Tài chính |
---|
Thị trường tài chính[hiện] |
Công cụ tài chính[hiện] |
Tài chính doanh nghiệp[hiện] |
Tài chính cá nhân[hiện] |
Tài chính công[hiện] |
Ngân hàng[hiện] |
Quy định tài chính[hiện] |
Tiêu chuẩn[hiện] |
Lịch sử kinh tế[hiện] |
Tín dụng là khái niệm mô tả mối quan hệ giữa người cho vay và người vay. Tín dụng đã tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn kinh tế - xã hội khác nhau. Quan hệ tín dụng xuất hiện từ thời kỳ chế độ công xã nguyên thủy, khi sự phân hóa xã hội bắt đầu với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Lúc này, tín dụng chủ yếu diễn ra dưới hình thức vay mượn hàng hóa. Khi xã hội trở nên phân hóa với sự phân chia giữa người giàu và người nghèo, những người nghèo buộc phải vay tiền, trong khi những người giàu thiết lập lãi suất cao, dẫn đến sự ra đời của tín dụng nặng lãi với lãi suất có thể lên đến 40-50%. Loại tín dụng này không phục vụ cho sản xuất mà chỉ phục vụ mục đích tín dụng, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế. Sau đó, tín dụng đã chuyển sang hình thức vay mượn bằng tiền tệ.
Cho vay, hay còn gọi là tín dụng, là hành động mà một bên (bên cho vay) cung cấp một khoản tiền cho bên khác (bên đi vay) với điều kiện bên đi vay sẽ hoàn trả khoản tiền đó kèm theo lãi suất trong một khoảng thời gian đã thỏa thuận. Vì việc này tạo ra một khoản nợ, nên bên cho vay được gọi là chủ nợ và bên đi vay được gọi là con nợ. Tín dụng thể hiện mối quan hệ giữa hai bên: một bên là người cho vay và bên kia là người đi vay, với các điều khoản tín dụng như thời gian cho vay và lãi suất.
Tín dụng thực chất phản ánh mối quan hệ kinh tế liên quan đến việc tạo lập và sử dụng quỹ tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tạm thời cho hoạt động sản xuất và đời sống, theo nguyên tắc hoàn trả.
Thuật ngữ
Thuật ngữ 'tín dụng' lần đầu xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng năm 1520. Nó có nguồn gốc từ từ tiếng Pháp Trung cổ crédit (thế kỷ XV), mang nghĩa 'niềm tin, sự tin tưởng,' tương đương với từ credito trong tiếng Ý và creditum trong tiếng Latinh, có nghĩa là 'một khoản vay, một thứ được giao cho người khác,' là quá khứ phân từ của credere, có nghĩa là 'tín nhiệm, ủy thác, tin tưởng.' Ý nghĩa thương mại của từ 'tín dụng' bắt nguồn từ từ tiếng Anh (creditor được sử dụng từ giữa thế kỷ XV). Cụm từ phái sinh 'credit union (Tổ chức tín dụng)' được sử dụng lần đầu vào năm 1881 trong tiếng Anh Mỹ; còn 'Credit rating (xếp hạng tín dụng)' lần đầu xuất hiện vào năm 1958.
Lịch sử
Thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến từ những năm 1900. Các tập đoàn lớn bắt đầu hợp tác với nhau và sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch thanh toán. Các công ty phát hành thẻ thu phí hàng năm từ chủ thẻ và chọn phương thức thanh toán, trong khi mỗi công ty tham gia phải trả một tỷ lệ phần trăm trên tổng hóa đơn. Điều này dẫn đến sự ra đời của các thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành trên toàn thế giới. Những thẻ tín dụng đầu tiên từ ngân hàng bao gồm Bank Americard của Bank of America vào năm 1958 và American Express Card của American Express cũng vào năm 1958. Các thẻ này hoạt động giống như thẻ tín dụng do công ty phát hành, nhưng đã mở rộng phạm vi sử dụng cho hầu hết các dịch vụ và cho phép người tiêu dùng tích lũy tín dụng quay vòng, tức là thanh toán số dư vào ngày sau đó kèm theo một khoản phí tài chính.
Đặc điểm, vai trò của tín dụng
Đặc điểm của tín dụng
- Phân phối tín dụng dựa trên nguyên tắc hoàn trả;
- Hoạt động tín dụng ảnh hưởng đến giá cả;
- Quan hệ tín dụng bao gồm cả người vay và người cho vay.
