Khi hơi thở hóa thinh không là một tuyên ngôn dõng dạc của những bệnh nhân mắc phải căn bệnh quái ác nhất lịch sử nhân loại tới thế giới mà trong đó, tác giả Paul Kalanithi chính là đại diện cho những con người ấy - kiêu hãnh, mạnh mẽ và can đảm. Qua cuốn sách ta thấy được hành trình từ lúc phát hiện ra căn bệnh, khoảng thời gian giãy giụa, phủ nhận sự thật đến khi chấp nhận và cống hiến đến giây phút cuối cùng. Ta cũng thấy rõ bộ mặt của Cái Chết và cách mà Paul đã can đảm đối diện với nó. Cuốn sách như một chuyến tàu lượn siêu tốc, có đoạn cao trào nhưng cũng có khoảng an yên tĩnh lặng. Mời bạn cùng ngắm nhìn cuộc đời của bác sĩ, nhà văn Paul Kalanithi qua Khi hơi thở hóa thinh không.
Sách mở đầu bằng một lời chẩn đoán.
Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chuẩn đoán đã rõ ràng: Hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.
Tác giả chào đón độc giả bằng một cách chân thực, và cái chân thực ấy đau đớn khôn kể. Chúng ta, dưới góc nhìn của những người quan sát, nhìn ngắm cuộc đời một con người bị vắn tắt thành một từ “ung thư”. Một căn bệnh quái ác đã đeo bám con người từ bao nhiêu thiên niên kỷ nay, không kể trai gái, già trẻ, giàu nghèo. Tôi cảm tưởng như đời người, một khi bị con quái vật này đeo bám thì dường như tất cả quá khứ của họ đều đi vào dĩ vãng. Chính trị gia, bác sĩ, nhà văn, học sinh, cô bán hàng…. Không, tất cả đều là vô nghĩa. Giờ đây họ chỉ là “những người mắc bệnh ung thư” mà thôi. Cuộc đời, xã hội, gia đình nhìn nhận họ như vậy, và có lẽ cả bản thân những người đó nữa. Hiếm khi có ai còn lạc quan và đối xử mọi thứ như trước nữa bởi họ không đủ can đảm để chiến đấu nữa. Ta không thể trách họ vì ngừng chiến đấu. Bởi nếu ta là họ trong hoàn cảnh ấy thì tôi tự hỏi có bao nhiêu người dám dõng dạc hô lên “TÔI CÓ THỂ”?
Tuy vậy, vẫn còn những con người hay tôi xin phép được ví von như những bông hoa nở rộ trong sa mạc - can đảm và đẹp đẽ. Tuy thời gian nở rộ để chiêm ngưỡng thế gian không còn dài, tuy nở rộ trong môi trường khắc nghiệt bậc nhất thế gian này, họ vẫn cống hiến quên mình, cống hiến suốt quãng thời gian ngắn ngủi còn lại. Paul Kalanithi là một bông hoa trong số hàng ngàn, hàng vạn bông hoa ngoài kia, đại diện, lên tiếng và chứng minh cho thế giới thấy họ dũng cảm nhường nào.
Paul Kalanithi là một nhà phẫu thuật thần kinh và tác giả. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã đóng vai trò như một “người anh hùng”, cứu rỗi vô số bệnh nhân với những căn bệnh quái ác khác nhau. Đáng tiếc thay, khi anh đối diện với căn bệnh đáng sợ, không ai, cả anh lẫn người khác, có thể trở thành anh hùng và cứu chữa cuộc đời của Paul. Vào tháng 5 năm 2013, Kalanithi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi tế bào không nhỏ (non-small-cell) dương tính với EGFR di căn giai đoạn IV. Anh qua đời vào tháng 3 năm 2015 ở tuổi 37. (Theo Wikipedia)
Sống là gì chúng ta tìm kiếm trong cái chết
Bây giờ mới nhận ra khi hơi thở trở thành hư vô
Tên mới không tốt, tên cũ không còn tồn tại:
Cho đến khi thời gian dừng lại,
Độc giả ơi! Hãy dành thời gian, khi còn có khả năng
Bước nhẹ về phía cõi vô tư.
(Baron Brooke Fulke Greville, “Caelica83” - Trích từ cuốn sách)
Sống với đam mê, đừng để hối tiếc
Cuộc đời hiếm khi ai được sống với đam mê và đồng thời thỏa mãn những nhu cầu vật chất hàng ngày của con người. Paul yêu thích Văn học, Lịch sử và Y học. Anh không chỉ có tấm bằng Cử nhân và Thạc sĩ ngành Văn học Anh, mà còn có tấm bằng Cử nhân khoa học ngành Sinh học từ Đại học Stanford và tấm bằng Thạc sĩ ngành Lịch sử và Triết học về Khoa học và Y học. Đam mê của anh với Văn học rõ ràng. Tuy nhiên, theo quy luật “bình thường” của cuộc sống, anh đã chọn trở thành một bác sĩ, tiếp tục học tại Trường Y khoa Đại học Yale (Yale School of Medicine), nơi anh tốt nghiệp với bằng danh dự cum laude vào năm 2007, từ bỏ ý định theo đuổi bằng Tiến sĩ ngành Văn học Anh.
