Bạn không cần phải là một họa sĩ có năng khiếu vẽ để áp dụng phương pháp này, tư duy sáng tạo của bạn mới là yếu tố quyết định sự khác biệt. Thật vậy, SKETCHNOTE là sự kết hợp đầy thú vị giữa ghi chép truyền thống và kiến hoạ, đơn giản mà nói, là cách chụp lại, kiến hoạ nhanh những thông tin chúng ta nhận được trong quá trình học tập. Thông qua cách ghi chép này không chỉ đẩy bản cầu não trái hoạt động, mà bản cầu phải cũng đươc huy động để thúc đẩy năng lực ghi nhớ lên mức cao hơn.
Để vẽ Sketchnote, trước hết phải tìm hiểu về nó: Sketchnote (Ghi chú trực quan) - Trợ thủ đắc lực để nâng cao kỹ năng đọc hiểu.
Ngay lập tức, tác giả đã đưa ra một loạt các bằng chứng, chứng minh cho quan điểm của mình là chính xác, giữa vô vàn cách ghi chép truyền thống và hiện đại, nhàm chán và màu mè khác nhau, tại sao chúng ta lại chọn Sketchnote để “trao thân gửi phận”? Bởi:
- Hình ảnh phong phú, sức hấp dẫn cao
- Đơn giản, dễ hiểu, nhẹ nhàng, thú vị
- Ngắn gọn, súc tích, dễ tiếp thu
- Nhiều hình ảnh, giúp luyện não phải.
Nếu trong quá trình ghi chép truyền thống, tựa như cách học đọc chép thụ động trên lớp học, khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của học sinh chỉ đạt 20-30%. Không chỉ vậy, hệ quả lâu dài là bào mòn niềm yêu thích học tập, động lực mất dần, đặc biệt, tần suất buồn ngủ, lơ đắng trong giờ học ngày càng cao. Ngược lại, trong quá trình vẽ, bạn sẽ sàng lọc ra những nội dung quan trọng, tiến hành một loạt các phân tích và tổng hợp thông tin, điều này không chỉ giúp bạn hiểu và suy nghĩ sâu hơn về cuốn sách, mà còn đặt nền tảng cho việc nhớ và ôn sau này.
Hứng thú phải đi đôi với trải nghiệm, cũng như chỉ hành động mới hiện thực hóa ước mơ. Sketchnote cũng như vậy, tác giả dẫn dắt chúng ta dần dần đi sâu vào phần cốt lõi, thể hiện nội dung của cách ghi chép này. Đó chính là kết cấu, gồm:
- Cấu trúc của Sketchnote. Thành phần cơ bản: tiêu đề, kí hiệu đầu dòng, đường viền, kí hiệu liên kết, hình ảnh và văn bản. Hai yếu tố phụ trợ: sắp chữ (typeset) và hiệu ứng hình ảnh. Nắm bắt thành thạo cấu trúc của Sketchnote là chìa khóa để bạn nhanh chóng hoàn thành ghi chú của mình.
- Tư duy thị giác - cốt lõi của Sketchnote
Ở đây, tư duy thị giác thực chất là quá trình chuyển đổi thông tin thành hình ảnh. Thực chất, kiến hoạ (sketchnote) chỉ là dùng trí tưởng tượng chuyển thông tin thành hình ảnh, chuyển bức vẽ của người thành của mình. Tuy nhiên, kỹ năng hội họa không yêu cầu cao, thậm chí có thể vẽ hình khối sơ sài, người que hay bất cứ gì bạn thích, chỉ cần, chúng giúp ít cho quá trình ghi nhớ của bạn. Như Chiêm Tây - tác giả cuốn sách này đã nói, tôi muốn nói với mọi người ai cũng có khả năng vẽ. Vẽ tranh là khả năng bẩm sinh của chúng ta.
