Decoding là một quá trình nhận diện từ trong một bài đọc hoặc một văn bản và luôn luôn xuất hiện khi người đọc thực hiện việc đọc hiểu. Bài viết này sẽ giúp người đọc có cái nhìn chi tiết hơn về quá trình Decoding và cũng như là đề xuất các cách để giúp người đọc cải thiện việc nhận diện từ vựng trong quá trình này.
Key takeaways
Decoding là một quá trình nhận biết từ vựng khi đọc một văn bản. Trong quá trình này, mặt chữ của từ sẽ được chuyển thành giọng nói bằng sự kết hợp của một chữ cái hoặc tổ hợp các chữ cái với âm vị của từ.
Quá trình decoding để nhận diện từ vựng là cần thiết để giúp tiết kiệm thời gian học tập và thúc đẩy sự tiến bộ trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và trong quá trình đọc văn bản bằng tiếng Anh nói riêng.
Ngữ âm có tầm quan trọng trong đọc hiểu vì kiến thức âm vị và chữ là nền tảng cần thiết để hình thành nên quá trình decoding.
Để có thể cải thiện quá trình decoding, người đọc nên tìm hiểu thêm về các kiến thức ngữ âm, mở rộng thêm vốn từ và luyện tập nhận diện từ vựng qua âm thanh và mặt chữ.
Tuy nhiên, trong trường hợp khi gặp một từ không quen thuộc, quá trình decoding có thể sẽ bị ảnh hưởng. Người đọc có thể cố gắng phát âm từ bằng cách áp dụng các nguyên tắc, kiến thức về sự tương ứng giữa các chữ cái và âm vị và sẽ có thể có 2 trường hợp có thể xảy ra. Nếu cách phát âm của từ không quen thuộc mà khớp với một từ trong từ vựng đã biết của người đọc, thì từ đó sẽ được nhận diện và quá trình đọc hiểu văn bản sẽ được tiếp tục. Ngoài ra, nếu từ đó không có sự tương đồng nào với từ vựng của người đọc thì từ đó sẽ không được nhận diện, dẫn đến quá trình đọc sẽ thiếu trôi chảy và việc đọc hiểu sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ: The supporters of vertical farming claim many potential advantages.
Trong trường hợp này, để nhận diện từ trong câu, người đọc cần ‘‘nghe’ được các âm vị và âm tiết trong đầu, từ đó liên tưởng chúng tới các từ đơn lẻ như supporters /səˈpɔːtərz/, vertical /ˈvɜːtɪkl/, farming /ˈfɑːmɪŋ/, potential /pəˈtenʃl/, advantage /ədˈvɑːntɪdʒ/.
Tại sao lại cần áp dụng Decoding vào Reading?
Trong một bài đọc Reading, người đọc phải đọc hiểu và phân tích kỹ một lượng thông tin và từ vựng lớn nhằm tìm ra đáp án cho các câu hỏi. Do đó, việc gặp phải từ vựng mới là điều chắc chắc sẽ xảy ra và nó sẽ gây cản trở cho khả năng nắm bắt nội dung tổng quan và chi tiết trong bài đọc. Khả năng đọc hiểu đôi khi không quá phụ thuộc vào kỹ năng nhận diện từ vựng tốt nếu khả năng ngôn ngữ tốt. Tuy vậy, trong thực tế, không phải bất kỳ người học ngôn ngữ nào hay cụ thể hơn là người đọc cũng có cơ hội và điều kiện để phát triển khả năng ngôn ngữ. Kỹ năng nhận diện từ vựng như decoding trong hoàn cảnh này, là cần thiết để giúp tiết kiệm thời gian học tập và thúc đẩy sự tiến bộ trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và trong quá trình đọc văn bản bằng tiếng Anh nói riêng.
Vai trò của ngữ âm trong quá trình decoding là gì?
Cách cải thiện quá trình Decoding trong Reading
Nắm vững kiến thức về ngữ âm
Vì ngữ âm đóng vai trò mật thiết trong quá trình decoding nên người đọc nên tìm hiểu các quy tắc về ngữ âm để giúp việc decoding khi đọc hiểu hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với các từ vựng mới mà người đọc chưa sử dụng hoặc nhận biết bao giờ. Do đó, người đọc nên tìm hiểu các quy tắc về ngữ âm một cách tổng quan để có thể đọc được âm của chúng. Và sau khi nhiều lần tiếp xúc với từ đó, người đọc có thể ghi nhớ được cách đọc cũng như mặt chữ của từ.
Với người đọc mới bắt đầu và chưa vững về tiếng Anh, người đọc nên tìm hiểu về bảng phiên âm quốc tế IPA trước. Bảng phiên âm tiếng Anh IPA (International Phonetic Alphabet) là bảng ký hiệu Ngữ âm quốc tế. Đây là hệ thống các ký hiệu ngữ âm được các nhà ngôn ngữ học tạo ra và sử dụng nhằm thể hiện các âm tiết trong tiếng Anh (bao gồm cả phụ âm và nguyên âm trong tiếng Anh) một cách chuẩn xác và riêng biệt. Trong quá trình học, người đọc cũng nên luyện tập nghe các từ được kết hợp bởi các âm vừa học để có thể ghi nhớ các âm cũng như là từ vựng. Người đọc có thể tiếp tục với những cụm từ dài hơn hoặc câu và đoạn văn sau khi đã quen với các âm trong tiếng Anh. Sau khi người đọc đã có đủ kiến thức nền về ngữ âm thì quá trình decoding khi đọc bài sẽ diễn ra tự nhiên hơn.
Mở rộng vốn từ vựng
Quá trình decoding có thể được đẩy nhanh khi người đọc đã có vốn từ vựng. Với tốc độ đọc và nhận dạng từ trực quan, não bộ sẽ làm việc ít hơn và do đó người đọc có thể tập trung để đọc hiểu dễ dàng hơn. Việc xây dựng từ vựng dễ dàng nhất khi người đọc gặp các từ trong ngữ cảnh bài đọc do người đọc không chỉ tiếp xúc với những từ không quen thuộc mà còn thấy ngữ cảnh chúng được sử dụng. Phương pháp mở rộng từ vựng qua ngữ cảnh này sẽ vừa giúp người đọc nhớ được ý nghĩa của từ mà còn thể nhận biết được ngữ cảnh từ sẽ được áp dụng. Trong quá trình học từ vựng qua ngữ cảnh, người đọc nên ghi chép lại từ và nghĩa cũng như là cách phát âm của từ, đồng thời người đọc cũng nên tự tạo ví dụ với từ để có thể ghi nhớ lâu hơn.
Ví dụ: ''On the 1st of June, the seven-day average of national covid cases had fallen from a January peak of around two hundred and fifty-nine thousand to around seventeen thousand, and vaccines had become widely available.''
Giả dụ, từ ''peak'' là một từ mới và người đọc sẽ tìm hiểu ý nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh của câu trích trên. Người đọc có các thông tin là từ ngày 1/6, trung bình các ca nhiễm Covid của cả nước trong bảy ngày đã giảm từ ''January peak'' khoảng 219 nghìn xuống 17 nghìn ca, và vắc xin cũng đã được phổ biến rộng rãi. Người đọc có thể nhận thấy ''peak'' ở đây là một danh từ và khi nhìn vào ngữ cảnh, người đọc có thể hiểu được đây là một cột mốc của tháng 1 với số liệu ca mắc covid là 219 ca. Ngoài ra, dựa vào ngữ cảnh toàn bộ câu người đọc cũng có thể nhận thấy số liệu đã giảm từ cột mốc tháng 1 xuống còn 17 nghìn ca. Vì vậy, người đọc có thể hiểu từ ''peak'' ở đây sẽ là một cột mốc với số liệu cao, và sẽ có cách phát âm là /piːk/’.
Sau đó, người đọc có thể tự đặt ví dụ với từ ‘’peak’’ như sau: ‘’Traffic reaches its peak between 7 and 8 in the morning.’’
Tập trung vào việc nhận biết từ vựng qua âm thanh và mặt chữ
Để có thể nhận diện được từ vựng qua cả âm thanh và mặt chữ, người đọc có thể vừa nghe vừa đọc transcript/phụ đề cùng lúc. Ngoài ra, người đọc cũng có thể sử dụng phương pháp Dictation để luyện tập. Ở phương pháp này người đọc sẽ được nghe một đoạn audio và ghi chép lại những từ mình nghe được. Việc áp dụng những cách trên sẽ giúp người đọc tạo mối liên hệ giữa cách phát âm và cách viết của một từ. Dưới đây sẽ là các trang web người đọc có thể tham khảo để có thể luyện tập phương pháp Dictation:
Breaking News English (https://breakingnewsenglish.com/)
Breaking News English có tài liệu được chia theo 7 levels từ 0 – 6 và sẽ phù hợp với các trình độ, kể cả những người mới bắt đầu học Tiếng Anh. Các đoạn recording tương đối ngắn nên người đọc có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh trong ngày để luyện tập.
Listen a minute (https://listenaminute.com/)
Trang web này cung cấp nhiều chủ đề cho người đọc lựa chọn và các bản ghi âm có độ dài chỉ khoảng 1 phút, giúp người đọc có thể luyện tập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các bản ghi âm trên trang web này thường sử dụng giọng Anh-Anh và có tốc độ khá nhanh.
TED (https://www.ted.com/)
TED là một trang web có lẽ đã quen thuộc với nhiều người đọc. Với đa dạng chủ đề và khả năng điều chỉnh tốc độ cùng với script có sẵn, TED là một công cụ hữu ích để luyện tập Dictation. Tuy nhiên, từ vựng trong các bài nói trên trang web này thường khá khó nên người đọc ở trình độ thấp và trung bình cần cân nhắc trước khi luyện tập.