Bé yêu của bạn có hay “đánh đấm” không? Sự khác biệt trong tần suất hoạt động của thai nhi là một dấu hiệu phổ biến suốt thai kỳ. Có những bé điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Trong khi đó, có những quậy phá, đùa nghịch suốt ngày.
1/ Khi nào?
Bắt đầu từ tuần thứ 8, bé cưng đã có khả năng nhào lộn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn khó mà cảm nhận được sự chuyển động của con. Đến 3 tháng giữa, những động tác này vẫn khá nhẹ nhàng. Tới 3 tháng cuối, bé cưng mới thực sự “hoạt bát” trong bụng mẹ. Chuyển động của bé bây giờ đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.
Để kiểm tra xem bé cưng có đang hoạt động hay không, bạn hãy chọn thời điểm thực sự thư giãn. Buổi tối khi bạn đang nghỉ trên giường hoặc đang thư giãn trong bồn tắm là những lựa chọn tốt. Khi bạn thư giãn hoặc ở trong không gian yên tĩnh, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hoạt động của thai nhi.
2/ Rủi Ro
Nhiều mẹ thậm chí lên lịch và ghi chép về hoạt động của thai nhi để đánh dấu và dự đoán động tác của bé trong những kỳ sau. Tuy nhiên, vì lí do này, các mẹ lại thường lo lắng về sự thay đổi về tần suất và thời gian chuyển động của thai nhi.
Với niềm tin rằng bé càng vận động nhiều thì sức khỏe càng tốt, nhiều mẹ cảm thấy lo lắng nếu không thấy bé di chuyển nhiều trong ngày. Thực tế, trong một số trường hợp, thai nhi bất ngờ di chuyển nhiều có thể do ngạt thở hoặc thiếu oxy do dây rốn quấn quanh cổ bé... Tình huống này rất nguy hiểm, nếu không giải quyết kịp thời, có thể dẫn đến thai chết lưu.
Nếu lo lắng về tần suất hoạt động của bé yêu, mẹ có thể thăm bác sĩ để được tư vấn. Không có một chuẩn mực cụ thể về tần suất chuyển động để đánh giá sức khỏe của em bé. Chỉ có những chuyên gia với các xét nghiệm chi tiết mới có thể giúp mẹ có những câu trả lời chính xác.