1. Hai Bà Trưng – Nữ tướng anh dũng của dân tộc Việt
Hai Bà Trưng - biểu tượng của sự dũng cảm và quyết tâm, đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại sự thôn tính của nhà Hán vào thế kỷ I. Trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử, họ đã gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn để không chịu sự áp bức của kẻ thù. Cuộc sống và sự hy sinh của Hai Bà Trưng vẫn được nhớ mãi trong lòng người dân Việt Nam.


2. Bùi Thị Xuân – Nữ lãnh đạo kiệt xuất của triều đại Tây Sơn
Bùi Thị Xuân (1752 - 1802) là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là vợ Thiếu phó Trần Quang Diệu và là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Bùi Thị Xuân sinh ra trong một gia đình khá giả, sớm được học văn và học võ. Nghe kể chuyện bà Trưng bà Triệu cỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn được theo gương bà Triệu bà Trưng, luyện đánh voi ra trận.
15 tuổi, Bùi Thị Xuân tài nghệ đã điêu luyện. 20 tuổi, Bùi Thị Xuân dùng kiếm giải nguy cho Trần Quang Diệu bị một con hổ dữ tấn công, cũng từ lần gặp này mà hai người trở thành vợ chồng, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc. Với tài nghệ cộng và lòng dũng cảm, Bùi Thị Xuân cùng chồng nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu. Bà đã lập nhiều chiến công hiển hách trên các chiến trường, khiến quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Năm 1802, bà và chồng bị bắt và bị hành quyết, năm đó bà 45 tuổi. Bùi Thị Xuân được tôn vinh và ghi nhận là một anh hùng quốc gia. Hiện nay, tượng đài của bà đã được xây dựng để tưởng nhớ và vinh danh những đóng góp của bà cho quê hương.


3. Triệu Thị Trinh – Nữ tướng vĩ đại của cuộc chiến chống quân Ngô
Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (8 tháng 11 năm 226) tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà sớm có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, bà rắn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị”. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn.
Năm 248, quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, Bà Triệu cùng với anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh chống lại và được nhân dân quận Cửu Chân hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng lan ra quận Giao Chỉ. Khi Triệu Quốc Đạt tử trận, Triệu Thị Trinh lãnh đạo toàn bộ quân khởi nghĩa chiến đấu chống quân Ngô. Nghĩa quân chiếu đấu liên tiếp nhiều trận và thế lực ngày càng mạnh. Được tin cuộc khởi nghĩa lớn mạnh, triều Đông Ngô liền phái tướng Lục Dận, giữ chức Thứ Sử Giao Châu đem theo 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu. Những trận đánh ác liệt diễn ra tại căn cứ Bồ Điền, quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng. Triệu Thị Trinh đã trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, câu chuyện về Triệu Thị Trinh đã được truyền tụng qua các thế hệ và trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho người dân Việt Nam.


4. Nguyễn Thị Chiên – Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong phong trào du kích ở vùng tạm chiếm, những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến 1948, chị vừa là bí thư phụ nữ vừa là chỉ huy một trung đội du kích ở xã. Năm 1950, chị giật mìn diệt một tiểu đội địch đi tuần tra trên đường 39. Đó là tiếng mìn đầu tiên cảnh cáo quân địch và thức tỉnh phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân. Khi bị giặc bắt, bị tra tấn dã man, chị chết đi sống lại nhiều lần nhưng kẻ địch không khai thác được gì đành phải thả chị ra. Về quê, chị lại được chi bộ bố trí nhiệm vụ trong đội du kích. Ngoài việc luyện tập canh gác quấy rối và đánh địch, chị còn lãnh đạo chị em khai hoang, cấy lúa, chăn nuôi gà để lấy tiền mua sắm vũ khí.
Năm 1951, tay không, chị đã dùng mưu bắt một tiểu đội địch ngay giữa chợ, thu được 7 khẩu súng. Sau đó chị lại dùng mưu bắt tên sĩ quan Pháp chỉ huy trong một trận càn quét của chúng ở xã. Năm 1952, trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, chị được Hồ Chủ Tịch tặng một khẩu súng ngắn, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Ba và chị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.


5. Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên
Nguyễn Thị Minh Khai (1910 – 1941), tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ở xã Vĩnh Yên thuộc thị xã Vinh (Nghệ An), học đến tiểu học, tham gia phong trào học sinh, được kết nạp vào Đảng năm 1930. Say mê học lý luận, chị là một trong những cán bộ phụ nữ được Hồ Chủ Tịch trực tiếp dìu dắt, sau đó Minh Khai được đào tạo về chủ nghĩa Mác Lê-nin ở Liên Xô. Dưới cái tên Phan Lan, chị là đại biểu trẻ nhất Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 tại Mát – xcơ – va, đã đọc bài phát biểu nổi tiếng trong phiên họp thứ 40: “Chúng tôi, những người phụ nữ nông dân, công nhân ở các miền phương Đông, các miền thuộc địa, bán thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu, chúng tôi đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng'.
Chị cũng là đại biểu thanh niên Việt Nam đầu tiên đi dự Quốc tế Thanh niên năm 1935. Là Bí thư tỉnh ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên, chị rất chú trọng đào tạo cán bộ công nhân, xây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn, có ý thức quyết vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng, Minh Khai tỏ rõ nghị lực vượt mọi đau thương khó khăn riêng, khi sinh con gái, khi chồng chị là đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt. Ngày 28 – 8 – 1941, chính quyền thực dân Pháp xử bắn chị cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập… Đứng trên gò đất cao, chị giựt mảnh băng đen bịt mắt vứt đi và nói lớn: “Thưa đồng bào, chúng ta phải tiêu diệt đế quốc phong kiến thì đời sống mới sung sướng được. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam muôn năm!


6. Võ Thị Sáu – Nữ anh hùng trẻ nhất trong lịch sử
Võ Thị Sáu (1037 – 1953), quê ở Bà Rịa, được gọi là “Người con gái đất đỏ”. Khi giặc Pháp xâm lược, 12 tuổi, đã dũng cảm ném lựu đạn tiêu diệt ba tên chỉ huy Pháp. Nổi tiếng về tình báo, biệt động và giao liên đặc biệt. Ám sát thất bại tên phản bội Đốc phủ Tòng, bị bắt khi 15 tuổi. Trong tù, vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Bị Pháp mang ra Côn Đảo giam ở nhà lao “Đá trắng”. Dù giam giữ, vẫn kiên cường múa hát. Trước khi bị xử bắn, cất tiếng hét: “Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Hi sinh khi chưa đầy 17 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương chiến công hạng Nhất năm 1993.


7. Đinh Thị Vân – Nữ đại tá tình báo giỏi nhất
Đồng chí Đinh Thị Vân nguyên là Huyện ủy viên huyện Xuân Trường cũ và ở trong Ban chấp hành Tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Nam Định. Bà không qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào về tình báo nhưng lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một sĩ quan tình báo. Đồng chí đã đi sâu tổ chức tình báo hồi Pháp chiếm đóng Hà Nội và thời kì Mỹ ngụy chiếm đóng Sài Gòn, khai thác những tài liệu quân sự có giá trị, có ý nghĩa chiến lược để phục vụ sự nghiệp chống xâm lược giải phóng đất nước.
Mọi thành quả vô cùng lớn lao của tình báo Đinh Thị Vân đạt được có một tầm quan trọng chiến lược giúp cho Trung ương chỉ đạo kịp thời cuộc chiến đấu với Mỹ ngụy. Những tài liệu hết sức cơ mật đó không phải chị mua được mà là kết quả của sự cảm hóa, thuyết phục, vận động kiên trì quần chúng, trên ý thức “lấy dân làm gốc”. Sĩ quan tình báo Đinh Thị Vân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí được Bộ quốc phòng phong hàm Đại tá.