Một hồ sơ thật ấn tượng, và tôi tin rằng Paul cũng tự hào về bản thân giống như chúng ta “wow” trước hàng loạt thành tựu của anh. Nhưng chỉ khi xảy ra điều gì đó đáng tiếc, ta mới bắt đầu trân trọng những điều mình quý trọng và sống chân thành với bản thân. Khi hơi thở trở thành hư vô là kết quả của hai năm ngắn ngủi mà Paul sống với đam mê và tận hưởng nó. Chưa bao giờ anh dành thời gian và tâm huyết cho việc viết lách, Paul chọn cứu người và theo đuổi y học. Trong cuộc sống, chúng ta thường sống theo xã hội và những người xung quanh vì đó là “cách thức của thế giới này”. Tôi không nói điều này là xấu, nhưng nó có chút buồn vì thật “ngược”.
Những người cha mẹ lý do “đảm bảo cuộc sống sung túc, ấm no” cho con cái, mà đổ mồ hôi và công sức vào cuộc họp, những chuyến bay dài và “chăm sóc” lũ trẻ của mình cho những cô vú em. Những người yêu nhau lý do đi chơi vào mọi ngày lễ trong năm, tặng nhau những món quà đắt tiền mà quên mất việc giao tiếp và chia sẻ. Có nhiều ví dụ cho thấy điều “ngược” đã trở thành điều thường thấy trong cuộc sống ngày nay. Thật đáng tiếc!
Do đó, khi Paul viết những dòng chữ cho cuốn sách đầu và cũng là cuốn sách cuối cùng của mình, tôi cảm thấy vừa vui vẻ vừa buồn cho số phận của con người. Anh đã chiến đấu với căn bệnh đang đe dọa tính mạng của mình, và đồng thời sống chân thật với niềm đam mê của mình. Tôi tin rằng những năm cuối đời của anh là thời gian đầy màu sắc nhất. Y học không thể cứu rỗi thân xác của Paul, nhưng Văn học đã truyền lại tâm hồn của anh như những ngày trước kia.
Văn học đã giúp tôi tái khám phá cuộc sống trong thời gian này. Những lo âu về tương lai dần biến mất; bóng tối của cái chết không còn che khuất ý nghĩa của bất kỳ hành động nào. Tôi nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc, khi lòng thỏa mãn tràn đầy, khi những rào cản tưởng chừng không thể vượt qua lại tan biến. Tôi tỉnh dậy trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày mới – không có dự án nào sau bữa sáng có vẻ bền lâu. Tôi nghĩ mình không thể tiếp tục, nhưng lập tức, lời phản đối nhen nhóm trong tâm trí, hoàn thành câu thần chú bảy từ của Samuel Beckett, những từ mà tôi đã học từ lâu: tôi sẽ tiếp tục. Tôi rời giường và tiến về phía trước, lặp lại những từ ấy: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.
Câu hỏi: Cái chết là điểm dừng cuộc sống?
Trong Khi hơi thở hóa thinh không, cái chết không phải là điều thường xuyên. Nó xuất hiện không ngờ và làm ta kinh ngạc. Tôi đam mê với phim và tài liệu về y học. Tôi đã xem và đọc nhiều, chủ yếu là các tài liệu học thuật, chúng thường chỉ ra kết quả, những thành tựu của nghiên cứu. Vì vậy, tôi chưa thấy được những mất mát mà các căn bệnh mang lại. Cuốn sách mà Paul viết chỉ là một cuốn hồi ký, nó không học thuật nhưng anh sử dụng nhiều từ ngữ chuyên môn. Nó rất “con người”, rất là Paul.
Với vai trò là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, trong Phần 1: Bắt đầu từ sức khỏe hoàn hảo, Paul đã đưa độc giả đến với những trường hợp mà anh đã gặp. Tôi rất ấn tượng với hai trường hợp: Bà Lee ở tuổi cao và anh bạn Jeff của tác giả.
Dựa trên ảnh chụp, không còn nghi ngờ gì rằng đây là u não – một loại ung thư ác tính nhất. Tôi tiếp cận một cách nhẹ nhàng, hỏi ý kiến từ bà Lee và chồng bà. Nếu nhắc đến ung thư não, tôi không nghĩ rằng họ muốn nghe thêm. Một hộp đựng nước dù tốt nhất cũng nên được chia ra thành phần…
…
Điện thoại reo khi tôi đang tham dự một hội thảo ở San Diego. Đó là Victoria, một bác sĩ đồng nội trú.
“Paul?”
Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Bụng tôi co lại.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.
Một sự im lặng.
“Vic?”
“Là Jeff. Anh ấy tự tử rồi.”
“Cái gì?”
