Bất chấp lệnh cấm vận, chip Mỹ và các linh kiện công nghệ cao từ phương Tây vẫn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ của Nga.
Trong một bài phóng sự gần đây, phóng viên của tờ WSJ đã thăm phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Khoa học Giám định ở Kiev. Tại đây, họ thu thập các mảnh vụn từ khí tài Nga như tên lửa, đạn pháo và UAV để phân tích. Thông tin từ các mảnh vụn này cho thấy sự hiện diện của cuộc đối đầu về vi mạch.
Ảnh bên trái là module GPS của u-blox, một công ty bán dẫn Thụy Sĩ. Bên phải là 2 con chip từ các công ty Mỹ, lần lượt là Xilinx và Analog. (Ảnh: WSJ)
Các thiết bị bán dẫn này có giá cả rất thấp, chỉ từ vài chục đến dưới 100 USD, với nhiều vai trò như định vị GPS, xử lý tín hiệu liên lạc, xử lý logic và nhiều tác vụ khác.
Ngoài đạn pháo và UAV thông thường, phòng thí nghiệm cũng thu thập được một số mảnh vỡ được cho là của tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon. Theo truyền thông Mỹ, Nga đã bắt đầu sử dụng loại tên lửa này với vận tốc lên tới 11.000 km/h trong chiến dịch quân sự đầu năm nay.
Theo ông Andriy Kulchytskyi, tại phòng thí nghiệm, các khí tài Nga thu thập được chủ yếu là linh kiện từ các nước khác nhau trên thế giới, từ dụng cụ quang học Nhật Bản đến các thành phần của Trung Quốc, Iran và thậm chí Ireland. Tuy nhiên, các chip bán dẫn từ các công ty Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Chip Altera Flex FPGA được gắn trên bo mạch có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như xử lý tín hiệu, điều khiển, và liên lạc. (Ảnh: WSJ)
Theo dữ liệu từ RUSI, một tổ chức nghiên cứu về quốc phòng và an ninh của Anh, 70% linh kiện trong 27 hệ thống khí tài của Nga được nhập khẩu từ nước ngoài và trong đó có 70% được sản xuất bởi các công ty Mỹ trong 4 tháng đầu của xung đột.
Theo nghiên cứu sinh Denys Karlovskyi tại RUSI, vấn đề khó khăn là làm sao để biết chính xác các vi mạch được sử dụng trong các kho dự trữ của Nga trước và sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022.
Lệnh cấm vi mạch
Vi mạch và một số hàng hóa công nghệ khác hiện nằm dưới sự kiểm soát xuất khẩu của các nước phương Tây. Để đáp lại, Nga đã phát triển cách thức nhập khẩu các linh kiện này thông qua các quốc gia trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và thậm chí Maldives theo thông tin từ C4ADS, một tổ chức phi lợi nhuận về an ninh toàn cầu.
Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, 70% công cụ máy móc và 90% thiết bị điện tử nhập vào Nga từ Trung Quốc đều là hàng hóa công nghệ kép. Các công ty phương Tây khẳng định các mặt hàng này được Nga nhập khẩu mà không có sự cho phép của họ. Cả Intel, công ty sở hữu Altera, và Analog Devices, một nhà sản xuất chip lớn khác của Mỹ, đều tuyên bố họ không kinh doanh tại Nga và tuân thủ đầy đủ luật xuất khẩu của Mỹ cũng như các quốc gia khác mà họ hoạt động.
Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng gần đây nhằm hạn chế khả năng các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga tiếp cận với một số dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm của Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố trong một bài phát biểu video vào tháng 4: “Mỗi tên lửa tấn công vào Ukraine chứa hàng chục linh kiện điện tử và chip, đều có nguồn gốc từ các công ty ở các quốc gia khác và được nhập khẩu qua lãnh thổ láng giềng của Nga”.
Để ngăn chặn việc tiếp cận vi mạch từ Moskva, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hong Kong cung cấp linh kiện bán dẫn và công nghệ khác cho Nga.
Ví dụ, Công ty Youxin Thâm Quyến có trụ sở tại Trung Quốc đã cung cấp công nghệ trị giá hơn nửa triệu USD, bao gồm cả vi mạch, cho Nga. Theo tuyên bố của Bộ Tài chính, một số vi mạch trong số này đã được phát hiện trên máy bay không người lái trinh sát của Nga.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào các cá nhân hỗ trợ mua sắm thiết bị vi mạch, như Alexey Chichenev - công dân Nga, người điều hành mạng lưới mua sắm vi mạch quy mô lớn có trụ sở tại Hong Kong.
Điện Kremlin tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Như thường lệ trong những trường hợp tương tự, Nga sẽ không để yên cho những hành động gây hấn”.
Vi mạch trong chiến tranh hiện đại
Theo Citylabs, vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong các ứng dụng quân sự khác nhau, góp phần vào hệ thống thông tin liên lạc, công nghệ mã hóa, hệ thống radar, dẫn đường tên lửa và chiến tranh điện tử. Kích thước nhỏ, mức tiêu thụ điện năng thấp và độ tin cậy cao khiến chúng lý tưởng cho các công nghệ quân sự yêu cầu sự nhỏ gọn, hiệu quả và độ bền.
Trong các hệ thống thông tin liên lạc, vi mạch được sử dụng để phát triển radio, thông tin vệ tinh và cơ sở hạ tầng mạng tiên tiến. Chúng cải thiện tốc độ truyền dữ liệu, chất lượng tín hiệu và khả năng kết nối.
Trong các hệ thống radar, vi mạch được dùng để tạo ra các bộ khuếch đại tần số cao và xử lý tín hiệu. Nhờ đó, chúng cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu, nâng cao nhận thức tình huống và hỗ trợ phát hiện các mối đe dọa.
Vi mạch cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh điện tử, giúp làm gián đoạn hệ thống liên lạc và radar của đối phương. Hệ thống dẫn đường tên lửa sử dụng vi mạch để tính toán quỹ đạo và dẫn đường tên lửa tới mục tiêu với độ chính xác cao.
Ngoài ra, vi mạch hiện đại đang hỗ trợ các phương tiện tự hành và UAV bằng khả năng tính toán và xử lý dữ liệu tiên tiến. Điều này giúp tăng cường giám sát mục tiêu, tiết kiệm năng lượng và tăng cường chính xác trong các cuộc tấn công.
Theo Karve International, trong tương lai, vi mạch mạnh mẽ hơn sẽ cho phép tích hợp các thuật toán học máy và AI phức tạp vào các khí tài quân sự. AI được hỗ trợ bởi công nghệ bán dẫn sẽ giúp xử lý lượng dữ liệu lớn, cung cấp phân tích, dự đoán và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Ứng dụng công nghệ này có thể làm thay đổi hoàn toàn cách thức tự động ra quyết định, đánh giá mối đe dọa và thậm chí tự động bảo trì các thiết bị quân sự và hậu cần.