Đánh giá truyện Chí Phèo của Nam Cao.
Dàn ý
Dàn ý tham khảo số 1
1. Mở bài:
- Giới thiệu về Nam Cao: một nhà văn hiện thực xuất sắc trong thời kỳ văn học 1930 - 1945.
- Tổng quan về truyện ngắn Chí Phèo: một kiệt tác thành công về đề tài nông thôn, nông dân, đồng thời là một tác phẩm nổi bật trong văn xuôi tiền cách mạng.
2. Thân bài:
a. Ý nghĩa của tiếng chửi trong Chí Phèo:
- Tiếng chửi mở đầu bất ngờ: là cách giới thiệu nhân vật đầy ấn tượng.
- Đó là tiếng chửi của một người say rượu, nhưng lại rất tỉnh táo. Tiếng chửi này phản ánh tâm trạng bi phẫn của Chí Phèo.
- Lời trần thuật nửa trực tiếp đầy độc đáo.
b. Nhân vật Chí Phèo:
* Trước khi vào tù
- Người nông dân lương thiện, sống và làm thuê cho nhiều người, luôn ý thức được nhân phẩm và tự trọng trong thân phận nghèo khổ.
- Khi bóp chân cho bà Ba, Chí Phèo chịu đựng với ý thức và lòng nhân ái.
* Sau khi ra tù:
· Mối quan hệ giữa bá Kiến - Chí Phèo:
- Chí Phèo trở thành tay sai đắc lực cho bá Kiến, thể hiện sự biến đổi đầy mâu thuẫn trong nhân tính và ngoại hình.
· Mối quan hệ Thị Nở và Chí Phèo:
- Sự xuất hiện của Thị Nở thức tỉnh linh hồn của Chí Phèo, đánh thức sự lương thiện trong tâm hồn hắn.
- Tình yêu của Thị Nở là liều thuốc chữa lành cho Chí Phèo những vết thương tinh thần.
· Khi bị Thị Nở từ chối:
- Chí Phèo đẩy mình vào tuyệt vọng, bi kịch và tự sát, thể hiện sự cự tuyệt quyền làm người.
c. Nhân vật Bá Kiến:
- Đại diện cho bản chất xảo quyệt, gian trá của giai cấp địa chủ.
- Là nguyên nhân gây ra bi kịch cho Chí Phèo.
d. Nhân vật Thị Nở:
- Mặc dù ngoại hình không được đẹp nhưng Thị Nở lại có tấm lòng và tình cảm lớn lao.
- Tình thương của Thị Nở đã làm thức tỉnh lòng lương thiện trong Chí Phèo, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến Chí Phèo đẩy mình vào bi kịch cuộc đời.
3. Kết bài:
- Nhận định về giá trị nghệ thuật và tâm hồn của Nam Cao.
Xem thêm dàn ý tham khảo tại đây:
Mẫu
Bài tham khảo số 1
Chí Phèo là câu chuyện về đoạn cuối cuộc đời của một con người trong xã hội thực dân phong kiến diễn ra và được ghi lại bởi Nam Cao (1917 - 1951), một ngòi bút bậc thầy của nền văn học Việt Nam.
Mở đầu tác phẩm Chí Phèo xuất hiện trong tư thế khát khao của kẻ say rượu vừa đi vừa chửi. Hắn chửi tung tất cả. Chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những đứa không chửi nhau với hắn. Đây chính là lý do để ngay phần tiếp theo, tác giả kể về quá trình lịch sử của Chí. Hắn từ nhỏ đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch hoang vu, được người làng nhặt về nuôi, đi làm ở nhiều nhà khác nhau, cuối cùng đến năm 20 tuổi thì về làm canh điền cho Lí Kiến. Có thể vì ghen tuông, nghi ngờ về bà ba vốn tính lẳng lơ có tình cảm với anh canh điền khoẻ mạnh, Bá Kiến cho người bắt Chí đưa lên huyện và đẩy vào lao tù.
