Những điều bí ẩn luôn làm con người tò mò và ưa thích khám phá. Chính vì vậy, Ai Cập - một quốc gia với nền văn minh lâu đời luôn là điểm thu hút các du khách, những nhà khảo cổ, nhà khoa học. Nếu bạn đam mê tìm hiểu về Ai Cập, bạn không thể bỏ qua cuốn sách Dấu Chân Trên Cát. Đây là một cuốn sách hay tái hiện lại một thời quá khứ huy hoàng của Ai Cập đã lâu đời, được kể qua lời của Sinuhe - một nhân vật có thân thế mơ hồ. Theo sử gia Herodotus ghi nhận:
Một người Ai Cập tên là Sinuhe đến Hi Lạp mở trường dạy học. Ông có rất nhiều học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hi Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là thời kỳ hoàng kim của các triết gia. Học trò của ông là Plato, Aristole,...
Sự ra đời của cuốn sách
Cuốn sách Dấu Chân Trên Cát ra đời trong một lần tác giả Mika Waltari đi du lịch Hi Lạp, ông nghe kể về Sinuhe, một giai thoại phổ thông vẫn được lưu truyền trong dân gian xứ này. Ông đã tìm hiểu, tiếp xúc với các bô lão để ghi chép, thu thập chi tiết về nhân vật lạ lùng này, rồi thêm vào đó một vài tình tiết với ý định sẽ dựng lên một vở kịch lớn nhưng nửa chừng, ông bỏ ý định và soạn thành cuốn tiểu thuyết The Egyptian (tạm dịch: Dấu Chân Trên Cát). Xuất bản năm 1945, The Egyptian là một trong những cuốn sách bán chạy và đã được tái bản nhiều lần. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, Dấu Chân Trên Cát cũng được độc giả đón nhận nồng nhiệt, được dịch bởi Nguyên Phong - một dịch giả nổi tiếng với hàng loạt sách về văn hóa và tâm linh như: Hành Trình Về Phương Đông, Ngọc Sáng Trong Hoa Sen, Hoa Sen Trên Tuyết, Đường Mây Qua Xứ Tuyết,...
Nhan đề
Ban đầu, khi mới đọc nhan đề cuốn sách, tôi nghĩ rằng nội dung chắc chắn sẽ nói về những điều bí ẩn, mới lạ mà các nhà khoa học tìm kiếm được trong hành trình khám phá Ai Cập cổ đại. Nhưng sau khi đọc cuốn sách, tôi lại có suy nghĩ khác. Trong thực tế, những bước chân của chúng ta trên cát chỉ in dấu một lúc rồi sau đó sẽ biến mất, những hạt cát mỏng nhẹ không thể lưu giữ bước chân chúng ta. Theo đó, những gì được xây dựng trên cát chỉ huy hoàng trong một thời gian ngắn và sau đó sẽ tàn lụi. Ai Cập cổ đại cũng như những dấu chân trên cát, nó đã từng để lại dấu ấn nhưng không thể tìm lại và lưu giữ vẹn nguyên như trước mà nay chỉ là quá khứ mơ hồ.
Tóm tắt truyện
Câu chuyện là lời tự thuật của Sinuhe về cuộc đời của mình, xen lẫn vào đó là tình hình chính trị-xã hội, những đặc sắc về đời sống văn hóa-tâm linh của quốc gia Ai Cập. Sinuhe là con của là y sĩ Seen Moot-một lương y nổi tiếng nhân từ chuyên chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền, còn mẹ ông là con nhà thế gia vọng tộc nhưng không đam mê cuộc sống giàu sang phú quý. Chính vì điều đó đã ảnh hưởng đến bản thân Sinuhe, ngay từ đầu ông đã lựa chọn một cuộc sống thanh bần, giản dị như cha mẹ của mình. Tốt nghiệp trường y khoa Abydos, ông trở về quê hương và trở thành một y sĩ. Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra êm đềm theo như những gì chúng ta muốn. Một thời gian sau đó, ông gặp phải nhiều sự kiện, biến cố làm thay đổi cuộc đời mình. Sinuhe trở thành một người hoàn toàn khác: luôn đem lòng hận thù, dằn vặt vì những tội lỗi, chạy theo tiếng gọi của danh vọng, quyền lực và đồng tiền. Nhưng cuối cùng, khi mọi hiểu lầm được hoá giải, ông trở về như xưa, là một người nhân hậu, vị tha, hết lòng vì đất nước. Nhưng triều đình rối ren, các phe phái tranh giành nhau quyền lực, Sinuhe cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy đến mức không thể thoát ra khỏi. Chỉ có một cách duy nhất mà hoàng đế Amenophis bảy ra, tránh cho Sinuhe gặp phải tai hoạ, đó là đẩy Sinuhe đi lưu đày, không cho ông quay trở lại Ai Cập nữa. Kết thúc truyện là một kết thúc mở, Sinuhe yêu cầu Smenkere đưa ra đến một vùng đất mới, đó chính là Hy Lạp.
