Có lúc bạn cảm thấy không muốn nói chuyện với gia đình hoặc người thân vì họ không lắng nghe bạn phải không? Có lúc bạn và bạn thân mâu thuẫn vì hiểu nhầm không? Hay đã từng từ bỏ mối quan hệ vì khó giao tiếp?
Frank Tyger, một nhà báo và họa sĩ châm biếm người Mỹ, đã từng nói: “Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là một nghệ thuật.” Điều này hoàn toàn đúng. Nhiều người cho rằng việc nghe dễ hơn nói vì họ không cần suy nghĩ về những gì phải nói. Nhưng việc lắng nghe cũng quan trọng như việc nói, bởi để giao tiếp thành công cần có sự tương tác hai chiều giữa hai bên đối thoại. Người nghe cần hiểu hoặc ít nhất nắm bắt được chủ đề mà người nói đang đề cập tới, từ đó tạo cảm giác thoải mái cho người nói và xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Lắng nghe, thực ra, là một kỹ năng khó. Nhưng cuốn sách “Kỹ Năng Lắng Nghe Trong Giao Tiếp” của Hiraki Noriko sẽ chỉ cho bạn mọi điều cần biết để dành 50% thành công trong cuộc sống.
Tại sao lắng nghe lại quan trọng?
Gần đây, tôi đã chấm dứt mối quan hệ bạn bè với một người. Có nhiều lý do dẫn đến quyết định này, nhưng một trong số đó là khó khăn trong giao tiếp giữa chúng tôi. Tôi đã trưởng thành hơn, trong khi em vẫn còn những đặc điểm của một đứa trẻ cần sự quan tâm và thấu hiểu. Tôi có thể bỏ qua những điều làm mình bực mình, trong khi em thích tỏ ra cảm xúc. Tôi đã nhận thức được sự bất công trong cuộc sống, nhưng em lại quá nhạy cảm. Mỗi khi gặp em, em luôn kể về những điều em thấy, cảm nhận và những sự kiện trong ngày. Điều này trở nên nhàm chán khi em liên tục kể về cùng một vấn đề. Em thường kể những điều làm em không thoải mái, những điều tôi không quan tâm, những điều mà tôi đã nhắc em đừng làm nhưng em vẫn không chịu nghe.
Và từ đó, tôi bắt đầu hờ hững với em, hờ hững lắng nghe những câu chuyện em kể. Chúng tôi có quá nhiều sự khác biệt, và việc kết thúc chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng tôi mong muốn một kết thúc êm đẹp, không phải là tổn thương em vì sự hờ hững ích kỉ này.
Đúng vậy, bạn ơi, lắng nghe là điều quan trọng vì nó giúp bạn giữ lại ít nhất một phần kỷ niệm đẹp về đối phương, để bạn không phải luôn đau đầu với hai chữ “xin lỗi”, và nếu bạn không giống như tôi, một kẻ xấu xa, có thể bạn sẽ hàn gắn được mối quan hệ đang bị nứt gãy này với tình yêu thương và lòng thông cảm bao la.
Như đã nêu ở trên, việc lắng nghe là một trong hai chiều của giao tiếp. Nếu việc nói giúp bạn tự do thể hiện bản thân và chia sẻ quan điểm, thì việc lắng nghe giúp bạn hiểu đối phương, từ cách suy nghĩ đến tính cách và thái độ của họ khi trò chuyện, và từ đó bạn có thể tạo ra những mối quan hệ phù hợp, thậm chí có thể được yêu quý nữa (bởi vì ai mà không yêu quý người khiến mình thoải mái trò chuyện và được thấu hiểu?) Như Johann Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Muốn hiểu tư duy của ai đó, hãy lắng nghe họ nói.” Tác giả Hiraki Noriko cũng đã đề cập:
Những người không biết cách lắng nghe, không hiểu được chủ đề người khác đang nói, dù không phải là người xấu nhưng họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Tóm lại, họ sẽ không thể xây dựng mối quan hệ với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp, thậm chí cả việc mua hàng tại cửa hàng cũng trở nên khó khăn với họ. Hơn nữa, họ cũng khó có thể hy vọng vào một mối quan hệ thân thiết hoặc sự đồng cảm sâu sắc với người khác.
