Mỗi người đều có những thói quen xấu cần phải từ bỏ để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Quá trình từ bỏ một thói quen là vô cùng khó khăn và dễ nản lòng. Không phải bản thân chưa đủ cố gắng, mà bởi chúng ta không hiểu được nguyên nhân vấn đề xuất phát từ đâu, lại quá tập trung vào kết quả khiến cho hành trình trở nên dài lê thê và mệt mỏi. Thấu hiểu được điều ấy, tác giả Takeshi Furukawa – chuyên gia tư vấn các thói quen tích cực của Nhật - đã cho ra đời cuốn sách Đừng để tương lai ghét bạn hiện tại với mục đích tư vấn, đúc kết tinh hoa trải nghiệm của chính ông dành cho các độc giả trên khắp thế giới.
Mở đầu là bảng khảo sát xếp hạng những thói quen xấu muốn từ bỏ nhất: Đứng thứ nhất là thói quen trì hoãn; lệ thuộc vào Internet và Smartphone; ăn quá nhiều; thiếu ngủ do thức khuya; tiêu xài hoang phí. Nhìn chung, mọi người đều có vấn đề kiểm soát khi đứng trước những khó khăn, nhu cầu và ham muốn của chính mình.
Nếu như bạn không hiểu vấn đề của các thói quen xấu của mình bắt đầu từ đâu (như chữa bệnh mà không bắt đúng bệnh) thì bất kể bạn cố gắng thế nào cũng sẽ thất bại. Một bài luận văn của học giả đại học Duke năm 2006 đã kết luận rằng : “Trong những hành vi của con người, có đến hơn 40% không phải là hành động có ý thức mà là những hành động theo thói quen một cách vô thức”. Đây là nguyên nhân chính yếu khiến chúng ta dễ sa ngã vào những thói quen xấu. “Nuông chiều thói quen xấu sẽ giết chết thói quen tốt”. Vòng luẩn quẩn này kéo dài không dứt khiến cho cuộc sống dần trở nên không có lối thoát, chúng ta sẽ dần cảm thấy bất lực; tiêu hao năng lượng và suy nghĩ tiêu cực.
Tuy nhiên, quá trình thay đổi và tạo lập một thói quen tốt cũng lắm gian nan và trắc trở bởi những kẻ thù gây rối vô hình chúng ta không hề hay biết.
Quy tắc hấp dẫn của thói quen.
Cơ thể con người tồn tại bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Một khi có sự thay đổi, cơ thể sẽ sinh ra cơ chế chống lại sự thay đổi đó, cũng giống như muốn thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất, phi thuyền tiêu hao đến 1/3 năng lượng trong cả hành trình khám phá thế giới của mình. Ở giai đoạn đầu, chúng ta cần rất nhiều ý chí kiên trì.
Sự cân bằng giữa nhận thức và vô thức.
Trong tâm lý học, nhận thức chiếm 5% và vô thức chiếm 95% hành vi con người. Ví dụ cơ thể bạn là công ty có cổ đông 100 người. Khi chính sách mới đưa ra hướng tích cực, chỉ có 5 cổ đông đồng ý trong khi phần lớn cổ đông (95 người) phản đối. Sự cân bằng này kiểm soát cơ thể chúng ta, vì vậy phải biến mới lạ thành quen thuộc qua việc rèn luyện thói quen mỗi ngày mới đem lại hiệu quả tích cực.
Cuộc chiến giữa dục vọng và lí trí
Chúng ta đều có niềm đam mê riêng, đứng trước sự lựa chọn từ bỏ ham muốn nhất thời để trở nên tốt hơn, liệu có ai dễ dàng làm được? Các nhà khoa học chỉ ra rằng, thói quen xấu tạo ra cảm giác hạnh phúc tạm thời, bởi vì cơ thể sản xuất hooc môn Dopamine được kích thích khi làm điều mình thích. Lý trí sẽ hoàn toàn sụp đổ nhường sự kiểm soát cơ thể cho dục vọng. Cách tốt nhất để phòng ngừa là sống trong môi trường không có cám dỗ. Song song chúng ta cần rèn luyện sức mạnh tinh thần vững mạnh khống chế dục vọng trong mọi tình huống.
Tác giả chia thói quen xấu thành 3 loại cơ bản:
- Thói quen hành động:
Thời gian thay đổi: 1 tháng
Thói quen tiêu biểu: xài hoang phí, trì hoãn, lười biếng trong ngày nghỉ,…
Thói quen cơ thể:
Thời gian thay đổi: 3 tháng
Thói quen tiêu biểu: hút thuốc lá, ăn quá nhiều, uống rượu quá độ, thức khuya.