Những kiến giải về quy luật vận động của vạn vật
Dấu chân trên cát không chỉ lôi cuốn bởi cốt truyện hấp dẫn, logic mà còn bởi những lí giải của người xưa về quy luật vận hành của vạn vật. Tại sao con người mắc bệnh? Đó là do có thái độ sống, hành động ngược lại với tự nhiên, lây nhiễm bệnh là bởi vì năng lượng chữa trị giữa bệnh nhân và y sĩ có sự trao đổi, qua lại với nhau, hậu quả là y sĩ cũng bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân mà không hề hay biết,… Đặc biệt, trong cuốn sách, người đưa ra những đúc kết về quy vật vận động của tạo hóa nhiều nhất chính là hoàng đế Akhenaten Amenophis, ông là người có trí thông minh và tầm nhìn xa trông rộng. Trong mắt mọi người, Akhenaten là người mơ mộng hào huyền, làm việc thiếu thực tế. Nhưng tất cả những điều mà ông làm hiện tại đều có lí do riêng của nó. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những sai lầm của đời trước đã gây ra những cảnh khổ đau khiến nhân dân phải gánh chịu, ông muốn sửa chữa sai lầm ấy bằng cách đưa ra hàng loạt những luật lệ táo bạo mà chưa một Pharaoh nào thực hiện như: chủ trương hòa bình với các nước láng giềng, bãi bỏ sưu thuế, tôn thờ chiếc đĩa tròn (Aten),… Cách suy nghĩ của ông cũng khác so với số đông, ông có suy nghĩ khác về chiến tranh, về việc thay đổi chính bản thân mình, về vấn đề giáo dục,… Những suy nghĩ ấy vô cùng mới mẻ, độc đáo mà chính bản thân chúng ta hiện nay cũng chưa hề nghĩ tới. Những điều này được đúc kết từ qua trình học tập, trau dồi kinh nghiệm hàng ngày, nó phần nào phản ánh được trình độ của người Ai Cập cổ đại đã đạt đến đỉnh cao của nhận thức và tư duy.
Những bí ẩn được khám phá
Ngày nay, Ai Cập cổ đại vẫn là một bí ẩn to lớn. Có quá nhiều điều về thế giới tâm linh cách đây hàng ngàn năm, khó có thể tìm được đáp án chính xác. Một trong những lời giải đáp phù hợp nhất có thể được tìm thấy trong Dấu chân trên cát. Hàng ngàn câu hỏi như: Tại sao các đạo sĩ lại có nhiều phép thuật kỳ lạ, có thể đoán biết tương lai bằng cách quan sát các vì tinh tú trên bầu trời, chết đi sống lại, ướp xác hàng năm không bị phân hủy, đến những câu hỏi về phong tục chôn cất người sống, thờ cúng hàng trăm vị thần,… Tất cả đều có thể được giải đáp thông qua lời thuyết giảng của các đạo sĩ, những bậc tiền bối mà Sinuhe theo học ở trường khoa học về sự sống, khoa học về sự chết, qua lời giảng dạy của người cha, của Pharaoh Akhenaten. Đó là những kinh nghiệm quý giá, không được lưu truyền rộng rãi ra bên ngoài. Ví dụ như cách ướp xác truyền thống của người Ai Cập, mục đích là để bảo vệ pháp và danh. Các nghi thức ướp xác, tận liệm và chôn cất tại các ngôi mộ có vị trí đặc biệt, liên hệ với các vì tinh tú, nghi thức này chỉ được dành riêng cho một số ít người trong hoàng tộc, họ cho rằng cõi giới bên kia cũng có sự sống như cõi hữu hình. Do đó, các chủng loại vô hình cũng được cung ứng những điều kiện sinh hoạt cần thiết, thích nghi riêng với chúng. Có thể nhiều người không tin vào tâm linh, họ coi đó là điều huyễn hoặc ảo tưởng, nhưng thực chất chúng ta không thể nào biết hết tất cả. Những gì mà chúng ta tìm hiểu được chỉ là một phần rất nhỏ. Những bí ẩn của tạo hóa, về tâm linh luôn là một điều gây tò mò, thử thách chúng ta. Và Dấu chân trên cát mang đến nhiều lời giải thú vị về mặt này, phần nào thỏa mãn trí tưởng tượng của người đọc, người nghe.
Các mặt trái bị che đậy
Ai Cập không chỉ là những bí ẩn tâm linh bị vùi lấp hàng ngàn năm mà còn là một vương triều huy hoàng với các Pharaoh toàn năng, những đội quân dũng mãnh chinh phạt khắp nơi, những vị hoàng hậu nổi tiếng xinh đẹp, thông minh. Là một đất nước có triều đại từ rất sớm, khi thế giới còn trong thời kỳ sơ khai thì Ai Cập đã phát triển và đạt những thành tựu rực rỡ về mặt chữ viết, toán học, y học, ... Nhưng vương triều nào cũng có những khoảng tối với những bí mật không bao giờ được bật mí. Chỉ khi nằm trong hoàn cảnh đó, ta mới biết nó không hào nhoáng, đẹp đẽ như bề ngoài chút nào. Những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình, những phe phái tranh giành nhau, tất cả đều được khắc họa rõ nét qua lời tường thuật của người trong cuộc Sinuhe. Khi vào cung, trực tiếp chứng kiến mọi việc diễn ra trong đó, ông nhận thấy rằng khi con người ta đã có tất cả mọi thứ trong tay nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, càng lên cao lại càng muốn cao hơn nữa. Lòng tham con người là không giới hạn. Những giá trị tình cảm tốt đẹp, lòng yêu thương giữa con người với con người không còn quan trọng bằng quyền lực, địa vị. Chính lòng tham không đáy đã hủy hoại nhân cách, tâm hồn con người và đẩy họ vào kết cục thảm hại, không như mong muốn. Đó là bà mẹ của Pharaoh Amenophis, vì khát vọng muốn cai trị cả đất nước mà không từ một thủ đoạn nào, bà ta sẵn sàng tìm mọi cách để từng bước leo lên ngôi vị cao nhất. Từ xuất thân là con nhà thuyền chài không có nhan sắc, vì biết vận dụng những mánh lối: tiêu diệt các phe phái chống đối, tráo đứa con mới sinh của hoàng hậu cũ để con mình được làm vua, nhưng khi đứa con trai không làm theo ý mình, bà ta liền có ý định giết hại và thay đứa con gái là công chúa Baketamon vào ngôi vị. Cuối cùng, bà ta phải trả giá bằng một cái chết vô cùng bi thảm. Hay như tướng Smenkere và Homremheb – những người bạn thân duy nhất của Sinuhe, người tưởng sẽ trung thành với Amenophis nhưng vì ngôi vị Pharaoh mà họ đã bán đứng người tin tưởng mình. Rồi các phe nhóm trong triều, họ luôn luôn bất mãn, đối đầu nhau, diệt trừ nhau nếu người đó động đến quyền lợi của mình. Chính những điều đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: đất nước lầm than, dân chúng khốn khổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tác giả đề cập tới để lí giải lý do vì sao vương triều Ai Cập lại dần dần bị diệt vong, sụp đổ. Sinuhe – một người lương thiện đến ngây thơ, có lẽ không thể chịu nổi những biến động này, sau khi Amenophis mất, để quên đi những buồn đau, ông và Meryt đã rời xa nơi này và tìm đến Hy Lạp. Kết thúc truyện là hình ảnh đẹp nhưng phảng phất u buồn – sự huy hoàng đang dần vụt tắt, chỉ còn lại là những kỉ niệm và con người cô độc, lẻ loi giữa dòng đời.
Mặt trời từ từ lặn, những tia nắng rơi rớt vương vấn trên các cồn cát sa mạc. Xa xa, một con chim lạc lõng bay.
Phần kết
Dấu chân trên cát mang đến nhiều cảm xúc cho độc giả, càng đọc càng bị cuốn hút bởi những tình tiết thú vị và hấp dẫn, những mâu thuẫn được đẩy lên cao trào và các nút thắt dần được tháo gỡ. Cuốn sách không chỉ giới thiệu về văn hóa Ai Cập mà còn thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội. Dù đã ra mắt từ nhiều năm trước, nội dung của nó vẫn luôn mới mẻ và lôi cuốn độc giả.