(Tổ Quốc) - Thương hiệu với cái tên rất tượng thanh và đậm bản sắc Việt Nam!
Bàn phím cơ vẫn chưa bao giờ là hết 'hot'! Giờ không chỉ game thủ để ý tới sản phẩm này mà cả những làm việc văn phòng phải soạn thảo văn bản nhiều, lập trình viên hay người sáng tạo nội dung cũng bị 'đê mê' bởi những chiếc bàn phím cơ.
Tuy vậy đến hiện nay thị trường bàn phím cơ thương hiệu Việt vẫn còn chưa nở rộ, đa phần các bộ bàn phím mà chúng ta sử dụng vẫn từ các hãng nước ngoài hoặc custom linh kiện ngoại nhập. Bên cạnh CherryB là một hãng cũng mới nổi với chiếc custom Neo87 thì mới đây tôi cũng bắt gặp một thương hiệu Việt khác mang tên 'Bàn Phím Cành Cạch' hay BPCanhCach - một cái tên khá độc-lạ, lấy cảm hứng từ chính âm thanh phát ra từ bàn phím cơ.
2 sản phẩm đầu tay của hãng này có tên là CC61 và CC68, với các chữ số chỉ layout của loại bàn phím đó. Hộp của sản phẩm nhìn chung là đơn giản, chỉ có tên hãng và dòng chữ 'From click sound with love'.
Bên trong không có phụ kiện gì khác ngoài một sợi dây USB Type-C để sạc cũng như kết nối có dây với máy tính.
Phiên bản mà tôi có ở đây là CC68 tức là có 68 nút, loại bỏ hàng phím Numpad, Function và một vài nút nữa so với một bàn phím Full-size. Đây là một kích thước vừa đủ để không cho cảm giác bị thiếu phím, nhưng vẫn gọn gàng khi đặt lên bàn. Phiên bản CC61 hay còn gọi là 60% sẽ loại bỏ nốt những nút chức năng ở cạnh phải và ta sẽ phải sử dụng tổ hợp phím để kích hoạt.
Với mức giá bán rẻ (khoảng 780.000đ), bàn phím được làm từ nhựa. Mặt sau có màu trắng sữa với 4 chân cao su nhỏ, tiếc rằng thiếu chân đỡ để nghiêng bàn phím.
Ở giữa mặt sau là nút nguồn cùng dongle để kết nối không dây 2.4GHz.
Ở phía trước, logo của hãng được đặt ở cạnh trái.
Cạnh phải có một dải màu đỏ tạo điểm nhấn, phá vỡ sự đơn điệu màu trắng của vỏ phím.
Ở mặt sau, không có gì ngoài cổng cắm USB Type-C ở cạnh trái. Cổng được thiết kế thụt vào bên trong để che giấu một phần dây, tăng tính thẩm mỹ.
Ở mặt trước, bộ keycap dạng OEM (cao hơn một chút so với keycap Cherry thông thường) được sơn màu đen. Điều này hơi lạ vì phím màu trắng lại có keycap màu đen, có lẽ để tránh bị bẩn theo thời gian?
Bàn phím có 2 phiên bản: chỉ dây hoặc kết nối 3 chế độ như tôi đang sử dụng. Ngoài việc cắm dây trực tiếp hoặc sử dụng dongle 2.4GHz, ta cũng có thể kích hoạt Bluetooth bằng tổ hợp phím Fn + P và chuyển đổi giữa 3 thiết bị bằng Fn + Q, W và E.
Bên cạnh đó là các nút bấm để chuyển đổi hiệu ứng ánh sáng, điều chỉnh độ sáng của đèn nền phía sau keycap.
CC68 có nhiều cài đặt ánh sáng nhưng đều có điểm chung là khá 'chói lọi'. Tôi thường không sử dụng đèn nền, nhưng nếu sử dụng thì chỉ sẽ chọn một màu duy nhất cho toàn bàn phím vì không hợp với hệ thống ánh sáng của CC68.
