
“ Việc đến trường và học hành gần như là một trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội. Rất nhiều bạn bè của tôi và ngay cả tôi cũng đã có lúc quên rằng, chúng tôi cần học vì chính bản thân mình và do mong muốn của mình, chứ không phải vì ai khác. Bởi khi ta đã bước lên con tàu cuộc đời, không nhà trường nào có thể làm tay chèo lái cho con thuyền ấy. Xa khơi ngoài kia là biển cả mênh mông không bến bờ, chỉ còn chúng ta tự chèo lái con thuyền của mình. Tôi nhìn việc du học không phải là một mơ ước tươi đẹp của tuổi trẻ. Nó giống như một con đường mà tôi cần phải đi mở toang cánh cửa đời sống chật hẹp này.
“ Không Thể Không Đi”
Tuổi trẻ chỉ có một lần trong đời, một khi ta bỏ lỡ thì chính là mãi mãi mất đi, ta xoay quanh câu hỏi về cuộc đời, về ước mơ, về khát vọng và trong thời đại khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới, ta nhìn thấy nhiều bạn trẻ tìm kiếm cho mình con đường học tập ở một quốc gia khác để rồi trong ta cũng từ từ hình thành cái được gọi là ước mơ du học ấy. Nhưng trên con đường ấy xuất phát từ đâu, chuẩn bị những gì và ở đất nước xa lạ, ta sẽ làm gì?
Chương I: Không Phải Ai Trong Cuộc Đời Chật Chội
“ Tôi đi vì biết rằng mình phải vẫy vùng trong thế giới bên ngoài. Tôi là một đứa trẻ ước ao trốn học. Là một con mọt game (có thể lắm chứ). Nhưng tôi có góc nhìn cuộc sống và cách làm riêng của mình”

Cuộc sống luôn phức tạp và đa chiều, không chỉ ngọt ngào như cổ tích, không chỉ logic như toán học, không chỉ kì thú như thí nghiệm vật lý và không một chiều như những buổi giảng văn. Dù ở đâu trong cuộc đời này, tôi vẫn tự tin bước đi trên con đường du học – ước mơ của biết bao người.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, từ nhỏ tôi ghét đi học, cũng giống một đứa trẻ vô tư lự, thích vui chơi và không muốn bị “trói buộc” vào học hành, thích chơi game và đặc biệt mê khám phá, trải nghiệm. Chính vì vậy, tôi chọn con đường du học mà không hề gói ghém vào chuyện du học bất kỳ ý nghĩa lớn lao hay mộng tưởng cuộc đời nào. Trong cuộc đời, đôi khi ta cảm thấy rã rời và mệt mỏi trước áp lực từ gia đình và xa hội và thậm chí muốn buông tay tất cả. Tôi cũng từng như vậy. Tôi chọn con đường du học nhưng sau đó lại mất hứng thú, có những ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Nhưng khi tất cả mọi thứ đều tồi tệ như vậy, tôi lại cảm thấy một sức mạnh rất lớn và rõ ràng: Mình phải đi được, bằng mọi cách. Tôi cho rằng chúng ta đôi khi cần một khoảng nghỉ trước khi cất cánh để biết rằng đâu là nơi mình muốn đôi cánh của mình bay đến. Điểm khác biệt của cuốn sách là nó không chỉ nói về tâm trạng, suy nghĩ mà còn những câu chuyện nhỏ gắn với từng giai đoạn trong những năm tháng “tìm và hiểu mình” của tôi, phần đầu tiên này tôi cũng cho chúng ta một câu chuyện dễ thương và những kinh nghiệm xoay quanh việc ôn IELTS và chuẩn bị hồ sơ du học.
Chương II: Kí sự du học sinh – Đời có nhiều mong ước, nhưng chẳng lắm mộng mơ
“Chúng ta thường ôm khư khư thói cũ vì cảm giác an toàn. Sự thực, nếu không học phương cách, chúng ta chỉ tự làm khổ bản thân hơn và cảm thấy lạc lõng mà thôi.”

