Đại Nhật Như Lai | |
---|---|
Hình vẽ Phật Vairocana của người Tạng | |
Phạn | वैरोचन Vairocana |
Trung | 大日如來 (Bính âm: Dàrì Rúlái) 毘盧遮那佛 (Bính âm: Pílúzhēnà Fó) |
Nhật | (romaji: Dainichi Nyorai) (romaji: Birushana Butsu) |
Hàn | 비로자나불 毘盧遮那佛 (RR: Birojana bul) 대일여래 大日如來 (RR: Daeil Yeorae) |
Mông Cổ | ᠮᠠᠰᠢᠳᠠ ᠋᠋ᠭᠡᠢᠢᠭᠦᠯᠦᠨ ᠵᠣᠬᠢᠶᠠᠭᠴᠢ Машид гийгүүлэн зохиогч Masida geyigülün zohiyaghci |
Tây Tạng | རྣམ་པར་སྣང་མཛད་ Wylie: rnam par snang mdzad lo tsa ba THL: Nampar Nangdze Lotsawa |
Việt | Đại Nhật Như Lai Tỳ Lư Xá Na Tỳ Lô Giá Na Phật |
Thông tin | |
Tôn kính bởi | Mahayana, Vajrayana |
Thuộc tính | Tính Không |
Cổng thông tin Phật giáo |
Đại Nhật Như Lai (chữ Hán: 大日如来; tiếng Phạn: वैरोचन, Vairocana), hay còn gọi là Tỳ-lư-xá-na Phật, Tỳ-lô-giá-na Phật (毘盧遮那佛) là danh hiệu một vị Phật trong Phật giáo Đại thừa. Theo Kinh Hoa nghiêm, Tỳ-lô-giá-na Phật chính là pháp thân của Thích-ca Mâu-ni. Trong Mạn-đà-la của Mật tông, Đại Nhật Như Lai đóng vai trò trung tâm, là biểu hiện của ánh sáng Trí Tuệ chiếu sáng và tiêu diệt bóng tối của vô minh.
Danh hiệu
Tên gốc tiếng Phạn là Vairocana (tiếng Phạn: वैरोचन), thỉnh thoảng được gọi là Mahavairocana, dịch Hán là Tịnh Mãn (淨滿, đầy đủ và thanh sạch), ý nghĩa là 'không còn lầm lỗi, đầy đủ các đức tính'.
Ý nghĩa Pháp thân Đại Nhật Như Lai
Theo quan niệm Đại Thừa, Đức Phật có ba thân: pháp thân, báo thân, hóa thân. Lý do có ba thân là do mục đích khác nhau. Phật Thích Ca, là vị Phật lịch sử sinh ra và hoàn nhập trên trái đất này, là hóa thân của Phật. Trong khi đó, thân mà Phật Thích Ca đã chứng ngộ được gọi là pháp thân, là Chân Như và đó chính là Đại Nhật Như Lai. Ý nghĩa của pháp thân này vượt xa khả năng diễn giải bằng lời nói và chỉ có người đã chứng ngộ thành Phật mới có thể hiểu được.
Đại Nhật Như Lai trong Mạn Đà La
Trong Kim Cương Giới Mạn Đà La, Đại Nhật Như Lai đại diện cho Thức uẩn của Ngũ uẩn, Không đại của Ngũ đại, Pháp giới thể tính trí của Ngũ trí, và có chủng tử tự là VAṂ.
Trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La, tại Trung Đài Bát Diệp Viện có hình tượng hoa sen Bi Tâm tám cánh, thì Đại Nhật Như Lai là nhụy sen biểu tượng cho bản chất của sự tu hành giải thoát cần phải dựa vào Đại Bi. Ngài đại diện cho tâm viên mãn, sự tối thắng của hoa sen trắng tinh khiết, trang nghiêm và thanh tịnh. Chủng tử tự là ĀḤ.
Ý nghĩa tên gọi Đại Nhật Như Lai
Đại Nhật Như Lai được phiên âm từ Vairocana, trong tiếng Phạn có nghĩa là 'biến chiếu'. Trong Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích, do sư Nhất Hạnh giải thích: 'Chữ Tỳ Lô Giá Na (vairocana) là mặt trời, có ý nghĩa là chiếu sáng khắp nơi, xua đuổi mọi bóng tối. Tuy nhiên, mặt trời trong thế gian chỉ chiếu sáng bên ngoài mà không chiếu sáng bên trong, chiếu sáng ở phương này lại không chiếu sáng ở phương kia, chỉ sáng ban ngày mà không sáng ban đêm. Sức sáng của Như Lai không như thế. Trí tuệ của Phật chiếu sáng tất cả mọi nơi, không phân biệt trong ngoài, không giới hạn phương hướng, không phân biệt ban ngày đêm.'