Chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi “Lykke”, “Felicidad” có ý nghĩa gì đúng không? Dịch từ tiếng Đan Mạch và tiếng Tây Ban Nha thì cả hai đều có nghĩa là hạnh phúc. Vì sao tôi liệt kê ba từ hạnh phúc liên tiếp như vậy? Bởi vì tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất kể bạn đến từ đâu, chúng ta đều giống nhau, đều khao khát niềm tin yêu, hạnh phúc. Bạn muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của mình? Bạn muốn trở nên “lykke” hơn? Quyển sách này chính là dành cho bạn.
Về tác giả: Meik Wiking là CEO của Viện Nghiên Cứu Hạnh Phúc ở Copenhagen và cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hạnh phúc. Ông đã dành rất nhiều năm để đi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nghiên cứu về những yếu tố tạo nên hạnh phúc cho con người.
Về nội dung: Sáu yếu tố cốt lõi tạo nên hạnh phúc được khám phá suốt quyển sách: cảm giác thuộc về cộng đồng, tiền bạc, sức khoẻ, tự do, lòng tin, lòng tốt thông qua những câu chuyện thực tế và những nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ hiểu tại sao Đan Mạch lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và 'bỏ túi' cho mình những bí quyết để trở nên hạnh phúc hơn.
Chương 1: Truy Tìm Kho Báu:
Trong những trang đầu tiên của cuốn sách, tác giả tóm tắt hành trình tìm thấy nguồn cảm hứng của ông, hoặc theo Wiking, đó là “kho báu”. Tác giả nhận ra rằng, dù chúng ta có thể đến từ nhiều quốc gia, dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta lại không khác biệt quá nhiều như chúng ta tưởng. Mục tiêu cuối cùng của mỗi người là được hạnh phúc, thỏa mãn.
Chúng ta có thể là người Đan Mạch, Mexico, Ấn Độ, Ả Rập hoặc từ bất kỳ quốc gia nào, nhưng quan trọng nhất, chúng ta đều là con người. Chúng ta không khác biệt nhiều như bạn nghĩ. Hy vọng của người dân ở Copehagen và Guadalajara hay giấc mơ của người dân New York, Delhi và Dubai đều hướng về một mục tiêu chung: Hạnh Phúc. Lykke trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là hạnh phúc, nhưng nếu bạn là người Tây Ban Nha, bạn có thể gọi là felicidad, hoặc Gluck nếu bạn là người Đức và Bonheur nếu bạn là người Pháp. Không quan trọng bạn gọi nó là gì, những câu chuyện có thể mang lại nụ cười cho bất kỳ lớp học nào trên thế giới.
Một vài năm trước, tôi đi trượt tuyết cùng bạn bè ở Ý. Khi chúng tôi ngồi trên ban công của căn nhà gỗ nghỉ ngơi, thưởng thức ánh nắng mặt trời và uống cà phê, ai đó nhận ra rằng chúng tôi vẫn còn một ít pizza trong tủ lạnh. Tôi nói: “Đây có phải là cảm giác hạnh phúc không nhỉ? Tớ nghĩ vậy.” Và không chỉ mình tôi nghĩ như vậy. Dù bạn bè tôi trên ban công đó đến từ những quốc gia khác nhau - Đan Mạch, Ấn Độ và Mỹ - tất cả chúng tôi đều cảm thấy việc chia sẻ thức ăn với nhau dưới ánh nắng dịu dàng và ấm áp trong một ngày tháng Ba, nhìn ra những ngọn núi tuyết xinh đẹp, có ý nghĩa rất gần gũi với hạnh phúc. Dù chúng ta sinh ra ở các châu lục khác nhau, được nuôi dưỡng trong các nền văn hoá khác nhau và được giáo dục bằng các ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều chung một suy nghĩ rằng khoảnh khắc này là hạnh phúc.
Chương 2: Bạn đong đếm hạnh phúc như thế nào?
Đối với bạn, điều gì làm bạn hạnh phúc nhất? Hãy để tôi đoán xem! Có phải câu trả lời của bạn là có nhiều tiền không!? Tôi cũng từng nghĩ như vậy, nhưng tiếc thay đó chỉ là yếu tố khiến chúng ta hạnh phúc, không phải là thước đo duy nhất cho mức độ hạnh phúc. Một sự thật là chúng ta thường sử dụng thu nhập để đo lường hạnh phúc, nhưng tiền bạc là một yếu tố khách quan, trong khi hạnh phúc lại là chủ quan. Vậy Meik đã đo lường mức độ cảm xúc này như thế nào khi nó hoàn toàn chủ quan?