Thế nên, có thể bạn hay mình, chúng ta đều vẽ chưa đẹp, nhưng đừng ngại ngần mà rèn luyện tư duy thị giác và kỹ năng hội họa của mình. Hãy nhớ, ngay cả Leonardo De Vinci cũng phải học vẽ trứng trước khi trở thành danh họa. Tư duy thị giác chính là cốt lõi của kiến hoạ. Kiến hoạ tốt không nhất thiết phải có 10 hoa tay, nhưng để kiến hoạ nhất định phải mở rộng tư duy thị giác. Nếu đem Sketchnote ví như một chuỗi vòng cổ ngọc trai thì các yếu tố cơ bản và phụ trợ của sketchnote là những viên ngọc trai của vòng cổ, còn tư duy thị giác là sợi dây trong suốt xâu chuỗi những hạt ngọc trai.
Để tạo nên những cuốn Bullet Journal mang đậm dấu ấn cá nhân hay những ghi chép xinh xắn thì đều cần có bí quyết. Chiêm Tây đã chu đáo chia sẻ cho những tân binh - bí quyết để vẽ sketchnote, đó là tạo ra một kho tài liệu các thành phần thị giác.
- Tra cứu “nét vẽ đơn giản” trên mạng để bổ sung kho tài liệu: mũi tên, hộp thoại, bảng chỉ dẫn, văn bản, stickman,...
- Hình ảnh đơn giản nhưng phải làm nổi bật được đặc điểm. Mô hình tư duy: ma trận hai chiều, 5W2H, kim tự tháp tư duy, mô hình quy trình, biểu đồ ba chiều,...
- Ma trận hai chiều: thể hiện mối quan hệ giữa các vấn đề.
- Quy tắc vòng vàng: Why - What - How
- 5W2H: What - When - Why - Where - Who - How - How Much
- Kim tự tháp: luận điểm trung tâm, luận cứ,...
- Mô hình quy trình (hình ảnh + mũi tên): giải quyết vấn đề trên các điều kiện nhất định.
- Biểu đồ ba chiều: xử lí và phân tích vấn đề nhiều chiều
Nếu như bạn đang ngáp ngắn ngáp dài vì mơ lý thuyết có phần lằng nhằng, rắc rối tác giả đưa ra ở phần đầu, thì ngay sau đây, Chiêm Tây đã nhanh trí đưa ra các thao tác cụ thể. Thao tác cụ thể: đọc cuốn sách, chuyển đổi nội dung thông qua tư duy thị giác, vẽ ra các nội dung được chuyển đổi trước đó. Tuy nhiên, trong quá trình viết, cần chú ý, hiểu rõ mục đích đọc của bản thân, trình bày sự thật, mạnh dạn lược bớt, hiểu rõ cấu trúc logic của nội dung.
Sau cùng, có thể nói, khi bạn vẽ một sketchnote hoàn chỉnh, lợi ích đạt được lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ đọc một cuốn sách.
Bắt tay vào làm việc, chúng ta hãy đảm bảo nội dung của sketchnote được đầy đủ bằng cách làm quen với việc đọc
Đọc được định nghĩa cụ thể, đọc là quá trình thu thập thông tin qua các tài liệu thị giác, qua trình thăm dò, phân biệt, thấu hiểu, lĩnh hội, tiếp thu và đánh giá. Đọc một cuốn sách mà không nhớ hay hiểu thêm về lĩnh vực cuốn sách đề cập tới thì không phải là đang đọc. Thực vậy, tác giả cũng thể hiện quan điểm cùng chiều. Đọc sách không chỉ là chuyện khiến bạn mất thời gian, mà còn có thể đem đến cho bạn sự thay đổi. Đọc sách không phải để nói với người khác rằng chúng ta đang đọc sách không phải để giả vờ rằng là người có tri thức và văn hóa. Chúng ta đọc sách là để thay đổi chính mình, giúp bản thân trở nên dũng cảm hơn, quyết tâm hơn và có khả năng đối mặt với cuộc sống thực tế hơn.
Tuy nhiên, đa số chúng ta đều có những ngộ nhận về việc đọc:
- Không biết sàng lọc sách cẩn thận
- Chưa biết cách đọc đúng
- Đọc xong là kết thúc. “Đọc xong” chỉ là một phần nhỏ trong quá trình đọc. Nếu bạn không thực hiện bất kỳ hành động nào sau khi đọc xong, bạn sẽ chỉ là một con mòn sách.