Cuộc sống của mỗi người được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tương tác. Chúng ta dễ dàng rơi vào vòng xoáy của cái chết chỉ với một yếu tố này là quá đủ và có thể ảnh hưởng đến những yếu tố khác. Đối với một bác sĩ phẫu thuật, cái chết hiện ra trước mắt như thế nào, chúng ta mới hiểu được. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, chỉ như một sợi chỉ. Mọi người luôn sợ hãi cái chết bởi nó là ranh giới giữa họ và thế giới vật chất, giữa họ và những người thân yêu. Bà Lee, một phụ nữ trung niên, không nên phải chịu đựng căn bệnh nguy hiểm đó. Jeff, một bác sĩ tài năng, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới của cuộc đời mình? Tại sao anh ta lại chọn con đường tự vẫn? ÁP LỰC và THIỆT THÒI. Trong trường hợp của Jeff, điều này thật buồn cười. Chúng ta thường dễ dàng đổ lỗi cho nạn nhân mà không nhận ra lỗi của chính mình, của những kẻ gây ra. Paul không thể cứu rỗi Jeff, bà Lee, và cũng không thể “mở rộng” thêm 50 năm cuộc sống, nhưng anh đã chọn sống hết mình trong những năm cuối cuộc đời. Điều này đặt ra cho tôi một câu hỏi:
Cái chết có phải là sự kết thúc của một con người?
Tôi không nghĩ vậy. Paul cũng không. Anh ấy biết rõ điều gì đang chờ đợi phía trước. Cái chết là sự bắt đầu của một điều gì đó mới, như việc ra đời của Cady - con gái của anh, hoặc chính cuốn sách Khi hơi thở hóa thinh không này. Anh chọn tạo ra một cuộc sống trong khoảnh khắc cuộc sống của chính mình đang trôi qua. Paul đặt hy vọng, đam mê và ước mơ của mình vào Khi hơi thở hóa thinh không và truyền cảm hứng cho hàng triệu độc giả trên thế giới đã, đang và sẽ đọc cuốn sách của anh. Tôi coi đây là một điều kỳ diệu của thế giới. Paul Kalanithi là điều kỳ diệu của bản thân mình và của những người anh yêu.
Di sản của Paul Kalanithi
Một điều đáng tiếc của cuốn sách: Vẫn chưa kết thúc. Paul đã chiến đấu nhưng không thể đánh bại Quái Vật và hoàn thành tác phẩm - di sản của mình. Hai chương sách, toàn bộ câu chuyện cuộc đời trên gần 200 trang giấy là những gì Paul để lại cho độc giả trên toàn thế giới. Tôi coi đây là một phần nhỏ của di sản của anh. Vì sao chỉ là một phần nhỏ? Bởi như hàng tỷ con người khác, Paul đã mang lại niềm vui và kỷ niệm cho người thân và bạn bè. Dù họ ra đi, chúng ta không thể nhìn thấy họ, nhưng họ vẫn sống trong tâm trí và trái tim của chúng ta, đến khi cuộc sống kết thúc. Paul sống trong kỷ niệm của vợ con, trong lòng gia đình và bạn bè, và trong trang sách của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới. Có gì quý giá hơn thế?
Khi bóng tối phủ kín căn phòng, ánh đèn tường tỏa ra ánh sáng ấm áp, hơi thở của Paul trở nên yếu ớt và không đều. Trước khi đôi môi của anh rời nhau và đôi mắt đóng lại, Paul hít một hơi thở cuối cùng, sâu lắng.
Paul Kalanithi ra đi, kết thúc sự tồn tại vật chất nhưng anh sống mãi. Cuốn sách chưa kết thúc, và đó là điều đáng tiếc nhất. Vợ anh tiếp tục hoàn thành di sản của chồng và ở cuối sách cô viết:
Một cách nào đó, “Khi hơi thở hóa thinh không” vẫn chưa hoàn thành, bị gián đoạn bởi sự suy giảm sức khỏe nhanh chóng của Paul. Nhưng đây là sự thật về cuộc sống, về những thách thức mà Paul đã phải đối mặt.
Kết
Rất ít cuốn sách khiến tôi trích dẫn nhiều như Khi hơi thở hóa thinh không. Nhưng cũng hiếm có câu chuyện nào đánh vào trái tim tôi như vậy. Tôi không muốn viết quá nhiều vì đối với tôi, không có lời văn nào cảm động như từng từ trong sách gốc. Tôi chỉ muốn gửi một từ cho cuốn sách: chân thực. Vì nó thực sự, vì nó là một cuốn hồi ký, nên nó đầy nước mắt và đồng cảm. Mỗi từ, mỗi câu chữ, tôi thấy hình bóng của Paul Kalanithi trong đó. Tôi dừng lại ở đây vì chỉ có khi đọc sách, độc giả mới cảm nhận được cảm xúc của tôi, cảm xúc của Paul Kalanithi. Hãy lắng nghe tôi, hãy tặng cho mình một bản cứng của Khi hơi thở hóa thinh không ngay khi bạn đọc dòng này. Hãy thưởng thức Khi hơi thở hóa thinh không!
Đánh giá chi tiết từ: Fang - MyBook
Hình ảnh bởi: Fang