1. Hai Bà Trưng
Chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là biểu tượng sống động của phụ nữ Việt Nam anh hùng. Từ thời đầu lịch sử, Hai Bà Trưng đã vượt qua những định kiến về vai trò của phụ nữ, đứng lên chiến đấu, giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đánh Luy Lâu, Hai Bà làm cho thống lĩnh địa vị quan trọng như Thái thú Tô Định phải 'cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân tháo chạy về nước'. Trưng Trắc tuyên thệ:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng.
Trưng Trắc được coi là vị nữ vương trong lịch sử với tên Trưng Nữ vương. Sau thất bại trước quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy, truyền thống kể rằng Hai Bà Trưng chọn hy sinh bằng cách đuối mình xuống sông Hát Giang, khu vực Hát Môn - Hát Giang được coi là nơi quan trọng của cuộc khởi nghĩa. Đền Hát Môn tôn vinh Hai Bà Trưng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, với không gian trang nghiêm và yên bình quanh năm.
2. Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 – 1117)
Ỷ Lan, phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của Hoàng đế Lý Nhân Tông, thụy hiệu là Linh Nhân Phù Thánh hoàng hậu. Thân phụ của bà là Lê Công Thiết, thân mẫu là Vũ Thị Tình, bà hạ sinh được Hoàng thái tử Lý Càn Đức và Minh Nhân vương. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, đưa đất nước dưới triều Lý phát triển hưng thịnh, những đóng góp cho triều Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: năm Giáp Thìn (1064), vua Lý Thánh Tông đến chùa Thổ Lỗi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Song có nguồn lại cho rằng mùa xuân năm 1063, vua Lý Thánh Tông cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ Lỗi nhìn thấy người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong treo nên đưa người con gái đó vào cung. Khi vào cung, bà được phong làm Ỷ Lan phu nhân, nơi ở là Du Thiền các.
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Nguyên phi được vua trao quyền điều khiển chính sự với sự giúp sức của Lý Đạo Thành – Thái sư đầu triều đương thời. Ở lần thứ nhất đăng đàn nhiếp chính, Nguyên phi giúp sức nội trị, cảm hóa được lòng dân, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật Giáo, dân gọi bà là Quan Âm.
Tuy vậy, để có thể có quyền hành nhiếp chính đất nước lần thứ hai, bà đã mưu kế dựa vào Lý Thường Kiệt, phế truất và sát hại Thái hậu nhiếp chính tiền nhiệm là Thượng Dương Hoàng thái hậu. Lúc này, bà được tôn làm Hoàng thái hậu nhiếp chính. Việc làm này đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh bà.
3. Triệu Thị Trinh (Bà Triệu)
Nối tiếp tinh thần của Hai Bà Trưng, sau gần 2 thế kỷ, vùng núi Cửu Chân (Thanh Hóa) xuất hiện phụ nữ anh hùng khác là Triệu Thị Trinh.
Triệu Thị Trinh hay Triệu Quốc Trinh, Triệu Ẩu, hay Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình hào trưởng. Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người.
Nhân dân còn truyền tụng các câu nói đầy khí phách của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người!”
Năm 248, Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa ở vùng núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Đông đảo nhân dân khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) nổi dậy hưởng ứng. Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, quân Ngô tan rã. Bọn quan lại thống trị từ Thứ sử Giao Châu trở xuống đến các huyện lệnh đều bị giết hoặc chạy trốn. Cả Giao Châu chấn động.
Nhà Ngô phải cử danh tướng Lục Dận đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng, kiên cường nhưng vì lực lượng quân sự còn yếu nên đã thất bại. Bà Triệu Thị Trinh hy sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa).Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là Đền thờ chính của Bà Triệu, cạnh quốc lộ số 1, thuộc Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hội đền hằng năm vào ngày 21 tháng hai âm lịch. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một cuộc khởi nghĩa lớn, có thanh thế vang dội, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ II, III. Cho đến nay, nhân dân cả nước còn lưu truyền hình ảnh Bà Triệu và hoạt động của quân khởi nghĩa.
Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng 'giành lại giang san, cởi ách nô lệ' muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
4. Từ Dụ Hoàng thái hậu (1810 – 1902)
Nghi Thiên Chương Hoàng hậu hay Từ Dụ Hoàng thái hậu tên thật là Phạm Thị Hằng, xuất thân từ dòng họ Phạm Đăng thị, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, nay là thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Phụ thân bà là Phạm Đăng Hưng – danh thần của nhà Nguyễn, mẫu thân bà là Phạm phu nhân.