Tôi từng cho rằng bản thân ra nước ngoài để tìm kiếm sự tự do và suy nghĩ giản đơn nhất tôi từng theo đuổi là không phiền hà ai. Và tất nhiên, tôi cũng gặp một loạt những điều bất ngờ mà có lẽ bất kỳ du học sinh nào cũng sẽ gặp phải. Từ cây cối hoa lá đa dạng, không khí trong lành mát mẻ, việc được dặn “đi bộ ra siêu thi ở gần nhà” nhưng lại đi mất 30 phút hay món đồ 3$ thuộc dạng “bèo” của “bèo”…và làm quen với cuộc sống ở đây cũng giống như một đứa trẻ bắt đầu tập tành lại mọi thứ.
Có lẽ không chỉ tôi mà chính chúng ta thường nghe về những” truyền thuyết” du học sinh như du học sinh thường giỏi hơn sinh viên bản xứ, nhiều bạn còn xuất sắc tự đi làm thêm và gửi tiền về cho gia đình nên có thể tạo ra nhiều ảo tưởng về việc du học. Một điều quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh, thậm chí là quan trọng nhất chính là việc lựa chọn ngành học. Tôi được gia đình tư vấn chọn Quản trị kinh doanh – một ngành khá phổ biến với sinh viên Việt khi du học, trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, tôi cũng gặp nhiều mắc mớ, thậm chí không biết bản thân cần theo nghề gì. Thế rồi tôi quyết định chọn nghề nấu ăn chỉ vì nấu ăn là sở trường và muốn làm một công việc vừa đủ kiếm sống và thanh thản trong tâm hồn. Theo cái nhìn của nhiều người, họ thường coi thường nghề nấu ăn và tôi cũng từng tự ái, từng suy nghĩ nhưng cuối cùng tôi hiểu rằng chúng ta cần tin tưởng và hiểu biết về lựa chọn thì những lời bàn tán không hề có ý nghĩa gì. Và một lời khuyên đến các bạn trẻ: Nếu trót lỡ học một ngành rồi nhận ra mình không thích, làm một công việc tẻ nhạt, hãy đừng ngại ngần mà thay đổi. Thay đổi trước khi nhận ra thân thể mình đã rã rời để có thể bắt đầu lại từ đầu. Cuộc đời vốn đã rất ngắn ngủi, sống một cuộc sống không vui vẻ, đừng để bản thân phải sống cuộc đời như thế. Bên cạnh đó, tôi còn kể về những khó khăn của việc học hành, thích nghi với thời tiết giá lạnh của Canada cùng văn hóa đa sắc màu.
Chương III: Thế giới bên ngoài – Một cuộc đời rộng mở
“Không làm được một việc chưa phải là thất bại. Cảm thấy mình kém cỏi và mãi quẩn quanh trong những suy nghĩ tiêu cực về bản thân vì một chút chuyện nhỏ mới là thất bại thực sự.”

Tác giả cũng là một du học sinh và đương nhiên sẽ trải qua những cảm xúc của một du học sinh. Khi đặt chân đến một đất nước mới, tác giả luôn tự nhủ phải cố gắng tiến lên, không được lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Vì thế, tác giả bắt đầu làm thêm những công việc như bưng bê hay làm nail. Tác giả chia sẻ những câu chuyện thú vị về các nghề này và quá trình học nghề. Không chỉ làm nail, tác giả còn làm thêm nghề bếp, kể về những ngày đầu trong nhà bếp với tốc độ chóng mặt, nhiều lúc không hiểu ngôn ngữ nhà bếp, phải học từ mới và phát huy tinh thần đồng đội. Cuốn sách này còn đưa chúng ta đến thế giới ẩm thực phong phú, đa dạng và những gì đầu bếp phải làm để chế biến món ăn. Trong những ngày tháng xoay quanh việc học hành và công việc, tác giả cũng có lúc mệt mỏi, thất vọng về bản thân, nhớ nhà, tìm kiếm sự đồng cảm, tự hỏi liệu mình đang sống ở đất nước “đáng sống nhất thế giới” hay không. Nhưng tác giả đã tự nhủ: Nếu không thường xuyên xem lại bản thân, thì đến một ngày chính ta để mình trôi đi giữa đời mà không hay.
“Giấc mơ và thực tế nằm cách nhau một khoảng quá xa. Hoặc chẳng có khoảng cách nào, vì chúng vốn thuộc về hai chiều thế giới khác nhau.”
Ai cũng từng có ước mơ và tác giả từng mơ mở một quán ăn nhỏ hay to, có khu vườn thoáng mát, làm ăn ổn định. Tác giả biết đến nhà hàng Noma, nhìn vào những gì vị đầu bếp Noma đang làm, món ăn của ông, tác giả tin rằng phép thuật vẫn tồn tại. Tác giả hiểu rằng ngưỡng mộ ai đó là điều dễ dàng. Nhưng để làm được như họ, tác giả phải đi một con đường rất xa và dù điều đó có vẻ viển vông, chúng ta hãy luôn hy vọng và cố gắng.
Thay lời kết:

Lời tác giả:
“Thật kỳ diệu là trên thế giới có 7 tỉ người nhưng không ai có cuộc đời hay cách suy nghĩ giống nhau hoàn toàn, và mỗi người đều có con đường riêng cho mình...”
“Thực ra tôi không có thành tựu gì lớn lao hơn là những thay đổi trong tư duy, cách nhìn và giá trị quan của mình. Như thể một cánh cửa trong tim tôi đã mở toang và tôi sẵn sàng lao về phía trước, tới những nơi mình muốn và tin vào điều mình biết chắc chắn là đúng, thay vì điều mà đám đông hoặc người đi trước thấy đúng.”
“Vậy nên tôi cứ cho mình cái quyền ước mơ viển vông và cứ bước đi, bởi ngay cả khi không thể đạt được ước mơ thì trên con đường ấy, ta cũng sẽ tìm ra những lối rẽ khác, đôi khi còn thú vị hơn nữa...”
- NHƯNG CHẮC CHẮN LÀ SỰ SỐNG SẼ CÒN MỞ RA, MIỄN LÀ TA CÒN CÓ THỂ ĐI -
Dù thế nào cũng phải đi
Đánh giá chi tiết bởi Nguyễn Chi – MyBook