8. Võ Thị Thắng – Người sinh viên yêu nước can đảm
Chân dung của chị Võ Thị Thắng hiện lên với nụ cười tự tin giữa hai hàng lính dẫn giải, là biểu tượng của một sinh viên yêu nước, một chiến sĩ can đảm với 'Nụ cười chiến thắng' được một nhà báo Nhật Bản ghi lại trong phiên tòa của Mỹ ngụy vào năm 1968. Năm 11 tuổi, chị đã góp phần trong phong trào cách mạng và sau đó, năm 17 tuổi, chị tham gia vào các hoạt động đấu tranh của sinh viên, thanh niên và học sinh Sài Gòn để xây dựng cơ sở chính trị chuẩn bị cho cuộc tiến công năm Mậu Thân (1968). Chị cũng tham gia vào Phong trào Công nhân và lực lượng vũ trang trong thành phố.
Khi tham gia vào nhiệm vụ tiêu diệt giặc ở Phú Lâm, chị bị bắt. Chúng quyết định kết án chị 20 năm tù và chị đã đáp trả chúng bằng nụ cười, thách thức: 'Liệu chính quyền của các người có đủ sức sống 20 năm để giam tôi không?'. Câu nói nổi tiếng này đã truyền cảm hứng cho toàn dân đấu tranh chống giặc. 6 năm trong tù, bị tra tấn, nhưng chị và nhiều chiến sĩ khác vẫn không bị khuất phục trước sự tàn bạo của kẻ thù. Tại nhà tù, trong hoàn cảnh khó khăn, chị dùng đó làm cơ hội để rèn luyện bản thân, thử thách tinh thần và lòng trung kiên với dân tộc, với Tổ quốc. Sự dũng cảm của một sinh viên yêu nước đã trở thành nguồn động viên cho nhiều chiến sĩ cộng sản. Đến tháng 3 năm 1973, theo Hiệp định Pa-ri, kẻ thù buộc phải trả tự do cho các chiến sĩ cách mạng. Khi ra tù, chị vẫn vươn cao đầu với tư thế của một người chiến thắng. Sau hòa bình, chị luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ, luôn tuân thủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, lắng nghe tiếng nói của nhân dân khi được bầu làm đại biểu Quốc hội. Sau này, chị nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành Du lịch và đã đưa ngành này trở thành một mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.


9. Nguyễn Thị Định – Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX
Bà Nguyễn Thị Định, sinh năm 1920 tại xã Lương Hòa, tỉnh Bến Tre. 16 tuổi đã tham gia cách mạng, 18 tuổi kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Bà là một trong những người đầu tiên đưa vũ khí qua đường biển vào miền Nam trong cuộc kháng chiến. Năm 1945, bà tham gia thường vụ tỉnh ủy Bến Tre và lãnh đạo nhân dân, phụ nữ đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Bà được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Bến Tre.
Sau khi tham gia lãnh đạo phong trào Đồng Khởi năm 1960, bà là Ủy viên Đoàn Chủ tịch khi Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời. Năm 1961, bà là khu ủy viên khu 8 Nam Bộ. Năm 1965, bà là Phó tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng thời là chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Bà là người hiền lành, giàu lòng vị tha, sống gần gũi, chan hòa với mọi người. Bà con và bộ đội gọi bà bằng cái tên thân thiết: “Chị Ba Định” cùng 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Năm 1974, bà được Ủy ban giải thưởng quốc tế Lê-nin trao tặng thưởng “Vì củng cố hòa bình của các dân tộc”. Năm 1976, bà là Phó Chủ tịch thứ nhất và từ năm 1980 là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, có uy tín trong phong trào phụ nữ thế giới.


10. Nguyễn Thị Út – Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam
Nguyễn Thị Út hoặc Út tịch (1931-1968) là một nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Cuộc đời bà đã được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm 'Người mẹ cầm súng', về sau được dựng thành phim 'Mẹ vắng nhà'.
Bà có tính khí mạnh mẽ, sớm chịu ảnh hưởng sự tuyên truyền cuộc cách mạng Việt Minh, từ đó tích cực ủng hộ Cộng sản. Khi người Pháp tái chiếm Nam bộ, mở rộng trên toàn cõi Đông Dương, Út xung phong tham gia chiến đấu chống quân Pháp với câu nói nổi tiếng mà về sau được nhà văn Nguyễn Thi ghi lại 'Nó đánh mình, mình đánh nó!'. Sau khi lập gia đình với một chiến sĩ Việt Minh tại địa phương, bà tiếp tục hoạt động trong đội du kích địa phương. Sau Phong trào Đồng khởi, ông bà tham gia hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1964, bà kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam. Bà bị thương nặng và hy sinh sau đó trong một trận rải thảm B52 của Không Lực Hoa Kỳ vào 27/11/1968 xuống Châu Đốc. Bà được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một con đường tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đặt theo tên bà.