Để đọc tốt trước hết phải thay đổi thái độ đọc. Hãy mở rộng thái độ đọc, tích cực chấp nhận từng cuốn sách. Những cuốn sách khác nhau có những tính cách khác nhau, tính cách không phù hợp có thể buông bỏ, tính cách phù hợp có thể giao lưu thêm. Hãy mang theo thái độ thử nghiệm và mong muốn học hỏi nhiều hơn cho mỗi lần đọc sách, và tìm kiếm phương pháp đọc phù hợp với mình trong quá trình đọc. Thực ra đọc một cuốn sách 400 trang hay 40 trang đều là đọc, nhưng nếu đọc nó với một tâm trạng mở rộng, đón nhận thì cảm giác nặng nề và mệt mỏi sẽ giảm bớt. Còn nếu mang theo những suy nghĩ tiêu cực khi tiếp cận tri thức mới thì thứ nhận về cũng chẳng bao nhiêu mà chỉ mang thêm áp lực, stress và tâm trạng.
Muốn vậy chúng ta phải hiểu rõ mục đích đọc để có thể tìm hiểu những điểm đáng giá trong cuốn sách. Càng yêu cầu nhiều ở cuốn sách, lợi ích chúng ta thu được sẽ càng lớn. Đối với một cuốn sách đạt đủ điều kiện để được xuất bản, tác giả sẽ là người giỏi hơn người thường ở một khía cạnh nào đó: có thể là kiến thức rộng hơn, có thể là năng lực tốt hơn, có thể là tư duy và góc nhìn của họ khác biệt.
Để thích nghi nhanh hơn với nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại, chúng ta phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng hơn, và đọc nhanh lại là chìa khóa cho mọi khởi đầu
Đọc nhanh là phương pháp nắm bắt càng nhiều nội dung của một cuốn sách càng tốt trong khoảng thời gian có hạn. Đọc nhanh mang lại hiệu suất lớn. Nếu để đọc hết một cuốn sách bạn trung bình cần tiêu tốn hết 1 tuần, nhưng nếu đọc nhanh, bạn chỉ cần 3 ngày, thậm chí một ngày, nếu kỹ năng đọc nhanh của bạn đã đạt đến độ thuần thục. Tuy nhiên, đọc nhanh không thể áp dụng đồng nhất cho mỗi cuốn sách. Dưới đây là những lý do mà tác giả đưa ra để chúng ta tham khảo.
- Đầu tiên là chọn một cuốn sách hay. Nếu bạn chỉ chọn một cuốn sách tệ, bạn không chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc, mà bạn còn lãng phí cả năng lượng để đọc một cuốn sách hay.
- Thứ hai là chọn cuốn sách phù hợp với bạn, đáp ứng được trình độ hiểu biết hiện tại của bản thân, phù hợp với tình hình hiện tại của bản thân.
- Thứ ba là chọn cuốn sách khiến bạn cảm thấy hứng thú, hứng thú là người thầy tốt nhất.
Bước đầu tiên qua quá trình đọc nhanh chính là chúng ta phải có cái nhìn tổng quan về cuốn sách, như:
- Có được hiểu biết sơ bộ về cuốn sách (mặt sau, bìa gập, tiêu đề chính, phụ, thông tin tác giả,..) để đánh giá.
- Hiểu được ý tưởng chủ đạo, ý định ban đầu và mức độ hoàn thiện của tác giả. (lời tựa, lời nói đầu, tái bút) là những chương có sức mạnh nhất vì tác giả đã tổng hợp những tinh hoa trong cả cuốn sách để thu hút người đọc.
- Dành thêm 5’ nữa để hiểu trình tự của cả cuốn sách (mục lục)
- Nhanh chóng lướt qua tất cả các trang sách
Đọc nhanh là một kỹ năng, đã là kỹ năng thì yêu cầu chúng ta phải bỏ ra thời gian và công sức tương ứng. Vì thế, nếu có nản lòng, bạn hãy tự nhủ, đây là quá trình từ từ từng bước, bạn phải tự tin, bắt đầu bằng những thứ nhỏ, rồi dần dần phát triển kỹ năng của mình.
Bên cạnh đọc nhanh, đọc lướt và đọc nhảy trang cũng là những kỹ năng hết sức cần thiết
Cũng giống như đọc nhanh, trước khi tiếp cận với bất kỳ kỹ năng mới nào, chúng ta đều cần những tips nhỏ về nó. Đọc lướt và đọc nhảy trang cũng vậy:
- Làm rõ mạch suy nghĩ khi viết của tác giả
- Nhận biết các khu vực chính trong bố cục văn bản
- Khám phá ra mục tiêu đọc mới
- Đánh dấu thay vì dừng lại. Nếu bạn cứ dừng ở đó, không chỉ nhịp đọc bị gián đoạn mà bạn còn bị cuốn vào dòng suy nghĩ và tốn quá nhiều thời gian.
Đây cũng là một kỹ năng quen thuộc khi chúng ta học Ngữ Văn, hoặc học bất kỳ một ngoại ngữ nào. Hoặc nếu bạn là một người yêu sách, tôi tin bạn cũng đã đọc lướt rất nhiều lần. Thực tế là hàng ngày sử dụng mạng xã hội hay đọc tin, chúng ta đều tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ, mà nếu không đọc lướt sẽ tốn rất nhiều thời gian. Có thể trong lúc bạn không chú ý, bạn đã hình thành kỹ năng đọc lướt cho bản thân mình, vậy thì, từ bây giờ hãy rèn luyện nó một cách chủ động hơn. Đó là đọc nhiều lên, ghi nhớ những tips trên và luyện tập cho thật thành thục nhé!
Tuy nhiên, bất kể tốc độ đọc có ra sao thì chúng ta đều phải thường xuyên ôn tập
Nói về vấn đề này, Chiêm Tây khẳng định: Trí nhớ của con người rất dễ bị sai lệch, thời gian càng lâu, trí nhớ của bạn về sự kiện sẽ càng mờ hồ. Do vậy, bất kể là học tập hay làm việc, kiến thức không sử dụng tới lâu ngày đều sẽ bị mai một, chúng ta cần phải có sự rèn luyện và ôn tập thường xuyên.
Phương pháp ôn tập hiệu quả đầu tiên chính là đọc nghiên ngẫm. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, Chiêm Tây đưa ra khái niệm đọc nghiên ngẫm. Đọc nghiên ngẫm là việc chúng ta phân tích sâu về một cuốn sách, khám phá mục đích viết chính của tác giả, biện chứng với các lập luận, quan điểm của tác giả, lý giải hàm ý sâu sắc của nội dung cuốn sách. Một số trường hợp thích hợp đọc nghiên ngẫm:
- Đọc xong nhưng vẫn chưa hiểu nội dung cuốn sách
- Quá nhiều thứ đáng giá trong sách, đọc một lần không thể tiếp thu hết.
- Trình độ viết của tác giả quá xuất sắc, kỹ năng viết đáng học hỏi và vay mượn.
Hoặc nếu bạn là người bận rộn, thì rõ ràng đọc nghiên ngẫm không dành cho bạn vì nó ngốn quá nhiều thời gian. Hãy thử cách thứ hai, đánh giá một cuốn sách. Một cuốn sách được xuất bản thường có giá trị của riêng nó. Chúng ta phải biết được cuốn sách này phần nào viết hay, đáng để chúng ta học hỏi; phần nào viết không hay, cần nâng cao và cải thiện.
Nếu đọc nhanh giúp chúng ta gia tăng số lượng, đọc lướt và nhảy trang lại góp phần nâng cao hiệu suất đọc, thì đọc theo chủ đề lại là cách đọc có mục đích rõ ràng nhất
Là những người yêu sách, việc đọc sách không quá khó với cả bạn và tôi. Nhưng với những người xung quanh thì sao, hiển nhiên có rất nhiều người đang vật lộn với nó. Bởi họ không biết đọc sách thể loại gì, đọc sách tốn quá nhiều thời gian hay chỉ đơn giản vì một cuốn sách vừa dày vừa nhàm chán. Trong tình huống này, giải pháp tác giả đưa ra dành cho tất cả chúng ta. Đọc chủ đề là phương pháp đọc để hiểu một cách có hệ thống kiến thức của một lĩnh vực nào đó bằng cách đọc một số lượng lớn sách về lĩnh vực đó.
