụ nữ”, Vivek Venkataraman, nhà nhân loại học tại Đại học Calgary, nhận xét về báo cáo khoa học mà ông không có đóng góp. Ông đồng thời nhận định nghiên cứu mới là “bổ sung quan trọng khi kết nối nhiều dữ liệu với nhau”.
Từ đầu thế kỷ 20 cho tới nhiều thập kỷ sau đó, các nhà nhân loại học tin rằng: việc săn bắt, tận dụng nguồn thịt là động lực thúc đẩy tiến hóa của con người, góp phần vào việc đi bằng hai chân, phát triển não bộ và sử dụng công cụ. Theo quan điểm cũ 'đàn ông đi săn', nam giới đi xa để săn mồi, trong khi phụ nữ chịu trách nhiệm về hái lượm và chăm sóc con cái. Quan điểm này đã tồn tại hơn 1 triệu năm.
Theo lời nhà nhân loại sinh học Lee Sang-Hee, quan niệm “đàn ông đi săn” bắt nguồn từ sức mạnh của nam giới. Theo chuyên gia từ Đại học California, phụ nữ không thể săn bắt vì “có con nhỏ, chu kỳ kinh nguyệt và mùi máu sẽ thu hút loài săn mồi khác”. Trong nghiên cứu năm 1981 của nhà nhân loại học Brian Hayden, phụ nữ gặp khó khăn về vận động vì bản tính “yên bình và ít hung dữ”.
Quan niệm rằng chỉ nam giới mới đủ sức khỏe để săn bắt.
Kết quả nghiên cứu củng cố quan điểm trên đã tồn tại từ lâu, ví dụ như hội nghị về săn bắt của nam giới năm 1966 tại Đại học Chicago. Với 70 nam và 4 phụ nữ tham gia, sự kiện tập trung vào thông tin về loài thú còn sống, cộng đồng hái lượm và các di tích cổ.
Ý kiến phổ biến là nam thợ săn đã mang lại lượng thịt lớn giúp con người sinh tồn và tiến hóa. Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu thường nhấn mạnh mối liên kết giữa thịt và nam giới. Ví dụ, các di tích săn bắt như xương động vật và mũi giáo thường được bảo tồn lâu hơn thực phẩm như củ quả và công cụ hái lượm, từ đó không thể hiện rõ vai trò của cả hai giới trong săn bắt và hái lượm.
Thông tin về các cộng đồng hái lượm thường được ghi chép từ thế kỷ 18 đến 20 bởi nhóm người Âu - Mỹ, dựa trên trải nghiệm của nam giới. Theo bà Lee Sang-Hee, những ghi chép này không thường xuyên đề cập đến quan điểm của phụ nữ địa phương.
Trong giai đoạn thập niên 70-80, các nhà khảo cổ dần tổng hợp thêm chứng cứ cho thấy phụ nữ không chỉ hái lượm, họ còn là những thợ săn tài ba. Tuy nhiên, định kiến vẫn tồn tại trong ý thức đám đông, một phần là do cách báo cáo về các cộng đồng săn bắt hái lượm của các bảo tàng và phương tiện truyền thông. Ví dụ, trong một nghiên cứu xuất bản năm 2019 của nhà nghiên cứu Lee Sang-Hee, tìm kiếm “người tiền sử” trên Google Hình ảnh cho thấy 207 kết quả về thợ săn nam giới, trong khi chỉ có 16 kết quả liên quan đến phụ nữ tham gia săn bắt.
Minh họa bức tranh của người tiền sử trên tường hang.
Để làm rõ vấn đề này toàn cầu, nhà nhân loại sinh học Cara Wall-Scheffler đã tìm kiếm trong bộ dữ liệu D-PLACE chứa thông tin về khoảng 1.400 nhóm dân tộc bản xứ, thu thập từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 2010. Hợp tác với sinh viên Đại học Seattle Pacific, bà Wall-Scheffler đã xác định 391 cộng đồng săn bắt hái lượm và thu thập báo cáo xoay quanh họ.
Tìm kiếm chủ yếu vào hoạt động săn bắt, bà Wall-Scheffler và các sinh viên đã phát hiện 63 nhóm người sống bằng săn bắt hái lượm trên toàn thế giới, trong đó có Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á-Âu, Châu Úc và Châu Đại Dương. Trong số đó, phụ nữ thợ săn xuất hiện trong 50 trên tổng số 63 cộng đồng được xác định.
“Tôi từng nghi ngờ rằng phụ nữ thường xuyên săn bắt”, bà Wall-Scheffler nói, và điều khiến bà ngạc nhiên là mục đích của họ. Trong những cộng đồng với thợ săn nữ, 87% thợ săn chủ động săn bắt chứ không chờ may mắn. “Khi họ thức dậy vào buổi sáng, họ chủ động ra ngoài săn bắt”.
Báo cáo cũng cho thấy sự đa dạng trong việc sử dụng công cụ và sự linh hoạt của phụ nữ thợ săn. Một số sử dụng giáo, dao, rựa và nỏ, trong khi những người khác sử dụng chó săn hoặc bẫy. Phụ nữ không ngần ngại lần dấu những con mồi lớn, đồng thời có kỹ thuật dụ những con mồi nhỏ hơn lên mặt đất.
Việc giữ con không gây khó khăn đối với những cộng đồng này. Phụ nữ thợ săn có thể đem con theo hoặc để lại với thành viên khác trong cộng đồng; đôi khi, người lớn cùng đi săn có thể đưa theo cả trẻ em.
Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu phát hiện sự khác biệt trong chiến thuật săn bắt giữa nam và nữ. Ví dụ, ở cộng đồng Agta, nam thợ săn thích sử dụng cung và tên, trong khi đó, đao là vũ khí ưa thích của nhóm nữ thợ săn. Nam giới thường săn một mình hoặc theo cặp, trong khi nữ thợ săn thường đi theo nhóm và có chó săn đi cùng.
Nghiên cứu mới làm tan vỡ định kiến 'đàn ông săn bắt, phụ nữ hái lượm'.
Ngoài ra, không có quy định nào về trách nhiệm săn bắt. “Nếu ai muốn săn, họ có thể tự làm”, bà Wall-Scheffler nói. Trước đây, tại các khu vực khảo cổ, người ta nghĩ rằng những bộ xương gần công cụ săn bắt là của nam giới, nhưng kiểm tra gen đã cho thấy có thể thuộc về nữ giới.
Các nhà khoa học trong lĩnh vực khảo cổ đánh giá cao giá trị của nghiên cứu này. Chuyên gia nghiên cứu hoạt động săn bắt bằng công cụ đá, Annemieke Milks, hoan nghênh kết quả nghiên cứu khi xóa bỏ định kiến lâu đời. “[Báo cáo] đưa ra quan điểm mới về cách chúng ta suy luận về quá khứ xa xưa”, bà nói, đồng thời khẳng định kết quả đã “phá vỡ hoàn toàn [định kiến] rằng đàn ông săn bắt, phụ nữ hái lượm”.
Theo Science