Ngay sau khi ra tù, Chí đã uống rượu say khướt rồi cầm vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến (lúc này Bá Kiến đã là Bá bộ) chửi Lí Cường con trai Bá Kiến rồi bị Lí Cường xông ra hành hung Chí, có lẽ Chí đã dùng mảnh chai đánh Lí Cường. Lúc đó, Bá Kiến xuất hiện, mắng Lí Cường rồi an ủi Chí, mời Chí vào nhà tiếp đãi cơm rượu hậu hĩnh, cho Chí một đống bạc đem về Chí vô cùng hả hê. Từ đó, mỗi khi hết tiền hắn lại đến ăn vòi. Lần thứ hai, Chí đến nhà Bá Kiến xin đi tù lần nữa với cách lập luận đi tù còn có cơm ăn, ở làng mảnh đất cắm rùi cũng không có mà cái ăn cũng không, Bá Kiến lợi dụng cơ hội này nhờ hắn đi đòi nợ Đội Tảo 50 đồng và hứa sẽ có vườn cho Chí. Sau khi Chí hoàn thành việc được giao, Bá Kiến cho vài hào uống rượu và cắt cho hắn 5 sào vườn ở bãi sông. Lúc này Chí mới 27, 28 tuổi. Cũng từ đây, Chí trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, một công cụ đắc lực của Bá Kiến nhằm ức hiếp dân lành và thanh toán những kẻ có máu mặt trong làng nhưng không cùng phe. Chí Phèo đã thực sự trở thành 'con quỷ dữ của làng Vũ Đại', ai ai cũng đều sợ hắn và tránh mặt hắn.
Một lần trong buổi tối sáng trăng, sau khi uống rượu với Tự Lãng, hắn trở về túp lều ven sông định bước xuống tắm, tình cờ nhìn thấy Thị Nở đang nằm ngủ. Thị là người nghèo rớt mồng tơi, xấu ma chê quỷ hờn lại ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích. Họ đã ăn nằm với nhau và thức tỉnh tình cảm bình thường cùng mong muốn làm một người bình thường trong Chí. Nhờ thứ tình cảm này mà bao nhiêu mơ ước hiền lành thời trai trẻ bỗng thức đậy, hắn muốn có một tổ ấm gia đình bình dị. Rồi Chí bị cảm. Thị Nở đã ân cần chăm sóc, nấu cháo hành cho hắn ăn giải cảm... Tưởng được bền lâu, nhưng chỉ được vẹn vẹn năm ngày, đến ngày thứ sáu, bà cô Thị Nở đi buôn chuyến trở về. Bà đã xỉ vả mắng nhiếc Thị vì đã biết được chuyện giữa Thị với Chí Phèo. Do đó, Thị Nở đến mắng Chí Phèo và bỏ mặc Chí trong tuyệt vọng. Thế rồi Chí khóc, Chí lại tìm đến rượu. Khi say hắn dắt dao vào lưng, nói là đi đâm chết “nó', tức đâm chết hai cô cháu nhà Thị Nở. Nhưng bước chân khát khao của Chí cứ thế đến nhà Bá Kiến. Hắn xông vào Bá Kiến, vung dao đòi làm người lương thiện. Trong cơn tỉnh say cuối cùng này, Chí đã vung dao đâm chết Bá Kiến và cũng tự kết liễu cuộc đời mình.