- Được xây dựng dựa trên sự tin tưởng
Vai trò của tín dụng
- Tín dụng thúc đẩy quá trình mở rộng sản xuất và điều tiết nền kinh tế vĩ mô;
- Tín dụng hỗ trợ việc tích tụ và tập trung vốn;
- Tín dụng giúp giảm chi phí lưu thông trong xã hội;
- Tín dụng góp phần vào việc thực hiện các chính sách xã hội.
- Tín dụng là công cụ quan trọng trong việc thực hiện các chính sách xã hội
Các loại tín dụng
Tín dụng thương mại
Khái niệm tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là hình thức tín dụng giữa các doanh nghiệp thông qua việc mua bán hàng hóa chịu. Đây là mối quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất và nhà kinh doanh, thực hiện dưới hình thức giao hàng trước và thanh toán sau. Khi người bán chuyển giao hàng hóa cho người mua, họ cấp cho người mua quyền sử dụng vốn tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định. Đến hạn, người mua phải hoàn trả số vốn đó kèm theo lãi suất cho người bán theo thỏa thuận.
Đặc điểm của tín dụng thương mại
- Tín dụng thương mại được cung cấp dưới dạng hàng hóa hoặc một phần của vốn sản xuất đang chờ chuyển thành tiền, chứ không phải tiền mặt sẵn có.
- Trong quan hệ tín dụng thương mại, cả bên cho vay và bên vay đều là những doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất và lưu thông hàng hóa.
- Kích thước của tín dụng thương mại phụ thuộc vào tổng giá trị hàng hóa được giao dịch theo hình thức mua bán chịu.
Công cụ lưu thông của tín dụng thương mại
- Thương phiếu
Công cụ pháp lý trong quan hệ tín dụng thương mại là giấy nhận nợ, còn được gọi là kỳ phiếu thương mại hoặc đơn giản là thương phiếu. Thương phiếu là chứng từ có giá, xác nhận yêu cầu hoặc cam kết thanh toán một số tiền cụ thể trong một thời gian nhất định mà không điều kiện.
- Những đặc điểm của thương phiếu
- Thương phiếu có tính chất trừu tượng;
- Thương phiếu có tính chất bắt buộc;
- Thương phiếu có tính chất lưu thông.
- Các loại thương phiếu
Phân loại theo người lập:
- Thương phiếu do người mua chịu lập được gọi là lệnh phiếu;
- Thương phiếu do người bán chịu lập được gọi là hối phiếu.
Phân loại theo phương thức ký chuyển nhượng:
- Thương phiếu không định danh;
- Thương phiếu định danh;
- Thương phiếu ký danh.
Ưu điểm và nhược điểm của tín dụng thương mại
- Ưu điểm của tín dụng thương mại
- Tín dụng thương mại giúp tăng tốc quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, rút ngắn chu kỳ sản xuất;
- Tín dụng thương mại trực tiếp điều tiết vốn giữa các doanh nghiệp mà không cần trung gian;
- Tín dụng thương mại giảm lượng tiền mặt lưu thông, từ đó giảm chi phí lưu thông xã hội.
- Nhược điểm của tín dụng thương mại
- Về quy mô: giá trị cho vay bị giới hạn theo khả năng hàng hóa của bên cho vay.
- Về thời gian: thường ngắn, dưới 1 năm;
- Về điều kiện kinh doanh và chu kỳ sản xuất: tín dụng thương mại có thể không phù hợp nếu thời gian cho vay không trùng với nhu cầu của bên vay.
- Về phạm vi: chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp đã quen biết và tin tưởng lẫn nhau.
- Về sự phù hợp: do được cấp dưới dạng hàng hóa, doanh nghiệp bán chịu chỉ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu chính xác loại hàng hóa đó.
Tín dụng ngân hàng
Khái niệm tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là một giao dịch tài chính giữa Ngân hàng (TCTD) và bên đi vay (các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân), trong đó Ngân hàng (TCTD) cấp tài sản cho bên vay sử dụng trong khoảng thời gian đã thỏa thuận, và bên vay có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cả vốn và lãi cho Ngân hàng (TCTD) khi đến hạn.
Đặc điểm của tín dụng ngân hàng
- Việc huy động và cho vay vốn đều được thực hiện dưới dạng tiền tệ;
- Ngân hàng giữ vai trò trung gian trong cả hai hoạt động huy động vốn và cho vay;
- Quá trình phát triển tín dụng ngân hàng không hoàn toàn khớp với sự phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa;
- Tín dụng ngân hàng giúp tập trung và điều hòa vốn giữa các thành phần kinh tế.
Công cụ lưu thông của tín dụng ngân hàng
- Công cụ lưu thông của tín dụng ngân hàng là kỳ phiếu ngân hàng, một chứng từ có giá do ngân hàng phát hành cho các tổ chức và cá nhân, có thể lưu hành vô thời hạn trên thị trường.