Bà là chính thất Quý phi của Thiệu Trị Hoàng đế, mẹ ruột của vua Tự Đức. Từ Dụ Hoàng thái hậu nổi tiếng là một người đức hạnh, xuất thân cao quý, thông kinh sử, có đức hiền, biết yêu dân thương con. Bà hạ sinh được hai công chúa, một hoàng tử và tại vị ở triều đình Huế trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới thời Tự Đức năm 1847 cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới thời Thành Thái.
Danh hiệu của bà được đặt cho Bệnh viện phụ sản lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh – Bệnh viện Từ Dũ.
5. Từ Thục phu nhân
Từ Thục phu nhân tên thật là Nhữ Thị Thục, người làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương, nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Bà sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh giá, con gái của quan Thượng thư bộ hộ, tiến sĩ Nhữ Văn Lan dưới thời vua Lê Thánh Tông. Mặc dù xuất thân quý tộc nhưng ngoài 20 tuổi bà mới kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Định – một thầy đồ ít tiếng tăm, vốn không phải dòng dõi danh gia, sinh trưởng tại huyện Vĩnh Lại, nay là Vĩnh Bảo, nằm cách huyện Tiên Minh một khúc sông nhỏ. Tương truyền, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn để sinh ra Nguyễn Văn Đạt (tên khai sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) và bà cũng chính là người có sức ảnh hưởng lớn trong giáo dục cũng như hình thành nhân cách của con mình.
Bà là hình mẫu người phụ nữ rất hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam: thông minh, quyết đoán, học rộng, giỏi văn chương, kinh sử, lại tinh thông cả dịch lý, tướng số, mang chí lớn của bậc trượng phu. Bà tâm niệm rằng: nếu không lấy được chồng làm vua thì con bà sinh ra sau này cũng phải làm vua một nước. Sau này, bà được vua Mạc phong tặng cho tước hiệu Từ Thục phu nhân.
6. Lý Chiêu Hoàng
Lý Chiêu Hoàng
Năm 1226, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc. Sau khi nhượng vị, Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu của Thái Tông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237 (lúc đó Chiêu Hoàng 19 tuổi), vì bấy giờ bà không sinh được con nối dõi. Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu, người kế vị ngôi hoàng hậu sau đó, chính là chị ruột của bà.
Sau năm 1258, ở tuổi 40, bà tái giá lấy Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Thái Tông. Hai người sống với nhau hơn 20 năm và sinh được 1 trai là Thượng vị hầu Lê Tông và 1 gái là Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê. Bà qua đời ngay sau Thái Tông khoảng 1 năm. Cuộc đời của bà đầy phức tạp và bi kịch, trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa.
7. Ngọc Hân công chúa (1770 – 1799)
Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu tên thật là Lê Ngọc Hân, là công chúa tài sắc vẹn toàn nhà Hậu Lê. Ngọc Hân công chúa là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông, thân mẫu là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 1786, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung đã phong cho Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu. Đến năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, ông lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng hậu.
Ngọc Hân công chúa hạ sinh được 2 người con: công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Khi Quang Trung băng hà (năm 1792), bà đã viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như niềm tiếc thương vô hạn cho người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Triều đình Tây Sơn cũng lâm vào cảnh suy thoái, khiến cô cùng hai con nhỏ phải gắng gượng. Đến năm 1799, Ngọc Hân mất, vài năm sau đó hai người con của cô cũng qua đời.
8. Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)
Nguyễn Thị Định, biệt danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận, là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bà sinh ra trong một gia đình nông dân tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bắt đầu tham gia Cách mạng từ phong trào Đông Dương đại hội năm 1936, bà đảm nhận vai trò liên lạc, rải truyền đơn, và vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột ở địa phương.
Năm 1938, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tham gia các Phong trào cách mạng, bà đảm nhận chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Bà là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi Bến Tre đợt I (17/1/1960) tại ba điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp, mở đầu cho phong trào Đồng khởi. Bà sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Bà được Liên Xô trao tặng Giải thưởng Hòa bình Lênin năm 1968.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995 - ba năm sau khi bà mất. Đền thờ bà được lập tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, và tên của bà được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở Việt Nam.
