Dầu cù là hay dầu cao là một loại chất bôi da dạng sệt có tác dụng làm ấm, giúp giảm cảm cúm và phòng một số bệnh nhẹ thông thường và thường được đóng gói trong các hộp nhỏ bằng kim loại hoặc thủy tinh.
Thành phần
Dầu gió chủ yếu được làm từ các tinh dầu với công thức được lựa chọn kỹ càng từ các nhà sản xuất. Nhiều công thức làm dầu gió được xem như là bí mật thương mại cũng như là công thức gia truyền qua nhiều thế hệ. Khảo sát nhiều loại dầu cù tại Việt Nam, hai thành phần thường thấy nhất là menthol và methyl salicylate, hai chất này cũng có trong tinh dầu Bạc hà Á. Ngoài ra còn có khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông, cineol,...
Nguồn gốc tên gọi
Tại Việt Nam, dầu cù là phổ biến ban đầu từ vùng miền tây Nam bộ.
Theo tác giả An Chi trong cuốn sách Chuyện Đông Chuyện Tây, Cù Là là thuật ngữ mà người xưa ở miền dưới (miền tây Nam bộ) dùng để chỉ nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao có nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng rộng rãi ở Nam bộ, do đó mới có danh từ dầu cù là (dầu được sản xuất từ nước Cù Là). Sau này, thuật ngữ dầu cù là được sử dụng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao. [1]
Công dụng
Dầu cù là có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng như: cảm lạnh, ho, nghẹt mũi, nặng ngực, lạnh ngực, đau đầu, đau cơ cứng, đau cơ do hoặc cảm, đau lưng, đau do phong thấp, chóng mặt, say xe và điều trị các vấn đề ngứa da, phát ban, da khô và nứt nẻ, vết thương do côn trùng cắn,...
Sử dụng
Dầu cù là có thể được áp dụng trực tiếp lên da hoặc thở hơi thông qua pha vào nước nóng, nếu được phủ kín bằng khăn thì hiệu quả sẽ tăng cao.
Thận trọng
- Không xoa vào mắt hay niêm mạc.
- Không thoa vào mũi hoặc miệng.
- Không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.