Có đủ lý do khiến việc lắng nghe trở nên quan trọng chưa?
Về đối tượng mục tiêu
Theo từ điển Oxford, giao tiếp (communication) là quá trình truyền đạt thông tin, suy nghĩ và cảm xúc đến mọi người. Trong tiếng Anh, “communication” (giao tiếp) và “community” (cộng đồng) có chung từ gốc Latin “communis”, có nghĩa là chia sẻ, phổ biến. Ngoài ra, tiếng Latin còn có từ “communicare”, nghĩa là làm cho điều gì đó trở nên phổ biến, chia sẻ, truyền đạt. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng bản chất của giao tiếp là sự sẻ chia.
Theo quan điểm của tâm lý học, giao tiếp được coi là một hoạt động quan trọng, giúp tạo và duy trì các mối quan hệ giữa con người nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Giao tiếp không chỉ là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của cá nhân và xã hội mà còn là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống con người. Bằng cách tham gia vào các mối quan hệ xã hội và tiếp thu văn hóa, đạo đức và chuẩn mực xã hội thông qua giao tiếp, con người có thể phát triển và trưởng thành. Do đó, không ai có thể sống mà không giao tiếp, và việc lắng nghe là một kỹ năng mà ai cũng cần quan tâm và rèn luyện.
Cuốn sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp” của Hiraki Noriko phù hợp với mọi đối tượng. Cho dù bạn là một cô gái trẻ tuổi hoặc là một người cha mẹ của hai đứa trẻ, thậm chí là một ông lão với mái tóc bạc phơ, bạn vẫn có thể tìm thấy giá trị từ cuốn sách này nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc giao tiếp nói chung hoặc kỹ năng lắng nghe cụ thể. Cuốn sách cung cấp những hình minh họa và ví dụ cụ thể trong mỗi chương để giúp người đọc dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Khi đọc những lời khuyên của Hiraki Noriko, tôi nhận ra rằng mình đã mắc phải nhiều sai lầm trong việc lắng nghe, mặc dù tôi luôn cho rằng mình là người có khả năng lắng nghe hơn là nói. Điều này có vẻ như là một sự mỉa mai, nhưng đó là sự thật. Tôi đã hiểu rằng việc lắng nghe và hiểu ý của đối phương không chỉ là việc quan trọng, mà còn cách thái độ phản hồi của chúng ta cũng rất quan trọng. Nếu bạn từng cảm thấy căng thẳng khi trò chuyện với bố mẹ hoặc cảm thấy không ai hiểu bạn trong gia đình, hoặc thậm chí mất đi một mối quan hệ vì thiếu sự lắng nghe, như tôi đã trải qua, thì bạn nên tìm đọc cuốn sách này, nó sẽ mang lại nhiều giá trị hơn bạn tưởng.
Nội dung của cuốn sách tập trung vào các kỹ năng và mẹo để trở thành một người lắng nghe giỏi.
Với tổng cộng 163 trang không tính bìa, được chia thành sáu chương, cuốn sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp” không chỉ nhỏ gọn mà còn đầy bất ngờ với số lượng cách tiếp cận lắng nghe được đề cập trong đó. Mỗi chương, mỗi đoạn văn, mỗi câu từ đều mang lại những bài học quý báu mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn nâng cao kỹ năng lắng nghe, một kỹ năng khó hơn cả việc nói.
Chương 1 – Cách thực hiện trao đổi một cách hiệu quả trong giao tiếp.
Hướng dẫn cách hiểu ý của đối phương, suy nghĩ theo cách họ nghĩ và tạm thời đặt suy nghĩ của mình sang một bên; tránh những câu hỏi chỉ để thỏa mãn sự tò mò của bản thân; lắng nghe toàn bộ quá trình suy nghĩ của đối phương. Đặc biệt, chương này cũng giới thiệu sáu thái độ phản ánh sự thiếu hiểu biết về việc lắng nghe và kiểu giao tiếp tự tin. Là chương mở đầu, nội dung của chương cũng là những bước đầu tiên trong việc rèn luyện kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp.
