Prolink là một thương hiệu đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử, được thành lập từ năm 1991 tại Singapore. Mình đã có trải nghiệm tốt với sản phẩm UPS Prolink khi sử dụng với ổ cứng mạng NAS, vì vậy mình cũng muốn thử trải nghiệm sản phẩm củ sạc của họ.
Thông số kỹ thuật của củ sạc Prolink 65W
Dưới đây là một số thông số kỹ thuật chính của củ sạc này, bạn cũng có thể tham khảo thêm trên trang chủ của Prolink.
- Model: PTC36501
- Nguồn vào: AC 100V-240V 50/60Hz
- Nguồn ra: C1 / C2: 3.3~11V⎓3A, 5V⎓3A, 9V⎓3A, 12V⎓3A, 15V⎓3A, 20V⎓3.25A (Tối đa 65W)
- USB-A: 4.5V⎓5A, 5V⎓4.5A, 9V⎓3A, 12V⎓2.5A, 20V⎓1.5A (Tối đa 30W)
- Kích thước: 58x47x29mm
- Trọng lượng: 125g
- An toàn: Chống quá áp, chống quá nhiệt, chống quá dòng, chống quá tải, chống ngắn mạch.
- Chuẩn sạc: PPS / PD3.0 / PD2.0, Qualcomm QC4+ / QC4.0 / QC3.0 / QC2.0, Samsung AFC / 2A / Super Fast Charging 2.0, Apple 2.4A, Mediatek PE2.0 / PE1.1, Huawei FCP, Battery Charging BC1.2
Ngoại hình và thiết kế
Củ sạc Prolink 65W có thiết kế hình hộp khá nhỏ gọn. Bên ngoài là lớp vỏ nhựa trắng với logo của Prolink. Củ sạc này sử dụng chân cắm chuẩn Mỹ. Chân cắm khá chắc chắn và cứng cáp. Độ bền của chân cắm này sẽ cần thời gian để đánh giá.
Mặt dưới in các thông số kỹ thuật của củ sạc, số series và các chứng chỉ an toàn. Chất lượng in rất tốt. Sản phẩm có dòng chữ: “Sản phẩm từ Singapore” và được sản xuất tại Trung Quốc.
Mặt trước có 2 cổng Type-C và 1 cổng Type-A cùng biểu tượng IntelliSense. Hai cổng Type-C được đánh dấu PD PPS. Các cổng sạc này hoàn thiện khá tốt, dù là từ nhựa nhưng cũng được làm góc cạnh gọn gàng.
Mình đã so sánh nhanh củ sạc Prolink với 2 củ sạc 65W khác là Ugreen RoboGan và Cuktech Ultra Slim để bạn dễ hình dung về kích thước.
Từ trái qua: Ugreen Robogan 65W, Prolink 65W, Cuktech Ultra Slim 65W
Mặc dù củ sạc khá nhỏ gọn nhưng lại được đóng gói trong một chiếc hộp khá to. Trên hộp có rất nhiều thông tin về sản phẩm.
Điểm nổi bật trong thiết kế là chân tròn và chân vuông sẽ được gắn bằng cách trượt vào chân cắm khi đang ở tư thế đóng.
Trên củ sạc có rãnh và trên chân có ngàm để kết nối một cách chắc chắn. Thiết kế này vừa tiết kiệm diện tích mà lại rất đáng tin cậy.
Để thay đổi chuẩn cắm, chỉ cần trượt chân cắm vào củ sạc là xong.
Tuy nhiên, với củ sạc Prolink 65W này, mình có thể khen về sự nhỏ gọn, chắc chắn, cứng cáp, nhưng phải chê một chi tiết gia công không hoàn hảo. Đó là phần ghép nối ở góc dưới của củ sạc. Các chi tiết nhựa không khít vào nhau hoàn toàn, như hình ảnh phía trên hoặc dưới đây cũng có thể thấy rõ điều này.
Tất cả mọi thứ đều tốt, từ việc bo cong các góc để cầm nắm tốt hơn, các cổng sạc được vát chỉn chu, thiết kế thay chân thông minh, in ấn thông tin rõ ràng, mình thấy khá tiếc khi trong thiết kế lại có những lỗi như vậy. Tuy nhiên, thực tế khi sử dụng, mình không quá quan trọng và không bị ảnh hưởng nhiều bởi những điều này, vì bù lại, củ sạc này “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Chuẩn sạc
Mình đã kiểm tra các chuẩn sạc mà Prolink 65W hỗ trợ, và như đã được nhà sản xuất công bố, củ sạc này hỗ trợ nhiều chuẩn sạc như PD, QC, Apple, Samsung… Cả cổng C1 và C2 đều có hỗ trợ PD và QC4+ lên đến 65W (20V⎓3.25A). Dải PPS của cổng C1 và C2 cũng từ 3.3-11V⎓5A.
Theo như thông tin từ nhà sản xuất, củ sạc này hỗ trợ hàng ngàn thiết bị khác nhau, bao gồm các thiết bị di động phổ biến như iPhone, iPad, Macbook, Samsung, Pixel…
Công suất và R/N
Ripple and Noise (R/N – Gợn sóng và nhiễu) là một thông số giúp đánh giá chất lượng điện DC đầu ra của bộ nguồn, cục sạc và adapter. Để hiểu sâu hơn về Ripple and Noise, bạn có thể tham khảo thêm tại: Ripple and Noise của nguồn sạc là gì và ảnh hưởng thế nào đến thiết bị.
Mình đã kiểm tra R/N của Prolink 65W, với sự hỗ trợ của một người anh để đo đạc bằng máy hiện sóng theo phương pháp phổ biến trong ngành điện tử.
Lưu ý: Kết quả chỉ mang tính tham khảo. Mẫu đo này không đại diện cho từng model hay thương hiệu. Chỉ là dữ liệu vào thời điểm mua, chưa phản ánh chất lượng sau một thời gian dài sử dụng.
Ở mức công suất tối đa 65W với cổng C1, C2 và 30W với cổng A, R/N của củ sạc lần lượt là 26.3mVpp – 35.6mVpp – 56.8mVpp, tương ứng với 0.13% – 0.18% – 0.28%.
Đó là mức R/N rất tốt, thậm chí vượt trội hơn cả củ sạc Apple 61W (0.66%), Belkin 65W (0.59%) và chỉ cao hơn chút xíu so với củ sạc Mophie 67W (0.27%), mặc dù Prolink 65W nhỏ gọn hơn rất nhiều khi so sánh kích thước.
Bạn có thể xem thêm kết quả đo đạc của nhiều củ sạc khác tại đây: Dữ liệu đo đạc một số củ sạc đang được bán trên thị trường
Mức công suất tối đa mà mình đo được trên các tải giả là C1: 64.17W, C2: 64.07W và A: 30.04W. Điện áp cũng chỉ giảm nhẹ (-1.45%) so với thông số của nhà sản xuất.
Về hiệu suất chuyển đổi của Prolink, tức là so sánh công suất đầu ra với công suất tiêu thụ, mình đo và tính toán được lần lượt là 91.1% với cổng C1; 91.5% với cổng C2 và 90.2% với cổng A. Đây cũng là hiệu suất rất tốt và tương đương với các thương hiệu nổi tiếng khác.
Với các thông số đo đạc này, mình đánh giá cao chất lượng điện đầu ra của Prolink 65W PTC36501. Còn về độ bền và khả năng duy trì chất lượng này sau một thời gian sử dụng, sẽ cần thời gian để đánh giá. Mình sẽ tiếp tục cập nhật bài đánh giá sau khi sử dụng lâu dài.
Tiêu chuẩn an toàn
Do được sản xuất để phục vụ thị trường Singapore và quốc tế, củ sạc của Prolink cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tương ứng. Bên cạnh các tiêu chuẩn an toàn quốc tế như: ISO9001, RoHS, CB, CE, củ sạc của Prolink cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn Safety Mark của Singapore.
Safety Mark là một tiêu chuẩn an toàn dành cho nhiều thiết bị điện tại Singapore. Các sản phẩm như củ sạc phải được kiểm đăng ký và chứng nhận bởi Văn phòng an toàn sản phẩm tiêu dùng Singapore trước khi có thể được bán ra thị trường, và phải tuân thủ điều này theo định kỳ.
Các bài kiểm tra an toàn bao gồm khả năng chống cháy, chống giật điện, chống nổ và các nguy hiểm khác có thể gây thương tích, tử vong hoặc thiệt hại về tài sản. Safety Mark đảm bảo rằng nhà sản xuất đã tích hợp các biện pháp bảo vệ an toàn bên trong thiết bị để bảo vệ người sử dụng khỏi các rủi ro về cháy nổ và các nguy cơ về điện.
Mỗi model sản phẩm sau khi được kiểm đăng ký sẽ có một mã số gồm 8 chữ số. Ví dụ, củ sạc Prolink 65W PTC36501 có mã số là: 200545-11, bạn có thể tra cứu trên website của chính phủ Singapore.
Ngoài ra, nhà sản xuất Prolink còn mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cho các sản phẩm củ sạc của họ để người dùng không cần lo lắng khi sử dụng. Bảo hiểm này có phạm vi bảo hiểm toàn cầu với trách nhiệm pháp lý tối đa là 1,000,000 đô la Singapore mỗi năm và do công ty CHUBB Insurance Singapore Limited bảo hiểm.
Bảo hiểm này sẽ bao gồm các trách nhiệm pháp lý liên quan đến thương tích cơ thể (chi phí y tế) hoặc thiệt hại về tài sản trong thời hạn bảo hiểm do một sự cố xảy ra liên quan đến các sản phẩm củ sạc của Prolink.
Người dùng tại Việt Nam, bên cạnh chính sách bảo hành chính hãng, cũng được hưởng chính sách bảo hiểm pháp lý này đối với các sản phẩm củ sạc Prolink được phân phối chính hãng bởi Xtrend, nhà phân phối chính hãng của Prolink tại Việt Nam.
Trong trường hợp nếu sản phẩm gây ra sự cố, Xtrend sẽ hỗ trợ khách hàng làm thủ tục xác minh và yêu cầu bảo hiểm với thương hiệu Prolink và công ty bảo hiểm CHUBB Singapore.
Một số nhận xét nữa về trải nghiệm sử dụng thực tế
Về khối lượng và kích thước, Prolink 65W giúp mình di chuyển gọn gàng hơn rất nhiều. Củ sạc chỉ nặng khoảng 115g, giúp tiết kiệm không gian trong balo và trọng lượng di động.
Với trải nghiệm sử dụng thực tế, mình đánh giá Prolink 65W có những ưu điểm sau:
- Kích thước nhỏ gọn so với các sản phẩm cùng tầm giá và công suất.
- Chất lượng điện đầu ra rất tốt, không thua kém các thương hiệu cao cấp.
- Khoảng cách giữa 3 cổng output rộng rãi, dễ dàng cắm sạc.
- Nhiệt độ bề ngoài vỏ khi sử dụng ở công suất cao chỉ hơi nóng, không quá nóng.
- Bộ chân thay thế tiện lợi, không cần mang theo cục chuyển đổi lớn khi đi du lịch nước ngoài. Phù hợp với hầu hết các nước, chỉ thiếu chân cắm chéo (Type I) như Úc, Trung Quốc, New Zealand...
Và những điểm cần cải thiện trong tương lai:
- Prolink ơi, hãy cải thiện giao diện bên ngoài sản phẩm tốt hơn nữa nhé, cả củ sạc trong bài này và cả UPS mình đã đánh giá trước đó, mình đều góp ý về điểm này.
- Tuy nhiên, để giải thích rõ hơn cho người đọc, để tối ưu chi phí và giữ mức giá tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất thường phải hi sinh một số yếu tố, và với Prolink, điều đó là hi sinh vẻ ngoài của sản phẩm.
- Hi sinh này vẫn là một lựa chọn hợp lý hơn là đầu tư vào thiết kế ngoài hình đẹp mắt nhưng giảm bớt chất lượng hoặc số lượng linh kiện bên trong.
Tổng kết
Prolink 65W PTC36501 với mức giá chỉ khoảng 550,000đ nhưng lại rất nhỏ gọn và chất lượng điện đầu ra rất tốt. Kích thước và chất lượng điện đầu ra của nó thậm chí còn tốt hơn một số thiết bị có giá cao hơn từ các thương hiệu khác.
Tại Việt Nam, sản phẩm này chưa có nhiều đánh giá và lượt mua, nhưng trên Shopee và Lazada ở Singapore, củ sạc này đã nhận được những đánh giá rất tích cực. Trên Shopee, có hơn 1700 đánh giá đạt 4.9 sao tại Shopee, và cũng như vậy trên Lazada với hơn 700 đánh giá đạt 4.9 sao tại Lazada vào thời điểm viết bài này. Vì vậy, mình hoàn toàn có thể tin tưởng mua và sử dụng củ sạc Prolink này, và cũng giới thiệu đến các bạn.
Để biết thông tin về nơi mua sản phẩm và nhận phần quà nhỏ, mời bạn xem trong phần comment đầu tiên. Bài viết kết thúc ở đây. Xin chân thành cảm ơn @kỹ-sư-điện-tử đã hỗ trợ và trao đổi để hoàn thiện bài viết này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên , bạn có thể ghé thăm Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group để cập nhật các deal hời nhé.