1. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi trong niêm mạc của dạ dày hoặc tá tràng xuất hiện các vết loét và tổn thương do bị bào mòn. Trong các trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng thì có đến 95% là các vết loét nằm ở tá tràng, 60% ở dạ dày và 25% là các vết loét nằm ở bờ cong nhỏ dạ dày.
Vậy đâu là tác nhân gây nên căn bệnh này?
-
Bệnh nhân nghiện hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn: rất nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng có đến hơn 200 loại chất gây hại tồn tại trong khói thuốc lá, đặc biệt là nicotine. Loại chất này kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol - đây là thủ phạm làm tăng khả năng mắc viêm loét dạ dày - tá tràng;
Thuốc lá, rượu bia là kẻ thù của dạ dày - tá tràng
-
Do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh: những người hay ăn khuya, thức khuya, bỏ qua bữa sáng, ăn sai giờ, ít vận động,... dẫn tới việc các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả dạ dày và tá tràng phải lao động nhiều hơn, dần dần gây nên bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng;
-
Bị căng thẳng thần kinh trong thời gian dài: stress lâu ngày sẽ gây đảo lộn hoạt động bài tiết axit trong dịch vị dạ dày khiến cho cơ quan này dễ gặp tình trạng tổn thương và viêm loét;
-
Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng viêm, giảm đau: nếu sử dụng lâu dài các loại thuốc này sẽ có hiện tượng ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin trong cơ thể. Đây vốn là loại chất giúp bảo vệ dạ dày nhưng khi nồng độ prostaglandin sụt giảm thì nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng sẽ càng cao;
-
Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): vi khuẩn này có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người kia qua việc ăn uống chung, ăn hàng quán vỉa hè,... Vi khuẩn HP thường cộng sinh trong dạ dày con người và ít gây ra tác động đến dạ dày, nhưng đôi khi chúng cũng gây ra tình trạng viêm dạ dày, nếu có loét dạ dày kèm theo thì chúng sẽ thúc đẩy quá trình hình thành ung thư dạ dày.
2. Cách nhận biết khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng
Chúng ta cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo viêm loét dạ dày - tá tràng để có biện pháp xử trí phù hợp. Các triệu chứng bao gồm:
-
Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn mửa: là do tổn thương ở bên trong dạ dày, gây chậm tiêu hoá và cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Thức ăn tồn đọng, lên men dễ gây buồn nôn hoặc nôn mửa;
-
Bị đau ở vùng bụng phía trên rốn: đau thường sau ăn từ 2 - 3 tiếng, có khi đêm gần sáng, lan ra sau lưng. Cơn đau tức hoặc đau quặn, có thể là đau âm ỉ;
-
Mất ngủ, ngủ không ngon: do các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, khó tiêu, bụng đói về sáng;
Viêm loét dạ dày - tá tràng thường làm bệnh nhân trằn trọc, mất ngủ
-
Rối loạn tiêu hóa, táo bón: thức ăn đình trệ do viêm loét làm rối loạn tiêu hoá, bệnh nhân dễ suy nhược, táo bón;
-
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị: thường xảy ra ở những người bị viêm loét dạ dày - tá tràng, đặc biệt ở thời kỳ đầu của bệnh.
3. Các biến chứng do viêm loét dạ dày - tá tràng gây ra
Nếu không được điều trị kịp thời sau khi phát hiện, viêm loét dạ dày - tá tràng có thể trở thành bệnh mãn tính và gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau:
-
Xuất huyết tiêu hoá: Vết loét trên tá tràng và dạ dày có thể dẫn đến xuất huyết nội tạng, gây mất máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Các triệu chứng bao gồm chóng mặt, nôn mửa có máu, và phân đen;
-
Thủng dạ dày - tá tràng: Vết loét sâu vào niêm mạc tạo thành lỗ thủng, thức ăn có thể xâm nhập vào các cơ quan khác gây nhiễm trùng. Triệu chứng rõ ràng nhất là đau bụng cấp tính và nghiêm trọng;
-
Hẹp môn vị: Mô viêm xơ phát triển trên niêm mạc dạ dày có thể làm hẹp môn vị, làm cho thức ăn khó đi qua. Người bệnh có thể cảm thấy bụng đầy, buồn nôn, và giảm cân đột ngột.
4. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Khi phát hiện có các triệu chứng cảnh báo của viêm loét dạ dày - tá tràng, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Thuốc có thể được sử dụng để kiểm soát triệu chứng khi bệnh còn ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để không tái phát bệnh.
Những trường hợp cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc trong phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP
Khi bệnh đã gặp phải biến chứng, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật cấp cứu để ngăn ngừa tai biến và tăng cơ hội sống sót, bảo tồn hoạt động của dạ dày - tá tràng sau phẫu thuật.
5. Lời khuyên để tránh mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Để giảm triệu chứng và nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
-
Hạn chế sử dụng chất kích thích, rượu bia, và đồ uống có cồn;
-
Cân nhắc khi sử dụng aspirin, Ibuprofen, naproxen (NSAID);
-
Chọn thực phẩm đã được rửa sạch và nấu chín, ăn ít dầu mỡ, nhiều rau củ quả giàu chất xơ và vitamin hỗ trợ tiêu hóa;
-
Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường ruột;
-
Từ bỏ thuốc lá, tránh khói thuốc lá từ người khác;
-
Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh;
-
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý có nguy cơ.
Để bảo vệ sức khỏe, việc duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng