Tại CES 2018, Corsair khiến người dùng 'bất ngờ' sau khi giới thiệu một loạt sản phẩm gaming không dây cao cấp. Trong đó không thể không nhắc đến bàn phím cơ Corsair K63 Wireless, đã được vinh danh là một sản phẩm sáng tạo tại triển lãm năm nay.
K63 đã là một sản phẩm bàn phím được hoàn thiện rất tốt và được nhiều người ưa chuộng của Corsair. Và tại CES 2018 thì hãng quyết định 'mang cánh cho hổ' bằng việc ra mắt phiên bản không dây với cái tên rất đơn giản: K63 Wireless.
Là một bàn phím dành cho game thủ, nên tất nhiên K63 Wireless có phần hộp trang trí rất ấn tượng.
Mặt sau... càng nhiều thông tin hơn!
Bàn phím này chỉ có 1 lựa chọn switch duy nhất là Cherry Red (đỏ), nhấn trực tiếp (Linear) và có lực nhấn khoảng 45g.
Trong hộp, người dùng sẽ có hướng dẫn sử dụng, cáp kết nối, bộ nhận không dây, cáp kết nối, một bộ chuyển đổi từ cổng USB sang cổng micro USB để đưa bộ nhận gần bàn phím hơn và kê tay.
Hầu hết bàn phím cơ trên thị trường hiện nay vẫn sử dụng cổng mini USB, nhưng Corsair quyết định để bàn phím của họ có khả năng sạc chung với điện thoại nên họ đã chuyển sang sử dụng cổng micro USB.
Bộ nhận sóng nhỏ gọn. Điều mình thấy khó hiểu là tại sao hãng không thiết kế một khe nhỏ để cắm bộ nhận vào bàn phím để dễ dàng mang theo, tránh rơi rớt.
Miếng đệm kê tay được làm từ nhựa mềm, mang lại cảm giác sử dụng thoải mái.
K63 Wireless là một bộ bàn phím không có phím số bên phải (Tenkeyless). Nhiều game thủ ưa chuộng loại bàn phím này vì chúng không chiếm diện tích trên bàn, cũng như giúp họ có tư thế chơi game thoải mái hơn.
Vỏ phím được làm từ nhựa, nhưng được hoàn thiện rất tốt nên không bị uốn cong (flex), đồng thời bề mặt sần giúp tránh bám bẩn và vân tay.
Trên bàn phím có phím điều khiển âm nhạc và âm lượng. Mình đã thử những phím này trên Android, Windows, và iOS thì chúng hoạt động rất tốt!
Bên cạnh logo của hãng là các nút điều khiển đèn nền và nút khóa phím Windows. Khi chơi game, người dùng có thể khóa phím Windows
Tại đây cũng có 4 đèn báo hiệu pin (trắng khi đầy, đỏ khi sắp hết), báo sóng (trắng khi sử dụng bộ nhận sóng, xanh khi kết nối Bluetooth) và 2 nút hiển thị tình trạng Caps Lock và Scroll Lock.
Ở cạnh trên của bàn phím có nút nguồn cùng với cổng micro USB.
Như đã đề cập ở trên, K63 Wireless sử dụng switch Cherry Red. Đây cũng là một loại switch được ưa chuộng trong việc nhập liệu và chơi game vì dễ nhấn, không có các 'gờ' chặn giữa các phím. Như bạn có thể thấy trên ảnh, phần plate của bàn phím được sơn màu xanh để phát sáng cùng với đèn xanh trên bàn phím!
Nhờ có phần plate này, K63 Wireless có thể phát sáng trên toàn bàn phím chứ không chỉ trên các ký tự.
