Business English (Tiếng Anh Kinh doanh) ngày càng phổ biến và cần thiết trong thế giới phẳng hiện nay, khi mọi hoạt động giao thương buôn bán giữa các quốc gia diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên, như đã đề cập trong bài viết về Định nghĩa và vai trò của Business English, tiếng anh chủ đề Business có những đặc điểm riêng, khác với tiếng Anh sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.
Trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu những đặc điểm về từ vựng tiếng anh chủ đề Business nhằm góp phần giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn và phương hướng học tập hiệu quả hơn.
Tính chuyên ngành của từ vựng tiếng Anh chủ đề Business
Người đọc dễ dàng bắt gặp trong các báo cáo kinh doanh (business report) hay cuộc họp kinh doanh (business meeting) những cụm từ hay từ chuyên ngành bao gồm:
cash with order: trả tiền khi đặt hàng
bill of lading: vận đơn đường biển
letter of credit: tín dụng thư
with particular average: có tổn thất riêng
bad debt: nợ xấu
Bên cạnh đó, trong giao thương quốc tế (international trade), những cụm từ thông dụng bao gồm:
D/A (documents against acceptance – phương thức thanh toán trong giao dịch quốc tế trong đó người nhập khẩu phải thanh toán hối phiếu vào một thời gian nhất định và khi người nhập khẩu chấp nhận thời gian đó, ngân hàng sẽ giao bộ chứng từ)
D/D (documents against payment – phương thức thanh toán trong giao dịch quốc tế trong đó người nhập khẩu phải thanh toán hối phiếu với ngân hàng ngay khi hối phiếu được xuất trình, trước khi chứng từ giao hàng (shipping documents) được giao,…
Trong xuất khẩu, nhập khẩu, có những từ ngữ chuyên ngành liên quan đến các văn bản như:
commercial invoice: hoá đơn thương mại
insurance policy: hợp đồng bảo hiểm
customs invoice: hoá đơn hải quan
Ngoài ra,từ vựng tiếng Anh chủ đề Business còn có những từ ngữ chuyên ngành về các chỉ số trong kinh tế vi mô, bao gồm
GNP (gross national product – tổng sản lượng quốc gia)
GDP (gross domestic product – tổng sản phẩm nội địa)
NNP (net national product – tổng sản phẩm ròng quốc gia).
Người đọc sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có vốn từ vựng chuyên ngành. Sau đây là một ví dụ về câu hoàn chỉnh được sử dụng trong Business English: “A bank or a specialised forfaiting house then buys the bill of exchange or promissory note written out by the exporter’s customer, but at a discount to its full value.” (Ngân hàng hoặc đơn vị bao thanh toán tuyệt đối sau đó sẽ mua hối phiếu đòi nợ hoặc hối phiếu nhận nợ được ghi bởi khách hàng, nhưng được giảm giá so với giá trị gốc.) Những từ “forfaiting”, “bill of exchange” và “promissory note” là những từ chuyên ngành mà nếu không tìm hiểu về Business English, người đọc sẽ khó hiểu nghĩa.
Tính trang trọng và tiêu chuẩn của từ vựng trong lĩnh vực tiếng Anh Kinh doanh
Tính trang trọng được thể hiện qua việc thay thế những từ mang sắc thái thân mật phổ biến trong Tiếng Anh Giao tiếp thường ngày bằng những từ trang trọng hơn. Từ ngữ trang trọng thể hiện rằng đây là một tình huống chuyên nghiệp, đặc biệt, không giống như các tình huống hàng ngày. Những giới từ, trạng từ thường được dùng trong văn nói như “because” (bởi vì), “if” (nếu), “for” “với mục đích” lần lượt được thay thế bằng “on the grounds that”, “in the event of”, “for the purpose of”. Cụm động từ như “go on” (tiếp tục) được thay bằng “continue”, hay thay vì sử dụng “add to” (thêm vào), Business English sẽ dùng “supplement”.
Tính trang trọng còn được thể hiện rõ ràng hơn trong văn viết. Một số động từ trang trọng hơn có thể kể đến “purchase” (mua) (thay cho “buy”), “commence/initiate” (bắt đầu) (thay cho “begin/start”), require (yêu cầu) (thay cho “want” hay “need”), “sufficient” (đầy đủ) (thay cho “enough”),… Trong các hợp đồng, “expire” (kết thúc, hết hiệu lực) được sử dụng thay vì “end”, “certify” (chứng thực, chứng minh) phổ biến hơn “prove”.
Mục đích của việc sử dụng những từ ngữ trên là tăng tính chính xác, tránh sự mơ hồ, nhầm lẫn và giúp văn bản, lời nói mang sắc thái nghiêm túc hơn. Trong thế giới kinh doanh, các bên đều muốn hiểu thông tin và hành động một cách nhanh chóng và chính xác, bởi một sai lầm trong thông tin truyền đạt có thể làm phí phạm rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức hay uy tín, danh tiếng của những bên liên quan. Vì vậy, những thông tin đưa ra cần thẳng thắn, rõ ràng và trang trọng.
