Gần đây mình nhận được nhiều tin từ bạn bè về việc bảo lưu kết quả học để đi làm do không hợp ngành học. Có người học đến năm ba vẫn quyết định nghỉ. Nhiều bạn chọn sai ngành, không biết mình thích gì, giỏi gì, vào học mới thấy không phù hợp. Có người dũng cảm bỏ để theo đam mê, nhưng số khác lại không dám từ bỏ vì mông lung không biết làm gì, cố học với hy vọng sẽ thích sau này. Vấn đề này dẫn đến tình trạng nhiều người sau khi học xong phải làm trái nghề, thất nghiệp, mất thời gian học lại. Theo khảo sát, 60% sinh viên chọn sai ngành, chỉ 5% hiểu rõ ngành học. 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề dẫn đến chỉ 50% tìm được việc phù hợp. Hàng năm, nhiều bài báo về sinh viên bỏ học do chọn sai ngành. Có người nhận ra từ năm nhất, bỏ học thi lại, nhưng cũng có người học đến năm 4, 5 vẫn không ra trường do không có động lực, gượng ép, lãng phí thời gian và tiền bạc. Tại sao nhiều bạn trẻ chọn sai ngành khi hiện nay dễ dàng tìm hiểu về trường và ngành học? Hướng nghiệp là bước quan trọng đầu tiên, giúp bạn chạm tới thành công tương lai. Nhưng chọn đúng ngành, học đúng nghề nghe dễ mà lại khó.
Chạy Theo Phong Trào
Gần đây, quản trị kinh doanh là ngành “hot” với mức lương cao, đặc biệt khi nước ta hội nhập và phát triển sâu rộng, tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, ngành càng “hot” càng có nhiều sinh viên đăng ký, dẫn đến cạnh tranh cao. Hàng năm, hơn 10.000 sinh viên ngành này ra trường, số thất nghiệp hoặc làm trái ngành không nhỏ. Vì vậy, đừng chọn ngành chỉ vì nó “hot” mà hãy cân nhắc kỹ sở thích, tính cách, năng lực, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội.
Gia Đình Quyết Định Thay Con
Với cách định hướng hiện nay ở Việt Nam, cha mẹ thường tự mò mẫm tìm đường rồi áp đặt lên con cái, chọn trường đại học như gieo quẻ, vừa buồn vừa chua xót. Cha mẹ có kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nên nhiều gia đình ép con theo định hướng, kế hoạch và mong muốn của họ. Nhiều gia đình muốn con theo nghề gia đình, hoặc học ngân hàng vì có người nhà làm ngân hàng.
Lựa chọn theo bạn bè
Đây là thực trạng phổ biến trong định hướng nghề của học sinh THPT. Khi còn học, bạn thường có vài người bạn thân và muốn làm gì cũng có nhau. Điều này dẫn đến việc học sinh chọn ngành học, trường học chỉ để theo bạn bè mà không quan tâm đến khó khăn mình sẽ gặp phải trong học tập và tìm việc làm tương lai.
Không xác định được sở thích, khả năng của bản thân
Hiện nay, nhiều bạn trẻ sống không có mục tiêu, không biết mình thích gì, đam mê gì, khả năng ra sao. Hậu quả là chọn sai ngành học, không hứng thú, dễ mất động lực học tập, làm việc sau thời gian ngắn. Đặc biệt khi học đại học, thời gian học các môn đại cương chủ yếu là lý thuyết sẽ dễ gây nhàm chán, khi mất động lực học sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập và tương lai.
Thật khó trách các bậc cha mẹ, cũng không thể trách các bạn trẻ non nớt. Vấn đề nằm ở công tác định hướng ở Việt Nam còn quá yếu kém! Vì vậy, các bạn hãy ngồi xuống và thực hiện các bước sau để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân.
Hiểu rõ về bản thân
Đây là điều vô cùng quan trọng khi lựa chọn ngành học và nghề nghiệp. Các bạn học sinh cần hiểu rõ chính mình, xác định sở thích, điểm mạnh, điểm yếu và tính cách của mình. Khi biết được điểm mạnh, yếu của bản thân, bạn sẽ dễ dàng xác định được ngành nghề phù hợp, thuận lợi cho việc học tập và làm việc. Quan trọng nhất là khi có đam mê, yêu thích ngành nghề mình chọn, bạn sẽ có động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được thành công.
Tìm hiểu kỹ
Bên cạnh việc xác định sở thích và hiểu rõ bản thân, bạn cần tìm hiểu chi tiết về ngành nghề mình định theo học. Đầu tiên, tìm hiểu cơ hội việc làm của ngành đó trong 5 đến 10 năm tới. Tiếp theo, tìm hiểu công việc có thể làm sau khi ra trường, mức lương, cơ hội thăng tiến và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cuối cùng, tìm hiểu về các môn học và chương trình học của ngành đó. Nắm được những điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành nghề muốn chọn, từ đó đưa ra quyết định chính xác và phù hợp.
Chọn nghề phù hợp với tính cách
Tính cách là yếu tố quan trọng khi chọn ngành nghề vì tính cách của mỗi người khác nhau và khó thay đổi. Nếu bạn là người hoạt bát, năng động, yêu thích sáng tạo, bạn sẽ khó thích nghi với công việc văn phòng bình thường, những công việc đều đặn hàng ngày. Thay vào đó, bạn sẽ phù hợp với các ngành như marketing, thiết kế đồ họa, truyền thông. Ngược lại, nếu bạn thích làm việc với con số và quy tắc, các công việc như ngân hàng, kế toán – kiểm toán sẽ phù hợp hơn.
Bên trên là những bước cơ bản giúp bạn tìm được ngành nghề phù hợp với bản thân trong tương lai, đặc biệt là các bạn học sinh THPT đang mông lung không biết chọn ngành gì, nghề gì. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì gần đây, bằng cấp không còn là yếu tố quyết định khi xin việc. Các nhà tuyển dụng đề cao kỹ năng tay nghề, khả năng làm việc ngay, hơn là bằng cấp. Nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng cao nên nhân viên có tay nghề cao càng được trọng dụng. Do đó, các bạn học sinh cần chọn ngành phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Nếu bạn may mắn học điều mình yêu thích, hãy cố gắng theo đuổi đến cùng và định hướng cho các em nhỏ hơn. Nếu không may mắn, hãy suy nghĩ tích cực, lạc quan và tìm con đường mới. Quyết định bỏ học thì hãy quyết tâm, quyết định theo thì hãy theo đến cùng. Nếu không có cảm xúc với ngành mình học, chỉ đi học để không ở nhà, thì bạn đang lãng phí thời gian và tiền bạc của mình và gia đình. Đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công nhưng là con đường ngắn nhất.
'Giữ mắt bạn trên sao và chân trên mặt đất.'
Theodore Roosevelt
Tổ Chức Sáng Tác: Khánh Linh