- Thói quen tư duy:
Thời gian thay đổi: 6 tháng
Thói quen tiêu biểu: lo lắng, nóng giận, suy nghĩ quá nhiều, cầu toàn,…
Quá trình thay đổi cần theo trình tự, nắm được vấn đề của từng giai đoạn, không ngừng đổi mới phương pháp tạo hứng thú cho bản thân. Trong đó kiên trì cùng với sức mạnh tâm lý vững bền là nhân tố quan trọng nhất để chúng ta thành công.
Một số lưu ý nhỏ cho công cuộc chinh phục thói quen mới:
Mỗi lần thực hiện một thói quen.
Chúng ta thường tham lam và vội vàng muốn thay đổi nhanh chóng trở thành con người toàn diện. Thực tế điều đó đã biến quá trình trở nên khó khăn và nhiều gánh nặng hơn bao giờ hết, tuy nhiên lại không thu được kết quả mong muốn. Mỗi lần chỉ nên thay đổi một thói quen nhằm nâng cao hiệu quả và biến thói quen đó trở thành một phần của mình chính là biện pháp thông thái nhất. Giả sử một tháng bạn thay đổi một thói quen hành động, một năm hình thành được 12 thói quen; 3 tháng thay đổi một thói quen cơ thể, một năm thay đổi được 4 thói quen; 6 tháng thay đổi một thói quen tư duy, một năm hình thành 2 thói quen. Đi chậm và vững chắc; thành công sẽ mỉm cười không xa.
Để rõ ràng về mục tiêu và rào cản trong việc phát triển thói quen tốt.
Mục tiêu là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng thói quen tốt. Rào cản là những trở ngại xảy ra khi chúng ta quá tập trung vào mục tiêu. Ví dụ, nếu bạn đặt mục tiêu là đi ngủ sớm lúc 10 giờ, nhưng lại phải tham gia tiệc tùng hoặc công việc bất ngờ xảy ra, đó chính là rào cản. Trong quá trình hình thành thói quen mới, việc làm rõ mục tiêu và rào cản sẽ giúp bạn linh hoạt đối phó với các tình huống khác nhau, đồng thời nhắc nhở mục đích chính của mình để không bị lạc hướng.
Tập trung vào quá trình hơn là kết quả.
Khi tập trung vào kết quả, sau khi đạt được mục tiêu, bạn có thể dễ dàng từ bỏ thói quen đó. Ngược lại, nếu không đạt được kết quả, chúng ta sẽ nản lòng và tự trách nhiều hơn. Vì vậy, quan trọng hơn là tập trung vào quá trình phát triển thói quen và nỗ lực hàng ngày.
Quá trình hình thành thói quen tốt có 4 giai đoạn:
Kiềm chế ham muốn (Tuần 1 - Tuần 3):
Ghi chép hành trình tập luyện hàng ngày và tạo không gian tránh xa cám dỗ. Bằng cách làm được cả hai điều này, bạn đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu. Đồng thời, bạn cần chuẩn bị tâm lý cho việc thất bại. Những người cầu toàn thường dễ thất bại, vì họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân và bị vấp ngã khi gặp trục trặc. Để tránh điều này, bạn cần hạ thấp tiêu chuẩn của mình, đồng thời rõ ràng về mục tiêu và rào cản.
Mệt mỏi (Tuần 4 - Tuần 7):
Giai đoạn này, chúng ta trải qua cảm giác kiệt sức và dễ bị nản lòng. Để vượt qua, bạn cần tạo ra các ngoại lệ cho bản thân (trong 1-3 trường hợp) và rèn luyện tinh thần kiên định để đối mặt với mọi cám dỗ.
Ổn định (Tuần 8 - Tuần 10):
Tăng cường hành động, loại bỏ hoàn toàn ngoại lệ để tiến gần hơn đến thành công.
Thời kỳ lặp lại nhàm chán (Tuần 11 - Tuần 13):
Đổi mới hoạt động để tạo sự mới mẻ. Đồng thời, lên kế hoạch cho thói quen tiếp theo.
Kết luận:
Con người luôn hướng đến ánh sáng, nơi mọi thứ trở nên lấp lánh và hoàn thiện hơn bao giờ hết. Với lòng mong muốn tốt đẹp, chúng ta luôn tìm được cách để đạt được điều đó. Thói quen tốt là nền tảng để xây dựng một tương lai bền vững, giúp chúng ta cân bằng nhu cầu của cuộc sống. Takeshi Furukawa đã thành công trong việc giúp hàng ngàn người thay đổi lối sống tích cực hơn bằng cách thấu hiểu nguyên nhân của từng thói quen, phân tích chúng dựa trên khoa học, và đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề chính. Hãy tạo ra nhóm để hỗ trợ và động viên lẫn nhau, với niềm tin vào tương lai, chúng ta sẽ tỏa sáng trên hành trình cuộc sống.
Tác giả: Thảo Phương - MytourBook