Chương 2 – Lắng nghe để hiểu biết cảm xúc của người khác.
Chương này tập trung vào thái độ tích cực mà người lắng nghe giỏi cần có để làm cho đối phương cảm thấy thoải mái, đặc biệt là với những người không tự tin trong việc nói chuyện hoặc không biết cách khởi đầu một cuộc trò chuyện; cách tạo điều kiện để trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên thông qua việc lắng nghe, mở rộng chủ đề và duy trì cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi, cũng như cách từ chối khi không thể lắng nghe đối phương.
Chương 3 – Lắng nghe qua thái độ và biểu hiện cảm xúc.
Hướng dẫn cách phản hồi để cho đối phương thấy rằng bạn thực sự đang lắng nghe và chấp nhận họ. Vì hầu hết mọi người đều coi nhẹ việc này, nên tôi tin rằng đây là chương quan trọng nhất nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng lắng nghe của mình. Chương này cũng nói về những thái độ không lắng nghe, kể cả những hành động vô ý khi giao tiếp, cách hướng ánh mắt khi đang nói chuyện, tư thế sẵn sàng lắng nghe và cách điều chỉnh để phù hợp với nhịp độ nói chuyện của đối phương.
Chương 4 – Những câu nói phản ánh việc 'lắng nghe'.
Lý do bạn nên sử dụng ngôn từ đồng cảm trong giao tiếp để khích lệ đối phương chia sẻ nhiều hơn về bản thân, việc khen ngợi đối phương, thể hiện lòng biết ơn, động viên, công nhận nỗ lực và an ủi đối phương.
Chương 5 – Lắng nghe câu chuyện của những người ở các vị trí khác nhau trong xã hội.
Hướng dẫn cách lắng nghe dựa trên mối quan hệ và cách đối phương đang trò chuyện với bạn, như là giữa vợ chồng hoặc bố mẹ với con cái. Ngoài ra, nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc hỏi “tại sao” của người lớn và trẻ con. Trẻ em và người cao tuổi thường dễ bị tổn thương nên cách tiếp cận cần phải nhẹ nhàng. Chương này cũng đưa ra một số gợi ý về cách tìm chủ đề trò chuyện với người mới gặp và cách giao tiếp trong mối quan hệ cấp trên – cấp dưới.
Chương 6 – Lắng nghe câu chuyện của những loại người khác nhau.
Cách lắng nghe những người không giỏi nói chuyện, những người thích giữ im lặng, những người hùng hờ, những người nói quá nhiều, những người đang buồn, tức giận, những người than vãn và những người xin lỗi. Đây đều là những trường hợp phức tạp yêu cầu khả năng hướng dẫn và lắng nghe tốt.
Ưu và nhược điểm của cuốn sách.
Trước khi tiếp tục, tôi muốn rõ ràng rằng những gì tôi nói đều là quan điểm cá nhân. Vì vậy, trước khi bạn phản hồi, hãy dùng kỹ năng lắng nghe bạn học được từ cuốn sách.
Đầu tiên, tôi phải nói rằng đây là một cuốn sách tuyệt vời. Từ chủ đề đến nội dung và cách trình bày, “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp” thật sự đáp ứng nhu cầu của tôi. Tuy nhiên, với lượng nội dung nhiều hơn đáng kể so với độ dày của 163 trang, bạn cần đọc từ từ để không bị quá tải và có thể cần ghi chú những điểm chính. Nếu có thể, hãy chia ra vài ngày để đọc một chương, để có thời gian áp dụng những gì bạn học được và ghi nhớ chúng kỹ càng.