Chủ đề được đề xuất có thể là:
- Chủ đề bạn hứng thú
- Chủ đề thực tế, dễ áp dụng
- Chủ đề có tính bền bỉ, lâu dài.
- Đặt câu hỏi
Để hiện thực hóa việc đọc theo chủ đề, hãy tìm danh mục sách trong quá trình đọc. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tìm được cuốn sách phù hợp nhất với yêu cầu của mình. Khi bạn quá mệt mỏi sau một ngày dài và muốn thư giãn bằng việc đọc một cuốn sách thú vị, nhưng chỉ tìm sách thôi đã mất cả buổi chiều thì thật lãng phí. Trong khi cứ trực tiếp vơ đại một cuốn sách thì lại thật cầu thả và mất tâm thái ngay cả khi bắt đầu đọc thì hãy tìm tới danh mục của chính mình. Một cuốn sách hay hỗ trợ cho buổi chiều của bạn thêm hoàn mỹ.
Sau khi tìm thấy cuốn sách cho riêng mình, tiến hành đọc theo chủ đề cũng góp phần nâng cao kỹ năng đọc rất hiệu quả. Chiêm Tây tin, với những kinh nghiệm cô đúc kết được trong quá trình đọc sẽ giúp bạn thực hành nhanh chóng hơn.
- Nội dung cụ thể và các khái niệm liên quan của chủ đề này là gì?
- Khaái niệm này được hỗ trợ bởi những lập luận nào?
- Cùng một khái niệm, mỗi cuốn sách có định nghĩa và lí giải khác nhau như thế nào, có điểm nào có thể học hỏi.
Dù bạn đọc theo phương thức nào hay ôn tập ra sao thì ghi chú đọc sách cũng là phần hết sức cần thiết
Ghi chú đọc sách cũng quan trọng như chính việc đọc, một bản ghi chú tốt sẽ giúp bạn ôn lại những nội dung tinh túy của một cuốn sách. Thật vậy, nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại làm chúng ta ít có thói quen ghi chép thứ gì, nhưng một phần khác, mà tôi nghĩ là chủ yếu, là chúng ta đang đọc không đúng cách nên ít khi chắt lọc được tinh hoa của cuốn sách mỗi khi đọc xong. Giống như cuốn Nhà giả kim rất nổi tiếng, chúng ta đều biết tới nó, tiếp cận triết lý dưới góc độ câu chuyện nhưng sau khi gấp cuốn sách lại, điều tác giả gửi gắm, lại chẳng có mấy người đọc rõ ràng. Ngoài những yếu tố khách quan như trải nghiệm thì cách chúng ta đọc vô cùng quan trọng, nói cách khác, vì đọc không cẩn thận, chuyên tâm nên bỏ lỡ rất nhiều điều thâm sâu, ý nghĩa.
Nhận thấy vấn đề này, tác giả đã đưa ra một số cách ghi chép như sau:
- Sketchnote (ghi chú trực quan): một cuốn sổ trơn bình thường và bút nhiều màu sắc. Khi vẽ một hình ảnh, bạn cần nắm vững phương pháp ẩn dụ, chuyển đổi những mô tả và nội dung phức tạp thành hình ảnh đơn giản, sau đó thêm một số chi tiết vào nội dung của từng phần để khiến bức vẽ thêm phong phú và đẹp hơn.
- Sơ đồ tư duy dựa trên dòng suy nghĩ của tác giả hoặc sự lí giải của người đọc, tập trung vào việc rèn luyện khả năng tư duy và khả năng trích lọc từ khoá của người đọc.
- Sổ tay đọc sách: một dạng ghi chú ghi lại nội dung sách, tựa như những lí giải và suy nghĩ của chúng ta sau khi đọc xong một cuốn sách.