Đúng vậy, hạnh phúc là chủ quan hoàn toàn, và nên như vậy. Với tôi, điều quan trọng nhất trong nghiên cứu của mình là cảm giác của bạn về cuộc sống của bạn. Tôi tin rằng bạn là người có thể đánh giá chính xác nhất xem mình có hạnh phúc hay không. Cảm nhận của bạn là thước đo mới của chúng tôi và tôi cố gắng tìm ra lý do khiến bạn cảm thấy như vậy. Nếu bạn hạnh phúc hơn hàng xóm của mình, người có ngôi nhà lớn hơn, một chiếc xe hơi đắt tiền và một người bạn đời hoàn hảo, theo cách đo lường của chúng tôi, bạn đã đi đúng hướng.
Để đo lường hạnh phúc, chuyên gia đã giới thiệu cho độc giả hai khía cạnh của hạnh phúc. Khi bạn hiểu rõ về bản chất của thứ “kho báu” này, bạn có thể trả lời cho câu hỏi của mình: “Mình có hạnh phúc không?”
Bài học đầu tiên khi tìm hiểu về hạnh phúc là phân biệt giữa cảm giác hạnh phúc ngắn hạn và hạnh phúc tổng thể. Chúng ta gọi hai trạng thái này lần lượt là khía cạnh cảm xúc và khía cạnh nhận thức.
Khía cạnh cảm xúc (hoặc khoái lạc) tập trung vào những cảm xúc hàng ngày mà con người trải qua. Hôm qua bạn có cảm thấy buồn chán, lo lắng hoặc căng thẳng không? Bạn có cười không? Bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Bạn có cảm nhận được sự yêu thương không?
Để xem xét khía cạnh nhận thức, chúng ta phải nhìn lại và đánh giá tổng quan về cuộc sống. Bạn có hài lòng với cuộc sống của mình không? Bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Hãy nghĩ về cuộc sống tốt nhất mà bạn có thể mơ ước và xấu nhất. Bạn cảm thấy mình đang ở đâu trong cuộc sống? Với bạn, cuộc sống tốt nhất có thể bao gồm danh vọng và giàu có, hoặc chỉ đơn giản là ở nhà chăm sóc con cái. Với tôi, cả hai giấc mơ đều quan trọng. Khi cố gắng đánh giá hạnh phúc, thông tin quan trọng nằm ở giấc mơ của bạn và khoảng cách giữa hiện thực và giấc mơ.
Hai khía cạnh này tự nhiên có liên kết với nhau và chúng chia sẻ một số điểm chung. Chúng ta có thể trải qua những buổi sáng tồi tệ mà vẫn nhận thấy rằng tổng thể cuộc sống của chúng ta là tuyệt vời.
Chương 3: Ở Bên Nhau
Viện Nghiên Cứu Hạnh Phúc đã chỉ ra rằng những quốc gia hạnh phúc nhất thường có một cộng đồng mạnh mẽ và những người hạnh phúc nhất thường có người để dựa vào khi cần. Hãy khám phá Top5 quốc gia có cộng đồng mạnh mẽ nhất: New Zealand: 98.6%, Iceland: 95.7%, Đan Mạch: 95.5%, Tây Ban Nha: 95.5%, Ai Len: 95.3%
Công dân ở những quốc gia này không chỉ nằm trong Top những quốc gia hạnh phúc nhất mà còn nằm trong nhóm những người thường xuyên gặp gỡ bạn bè và gia đình nhất.
Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng trên sự kết nối và mục đích sống. Sự giàu có không được đo bằng số dư tài khoản ngân hàng mà bằng sự vững chắc của mối quan hệ, sức khỏe của người thân và lòng biết ơn của chúng ta. Hạnh phúc không đến từ việc sở hữu chiếc xe hơi lớn hơn mà từ việc nhận ra chúng ta là một phần của điều gì đó lớn lao hơn - một phần của cộng đồng - và tất cả chúng ta đều thuộc về phần lớn ấy.
Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có một người bạn thân để chia sẻ và dựa dẫm vào những thời điểm khó khăn nhất. Với nỗi buồn, bạn có thể chia sẻ để giảm đi, còn niềm vui thì lại được nhân đôi.
