Lễ dạm ngõ (còn gọi là lễ xem mặt hoặc đám nói (miền Nam)) là nghi thức trong hôn nhân truyền thống của người Việt, nhằm chính thức hóa quan hệ giữa hai gia đình.
Lễ chạm ngõ hiện nay là dịp để hai gia đình gặp gỡ và trao đổi thông tin về nhau, giúp đôi nam nữ có thời gian tìm hiểu trước khi quyết định hôn nhân. Buổi lễ này không yêu cầu người mối giới thiệu và không cần lễ vật cầu kỳ.
Về bản chất, lễ chạm ngõ là cách để hai gia đình tìm hiểu về gia cảnh và phong tục của nhau, từ đó quyết định tiếp tục quan hệ hôn nhân. Theo truyền thống, lễ vật chỉ đơn giản là trầu cau.
Xét về chức năng, lễ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hôn lễ. Nếu bỏ qua, mọi thứ có thể trở nên đột ngột và thiếu sự chuẩn bị. Lễ dạm ngõ, dù không cầu kỳ và chi phí thấp, vẫn giữ vai trò biểu thị bản sắc văn hóa dân tộc và không nên bị lược bỏ.
Thành phần tham gia
- Nhà trai: Có thể bao gồm ba, mẹ, chú rể tương lai và người mối (nếu có). Số lượng không cần phải đủ 5-7 người, 3 người cũng được. Ông bà nội, ngoại hoặc các thành viên khác bên nội, ngoại cũng có thể tham gia.
- Nhà gái: Toàn bộ gia đình nhà gái (cha, mẹ, cô dâu tương lai, ông bà nội, ngoại hoặc đại diện của họ).
Trang phục
Mọi người nên mặc trang phục lịch sự và ăn nói nhẹ nhàng. Không bắt buộc phải mặc comple hay áo dài, tùy thuộc vào thời tiết, địa hình và khoảng cách nhà gái.
Lễ vật của nhà trai
Trầu, cau, chè, thuốc, bánh kẹo và hoa quả (nếu có), tất cả đều phải được chuẩn bị theo số lượng chẵn. Buổi lễ đơn giản, không cần những nghi thức phức tạp.
Nhà gái
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và đẹp đẽ. Ăn mặc trang nhã và lịch sự. Khi đoàn nhà trai đến, hãy đón tiếp niềm nở và mời trà (trà thơm nếu có là tốt nhất). Khi nhà gái chấp nhận lễ vật và đặt lên bàn thờ, buổi lễ coi như đã kết thúc. Sau đó, hai bên có thể ngồi lại trò chuyện thêm.