- Kỳ phiếu ngân hàng được phát hành dựa trên quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cư dân, hoặc nhà nước, được đảm bảo bằng vàng và tín dụng. Kỳ phiếu ngân hàng, còn được gọi là giấy bạc ngân hàng, thực chất là tiền tệ.
Ưu, nhược điểm của tín dụng ngân hàng
- Ưu điểm của tín dụng ngân hàng
- Thời gian vay vốn rất linh hoạt, bao gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với tất cả nhu cầu của khách hàng;
- Khối lượng tín dụng có thể rất lớn;
- Phạm vi hoạt động rộng rãi, bao gồm tất cả các ngành và lĩnh vực.
- Nhược điểm của tín dụng ngân hàng
- Tín dụng ngân hàng có mức độ rủi ro cao, chủ yếu do khả năng cho vay vượt quá vốn tự có của ngân hàng và sự linh hoạt trong thời gian và phạm vi tín dụng.
Tín dụng nhà nước
Khái niệm về tín dụng nhà nước
Tín dụng nhà nước là mối quan hệ tín dụng giữa nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, cùng các cá nhân. Tín dụng này hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách khi nguồn thu không đủ, đồng thời là công cụ hỗ trợ các ngành kinh tế yếu kém, ngành mũi nhọn và khu vực kinh tế kém phát triển. Ngoài ra, nó cũng là phương tiện quan trọng để nhà nước quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đặc trưng của tín dụng nhà nước
- Chủ thể tham gia gồm nhà nước, pháp nhân và thể nhân;
- Hình thức tín dụng phong phú và đa dạng;
- Phần lớn tín dụng nhà nước là tín dụng trực tiếp, không qua tổ chức trung gian.
Công cụ lưu thông của tín dụng nhà nước
- Khi nhà nước vay vốn
- Tín phiếu kho bạc;
- Trái phiếu kho bạc;
- Trái phiếu đầu tư:
- Trái phiếu dành riêng cho từng dự án;
- Trái phiếu huy động cho Quỹ phát triển;
- Công trái quốc gia;
- Trái phiếu quốc tế do chính phủ phát hành.
- Khi nhà nước cho vay vốn
- Cho vay để đầu tư phát triển;
- Hỗ trợ lãi suất sau khi đầu tư;
- Bảo lãnh tín dụng cho các dự án.
Ưu và nhược điểm của tín dụng nhà nước
- Ưu điểm của tín dụng nhà nước
- Duy trì các hoạt động của nhà nước một cách liên tục;
- Đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại;
- Hỗ trợ nghĩa vụ quốc tế trong bối cảnh quan hệ toàn cầu phát triển, nhà nước không thể từ chối những khoản cho vay quốc tế;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tín dụng ngân hàng.
- Nhược điểm của tín dụng nhà nước
- Nguy cơ vỡ nợ quốc gia do tính toán không chính xác nhu cầu vay và việc sử dụng vốn vay không hiệu quả;
Tín dụng tiêu dùng
Khái niệm về tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng là mối quan hệ tài chính giữa cá nhân và các doanh nghiệp, ngân hàng, hoặc công ty tài chính cho thuê.
Đặc trưng của tín dụng tiêu dùng
- Phục vụ nhu cầu chi tiêu của người dân;
- Hình thức tín dụng có thể là hàng hóa hoặc tiền tệ;
- Cá nhân là người vay; ngân hàng, công ty tài chính cho thuê, doanh nghiệp là bên cho vay.
Công cụ lưu thông trong tín dụng tiêu dùng
- Ngân hàng cung cấp tín dụng tiêu dùng dưới dạng tiền mặt;
- Doanh nghiệp áp dụng hình thức bán chịu hoặc trả góp;
- Công ty tài chính cho thuê cung cấp tín dụng dưới dạng cho thuê tài sản.
Ưu và nhược điểm của tín dụng tiêu dùng
- Ưu điểm của tín dụng tiêu dùng
- Kích thích sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu hàng tồn kho;
- Nâng cao và cải thiện đời sống của người dân, cho phép họ tiêu dùng trước khả năng tài chính.
- Nhược điểm của tín dụng tiêu dùng
- Hạn chế về khối lượng tín dụng;
- Giới hạn về hình thức tín dụng.
Tín dụng cho thuê tài chính
Khái niệm tín dụng cho thuê tài chính
Tín dụng cho thuê tài chính là quan hệ tín dụng phát sinh giữa các công ty cho thuê tài chính với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân dưới hình thức cho thuê tài chính. Đây là một phần của thị trường vốn.