Dưới đây là những bí quyết để tạo ra sự gắn kết hơn mà Wiking gợi ý:
Hãy ăn như người Pháp, tạo ra các nghi lễ liên quan đến đồ ăn và lửa. Hãy dành thời gian cho việc ăn uống. Thay đổi cách ăn trưa bằng cách ngồi cùng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và thưởng thức món ăn một cách từ từ cùng những người ở bên cạnh bạn.
Hãy nhớ lại những khoảnh khắc khi bạn cảm thấy hạnh phúc - hãy nhớ những điều đơn giản như khi bạn cảm thấy thoải mái, cười nhiều hoặc mỉm cười. Hãy tái hiện lại ký ức đó và cố gắng nhớ lại tình huống đó một cách chi tiết. Điều kỳ lạ là chúng ta thường nghĩ về những kỷ niệm khi ở bên cạnh ai đó. Điều này không chỉ chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ đối với hạnh phúc, mà còn cho thấy con người thường dễ nhớ những hình ảnh nếu được liên kết với một số cảm xúc hoặc trạng thái tinh thần cụ thể.
Chủ đề 4: Về Tiền Bạc
Chắc hẳn đây là một chủ đề được nhiều người mong chờ và cũng là phần dài nhất trong cuốn sách này. Tôi nói như vậy vì chúng ta thường nghĩ rằng tiền càng nhiều thì hạnh phúc cũng sẽ càng nhiều. Nhưng liệu điều đó có phải là sự thật không?
Nếu việc có tiền và hạnh phúc có thể được mô tả như mối quan hệ trên mạng xã hội Facebook, thì nó chắc chắn sẽ là: “Chúng tôi có một mối quan hệ phức tạp.” Có một mối tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc. Nói chung ở các quốc gia giàu có hơn, con người thường có xu hướng hạnh phúc hơn. Tổng sản lượng quốc dân - GDP, tức là sự giàu có của một quốc gia - là một trong sáu yếu tố giải thích tại sao một số quốc gia có con người hạnh phúc hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ như nếu không có tiền thì bạn sẽ không hạnh phúc. Nó tạo động lực để tập trung vào việc cải thiện điều kiện vật chất trong các xã hội nghèo. Thu nhập cao thường đi đôi với việc cải thiện điều kiện sống của người nghèo - và kèm theo đó là cảm giác hạnh phúc của họ.
Hãy cùng nhau nói về niềm vui của việc mua sắm. Thực tế cho thấy khi mua được món đồ mà chúng ta thích sẽ mang lại cảm giác sung sướng khó tả. Trong thực tế, những người có thu nhập cao có thể dễ dàng mua bất cứ thứ gì họ muốn, vậy liệu họ có phải là những người hạnh phúc nhất không? Câu trả lời phụ thuộc vào tần suất mua sắm và món đồ bạn mua là gì!
Khi tiền bạc mang ý nghĩa rằng chúng ta có thể chi trả cho thức ăn, có một mái nhà và hỗ trợ cho con cái, lúc này, tiền bạc có sức mạnh biến đổi từ bất hạnh sang hạnh phúc. Nhưng khi tiền bạc được chi trả cho một chiếc Serenity Dog Pod - sản phẩm giúp thú cưng của bạn thảnh thơi trên những đám mây với cảm giác dễ chịu và màu sắc dịu nhẹ, với ánh sáng và âm nhạc với giá 1.000 đô la, có lẽ bạn đã không thể mua được gì để cải thiện cảm giác hạnh phúc của mình nữa. Như nhiều thứ khác, càng có nhiều vật dụng, chúng càng ít mang lại niềm vui. Miếng bánh đầu tiên: thật ngon. Miếng thứ năm: không còn ngon nữa. Các nhà kinh tế gọi đây là quy luật lợi ích cận biên giảm dần. Đây là một trong những lý do khiến một số quốc gia và một số người có thu nhập cao hơn - nhưng không hạnh phúc hơn. Một lý do khác là chúng ta thích nghi với mức độ giàu có mới. Trong nghiên cứu về hạnh phúc, chúng tôi gọi đó là vòng xoáy khoái lạc.
Chương 5: Về Sức Khỏe
Không có gì ngạc nhiên khi sức khỏe được xem là một trong sáu yếu tố dẫn đến hạnh phúc. Không có gì quan trọng hơn sức khỏe và không có gì đáng sợ hơn bệnh tật. Bây giờ hãy cùng tác giả khám phá bí mật về cách các quốc gia Bắc Âu cải thiện sức khỏe vật chất và tinh thần để duy trì vị thế hàng đầu trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất nhé!
