Khi bạn nghe bạn bè nói về việc tạo bảng mục tiêu cho năm mới (vision board), thứ đầu tiên bạn nghĩ là, “Năm nay lại giống như mọi năm khác à?”
Việc đặt mục tiêu phát triển bản thân là tốt, nhưng điều khiến bạn ngần ngại là… tính khả thi của tất cả những điều bạn viết trên tờ giấy.
Chỉ mất 10 giây để bạn nghĩ về hình mẫu lý tưởng mà bạn muốn trở thành (ví dụ: muốn giảm 5kg để thon gọn), nhưng lại mất rất lâu, thậm chí có khi là không bao giờ bạn theo đuổi mục tiêu đó đến cùng.
Chúng ta đều biết rằng nói thì dễ hơn làm, và chúng ta rơi vào vòng lặp tự hứa “năm sau sẽ khác”, nhưng lại cuối cùng… quay lại điểm xuất phát. Vì sao chúng ta đặt mục tiêu chỉ để rồi… không thực hiện được chúng? Liệu có phải chúng ta đặt sai cách ở đâu không?
Đặt mục tiêu hoành tráng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ thay đổi đột ngột. Trên thực tế, những mục tiêu mà ta hô khẩu hiệu càng mạnh mẽ, tác động của chúng đến ta càng… yếu đuối hơn.
Bạn có thể vô tình “hô khẩu hiệu” khi viết ra những lời tuyên bố phô trương, hùng hồn nhưng lại không có sự liên kết với bản thân, ví dụ như:
- Hoàn thành việc đọc 20 quyển sách trong năm 2023 (mặc dù trước đó bạn không đọc sách).
- Thức dậy vào lúc 5 giờ sáng liên tục từ bây giờ về sau (mặc dù bạn thường ngủ muộn đến 2 giờ sáng).
- Đạt được mục tiêu tiết kiệm một số tiền nhất định trong tài khoản (mặc dù bạn chi tiêu hết lương từ… đầu tháng).
Bạn chưa thật sự hiểu rõ điều gì bạn cần, muốn, hoặc cách cơ thể của bạn hoạt động trong điều kiện tốt nhất,... nhưng lại vội vàng đặt ra những kế hoạch phát triển quá xa tầm với. Giữa bạn và mục tiêu không có sự liên kết, hoặc liên kết rất yếu, dẫn đến việc bạn dễ nản lòng và từ bỏ khi gặp khó khăn.
Mỗi năm, hàng triệu người viết ra các quyết định mới của năm mới nhưng ít ai duy trì chúng được đến cuối cùng.
Đại học Scranton ở Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu trên 200 người để đánh giá mức độ 'cam kết' của họ đối với các mục tiêu trong khoảng thời gian 2 năm. Chỉ có 19% duy trì được liên tục trong 2 năm, phần còn lại đã... bỏ cuộc trong vài tháng, thậm chí vài tuần.
Nguyên nhân chính đến từ cách mà não hoạt động. Nghiên cứu về Neuroscience cho thấy phần hạch hạnh nhân trong não sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ con người khỏi cảm giác thất bại.
Để tránh việc chúng ta bị thất vọng hoặc đổ vỡ, não sẽ gửi tín hiệu khiến chúng ta 'tê liệt' trước bất kỳ mục tiêu nào đặt ra quá xa xôi, đầy thách thức và dễ thất bại.
Với sự chú ý vào mục tiêu, việc biết rằng bạn cần nỗ lực nhiều hơn để đạt được chúng, bạn có thể cảm thấy muốn bỏ cuộc. Điều này là hoàn toàn tự nhiên và bất kỳ ai cũng có thể trải qua.
Khi khẩu hiệu thúc ép không còn hiệu quả, xu hướng đặt mục tiêu nhẹ đang trở nên phổ biến. Không cần áp đặt, chỉ cần đặt mục tiêu phù hợp với bản thân trước hết. Dưới đây là một số ví dụ bạn có thể thử ngay cho năm 2024.