Tuy nhiên, để truyền đạt thông tin hiệu quả hơn đến nhiều người hơn, xu hướng hiện tại trong Business English là sử dụng ngôn ngữ đơn giản và thân thiện hơn. Để diễn tả ý “Công ty chọn kênh tiếp thị cẩn thận”, thay vì nói/ viết quá trang trọng “The company endeavors to choose its sale channels with discretion”, có thể viết/ nói “The company tries to choose its sale channels carefully.”
Từ viết tắt, từ đa nghĩa, cụm từ và từ mượn trong tiếng Anh Kinh doanh
SO (Shipping Order – Đơn đặt hàng vận chuyển)
VERs (Voluntary Export Restraints – Hạn chế Xuất khẩu Tự nguyện)
FDI (Foreign Direct Investment – Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài)
GATT (General Agreement on Tariffs and Trade – Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch),…
Một đặc điểm khác của Business English là từ đa nghĩa. Từ đa nghĩa là những từ mang nhiều nghĩa khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Có những từ thông dụng mang nghĩa khác biệt khi đặt trong bối cảnh liên quan đến kinh doanh, thương mại. Và có những thuật ngữ chuyên ngành có nghĩa khác nhau trong các trường hợp kinh doanh, thương mại khác nhau.
Ví dụ 1:
“Buoyancy” mang nghĩa khác nhau khi sử dụng trong bối cảnh thường ngày và khi sử dụng trong Business English.
Nghĩa phổ biến của “buoyancy” là khả năng nổi (float)
We tested the boat for buoyancy (Chúng tôi kiểm tra khả năng nổi của con thuyền)Nghĩa chuyên ngành của “buoyancy” là khả năng giá cả hay doanh nghiệp nhanh chóng trở lại mức cao sau khoảng thời gian khó khăn
The trends in consumer spending suggest the economic buoyancy. (Xu hướng trong chi tiêu tiêu dùng thể hiện xu hướng tăng giá của nền kinh tế).
Ví dụ 2: I move that we table the discussion until our next meeting when everyone is present (Tôi đề xuất rằng chúng ta hoãn cuộc thảo luận đến cuộc họp tiếp theo khi mọi người có mặt đầy đủ)
Phân tích: Nếu trong General English, “move” mang nghĩa di chuyển, chuyển động, làm xúc động thì trong bối cảnh trên, “move” có nghĩa là đề xuất. “Table” trong General English thường được dùng là danh từ, mang nghĩa cái bàn thì trong Business English, “table” là hoãn lại.
Ví dụ 3: Trong Business English, “average” có 2 nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là danh sách các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thể hiện chỉ số trung bình tại một thời điểm nhất định
The industrial average surged 20.3% (Chỉ số trung bình công nghiệp tăng 20.3%)
Nghĩa thứ hai là tổn thất của tàu hay hàng hoá trên tàu khi gặp nạn trên biển.
His work dealt with all aspects of shipping insurance claims, including general and particular average (Công việc của anh ấy giải quyết mọi mặt liên quan đến đòi hỏi bồi thường bảo hiểm vận chuyển, bao gồm cả tổn thất riêng và tổn thất chung.
Bên cạnh đó, bước vào thời đại công nghệ thông tin với nhiều công nghệ, xu thế mới ra đời, nhiều cụm từ mới đã xuất hiện trong Business English. Đây là những cụm từ được hình thành bằng việc kết hợp những từ đã có sẵn, phục vụ nhu cầu diễn đạt gia tăng. Một số cụm từ mới bao gồm:
online publishing: xuất bản trực tuyến
Internet marketing: tiếp thị kỹ thuật số
value-added services: dịch vụ giá trị gia tăng
Một đặc điểm khác của từ vựng trong tiếng Anh kinh doanh là đa dạng của kho từ mượn. Rất nhiều từ ngữ Business English là từ mượn từ các ngôn ngữ như tiếng Latin, tiếng Pháp. Những từ gốc Latin được nhập vào tiếng Anh cùng với sự du nhập của Cơ đốc giáo (Christianity).
Trái với điều đó, các từ tiếng Pháp được vay mượn để làm phong phú thêm cho kho từ vựng tiếng Anh từ cuộc xâm lược Anh của người Norman vào năm 1066. Những từ mượn này được bảo tồn và áp dụng trong Business English, đặc biệt là trong tiếng Anh pháp lý vì độ chính xác (precision) và đơn nghĩa (unambiguity) của chúng. Một từ mượn từ Pháp phổ biến trong các văn bản pháp luật, hợp đồng kinh doanh là “force majeure” (sức mạnh chủ yếu).
Ví dụ: Trong trường hợp có sức mạnh chủ yếu, như chiến tranh, hỏa hoạn nghiêm trọng, lũ lụt, siêu bão và động đất hoặc các sự kiện khác có sức mạnh chủ yếu, người bán sẽ không chịu trách nhiệm về việc giao hàng muộn hoặc không giao hàng những hàng hóa đã ký kết. (Trong trường hợp bất khả kháng, như chiến tranh, hỏa hoạn nghiêm trọng, lũ lụt, siêu bão và động đất hoặc các sự kiện khác có sức mạnh chủ yếu, người bán sẽ không chịu trách nhiệm về việc giao hàng muộn hoặc không giao hàng những hàng hóa đã ký kết từ trước).