Lý giải sức hút của Đà Lạt, Hội An hay Bangkok dù đã đến nhiều lần vẫn không chán.
Khi đi du lịch, bạn sẽ chọn khám phá địa điểm mới hay quay lại nơi đã từng đến?
Mới đọc câu hỏi này, có lẽ bạn sẽ nghĩ “đi rồi thì sao cần quay lại”. Nhưng thực tế, việc “trở lại chốn cũ” để nghỉ ngơi phổ biến hơn bạn tưởng. Theo khảo sát từ Travel Republic, có tới 93% người dùng từng quay lại ít nhất 2 lần một địa điểm, thậm chí có người còn đi tới 9-10 lần.
Ở Việt Nam, không khó để thấy trong vòng bạn bè những người đã nhiều lần đến Đà Nẵng, Phú Quốc hay Bangkok. Dù loại trừ lý do thăm thân hay dự sự kiện, họ vẫn quay lại những nơi này để nghỉ dưỡng và vui chơi.
Trong tiếng Anh có thuật ngữ holiday rut (tạm dịch: lối mòn kỳ nghỉ) chỉ hiện tượng này. Vậy điều gì khiến họ muốn “trở lại chốn cũ” dù có rất nhiều lựa chọn khác?
Vùng an toàn luôn mang lại cảm giác thoải mái nhất
Khi đến một nơi mới lạ, bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Ở nơi xa lạ, bạn phải tìm hiểu kỹ trước khi đi, cảnh giác để tránh bị lừa. Não bộ coi những việc này là căng thẳng nhẹ, từ đó sản sinh cortisol và adrenaline để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Ngược lại, nếu trở lại nơi quen thuộc, bạn sẽ ít phải đề phòng hơn. Bạn đã biết rõ “đường đi nước bước” và các mẹo tránh bị lừa. Tâm trạng vì thế cũng thoải mái hơn, giúp bạn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc và tìm thấy sự bình yên giữa cuộc sống đầy biến động.
.
Sự quen thuộc là yếu tố hàng đầu khiến người tham gia khảo sát lựa chọn, với 49% chia sẻ họ quay lại nơi cũ vì yêu thích văn hóa và ẩm thực ở đó. Khoảng 31% người tham gia cũng cho rằng việc tìm kiếm các ưu đãi tốt về ăn uống, giải trí… ở nơi họ đã đến dễ dàng hơn nhiều so với địa điểm mới.
Não bộ mệt mỏi vì phải đưa ra quá nhiều quyết định
Khi chọn đến một nơi mới, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều quyết định. Chẳng hạn như đổi bao nhiêu tiền, xin visa như thế nào, ăn uống và giải trí ở đâu, có cần mua vé trước không…
Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến decision fatigue - sự mệt mỏi trong việc ra quyết định đúng đắn sau khi phải đưa ra quá nhiều quyết định trước đó. Điều này tạo ra nghịch lý rằng bạn càng dễ rơi vào trạng thái “kém minh mẫn” khi đối mặt với các quyết định cần sự tỉnh táo cao (như khi khai visa, mua vé máy bay).
Trong khi đó, nếu quay lại nơi cũ, bạn đã có sẵn danh sách các điểm ăn chơi yêu thích và những mối quan hệ đã tạo dựng. Thậm chí, bạn có thể tận dụng tiền đổi từ lần trước hoặc visa còn hạn từ lần trước. Điều này giúp giảm đáng kể gánh nặng ra quyết định cho não, tăng khả năng tư duy minh mẫn để tận hưởng kỳ nghỉ lý tưởng.
“Bình cũ rượu mới” với những người khác nhau, bao gồm cả chính bạn
Cùng một địa điểm, nhưng khi đi với những người khác nhau, bạn sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Du lịch không chỉ là việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà còn là trải nghiệm được chia sẻ giữa nhiều người. Theo Washington Post, cách này giúp bạn có trải nghiệm du lịch mới mẻ ngay trong vùng an toàn của chính mình.
Kể cả khi du lịch một mình, sự thay đổi trong kinh nghiệm sống và những người bạn gặp trên hành trình cũng ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận địa điểm. Điều này giống như khi bạn xem lại một bộ phim và nhận ra những chi tiết mới mà lần trước không thấy. Tác giả Maureen Johnson đã đúc kết điều này trong tiểu thuyết The Last Little Blue Envelope:
'Bạn không bao giờ có thể đến một nơi hai lần. Mỗi lần sẽ là một câu chuyện khác nhau. Bằng chính hành động quay lại, bạn đã xóa sạch những gì xảy ra trước đó rồi.'
Điều gì khiến nơi đó luôn “níu chân” bạn?
Việc xin visa tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và cả sự mệt mỏi khi chuẩn bị giấy tờ. Đây là lý do Singapore và Thái Lan thu hút du khách Việt quay lại nhiều lần, nhờ chính sách miễn visa trong khu vực. Ngoài ra, sự tiện lợi về đường bay, cơ sở vật chất, dịch vụ và chi phí hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng.
Nếu bạn có trải nghiệm đặc biệt ở một nơi (chẳng hạn sinh ra/lớn lên, du học hoặc gặp người yêu), bạn có thể hình thành sự gắn bó đặc biệt về cảm xúc với nơi đó. Sự gắn bó này khiến nơi đó trở thành chiếc nôi an toàn, mà dù có quay lại bao nhiêu lần bạn vẫn không thấy chán.
Với chỉ 4-5 ngày cho chuyến đi, bạn khó có thể trải nghiệm hết mọi thứ. Một thành phố luôn có nhiều điều hơn những gì bạn thấy trên tờ rơi du lịch, và mỗi vùng miền của một quốc gia lại mang nét đặc trưng riêng. Vì thế, việc trở lại nhiều lần giúp bạn khám phá sâu hơn về địa điểm, vượt xa những gì được quảng bá.
Tóm lại, không có gì sai khi bạn quay lại một điểm đến nhiều lần. Thậm chí, đó còn là cách du lịch mang lại sự thoải mái, yên tâm mà vẫn giúp bạn mở rộng hiểu biết. Tuy nhiên, bạn cũng không nên bỏ qua những địa điểm mới, vì đó là cơ hội để bạn thực sự bước ra khỏi vùng an toàn và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ.