Phù Châu miếu | |
---|---|
Miếu Nổi nhìn từ bờ sông Vàm Thuật | |
Wikimedia | © OpenStreetMap | |
Vị trí | |
Toạ độ | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | 420/2, Nguyễn Thái Sơn, phường 5, Gò Vấp |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo, tín ngưỡng người Hoa |
Khởi lập | thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Miếu Phù Châu (浮珠廟), thường được gọi là miếu Nổi, là một ngôi miếu cổ tọa lạc trên sông Vàm Thuật thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa điểm
Miếu Phù Châu nằm trên khu vực cù lao giữa sông Vàm Thuật (trước đây gọi là Bến Cát), một nhánh của sông Sài Gòn, hiện thuộc phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Miếu tọa lạc trên một cồn đất nhỏ, hình dạng như bàn chân, có diện tích khoảng 2500 mét vuông, nổi lên giữa sông Vàm Thuật. Miếu có diện tích khoảng 550 mét vuông và được xây dựng gần như bao trùm toàn bộ cồn đất. Xung quanh cồn có nhiều đá xanh lồi lên, khiến địa hình nơi đây trở nên đặc biệt và được gọi là Miếu Nổi. Để đến được Miếu Nổi, khách phải đi bằng đò.
Lịch sử
Miếu Phù Châu có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19, tuy không có tài liệu lịch sử ghi chép rõ ràng. Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 18, một ngư dân trong vùng đã vớt được xác một phụ nữ và chôn cất trên cù lao, sau đó xây dựng một miếu nhỏ để thờ oan hồn. Ban đầu, miếu được làm bằng tre và lá dừa do các nhà buôn đường thủy cùng các bô lão địa phương dựng lên, nhằm thờ Ngũ Hành và Long Mẫu để cầu mong sự bình an và thuận lợi trên sông nước.
Trước năm 1975, Miếu là một địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Sau năm 1975, miếu gần như bị bỏ hoang. Vào năm 1992, một người tên Sáu Hòa đã đứng ra vận động và khôi phục lại miếu. Hiện nay, ông Lục Câu, trưởng ban quản lý miếu, đã tự tay thiết kế và thực hiện các công việc sửa chữa, phục hồi các hình tượng trong miếu.
Sau nhiều lần được trùng tu, Phù Châu Miếu hiện nay đã trở thành một công trình khang trang với kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa văn hóa Việt và Hoa. Đây là một trong những điểm tham quan nổi bật của thành phố. Tác giả Huỳnh Minh đã kể lại một câu chuyện truyền khẩu liên quan đến ngôi miếu này.
- Có truyền thuyết rằng, nhiều năm trước, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu thường xuất hiện một cặp cá bông lớn lờ lững trên mặt nước. Người dân quanh vùng tin rằng đây là cá thần của bà cậu, và không ai dám quấy rầy chúng. Mỗi khi cá nổi lên, thường có những chuyện bất an hoặc báo hiệu những tai nạn chết người dưới sông.
Cảnh quan và kiến trúc
“ | Cảnh trí của cuộc đất nhỏ nhô lên giữa dòng sông rất thơ mộng. Chung quanh có cây cao bóng mát. Khách thừa lương mến cảnh tịnh liêu, trong những ngày rảnh rỗi thường đến đây du ngoạn. Vì chốn này vắng vẻ, xa thành thị, riêng biệt thự một khu vực trời nước bao la. Phải là nơi lý tưởng cho những ai có tâm hồn thầm lặng... | ” |
Miếu Phù Châu tọa lạc trên một cồn đất nhỏ có diện tích khoảng 2500 mét vuông, được bao quanh bởi sông nước. Bờ Tây của sông là khu dân cư thuộc phường 5, Gò Vấp, trong khi bờ Đông là vùng canh tác thuộc phường An Phú Đông, quận 12. Cả hai bến đò Miếu Nổi và Bến Cát đều còn giữ lại chút hương vị của vùng đất Gia Định xưa.
Mặt tiền của miếu hướng về phía Nam, được thiết kế theo kiểu chữ tam (三), bao gồm ba tòa nhà liên kết bởi hai sân thiên tỉnh hẹp có mái lợp. Mái được lợp ngói âm dương màu xanh ngọc, gồm hai tầng chồng lên nhau. Trên nóc các tòa nhà có trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm và rồng chầu cuốn thư. Ở bốn đầu đao cong lên gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng cùng các họa tiết hoa cúc dây, lá nho, sông nước. Các bức tường được sơn màu hồng đậm, mí cửa sơn màu đỏ.
Toàn bộ kiến trúc của miếu được trang trí công phu với các họa tiết rồng, phượng và cẩn sứ. Các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ. Hai bên tường được cẩn sành với các hình tượng tín ngưỡng dân gian. Trong khuôn viên miếu có một cây si cổ thụ gần 100 năm tuổi. Xung quanh có ghế đá cho du khách nghỉ chân và thưởng cảnh. Ngoài miếu còn có một miếu nhỏ thờ ông Hổ, tín ngưỡng sơ khai do người Hoa mang từ quê hương. Bên trong miếu có bệ thờ giả sơn với năm tượng hổ ở tư thế chồm.
Khu trung tâm thờ tự của miếu được chia thành ba phần: tiền điện, trung điện và chính điện.
- Tiền điện: chính giữa thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Phía trước là Quan Âm Chuẩn Đề ngồi trên toà sen với 18 cánh tay cầm pháp khí. Dọc theo tường treo hai bức phù điêu Thập Bát La Hán.
- Trung điện: chính giữa thờ Tề Thiên Đại Thánh, xung quanh là bao lam gỗ chạm lọng với hình ảnh tiên nữ dâng đào và bốn chữ khắc: 'Thánh Gia bảo điện'. Khu vực nối giữa trung và chính điện có một sân thiên tỉnh hẹp với hai lư hương lớn cẩn sành nhiều màu.
- Chính điện: chính giữa thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong đặt năm tượng gỗ thờ Kim, Thủy, Hỏa, Thổ, Mộc. Trước điện là bàn hương án thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Bao quanh chính điện là bao lam gỗ chạm long với chủ đề tứ linh, mai lan cúc trúc, phía trên có hàng chữ: 'Hành Thánh Mẫu bảo điện'. Bên phải chính điện thờ Quan Công, bên trái thờ Bao Công. Đối diện điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ pháp. Trên tường trang trí phù điêu màu sắc rực rỡ hình tùng hạc và Phật Di Lặc.
Tín ngưỡng
Ban đầu, miếu chỉ thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh - những vị thần được người Trung Hoa coi trọng vì sự minh mẫn, tình yêu đối với dân và sự giúp đỡ (như Bao Công, Tề Thiên). Miếu cũng thờ các tín ngưỡng sơ khai như Hổ và Lân. Sau này, miếu mở rộng thờ Phật Di Lặc, Quan Âm, Thập Bát La Hán cùng các vị thần dân gian Việt Nam như Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền Thất Tổ.
Trước năm 1975, miếu thường xuyên tổ chức các lễ hội vào ngày mùng một, ngày rằm (âm lịch) và các ngày vía của các vị thần, thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng lễ. Hiện nay, các lễ hội chỉ còn được tổ chức vào rằm tháng Giêng, tháng Hai và tháng Bảy.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Miếu Nổi trên Google Earth
- Tiền cảnh của Miếu Nổi có thể xem tại Lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2015 trên Wayback Machine - hình ảnh trên panoramio.com
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh |
---|