Thiên Đường Quả Báo (The Paradise Of Thorns) ngập tràn những yếu tố drama “cẩu huyết” điển hình của phim Thái Lan.
Hãng phim GDH đã nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm điện ảnh xuất sắc như Thiên Tài Bất Hảo, Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh và gần đây nhất là Gia Tài Của Ngoại. Thiên Đường Quả Báo (The Paradise Of Thorns) cũng không kém phần thành công với nội dung phức tạp, khai thác những vấn đề nhức nhối như tình yêu đồng giới và cuộc chiến giành tài sản, đặc biệt là quả báo.
Cuộc chiến giành tài sản diễn ra vô cùng khốc liệt
Thiên Đường Quả Báo mở đầu với câu chuyện tình ngọt ngào giữa cặp đôi đồng giới Thongkam (Jeff Satur) và Sek (Pongsakorn Mettarikanon). Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã tích góp đủ để sở hữu một mảnh đất sầu riêng cùng ngôi nhà nhỏ. Nhưng hạnh phúc không kéo dài khi Sek gặp tai nạn bất ngờ và không sống sót. Lúc này, Thongkam từ vị trí chồng biến thành bạn của Sek, vì anh không được pháp luật công nhận quyền thừa kế tài sản do hôn nhân đồng giới không được bảo vệ.

QUẢNG CÁO
Ngôi nhà cùng với toàn bộ vườn sầu riêng giờ đây thuộc về bà Saeng (Srida Puapimol) – mẹ của Sek, hiện đang bị liệt chân. Không chỉ riêng bà Saeng, Thongkam còn phải đối đầu với Mo (Engfa) – con gái nuôi của bà. Nhiều tình tiết tranh đấu âm thầm và mãnh liệt diễn ra khi Thongkam quyết tâm giành lại quyền sở hữu tài sản do chính mình tạo ra bằng mồ hôi và nước mắt. Từ đó, Thongkam dần khám phá những bí mật kinh hoàng ẩn giấu trong câu chuyện tình đẹp của anh và Sek.
Thiên Đường Quả Báo bắt đầu với nhịp điệu chậm rãi, xoay quanh mối tình của Thongkam và Sek. Tiếp theo là câu chuyện giữa mẹ chồng và con rể, bà Saeng với Thongkam, giúp khán giả có cái nhìn đầu tiên về các nhân vật. Dần dần, những cú lật bất ngờ xuất hiện, khiến bộ phim trở nên khó lường và tràn đầy kịch tính. Bầu không khí chuyển từ tình yêu ngọt ngào sang những mối hận thù chồng chất.

Mỗi cú lật bất ngờ được cài cắm một cách hợp lý, gắn liền với mạch truyện chính, giúp khán giả khám phá những khía cạnh khác của nhân vật và mở ra chuỗi bi kịch không có hồi kết. Đặc biệt, càng về cuối, những bi kịch càng được đẩy cao, phơi bày rõ nét bản chất thật của mỗi nhân vật. Ai cũng là nạn nhân đáng thương trong câu chuyện của mình, nhưng đồng thời cũng chính là kẻ ác đối với người khác.
“Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, Thiên Đường Quả Báo truyền tải thông điệp răn đe tích cực qua một câu chuyện đầy tội ác. Tuy nhiên, thời gian phim khá dài và diễn biến chậm lại đôi khi khiến khán giả cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi.

Thiên Đường Quả Báo là một tác phẩm điện ảnh đầy hình ảnh đẹp mắt.
Bộ phim Thiên Đường Quả Báo thu hút sự chú ý của khán giả nhờ có sự góp mặt của hoa hậu Engfa và nam diễn viên Jeff Satur. Cả hai đều là ca sĩ và là những gương mặt mới trong làng điện ảnh, nhưng họ đã thể hiện rất tốt vai diễn của mình trên màn ảnh rộng. Đặc biệt, Engfa và Srida Puapimol trong vai mẹ của Sek mang đến những màn diễn “lật mặt” tinh tế qua từng cử chỉ, ánh mắt và giọng nói, tạo nên cảm giác bí ẩn khó đoán cho nhân vật.

Thiên Đường Quả Báo còn có những phân đoạn đối lập rõ ràng, phản ánh sự bất công trong xã hội đối với người đồng tính. Trong khi một đám cưới hoành tráng của một cặp nam – nữ diễn ra bên trong nhà, được dân làng và chính quyền công nhận và chúc phúc, thì bên ngoài, một cặp nam – nam âm thầm hứa hẹn tại vườn sầu riêng vắng vẻ, không ai chứng kiến. Họ không thể ghi tên mình vào giấy đăng ký kết hôn, chỉ có thể khắc tên vào hột sầu riêng.
Nhiều cảnh quay trong phim nổi bật với những vườn sầu riêng xanh mướt, đồi núi trập trùng, hay lễ hội truyền thống ở xứ chùa vàng đầy sắc màu. Cá nhân người viết ấn tượng với phong cách thời trang của nam chính Thongkam; mặc dù là người làm vườn, nhưng mọi bộ trang phục của anh đều “cháy” với phụ kiện lấp lánh.

Thiên Đường Quả Báo (The Paradise Of Thorns) có nội dung nặng nề nhưng cũng mang lại nhiều bài học về nhân quả cho khán giả. Mỗi nhân vật trong phim đều khiến người xem có những suy ngẫm riêng, ai cũng có phần đáng trách nhưng cũng đáng thương chỉ vì tranh giành tình cảm và tiền bạc. Đây sẽ là một tác phẩm “đổi gió” không có yếu tố hài hước tầm thường mà tập trung vào tâm lý nhân vật và các vấn đề xã hội.