Việc đưa sơ đồ minh họa sau mỗi mẹo nhỏ là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng giúp nội dung trở nên dễ hiểu và hấp dẫn hơn các đoạn văn liên tục. Có lẽ sẽ có người bỏ qua văn bản để tập trung vào hình ảnh. Tôi không biết điều này có tốt không. Ý tôi là, khiến người đọc hiểu được ý tưởng của tác giả là điều tốt. Nhưng liệu việc khiến người đọc muốn bỏ qua văn bản có phải là tốt không? Ít nhất là có ổn không?
Bây giờ, hãy cho phép tôi nói về phần dịch thuật. Như tôi đã nói trước đó, đây là một cuốn sách tuyệt vời, vì vậy phần dịch thuật chắc chắn cũng được thực hiện một cách tốt và có sự đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm khiến tôi không hài lòng. Đầu tiên, ở trang 100, phần sơ đồ “Câu nói an ủi phù hợp” cho thấy câu trả lời “Như vậy thì chán thật!” có thể khiến người nói cảm thấy người nghe không hiểu về tình hình của họ, nhưng phần diễn giải phía trên lại nói ngược lại. Điều này có thể làm cho người đọc cảm thấy bối rối vì họ không hiểu tại sao câu “Như vậy thì chán thật!” có thể được sử dụng trong tình huống an ủi một người gặp phải chuyện đáng thất vọng hay không. Thứ hai, tiêu đề của chương 5, theo cảm nhận của tôi, hơi mơ hồ. “Lắng nghe câu chuyện của những người trên nhiều cương vị khác nhau” có nghĩa là lắng nghe câu chuyện của những người có nhiều cương vị khác nhau? Hay là người nghe đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để lắng nghe? Nếu là ý thứ hai (tôi nghiêng về ý này hơn), thì tại sao lại dùng từ “những”?
Đó là tất cả những nhận xét “chuyên nghiệp” của tôi về “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp” của Hiraki Noriko. Hy vọng rằng hai lỗi dịch thuật (hoặc trường hợp thứ hai không hẳn là lỗi, nhưng nó gây khó hiểu một chút) tôi đề cập ở trên sẽ được xem xét và sửa trong lần tái bản tiếp theo.
Vài lời cuối cùng
Trong cuốn sách này, Hiraki Noriko chia sẻ về những người chọn lựa việc lắng nghe người khác làm nghề nghiệp hoặc một phần của công việc của họ. Bác sĩ, y tá, chuyên gia thẩm mỹ, nhân viên mát-xa, thợ làm móng, chủ quán rượu, tư vấn viên,... đều thực hiện vai trò lắng nghe trong công việc của họ. Điều này là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.
Tuy nhiên, ở chương 6, tác giả cũng chỉ ra rằng:
Hầu hết các nhân viên tư vấn thường không than phiền về khó khăn trong công việc mà thay vào đó là cảm thấy không có ai hiểu họ. Trong công việc, điều quan trọng nhất với họ là có người lắng nghe và thấu hiểu hoàn cảnh của họ.
Mặc dù chỉ nói về tư vấn viên, nhưng chúng ta có thể thấy tình trạng éo le của những người làm công việc lắng nghe. Họ sẵn lòng lắng nghe người khác, nhưng lại ít người lắng nghe họ. Tại sao lại như vậy? Họ cũng có nhu cầu được thấu hiểu, vậy tại sao họ không nhận được điều đó? Liệu con người có quá phụ thuộc vào họ mà không phát triển khả năng lắng nghe của bản thân để chia sẻ với người thân và bạn bè?
Hiraki Noriko đã thay đổi cách tôi nghĩ về việc lắng nghe. Tôi nhận ra mình kém cỏi trong giao tiếp như thế nào và dần áp dụng những mẹo nhỏ từ cuốn sách này. Mỗi lần áp dụng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn và niềm tin của tôi cũng tăng lên. Có tự tin là quan trọng, và 50% chiến thắng đã nằm trong tay bạn. Tôi mong muốn mọi người tiếp cận với “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp”. Không chỉ vì bản thân mình mà còn vì một xã hội không chỉ chạy theo sự hoàn hảo mà còn là nơi mọi người được chia sẻ và lắng nghe theo mong muốn của họ.
Tác giả: Thu Trang - MyBook