Bạn cảm thấy bạn đang dần cạn kiệt năng lượng? Đọc bài viết này để khám phá những dấu hiệu của tình trạng kiệt sức trước khi quá muộn nhé!
“Kiệt Sức” (hoặc “Burnout”) là một trong những mối đe dọa đáng sợ trên con đường sự nghiệp mà những người thành công cần chú ý; tuy nhiên, thật đáng tiếc, với niềm tin “tôi có thể làm mọi thứ”, họ ít khi nhận ra rằng mối đe dọa đang đến gần. Những người thành công thường rất đam mê với công việc của mình, họ thường bỏ qua thực tế rằng họ đang làm việc quá nhiều giờ, đảm nhận quá nhiều trách nhiệm, và tự đặt áp lực quá lớn lên bản thân để đạt được sự xuất sắc – tất cả những điều này đều góp phần tạo ra trạng thái kiệt sức.
VẬY, “KIỆT SỨC” (HOẶC “BURNOUT”) CÓ NGHĨA LÀ GÌ?
“Kiệt sức” là một trạng thái căng thẳng kéo dài dẫn đến:
Cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần
Tính Hoài nghi và Cảm thấy Cách biệt
Cảm giác thiếu Năng suất và Thiếu thành tựu
Khi Năng lượng của bản thân cạn kiệt hoàn toàn, bạn sẽ không thể hoạt động hiệu quả ở cả mức độ cá nhân hay chuyên nghiệp nữa. Tuy nhiên, “Burnout” thường không xảy ra đột ngột. Bạn không thức dậy vào một buổi sáng và ngay lập tức trở nên kiệt quệ. Bản chất của nó thường âm ỉ hơn rất nhiều, nó len lỏi vào từng ngóc ngách trong chúng ta theo thời gian như một vết rò rỉ chầm chậm, khiến ta khó mà nhận ra. Dù vậy, cơ thể và trí óc của chúng ta sẽ gửi đến một số cảnh báo mà nếu để ý kĩ một chút, bạn có thể nhận ra chúng trước khi quá muộn.
Mỗi trạng thái trong ba trạng thái đã được mô tả ở trên đều có những dấu hiệu và triệu chứng riêng (mặc dù có sự trùng lặp ở một số trạng thái). Những dấu hiệu và triệu chứng này tồn tại theo một chuỗi liên tục. Nói một cách khác, căng thẳng và kiệt sức chỉ khác nhau về mức độ, điều đó có nghĩa là nếu bạn nhận ra các dấu hiệu sớm, bạn có thể phòng tránh việc bị kiệt sức tốt hơn (trong trường hợp bạn hành động để giải quyết các triệu chứng khi bạn nhận ra chúng).
Mệt mỏi kéo dài. Ở giai đoạn ban đầu, cảm giác thiếu năng lượng và mệt mỏi thường xuyên ám ảnh bạn. Dần dần, bạn bắt đầu trở nên hoàn toàn kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí cảm thấy mất hứng thú với những điều sắp diễn ra.
Khó ngủ. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể gặp khó khăn trong việc ngủ hoặc chỉ có thể ngủ một hoặc hai đêm trong tuần. Ở các giai đoạn sau này, mất ngủ có thể trở thành một thách thức dai dẳng hàng đêm; bạn càng kiệt sức, bạn càng khó có được một giấc ngủ đủ.
Giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung. Thiếu tập trung và hay quên là những dấu hiệu ban đầu. Sau này, những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến việc bạn không thể hoàn thành công việc của mình, gây ra tình trạng quá tải.
Triệu chứng cơ thể. Bao gồm đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, ngất xỉu và/hoặc đau đầu (tất cả các triệu chứng này cần được đánh giá từ góc độ y học).
Đau ốm liên tục. Sự suy giảm sức mạnh của cơ thể sẽ dẫn đến hệ miễn dịch trở nên yếu đuối, khiến bạn dễ bị tấn công hơn bởi nhiễm trùng, cảm lạnh, cảm cúm, và các vấn đề khác liên quan đến hệ miễn dịch.
Chán ăn. Ban đầu, bạn có thể không cảm thấy đói và bỏ qua vài bữa ăn. Sau đó, cảm giác muốn ăn có thể mất hẳn và bạn bắt đầu giảm cân đáng kể.
Rối loạn lo âu. Ban đầu, bạn có thể trải qua những biểu hiện căng thẳng nhẹ nhàng, lo lắng và tức giận. Khi cảm giác kiệt quệ bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn, lo âu có thể trở nên nặng nề hơn, làm suy giảm khả năng làm việc hiệu quả và gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân của bạn.
Trầm cảm. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể cảm thấy buồn và đôi khi cảm thấy tuyệt vọng; cảm giác tội lỗi và vô dụng áp đảo bạn. Đến giai đoạn tồi tệ nhất, bạn có thể cảm thấy bị mắc kẹt và chìm sâu trong trầm cảm với suy nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu không có bạn trên thế giới này. (Nếu trạng thái trầm cảm của bạn đã đạt đến mức độ này, bạn cần tìm sự tư vấn chuyên môn ngay lập tức).
