Phố những cửa hiệu u tối của nhà văn Pháp Patrick Modiano, xuất bản vào năm 1978, và nhận giải thưởng danh giá Goncourt của văn học Pháp cùng năm đó. Cuốn sách kể về chuyến hành trình tìm lại chính mình của Guy Roland, một cựu nhân viên của một công ty thám tử tư. Guy mất hết ký ức của mình từ nhiều năm trước khi câu chuyện bắt đầu. Anh được sự giúp đỡ của ông chủ của mình, ông Hutte – chủ của công ty thám tử tư, và được cấp giấy tờ tùy thân mới trước khi được mời làm việc cùng ông. Thông qua những dấu vết mơ hồ, những cái tên lạ lùng như “Kỵ Sĩ Xanh”, và những người mà Guy cho là đã từng gặp trong quá khứ của mình, Patrick Modiano tái hiện lại bức tranh về Paris và Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến: một thời đại đầy rối loạn, bí ẩn và đầy nỗi sợ.
Quá khứ của Guy thực sự rất mơ hồ: sử dụng tên giả, giấy tờ giả, nghề nghiệp không rõ ràng, thậm chí còn địa chỉ cũng chỉ là những khách sạn. Mặc dù đã biết được nhiều điều về quá khứ của mình, Guy vẫn không ngừng nghi ngờ bản thân mình: “Tôi là ai? Cuộc sống của tôi có đúng không? Hay đó là cuộc sống của một người khác mà tôi đã thay thế?” Ngay cả địa chỉ thật của một người đàn ông có thể chính là quá khứ thực sự của Guy, nơi mà cũng là tiêu đề của cuốn sách, nhưng đó lại là một nơi mơ hồ và có thể là không tồn tại. Ký ức, những người đã gặp hoặc có mối quan hệ với Guy, những thông tin mà họ cung cấp đều rất ít ỏi, thậm chí có những người không thể cung cấp thêm thông tin vì họ đã khuất dưới mặt đất. Có thể người đó chính là Guy, cũng có thể là không, nhưng những cuộc gặp gỡ đó không mang lại sự ấm áp hay giúp Guy nhớ lại ký ức như mọi người thường nghĩ, ngược lại, chúng chỉ tăng thêm sự đắng cay, buồn bã và hối tiếc về việc không thể xác định bản thân mình.
Tóm lại, việc rời xa và gặp lại nhau trong cuộc đời, không phải là sự hồi hộp, cũng không tạo ra bất kỳ ký ức đẹp nào. Chúng chỉ làm ta nhận ra rằng thời gian đã trôi qua, và mọi thứ không còn như xưa.
Cuộc đời trước của Guy dường như là một chuỗi những lời nói dối. Có lẽ chỉ có một người biết sự thật về Guy. Và khi những người không biết sự thật này tìm đến người biết, thì tiếc thay, họ cũng biến mất. Chuyến hành trình tìm lại chính mình của Guy có vẻ như vẫn còn dài và có thể không có hồi kết có hậu?
Vậy, bạn nghĩ tại sao Patrick Modiano lại đặt nhân vật chính của mình vào cuộc tìm kiếm bản thân không? Guy Roland có thể sống an nhàn phần đời còn lại mà không cần quan tâm đến quá khứ xa xôi đó. Hoặc anh có thể quay lại làm việc trong công ty thám tử mà anh từng làm với ông chủ cũ. Tại sao phải gặp gỡ lại bản thân? Tại sao phải làm mệt mỏi bản thân với những cuộc tìm kiếm vô vọng như vậy? Chính những cuộc tìm kiếm vô vọng ấy đã tạo nên đặc điểm riêng trong tác phẩm của Patrick Modiano. Ông đưa nhân vật vào cuộc hành trình này để đề cập đến vấn đề ông luôn quan tâm: việc mất đi danh tính và bản sắc của chính mình.
Đây không chỉ là bi kịch của một cá nhân hay một nhóm nhỏ, mà còn là bi kịch chung của nhiều cộng đồng trên toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến nhiều dân tộc, vì nhiều lý do khác nhau, mất đi bản sắc của mình và rơi vào quên lãng. Tộc Ainu đã mất đi ngôn ngữ cuối cùng của họ từ vùng Sakhalin. Còn bao nhiêu người ở Okinawa có thể nói lưu loát tiếng mẹ đẻ của họ? Thậm chí còn không thống kê được nữa là. Ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của các dân tộc bản địa ở châu Mỹ giờ đã trở thành quá khứ xa xăm.