Các hiệu ứng ánh sáng của bàn phím bao gồm:
Pulse
Visor
Mưa
Sóng
Ánh sáng sóng nước
Ánh sáng phím
Keycap của bàn phím Leopold 750r (trái) và Corsair K63 Wireless (phải)
Điều mà mình chưa thực sự hài lòng về bộ bàn phím này là vỏ phím (keycap). Keycap được làm từ nhựa ABS dễ bám dầu trên tay, và lại được làm mỏng nên không tạo cảm giác nhấn 'đầm'.
Bàn phím có thể kết nối bằng dây qua cổng micro USB, bằng bộ nhận sóng (dongle), hoặc qua Bluetooth. Khi kết nối với máy tính, bạn có thể điều chỉnh các phím thông qua phần mềm CUE của hãng. Tại đây, bạn có thể thay đổi cài đặt đèn nền,...
...khóa tổ hợp phím khi nhấn Wins Lock...
...và tạo tổ hợp phím Macro.
Để thiết lập kết nối qua Bluetooth, người dùng nhấn tổ hợp phím Fn F10, tìm bàn phím trên thiết bị di động và nhập mã số bảo mật, sau đó nhấn Enter. Tất cả kết nối không dây của bàn phím được mã hóa 128bit để ngăn chặn tin tặc sử dụng keylogger để lấy thông tin!
Thời lượng pin của bàn phím khoảng 15 giờ nếu sử dụng đèn với độ sáng 100%, nếu giảm độ sáng xuống còn 50% thì thời lượng tăng lên 25 giờ, và nếu không sử dụng đèn thì thời lượng pin lên tới 3 ngày. Trong điều kiện sử dụng kết hợp: ban ngày sử dụng với thiết bị di động và tắt đèn, ban đêm sử dụng với máy tính qua bộ nhận sóng và bật đèn, tôi sử dụng bàn phím được trong vòng 2 ngày, cũng khá ổn!
Phím cách được làm vân sần giúp cảm giác nhấn 'sướng' hơn các phím khác!
Dù sử dụng với bộ nhận hoặc qua Bluetooth, độ trễ của K63 Wireless cũng rất thấp. Tôi rất cẩn trọng về vấn đề độ trễ khi nhập liệu, vì vậy từ trước đến nay tôi luôn sử dụng bàn phím có dây. Nhưng sản phẩm này đã thay đổi quan điểm của tôi với độ trễ rất thấp (1ms), cho cảm giác nhấn không khác gì bàn phím có dây!
Mặt sau có lời nhắn về sức khỏe dành cho người dùng, hãng thật tận tâm!
Với độ trễ thấp như vậy, tôi tự tin sử dụng nó để chơi game, và trong quá trình chơi Starcraft 2, một trò chơi có nhiều tổ hợp phím để xây quân, tôi không gặp bất kỳ sự trễ nào hoặc không nhận phím nào cả!
Chân (feet) của bàn phím mở ra theo chiều ngang
K63 Wireless cũng hỗ trợ Full-key rollover, vì vậy những người chơi game chiến thuật có thể yên tâm spam phím! Tôi có thể nhấn đồng thời 10 phím trên bàn phím và mọi phím đều được nhận.
Sau một tuần sử dụng Corsair K63 Wireless, tôi cảm thấy hài lòng với chất lượng sản phẩm. Hai điểm mà tôi nghĩ hãng cần phải cải thiện là thiếu chỗ để cất bộ nhận sóng trong bàn phím để tiện mang đi và keycap không chất lượng bằng các hãng khác. Tuy nhiên, người dùng có thể khắc phục cả hai vấn đề này bằng cách cất dongle vào ví hoặc nơi dễ tìm thấy và đầu tư vào bộ keycap PBT xuyên LED chất lượng cao.
Corsair K63 Wireless hiện được phân phối tại Việt Nam với mức giá 3 triệu đồng, đắt hơn phiên bản có dây khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, đây là một mức giá hợp lý khi xem xét các tính năng mà sản phẩm mang lại.
Cảm ơn Khải Thiên Computer đã cung cấp sản phẩm để trải nghiệm