Đặc điểm của tín dụng cho thuê tài chính
- Đối tượng chủ yếu là tài sản;
- Chủ thể bao gồm công ty cho thuê tài chính (bên cho thuê) và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân (bên thuê).
Công cụ lưu thông của tín dụng cho thuê tài chính
Công cụ lưu thông của tín dụng cho thuê tài chính là các hợp đồng thuê mua giữa công ty cho thuê tài chính và bên thuê.
Hình thức tín dụng cho thuê tài chính
- Thuê tài trợ trực tiếp;
- Thuê liên kết;
- Thuê bắc cầu;
- Bán và thuê lại;
- Thuê giáp lưng;
- Thuê trả góp.
Ưu và nhược điểm của tín dụng thuê tài chính
- Ưu điểm của tín dụng thuê tài chính
- Giúp doanh nghiệp hiện đại hóa sản xuất và tiếp cận công nghệ mới khi nguồn vốn tự có còn hạn chế.
- Nhược điểm của tín dụng thuê tài chính
- Khối lượng tín dụng bị giới hạn theo giá trị sản phẩm thuê;
- Phạm vi tín dụng bị giới hạn theo mục đích sử dụng sản phẩm thuê.
Tín dụng quốc tế
Khái niệm về tín dụng quốc tế
Tín dụng quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia, giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc với ngân hàng và tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, và giữa các doanh nghiệp của các quốc gia khác nhau.
Đặc điểm của tín dụng quốc tế
- Thể hiện quan hệ tín dụng giữa các chủ thể kinh tế của một quốc gia với các chủ thể kinh tế của quốc gia khác và các tổ chức quốc tế;
- Đối tượng của tín dụng quốc tế là hàng hóa hoặc tiền tệ;
- Chủ thể tham gia gồm chính phủ, cơ quan nhà nước, ngân hàng quốc tế, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cá nhân.
Ưu và nhược điểm của tín dụng quốc tế
- Ưu điểm của tín dụng quốc tế
- Cung cấp nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội khi các nguồn lực trong nước còn hạn chế.
- Nhược điểm của tín dụng quốc tế
- Có rủi ro do biến động của tỷ giá hối đoái quốc tế.
Lãi suất
Lãi suất được hiểu đơn giản là giá của việc vay vốn, là khoản phí mà người vay phải trả cho người cho vay để có quyền sử dụng số tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định.
Quỹ tín dụng
Quỹ tín dụng là một tổ chức tín dụng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và tự quản, chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả hoạt động của mình.
- Mục tiêu
Hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, phát huy sức mạnh của tập thể.
- Đặc điểm
- Thành viên của quỹ tín dụng có quyền sở hữu và quản lý tài sản cũng như hoạt động của quỹ dựa trên tỷ lệ vốn góp của mình.
- Phạm vi hoạt động của quỹ tín dụng tương đối hạn chế.
- Quỹ tín dụng có lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng, cung cấp dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả.
- Mỗi quỹ tín dụng hoạt động độc lập nhưng liên kết chặt chẽ với nhau qua các hoạt động điều hòa vốn, chia sẻ thông tin và phân tán rủi ro, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn hệ thống.
- Các hoạt động chính
- Huy động vốn, nhận tiền gửi, và vay vốn từ các tổ chức tài chính khác.
- Cung cấp dịch vụ cho vay.
- Thực hiện các dịch vụ thanh toán và ngân quỹ cho thành viên.
- Thực hiện các hoạt động khác theo quy định pháp luật.
- Tài chính
- Thị trường tài chính
- Báo cáo tín dụng thương mại
- Cơ quan tín dụng
- Lịch sử tín dụng
- Rủi ro tín dụng
- Điểm tín dụng
- Lý thuyết tín dụng tiền tệ
- Vỡ nợ tài chính
- Kiến thức tài chính
- Tín dụng chung
- Khoản vay ngày lương
- Cho vay ngang hàng
- Cho vay nặng lãi
- Tín dụng quay vòng
- Phân bổ rủi ro - lãi suất
- Quyết toán
- Tín dụng xã hội
- Tiêu chuẩn thanh toán trễ hạn
- Tín dụng thứ cấp
- Tài chính trung gian
- Tín dụng thư
Các liên kết ngoài
- Vai trò của tín dụng trong nền kinh tế thị trường
Nợ | |||||
---|---|---|---|---|---|
Công cụ nợ |
| ||||
Quản lý nợ |
| ||||
Thu nợ và Trốn nợ |
| ||||
Thị trường nợ |
| ||||
Nợ trong nền kinh tế |
| ||||
|