
Đầm Thị Tường | |
---|---|
Wikimedia | © OpenStreetMap | |
Vị trí | Huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Phú Tân, tỉnh Cà Mau |
Loại | Đầm phá |
Nguồn sông | Sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc,... |
Nguồn nước biển/đại dương | Vịnh Thái Lan
|
Lưu vực quốc gia | Việt Nam |
Chiều dài tối đa | 12 kilômét (7,5 mi) |
Chiều rộng tối đa | 2 kilômét (1,2 mi) |
Diện tích bề mặt | 7 kilômét vuông (700 ha) |
Độ sâu trung bình | 1,5 mét (4,9 ft) |
Đầm Thị Tường (hay còn gọi là đầm Bà Tường) là một hồ nước tự nhiên ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam. Đây là hồ nước lớn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được gọi là 'biển giữa cánh đồng bằng'. Đầm này nằm cách thành phố Cà Mau 40 km về phía tây nam, ở ranh giới giữa hai huyện Phú Tân và Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau.
Lịch sử đặt tên
Theo truyền thuyết dân gian, tên Thị Tường là tên của Bà Tường, một trong những người đầu tiên khai phá vùng đất Cà Mau. Theo câu chuyện cũ, mặc dù là con gái nhưng Bà Tường lại rất dũng cảm, bà đã xua đuổi đàn chim do chúa Hổ sai đến để lấy đá lấp biển. Chúa Hổ làm vậy là bởi ông đối với vua Thủy tề có một mối hận không vì ông không được gả con gái ông. Kể từ lúc Bà Tường xua đuổi đàn chim, cho đến nay, dấu vết của bà còn được giữ nguyên. Chính nhờ sự thay đổi này, hồ nước đã dần dần trở thành nơi cư trú của nhiều loài thủy sản, trở thành một nguồn tài nguyên quý giá cho những người nghèo khó ở địa phương này. Kỷ niệm công đức của bà, người dân địa phương đã đặt tên cho hồ theo tên của bà.
Lịch sử biến cố
Phía nam của Đầm Thị Tường, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân là căn cứ Xẻo Đước, một di tích lịch sử quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam, là căn cứ chiến lược của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ năm 2011, Hợp tác xã hoạt động trên Đầm Thị Tường được biết đến với tên gọi Hợp tác xã Đầm Thị Tường, thành lập vào năm 2011, đã đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vào năm 2016, với 40 thành viên và vốn điều lệ 305 triệu đồng, do ông Phan Thế Trắng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hợp tác xã Đầm Thị Tường đã xây dựng chòi, nhà hàng và các phòng nghỉ kiên cố trên đầm, sau đó chuyển đổi thành nhà hàng. Hoạt động chủ yếu bao gồm du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản nội địa, vận tải hành khách, mua bán thủy sản, dịch vụ ăn uống và nhà nghỉ.
Vẻ đẹp tự nhiên và tiềm năng kinh tế
Đầm Thị Tường hình thành từ sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch thuộc ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước. Đầm này bao gồm 3 phần chính: Đầm Trong, Đầm Giữa và Đầm Ngoài, trong đó Đầm Giữa là lớn nhất. Diện tích của Đầm là gần 2 km chiều rộng và hơn 10 km chiều dài, chỗ hẹp nhất khoảng 800 m, tổng diện tích mặt nước khoảng 700 ha (7 km²). Trong số ba đầm này, Đầm Giữa có chiều sâu lên đến 10 thước, trong khi hai đầm còn lại nước nông hơn. Đầm Thị Tường thông ra vịnh Thái Lan ở phía tây thông qua sông Mỹ Bình.
Đầm Thị Tường có một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, mang đặc trưng riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng của chế độ triều bán nhật, khu vực đầm nằm giữa hai dòng chảy của biển phía tây và phía đông của bán đảo Cà Mau, điều này làm cho đầm Thị Tường có rõ rệt mùa nước mặn và mùa nước ngọt. Đây là lý do vì sao đầm này có hệ sinh thái phong phú, bao gồm cả môi trường nước lợ.
Người dân sinh sống xung quanh đầm chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên thủy sản từ đầm này. Tuy nhiên, do việc đánh bắt quá mức và không bảo vệ, nguồn tài nguyên thủy sản trên đầm đã bị cạn kiệt. Người dân chuyển sang nuôi sò huyết với quy mô lớn, điều này đã gây ra nguy cơ đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên của đầm vì nước cần được mặn hóa thường xuyên để nuôi sò.
Kế hoạch phát triển bền vững
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Thị Tường. Trong năm 2018, chính sách của chính quyền địa phương là di dời những hoạt động nuôi trồng thủy sản và tháo dỡ các công trình xây dựng để phục hồi lại tình trạng tự nhiên ban đầu của đầm Thị Tường. Chính quyền cũng đã tăng cường giám sát và kiểm tra để ngăn chặn việc xây dựng và kinh doanh du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản trái phép. Đến tháng 6 năm 2018, theo báo cáo của các huyện, còn 26 trường hợp tại huyện Phú Tân và 47 trường hợp tại huyện Trần Văn Thời, vẫn còn những hoạt động canh tác và nuôi trồng thủy sản trái phép.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đầm Thị Tường đã triển khai nhiều giải pháp và dự án như:
Dự án thiết lập Khu bảo tồn thủy sản đầm Thị Tường trong Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh Cà Mau. Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Thị Tường sẽ được chia thành ba phân khu chính: Phân khu hành chính dịch vụ, phân khu bảo tồn nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái, với tổng diện tích quy hoạch gần 970 ha.
Mô hình quản lý đồng bộ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Tường do Chương trình Hỗ trợ ngành thủy sản Cà Mau (FSPS-II) triển khai, được hỗ trợ vốn bởi Hợp phần SCAFI.
Ghi chú
Liên kết ngoài
- Đầm Thị Tường
- Tấn Thái (ngày 17 tháng 2 năm 2016). “'Xẻ thịt' đầm Thị Tường”. báo Lao động. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2021.
- “Khó quên hương vị lẩu chua cá vồ chó”. ngày 28 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2021.
- Chi Lan (ngày 30 tháng 11 năm 2016). “Mênh mông đầm Thị Tường”. Sài Gòn Tiếp Thị. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2021.