Bí mật số 1: Lên xe đạp!
Sự trỗi dậy của xe đạp tại Copenhagen chỉ diễn ra gần đây nhưng ở trung tâm thành phố này, số lượng xe đạp đã vượt qua số lượng xe ô tô. Hãy nhìn vào những con số dưới đây để hiểu tại sao người dân ở đây yêu thích phương tiện này như vậy:
9/10 dân Đan Mạch sở hữu ít nhất một chiếc xe đạp
Dân Đan Mạch trung bình đi xe đạp 1,5km mỗi ngày
Copenhagen có hơn 450km đường dành cho xe đạp
75% cư dân di chuyển bằng xe đạp suốt cả năm
Mỗi năm có khoảng 18000 chiếc xe đạp bị mất ở Copenhagen
Không phải là ngẫu nhiên mà người dân ở Copenhagen và cả Đan Mạch nói chung đều mê thích việc đi xe đạp như vậy. Họ có thói quen hút thuốc, uống rượu, ăn thịt và đường nhưng vẫn xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng các quốc gia với tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Lý do là bởi họ giữ được sự cân bằng giữa việc ăn uống và hoạt động thể chất.
Bí mật số 2: Đi bộ nhiều hơn
Dưới đây là 5 cách giúp bạn tập thể dục nhiều hơn mà không cần đến phòng gym:
Từ chối sử dụng thang máy
Tìm bạn đi cùng. Một người bạn cùng đi có thể động viên bạn tập luyện hàng ngày, đặc biệt là vào những ngày mà bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc có nhiều lý do để trì hoãn.
Nghe podcast. Nếu bạn đi bộ một mình, hãy lựa chọn những podcast miễn phí để nghe. Một số chương trình phổ biến là RadioLab và This American Life.
Tham gia nhóm đi bộ hoặc câu lạc bộ leo núi. Có thể ở nơi bạn sống đã có sẵn một nhóm đi bộ, nếu không, hãy hỏi xem có ai muốn tham gia để tạo nhóm mới.
Thỉnh thoảng, thay vì mời bạn bè gặp gỡ và uống cà phê, hãy mời họ đi bộ cùng bạn - hoặc bạn có thể uống cà phê trong lúc đi bộ.
Bí mật số 3: Di chuyển nhiều hơn mỗi ngày
Chúng ta đang xây dựng một xã hội quá thuận tiện - chúng ta ngồi yên khi làm việc, chúng ta đứng yên trong thang máy, chúng ta đi qua cửa tự động, chúng ta được chở bằng ô tô, chúng ta lái xe đến phòng gym để tập luyện một giờ trên máy Starimaster. Vì vậy, bài học quan trọng nhất từ những người dân hạnh phúc nhất thế giới là đưa chuyển động vào cuộc sống hàng ngày.
Chương 6: Tự Do
Đặt câu hỏi này cho bản thân: “Bạn hài lòng với sự tự do trong việc chọn lựa cuộc sống của mình hay không?” Sự tự do này - cảm giác bạn có quyền tự lập vận mệnh của mình - liên quan đến hạnh phúc.
Vậy câu trả lời của bạn là gì? Bạn có sống đúng với bản thân mình không? Bạn có thể tự do lựa chọn con đường cho cuộc sống của mình, chọn đối tác phù hợp và theo đuổi đúng nghề nghiệp không?
“Không ai thực sự hạnh phúc nếu họ không cảm thấy mình đang tự do chọn lựa cuộc sống của mình.” Báo cáo về hạnh phúc toàn cầu đã chỉ ra rằng sự tự do lựa chọn là một trong sáu yếu tố giải thích tại sao một số người hạnh phúc hơn những người khác.
Hãy cùng nhau xem xét cách yếu tố này được thể hiện ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới- Đan Mạch
Ở đây, mọi người có quyền tự do biểu lộ cảm xúc, quan điểm, tự do hội họp và tự do yêu đương. Điều tuyệt vời nhất là bạn có thể kết hôn với bất cứ ai- miễn là họ đồng ý, không có sự phân biệt giới tính. Theo chỉ số tự do con người năm 2015, Đan Mạch xếp vị trí thứ 4 chỉ sau Hồng Kông, Thuỵ Sỹ và Phần Lan. Họ thực sự là những công dân hạnh phúc nhất thế giới vì họ tự do yêu và được yêu.