9. Bà Hoàng Thị Loan (1968 – 1901)
Bà Hoàng Thị Loan (mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh năm 1868 trong một gia đình Nho học, nhưng mọi người trong gia đình đều trực tiếp tham gia lao động. Bà có dung nhan xinh đẹp, duyên dáng, tính tình thùy mị, nết na, luôn vui vẻ hòa nhã với mọi người, chăm chỉ làm công việc. Bà lớn lên đã tiếp thu sự giáo dục tiến bộ của gia đình, bà thuộc rất nhiều làn điệu câu ví và sự thông hiểu đạt tới mức sâu sắc.
Bà đã chấp nhận cuộc sống vất vả, khó khăn khi kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc vào cuối năm 1883 - một người mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng hiếu học. Bà hạ sinh được 4 người con và bằng tất cả tấm lòng yêu chồng, thương con, Bà đã hi sinh tất cả để vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ của họ. Bà Hoàng Thị Loan đã ảnh hưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một nền văn hoá dân gian mang đậm bản sắc địa phương, truyền thống dân tộc, phản ánh trung thực những khát vọng ý chí và phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân.
Ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý) tại Kinh đô Huế, Bà đã qua đời ở tuổi 33 do lao động quá sức, cuộc sống thiếu thốn dẫn đến lâm bệnh nặng.
Để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1984, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang Quân khu 4 xây dựng khu mộ của Bà khang trang, đẹp đẽ.
10. Chị Võ Thị Sáu
Cuộc đời chị Võ Thị Sáu trở thành huyền thoại, sống mãi cùng dân tộc bởi 'có những cái chết trở thành bất tử'. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống yêu nước, lại chứng kiến cảnh thực dân Pháp giết chóc đồng bào, chị Sáu đã không ngần ngại cùng các anh trai tham gia cách mạng.
Tháng 11/1948, Võ Thị Sáu mang theo lựu đạn, trà trộn vào đám người đi làm căn cước. Giữa buổi, chị ném lựu đạn vào nơi làm việc của Tòng, hô to “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước.
Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt. Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù.
Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai mở phiên tòa, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo.
Nhờ sự kiên cường, dũng cảm, trung thành, Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức ngày đêm trước khi hy sinh.
11. Nam Phương Hoàng hậu
Vợ của Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của Việt Nam, Bà là Hoàng hậu tôn quý, một phụ nữ hiền thục, nhân từ và đạo đức - Nguyễn Hữu Thị Lan, tên Pháp Mariette Jeanne. Sinh ngày 14-12-1914 tại Gò Công, Tiền Giang, Bà được gửi sang Pháp học và trở về nước sau khi tốt nghiệp. Cuộc sống Hoàng hậu của Bà kéo dài từ 1934 đến 1945, khi Vua Bảo Đại thoái vị. Trong thời gian đó, Bà thể hiện tinh thần yêu nước và hy sinh trang sức vàng cho cách mạng. Bà Nam Phương cuối cùng sống ở Perche, Pháp, và qua đời ngày 14 tháng 9 năm 1963.
12. Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước
Có lẽ với nhân dân Việt Nam và thế giới, cái tên Nguyễn Thị Bình đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi.
Bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) - một nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam. Bà nổi danh khi đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris (1968-1973). Là người duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris. Từ 1992 đến 2002, bà là Phó Chủ tịch nước Việt Nam.
Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục đóng góp với vai trò Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và là người sáng lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam. Bà cũng là Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam từ năm 2004. Bà được trao Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001 để ghi nhận đóng góp lớn của mình đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
13. Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Nữ Ngoại trưởng xuất sắc
Gốc gác cung đình Huế, Bà Tôn Nữ Thị Ninh - một người phụ nữ với vẻ đẹp cổ điển, vượt qua mọi định kiến. Với trí tuệ, sắc sảo và tính cách sắt đá, bà đã góp công lớn trong lĩnh vực ngoại giao, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, từ đại sứ đến chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Trí Việt...
Trong suốt sự nghiệp, bà luôn tỏa sáng với sự lịch thiệp và tầm vóc trí tuệ. Tôn Nữ Thị Ninh không ngần ngại đấu tranh và tỏa sáng, chinh phục mọi khó khăn để truyền đạt lửa tri thức và văn hóa đến giới trẻ.
14. Anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai
Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên tên Nguyễn Thị Vịnh (1/11/1910 – 28/8/1941), là một nhà cách mạng Việt Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930–1940.
Năm 1927, bà tham gia hoạt động công nhân ở Vinh và thành lập Tân Việt Cách mệnh Đảng, sau đó là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền tại Trường Thi, Bến Thủy. Bà còn làm thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Hương Cảng.
Năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, nhưng sau đó ra tù và đại diện VN tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Năm 1936, bà về nước và giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 30/7/1940, bà bị bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp tử hình tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn.
Tên Nguyễn Thị Minh Khai được đặt cho nhiều đường phố tại Việt Nam.
15. Nữ tướng Bùi Thị Xuân
Nữ tướng Bùi Thị Xuân, một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là Đô đốc của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Sinh trưởng trong gia đình khá giả, bà sớm được học văn và võ. Nổi tiếng với sức mạnh, sắc đẹp, và tinh thần nữ công khéo. Bà thích làm con trai, múa kiếm đi quyền, ham muốn theo gương bà Triệu và bà Trưng trong việc đánh giặc. Bùi Thị Xuân đã có công gây dựng sự nghiệp của chồng và ba anh em vua Tây Sơn, xuất nhập chiến trường, hy sinh cho đất nước.
16. Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm
Lê Thị Hồng Gấm, anh hùng cách mạng Việt Nam, tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sinh ra trong gia đình nông dân lao động tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tháng 12 năm 1967, cô tham gia cách mạng, làm công tác giao liên xã. Năm 1968, trở thành xã đội phó, lãnh đạo thuyết phục nhân dân ủng hộ cách mạng. Tháng 8 năm 1969, cô được cử làm trung đội phó du kích vành đai liên xã. Ngày 18 tháng 4 năm 1970, trong trận đánh, cô dũng cảm chỉ đường trốn thoát cho đồng đội, bắn trả quân địch và hy sinh anh dũng khi bị thương nặng.
17. Anh hùng Trần Thị Lý
Anh hùng Trần Thị Lý (tên thật Trần Thị Nhâm) là một nhà hoạt động cách mạng, nữ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia trong chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam, là nữ tù chính trị dưới các nhà tù Pháp-Mỹ và là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Về phía chính quyền Việt Nam, bà được xem là một nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, gan dạ, dũng cảm, vì đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man, vô nhân đạo trong các nhà tù của Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm mà vẫn bất khuất, không khai báo, kiên trì chịu đựng, không khuất phục.
Tháng 2 năm 1992 bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hình ảnh của bà đã từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu. Tên bà được đặt cho một cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, hiện là một trong những cây cầu biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
18. Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Bà Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010) là người được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm (từ năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975). Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Trong hai cuộc Chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, Nguyễn Thị Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của các con. Tại khu vườn của nhà bà có 5 hầm bí mật, nơi bà và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm bà thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con bà mở hé cửa hầm cho họ dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
19. Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Suốt
Bà Suốt, tên thật Nguyễn Thị Suốt (1908-1968), là một nữ Anh hùng Lao động trong Chiến tranh Việt Nam, người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967.
Năm 1964, sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu đem quân đánh phá miền Bắc. Miền đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc đó, bà đã 58 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Kể từ đó, trong suốt những năm 1964 - 1966, bà vẫn giữ vững nhiệm vụ của mình, đã chèo hàng trăm lượt ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Bà được những người cán bộ và bà con gọi với tên quen thuộc Mẹ Suốt. Tổng cộng ước tính mỗi năm mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến.
Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời tham dự. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Cuối năm 1968, khi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, bà ngừng công việc chèo đò, di chuyển lên vùng cao hơn. Ngày 21 tháng 8 năm 1968, trong một lần đi ở bến đò Bảo Ninh sơ tán ở phía nam cách bến đò cũ 3 km, mẹ Nguyễn Thị Suốt mất trong một trận bom bi oanh tạc Mỹ. Sau đó bà được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
20. Công chúa Huyền Trân
Công chúa Huyền Trân là một phần của triều đại nhà Trần, là người hòa thân và là con gái của vua Trần Nhân Tông, cũng là em gái của vua Trần Anh Tông và là chính thê của vua Chế Mân. Câu chuyện về Công chúa Huyền Trân trở nên phổ biến trong dân gian, không chỉ vì những lý do chính trị mà còn vì khía cạnh văn hóa, thơ ca, nhạc và nghệ thuật sân khấu. Điều này đã làm cho Công chúa Huyền Trân trở thành công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Công chúa Huyền Trân đã đóng góp vào việc mở rộng lãnh thổ quốc gia, đặt nền móng cho chiến công Nam Tiến trong thời kỳ sau này. Năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một năm sau, Chế Mân qua đời, và Công chúa Huyền Trân được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung đưa trở về Việt Nam.