Tức giận. Điều này ban đầu có thể thể hiện qua tình trạng căng thẳng và sự cáu kỉnh với người khác. Dần dần sau đó, nó có thể trở thành những cơn thịnh nộ và xung đột nghiêm trọng trong gia đình hoặc nơi làm việc. (Nếu sự tức giận của bạn đã đạt đến mức độ khiến bạn có suy nghĩ hoặc hành động bạo lực gây tổn thương cho gia đình và đồng nghiệp, bạn cần tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt).
Mất hứng thú. Ban đầu, cảm giác mất hứng thú có thể rất nhẹ nhàng, như là không muốn đi làm hoặc muốn về sớm. Nếu không được can thiệp kịp thời, sự mất hứng này có thể lan rộng ra mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn, bao gồm thời gian bạn dành cho gia đình và bạn bè. Ở nơi làm việc, bạn cố gắng tránh các dự án và trốn tránh công việc nói chung.
Bi quan. Ban đầu, bi quan có thể thể hiện qua những lời nói tiêu cực về bản thân và/hoặc quan điểm tiêu cực về mọi việc thay vì tích cực. Tệ hại nhất là khi bi quan bắt đầu trở nên nghiêm trọng, chuyển từ việc bạn nhìn nhận bản thân sang mất niềm tin vào bạn bè, đồng nghiệp và cảm giác bạn không còn có thể tin tưởng vào ai được nữa.
Tự cô lập. Ở giai đoạn ban đầu, điều này thể hiện như sự tránh xa nhẹ nhàng khỏi việc tiếp xúc xã hội (như không muốn ra ngoài ăn trưa; thường đóng cửa phòng để tránh tiếp xúc với người khác). Đến giai đoạn sau, bạn có thể cảm thấy tức giận khi ai đó cố gắng giao tiếp với bạn hoặc cố ý đến sớm và về muộn để tránh tiếp xúc với mọi người.
Tách biệt. Tách biệt là cảm giác phổ biến xảy ra do mất kết nối với người khác hoặc với môi trường xung quanh. Nó có thể diễn ra dưới dạng những hành vi được mô tả ở trên, dẫn đến việc từ chối công việc và trách nhiệm khác của bạn, về mặt cả thể chất lẫn tinh thần. Bạn có thể thường xuyên xin nghỉ phép vì lí do bệnh tật, ngừng trả lời tin nhắn và email, hoặc thường xuyên đến muộn.
Cảm giác thờ ơ và tuyệt vọng. Điều này được mô tả tương tự như hai triệu chứng trầm cảm và bi quan ở trên. Nó khiến bạn cảm thấy như không có gì đúng đắn và đáng quan tâm. Khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, cảm giác này có thể trở nên tê liệt, khiến bạn đôi khi tự hỏi liệu làm điều đó có ý nghĩa gì.
Thường xuyên cáu gắt. Sự cáu gắt thường bắt nguồn từ cảm giác không hiệu quả, không quan trọng, vô dụng và cảm giác bản thân mình không còn làm việc năng nổ như trước đây. Ở giai đoạn ban đầu, điều này có thể gây cản trở trong các mối quan hệ công việc và cá nhân. Ở giai đoạn tệ hơn, nó có thể phá hủy mối quan hệ và sự nghiệp của bạn.
Làm việc thiếu năng suất và hiệu suất kém. Dù có làm việc cả ngày, sự căng thẳng kéo dài có thể làm giảm năng suất làm việc hơn trước, dẫn đến việc bỏ dở các dự án và kéo dài thêm danh sách công việc cần làm. Đôi khi, bạn có cảm giác đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể hoàn thành hết công việc.
Tuyệt vời nếu bạn không gặp phải bất kỳ vấn đề nào đã được nêu trên. Tuy nhiên, hãy nhớ những dấu hiệu cảnh báo này, burnout có thể âm thầm xâm nhập và làm trở ngại cho cuộc sống bận rộn của bạn.
Nếu bạn đang gặp phải một trong những vấn đề đã được nêu trên, đó nên là điều cảnh báo rằng bạn đang tiến gần vào một hành trình nguy hiểm. Hãy dành chút thời gian để chân thật đối diện với mức độ căng thẳng trong cuộc sống của bạn và tìm cách giảm bớt chúng trước khi quá muộn. 'Kiệt quệ' không phải là một cơn cảm lạnh; nó sẽ không tự tan biến sau vài tuần nếu bạn không thay đổi lối sống của mình. Dù có khó khăn nhưng đó vẫn là quyết định thông minh nhất, vì một sự thay đổi nhỏ từ bây giờ sẽ giúp bạn tiếp tục cuộc đua với nhiều sức mạnh hơn và đạt được mục tiêu mà bạn mong muốn.