Tác giả cũng truyền tải một khao khát mà tôi tin rằng ai cũng có: khao khát biết về nguồn gốc của mình. May mắn thay, phần lớn chúng ta đều biết cha mẹ ta là ai, ta đã học ở đâu, bạn bè ta là ai, và những điều nhỏ nhặt khác về bản thân. Tất cả những điều ấy làm nên con người và cội nguồn của chúng ta. Nhưng với những người không biết nguồn gốc của mình, cái khao khát ấy càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Những điều đó quyết định con người ta và làm nên bản sắc của mỗi người. Phần lớn chúng ta đều nhớ những điều đó, cho dù có thể không nhận ra hoặc coi nhẹ chúng. Nhưng đối với những người mất đi ký ức của mình, khao khát biết về nguồn gốc của mình lại càng lớn lao hơn.
'Tôi là ai?'
'Tôi từ đâu đến?'
'Tôi sẽ đi về đâu?'
Một thắc mắc cuối cùng mà Patrick Modiano đặt ra trong 'Phố những Cửa hiệu U tối': Quá khứ hay Tương lai, cái nào quan trọng hơn đối với một con người?
Con người thường cho rằng họ tự tạo ra tương lai của mình. Nhưng liệu họ tạo nên Tương Lai từ đâu?
Cuốn sách này giống như một cuốn nhật ký của nhân vật chính, Guy Roland, nơi anh ta ghi lại mọi thứ qua góc nhìn của mình.
Guy phát hiện ra tung tích của bản thân mình mờ mịt và khám phá một thực tại mới.
Cảnh vắng tanh của phố khiến Guy nhớ về những ký ức và cảm xúc quen thuộc một cách lạ lùng.
“Phố vắng tanh và tối hơn lúc tôi vào khu nhà. Gã cảnh sát vẫn đứng canh vỉa hè trước mặt. Phía trái, nếu tôi cúi đầu, tôi có thể thấy một khoảng cũng vắng tanh với những nhân viên cảnh sát khác đứng canh. Như thể cửa sổ của tất cả những khu nhà nuốt lấy bóng đêm đang xuống dần. Những cửa sổ ấy đen ngòm và ta thấy rõ là không có ai ở đấy. Bấy giờ, một cái gì bật đánh “tách” trong tôi. Cái cảnh nhìn thấy từ căn phòng này gây cho tôi một cảm giác lo âu, nơm nớp, mà tôi đã từng biết. Những mặt tiền này, con phố vắng này, những bóng người canh gác này trong hoàng hôn làm tôi bối rối một cách quỷ quyệt như một bài hát hay một mùi hoa xa kia đã từng quen thuộc. Và tôi dám chắc rằng nhiều lần, cũng vào giờ này, tôi đã từng đứng đây rình ngóng không động đậy, không làm một cử chỉ nhỏ nào và thậm chí không dám thắp một ngọn đèn.”
Chỉ có ba phần được kể từ góc nhìn thứ ba, mỗi phần là câu chuyện của ba người khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung: gặp Guy nhưng không hề gặp lại anh ta trong suốt cuốn sách.
Vào khoảng bảy giờ tối, anh ta thích nhất khi dắt con trai đi dạo bãi biển.
Một người đã hẹn gặp anh ta ở khách sạn Castille.
Một phụ nữ nhìn ra khỏi cửa sổ và nhớ lại quá khứ.
Patrick Modiano viết ba chương này với mục đích gì?
Guy hóa thân thành người mà anh ta tin là chính mình trong một chương sách.
Bây giờ, chỉ cần nhắm mắt lại. Khi tôi đóng đôi mí, những kí ức trước khi chúng tôi rời Megève quay về bắt đầu hiện lên trong tâm trí tôi, từng chi tiết rõ ràng. Những bức cửa sổ lớn của khách sạn Zaharoff trên đại lộ Hoche, những lời nói bất thình lình từ Wildmer, những cái tên rực rỡ như Rubirosa hoặc lạ kỳ như Oleg de Wredé cùng với nhiều chi tiết mờ mịt khác – cả giọng điệu của Wildmer, hơi khàn khàn và gần như không rõ nghĩa – tất cả đã làm nhiệm vụ chỉ dẫn cho tôi.
Ngoài sự hấp dẫn và u buồn trong nội dung, giọng kể chuyện của Phố những Cửa hiệu U tối cũng đặc biệt: không nhanh không chậm, một cách... đều đều. Nhưng đừng nghĩ rằng việc đọc cuốn sách này sẽ khiến bạn buồn ngủ! Hãy nhớ rằng Guy đang kể chuyện về chính mình, đang điều tra để tìm lại những ký ức và những người đã bị lãng quên. Và khi bạn kể về quá khứ, đặc biệt là một quá khứ xa xưa, bạn sẽ kể nhanh hay chậm? Tuy nhiên, ở một số ít chương, Guy, hay Patrick Modiano, đã tăng tốc độ kể chuyện của mình, điển hình là ở Chương XIV. Những tên, những số, những địa chỉ - tất cả đều nối tiếp nhau không ngừng, giống như một dòng suối bất ngờ tràn vào, làm mất đi sự tỉnh táo của người đọc.
Cộng hòa Dominica Đại lộ Messine, số 21 (Q.8) Carnot 10 – 18 N... Đại sứ và ủy viên đặc biệt toàn quyền. Tiến sĩ Gustavo J.Henriquez. Bí thư đầu tiên. Tiến sĩ Salcador E. Paradas. Bí thư thứ hai (và phu nhân), đường Alsace, số 41 (Q.10). Tiến sĩ Bienvenido Carrosco. Tư vấn, đường Descamps, số 45 (Q.16), điện thoại: TRO 42 – 91. Venezuela Đường Copemic, số 11 (Q.16), PASsy 72 – 29. Đại sứ quán: đường La Pompe, số 115 (Q.16), PASsy 10 – 89. Tiến sĩ Carlo Aistimuno Coll. Đại sứ và ủy viên đặc biệt toàn quyền. Jaime Picon Fegres. Tham tán. Antonio Maturib. Bí thư đầu tiên. Antonio Brinno. Tư vấn.
Đại tá H. Lopez – Mendez. Tư vấn quân sự. Pedro Saloaga. Tư vấn thương mại. Guatemala. Quảng trường Joffre, số 12 (Q. 7), điện thoại: SEGur 09 – 59 Adam Maurisque Rios. Tham tán đại diện tạm thời. Ismael Gonzalez Arevalo. Bí thư. Frederico Murgo. Tư vấn. Ecuador Đại lộ Wagram, số 91 (Q.17), điện thoại: ETOde 17 – 89 Gonzalo Zaldumbido. Đại sứ và ủy viên đặc biệt toàn quyền (và phu nhân). Alberto Puig Arosemena. Bí thư đầu tiên (và phu nhân) Alfredo Gangotena. Bí thư thứ ba (và phu nhân) Carlos Guzman. Tư vấn (và phu nhân). Victor Zevallos. Tham tán (và phu nhân), đại lộ Iéna, số 21 (Q.16).
El Salvador Riquez Vega. Đại sứ đặc biệt Thiếu tá J.H.Wishaw. Tư vấn quân sự (và con gái) F. cappurro. Bí thư đầu tiên. Luis... Những chữ cái nhảy múa. Tôi là ai?
Lời kết
Tóm lại, nếu bạn muốn đọc một cuốn sách và suy ngẫm về những điều được viết trong đó, thì Phố những Cửa hiệu U tối là cuốn sách bạn không nên bỏ qua. Hãy đọc vài chương, sau đó dừng lại và suy ngẫm về những điều bạn đã đọc, tiếp theo là đọc vài chương nữa và dừng lại để tiếp tục suy ngẫm. Và sẽ càng thú vị hơn nếu bạn suy ngẫm về những trải nghiệm, những người bạn đã gặp hoặc những việc bạn đã làm.
Chúc bạn có những khoảnh khắc đáng nhớ khi đọc Phố những Cửa hiệu U tối.
Tác giả: Dạ Lâm - MyBook