Tuy nhiên với con người hiện đại, ghi chép giấy rõ ràng không phải một ý hay, mà ghi chép điện tử lại được hoan nghênh hơn rất nhiều. Vì thế sử dụng Evernote để xây dựng dữ liệu đọc là một cách làm không tồi
Nói một chút về Evernote thì nó chính là phần mềm ghi chép đám mây nổi tiếng thế giới. Ứng dụng này chủ yếu được dùng để:
- Xây dựng kho dữ liệu đọc
- Xác định nội dung liên quan đến mỗi cuốn sách
- Lưu thông tin
- Xử lí thông tin
Sử dụng Evernote chính là thêm một công cụ để chỉnh lý tài liệu, sắp xếp công việc hiệu quả. Ngoài ra có thể góp phần giúp bạn xây dựng một “kho báu tri thức” của riêng mình. Thật là một công đôi việc, ứng dụng này quá tiện lợi khi có thể truy cập và chỉnh sửa bất cứ đâu.
Nếu đã quyết định sử dụng app lưu trữ riêng cho thói quen đọc sách thì hãy hoàn thiện ghi chú của riêng mình bằng bước cuối cùng: Viết bản tổng kết sau khi đọc
Có nhiều hình thức viết bản tổng kết mà bạn có thể lựa chọn cho riêng mình, ví như:
- Tích lũy ghi chú đọc sách thành kho tài liệu đọc sách
- Nội dung ghi chép bao gồm những thứ có giá trị cho người khác, có giá trị với bản thân mình
- Thêm mục đích suy nghĩ
- Thêm cảm nhận
Bạn có thể bắt đầu bằng cách vừa đọc vừa ghi chú những câu trích dẫn mà bạn ấn tượng, cũng có thể nhận xét về cách minh họa, thiết kế bìa. Hoặc thậm chí là cảm nhận về bức hình tác giả ở nếp gấp mỗi cuốn sách. Dù sao, tất cả những điều trong bản tổng kết bạn viết ra đều là của riêng bạn, hay hay dở, ủng hộ hay tham khảo đều là trải nghiệm khách quan. Thậm chí bạn có quyền chia sẻ hoặc giữ nó cho riêng mình. Dù sao, ít nhất khi bạn viết bản tổng kết này, cũng là một lần ôn lại kiến thức và chặt lọc những gì bạn cho là giá trị trong đó.
Để đọc sách hiệu quả cần các kỹ năng đủ loại cùng với sự chú ý nhất định, nhưng dù sao, đọc không chỉ để đọc, mà còn có những ứng dụng khác
Chiêm Tây đưa ra một gợi ý, bạn có thể tạo thành thương hiệu của riêng mình. Cô khuyến khích điều này bởi. Khi bạn có một thương hiệu cá nhân, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm những việc bạn muốn làm, bạn sẽ thấy rằng sự kiên trì sẽ dễ dàng hơn. Vì bạn có tác động tích cực đến người khác nên bạn có khả năng nhận được phản hồi tích cực từ người khác hơn, điều này sẽ thúc đẩy bạn tiếp tục làm những việc bạn muốn làm, từ đó hình thành một vòng lặp tích cực. Không chỉ duy trì động lực tiếp tục thói quen tốt như đọc sách, còn có thể giúp đỡ người khác. Ngoài ra bên cạnh đọc sách bạn còn có thể chia sẻ những ghi chú của mình, giới thiệu cho mọi người evernote và cả các cách đọc sách khác. Rồi bạn sẽ bất ngờ vì khi bạn tạo ra giá trị và sức lan tỏa đến mọi người, bạn nhận về những người bạn, những câu cảm ơn và nhiều hơn thế, vì đã kiên trì và phát triển thói quen của bản thân mình.
Thay lời kết:
Có thể nói, đây không phải là một cuốn sách dài, ngược lại cuốn sách ngắn bởi nó cô đọng được kiến thức và đưa ra rất nhiều phương pháp đọc mới. Thực tế có thể thấy từ những cách tiếp cận mới này, chúng ta dần hình thành tư duy sáng tạo, cốt lõi để luyện tập và tạo thói quen vẽ Sketchnote mới. Hay nâng cao vấn đề sâu xa hơn là thay đổi thói quen, thay đổi chính mình để đón nhận cuộc sống tốt đẹp hơn.
Review chi tiết bởi: Ngọc Anh - MyBook