Chương 7: Lòng tin
Lòng tin nghe có vẻ không liên quan đến hạnh phúc thế nhưng lại là thước đo cho cảm giác thoải mái, bình yên trong lòng. Một xã hội hạnh phúc là nơi mọi người tin tưởng lẫn nhau. Wiking đã chứng minh điều này bằng những câu chuyện và nghiên cứu ông tìm thấy trong cuộc hành trình tìm kiếm Lykke. Hãy cùng nhìn vào câu chuyện thực tế của tác giả tại Copenhagen để dễ hình dung hơn.
Lòng tin không chỉ là điều bạn nhìn thấy, mà còn là điều bạn cảm nhận được. Một chiều nọ, tôi đến một cửa hàng sửa xe đạp - và do đãng trí, tôi đã để quên ví ở nhà. “Đừng lo. Anh lấy xe đi, ngày mai anh mang tiền đến trả cũng được”, thợ sửa nói. Cùng ngày đó, tôi phải đọc và ký một bản hợp đồng dài sáu trang để viết một bài báo cho một phương tiện truyền thông ở Mỹ. Thợ sửa xe đạp đã làm cho ngày của tôi trở nên dễ chịu hơn (và tôi sẽ quay lại sử dụng dịch vụ của anh ấy); những bản hợp đồng lại khiến ngày của các luật sư trở nên khó chịu hơn.
Những người tin tưởng nhau thường hạnh phúc hơn, và sự tin tưởng cũng khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Trong những quốc gia kinh tế bình đẳng hơn, tỷ lệ người đồng ý rằng “hầu hết mọi người đều đáng tin cậy” thường cao hơn. Nếu chúng ta tin tưởng người khác, chúng ta cảm thấy an toàn hơn và lo nghĩ ít hơn - và chúng ta thường coi người khác như đối tác thay vì đối thủ cạnh tranh.
Chương 8: Tấm Lòng Tốt
“Nếu bạn muốn hạnh phúc trong một giờ hãy đi ngủ trưa, nếu bạn muốn hạnh phúc trong một ngày, hãy đi câu cá, nếu bạn muốn hạnh phúc trong một năm, hãy thừa kế một gia sản, nếu bạn muốn hạnh phúc cả đời hãy giúp đỡ người khác.”(Ngạn ngữ Trung Quốc). Hãy nhớ những lúc bạn làm điều tốt cho một người lạ, không phải vì bạn muốn nhận được điều gì từ họ, mà chỉ vì bạn muốn giúp đỡ họ.
Một nghiên cứu về thần kinh học từ viện sức khỏe Quốc gia ở Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã chỉ ra rằng vùng não liên quan đến thức ăn và khoái cảm của chúng ta cũng được kích hoạt khi tham gia vào hoạt động từ thiện hoặc giúp đỡ người khác. Những người làm tình nguyện thường hạnh phúc hơn những người không làm, thậm chí sau khi kiểm soát những yếu tố khác như địa vị xã hội.
Dưới đây là năm hành động tử tế ngẫu nhiên bạn có thể thử trong tuần này để trở nên hạnh phúc hơn:
Đặt một món quà trước cửa nhà người khác
Ghi nhớ tên của những người làm việc ở quầy lễ tân, hoặc bất cứ ai bạn gặp hàng ngày. Hãy gọi họ bằng tên.
Chuẩn bị hai phần ăn trưa và chia sẻ một phần cho người khác
Bắt chuyện với một người có tính cách ngượng ngùng đang đứng một mình tại một bữa tiệc hoặc văn phòng.
Dành cho người khác một lời khen ngợi.
Chương Cuối: Kết Hợp Mọi Mảnh Ghép
Nhớ mang theo sự tích cực trong hành trang, bởi những điều tiêu cực sẽ không tìm đến được vùng đất hạnh phúc.
Hãy tìm cách để bạn có thể tạo ra sự ảnh hưởng tích cực trong thế giới của mình vì chỉ có bạn mới thực sự mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Hạnh phúc không nằm ở kết quả mà nằm ở chính hành trình mà chúng ta trải qua. Niềm hạnh phúc bắt đầu từ việc trông chờ và chia sẻ những điều tích cực với những người xung quanh.
Đánh giá từ Tường Vy Cánh Mỏng trên MyBook.
Hình ảnh do Chu Thị Phương chụp.