Nghe tin hai cái chết, trong lúc bao người, báo kẻ hả hê, Thị Nở nghĩ đến Chí “sao có lúc nó hiền như đất và nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn”. Thị lo mình có chửa. Kết lại câu chuyện là hình ảnh thị nhìn nhanh xuống bụng và “đột nhiên thị thấy cái lò gạch thoáng hiện, xa nhà cửa và vắng bóng người qua lại”
Đây là một truyện ngắn mà dung lượng hiện thực được phản ánh trong trạng thái dồn nén, chứa nhiều mâu thuẫn, với nhiều nhân vật, có nhiều lớp thời gian..., mang tầm vóc của một tiểu thuyết. Có thể phân tích theo vấn đề ý nghĩa nhân sinh của truyện, có thể phân tích theo tuyến nhân vật, hoặc cũng có phân tích từng mối quan hệ giữa nhân vật chính là Chí Phèo với làng Vũ Đại và một số nhân vật có quan hệ trực tiếp (Bá Kiến, thị Nở). Đâu đi theo con đường nào cũng cần làm nổi bật rõ nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả nhân vật và ngôn ngữ truyện. Sức mạnh của truyện ngắn trước hết là chi tiết. Cách phân tích dưới đây cố gắng đi theo tình huống này.
Làng Vũ Đại, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Về kết cấu và ngôn ngữ truyện. Trước nhất phải kể đến kết cấu. Nếu xét về kết cấu hình tượng, truyện Chí Phèo cũng có một cốt truyện có thể kể được nhưng điều đáng nói ở đây là kết cấu văn học truyện. Nam Cao đã rất có ý thức sáng tạo và huy động kết cấu tham gia vào việc xây dựng nhân vật cũng như đắp bồi thêm bề dày, bề sâu các lớp nghĩa cho tác phẩm. Thứ nhất, Nam Cao sử dụng kết cấu vòng tròn. Đó là sự trở lại chi tiết “cái lò gạch bỏ hoang” ở phần kết truyện hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang nơi Chí bị bỏ rơi lúc mới đẻ ở phần đầu truyện được nhà văn sử dụng để cho Thị Nở đột nhiên thấy thoáng hiện ra khi nhìn xuống bụng, sợ nhỡ may mình có chửa. Kết truyện nay có sức gợi rất lớn. Điểu này gì nếu không phải là khả năng tái sinh của Chí Phèo? Chừng nào còn tồn tại cái xã hội kiểu làng Vũ Đại thì chừng đó sẽ còn nảy nòi ra loại người như Chí. Môi trường này cần được thay đổi. Nếu như đặt vấn để hãy cứu lấy nhân cách con người thì rõ ràng phải bắt đầu từ việc cứu lấy môi trường đã huỷ hoại nhân cách. Thứ hai, các thành phần lời trần thuật được xáo trộn, lắp ghép, đan xen không luân theo trình tự tuyến tính của cốt truyện. Nam Cao bắt đầu bằng hình ảnh Chí khát khao say và vừa đi vừa chửi; Chân dung nhân vật bước đầu hiện ra với những đường nét thật ấn tượng, buộc người đọc chú ý và ham mê theo dõi ngay lập tức.
Về yếu tố ngôn ngữ truyện có nhiều điều có thể bán được nhưng ở đây chỉ xin đơn cử một cách thức sử dụng ngôn ngữ hết sức sáng tạo và độc đáo kiểu Nam Cao. Ông đã đan xen, trộn lẫn lời nhân vật và lời người kể truyện, nhiều đơn vị lời văn có thể là của nhân vật vừa là của người kể chuyện. Điều này có tác dụng rất lớn cho phép nhà văn soi quét, lách sâu vào thẻ giới nội tâm rất phức tạp và tinh tế của nhân vật. Nhờ vậy chân dung nhân vật hiện ra hết sức chân thực và sống động. Chỉ cần đơn cử đoạn mở đầu truyện là đã thấy thủ pháp nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đan xen, hoà trộn như thế’ nào. Đây là một kĩ thuật của ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại mà không phải nhà văn cùng thời nào với Nam Cao cũng đã biết và sử dụng. Hiểu như vậy mới thấy sự cách tân và đóng ghóp vào kĩ thuật tiểu thuyết của Nam Cao thực sự là không nhỏ và có nhiều ý nghĩa cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Tóm lại, chỉ với tác phẩm Chí Phèo đã đủ thấy Nam Cao trong buổi mạt kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán nước ta đã có công đưa nó lên một tầm cao mới về cả nội dung và nghệ thuật trước khi nó im tiếng.