Tôi đã hỏi đại diện của Bàn Phím Cành Cạch về việc có phần mềm để tùy chỉnh chức năng phím và đặc biệt là ánh sáng không, câu trả lời là phần mềm vẫn chưa hoàn thiện, sẽ được phát hành sau khi hoàn thiện.
Cảm giác gõ tạm ổn, phù hợp với giá tiền
Nếu bạn đã sử dụng phím cơ, bạn sẽ biết rằng có nhiều loại sản phẩm với chất lượng khác nhau, chất lượng linh kiện ảnh hưởng đến cảm giác gõ cuối cùng. Với mức giá rẻ, CC68 chỉ có thể sử dụng các linh kiện phù hợp với giá tiền.
Keycap làm từ nhựa ABS khá mỏng, nhưng được làm theo phương pháp double-shot với phần chữ là một lớp nhựa riêng nên sẽ không mất chữ sau thời gian sử dụng.
Phím được lắp đặt theo phương pháp tray-mount, nghĩa là mạch, tấm plate được vặn trực tiếp vào vỏ nên tạo ra cảm giác gõ cứng tay, không có độ đàn hồi khi nhấn. Phần lớn các phím giá rẻ đều có thiết kế này, vì vậy tôi không có phàn nàn gì. Để có thiết kế lắp cao cấp hơn, bạn cần phải bỏ thêm một ít tiền.
Lợi thế lớn nhất của các phím là khả năng thay thế switch dễ dàng với tính năng hot-swap, không cần dùng mỏ hàn. Chỉ cần gắp switch ra và thay bằng loại mới là xong. Ngay cả khi không muốn thay switch, hot-swap cũng hỗ trợ việc sửa chữa khi có switch hỏng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là ngàm hot-swap lắp ngược, có nghĩa là 2 chân switch ở dưới và đèn ở trên. Khi lắp switch trên CC68 theo kiểu này, sẽ không phù hợp với keycap Cherry, nên nếu muốn thay switch, bạn nên vẫn sử dụng keycap gốc của phím.
Switch mặc định là Jixian Red, một loại switch giá rẻ được sản xuất cho những phím có giá 'nhập môn'. Tất nhiên, bạn nhận được những gì bạn trả tiền, loại switch này cho cảm giác gõ không tệ, mặc dù có chút gập khi nhấn và không có tiếng 'đầm' khi thả ra. Bạn có thể tháo switch ra và thêm dầu để cải thiện độ mượt và âm thanh, hoặc mua switch ngoài để thay thế.
Điểm đáng khen của phím là việc stabiliser được tra thêm mỡ để tránh tiếng 'lọc xọc' mỗi khi nhấn. Mặc dù cách làm này chưa hoàn hảo, nhưng vẫn là một nâng cấp lớn so với nhiều bàn phím khác trên thị trường.
Khởi đầu không tồi
Nhìn tổng thể, BPCanhCach CC68 không có gì đặc biệt. Với giá dưới 1 triệu Đồng, CC68 phải đánh đổi chất lượng linh kiện, nhưng vẫn có những ưu điểm như khả năng kết nối, hot-swap và stabiliser được tra thêm mỡ. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của người mới bắt đầu, sản phẩm đầu tay của thương hiệu không tệ và đủ dùng cho đến khi bạn muốn nâng cấp lên sản phẩm cao cấp hơn.
Ngoài sản phẩm, Bàn Phím Cành Cạch còn chú trọng vào dịch vụ và chính sách hậu mãi. Là một thương hiệu Việt, họ có thể cung cấp dịch vụ giao hàng và sửa chữa nhanh chóng hơn cho khách hàng trong nước.
Khi xem Facebook của họ, tôi thấy họ cung cấp các dịch vụ như tra dầu switch, thêm lớp lót foam, silicon cho phím. Vì vậy, nếu muốn nâng cấp phím, người dùng có thể liên hệ trực tiếp. Đối với người mới bắt đầu chơi phím, việc có một nhãn hàng cung cấp tư vấn và hỗ trợ các dịch vụ nâng cấp này là rất quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian tìm hiểu.
Tìm hiểu thêm về các sản phẩm của BPCanhCach: